Nội Dung Chính
(Trang 125)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: - Trình bày được cấu tạo, nguyên lí hoạt động của hệ thống lái. - Nhận biết được một số nội dung cơ bản về sử dụng và bảo dưỡng hệ thống lái. |
Hình 24.1. Hệ thống lái ô tô
Khi người lái quay vành lái sẽ tác động đến bánh xe sau hay bánh xe trước? Tác động như thế nào?
I - CẤU TẠO VÀ NGUYÊN LÍ HOẠT ĐỘNG
Cấu tạo chung của hệ thống lái gồm (Hình 24.2) bộ phận cơ cấu lái, bộ phận dẫn động lái và hệ thống trợ lực lái.
Khám phá
Hãy cho biết các bộ phận chính và vai trò của chúng trong hệ thống lái. Hình 24.2. Cấu tạo chung của hệ thống lái
Dẫn động lài (trước cơ cấu lái) Ông dẫn dầu trợ lực Cơ cấu lại Dẫn động lái (sau cơ cấu lái |
(Trang 126)
1. Cơ cấu lái
a) Nhiệm vụ
Cơ cấu lái là bộ phận tạo ra tỉ số truyền chính của hệ thống lái. Nhờ có cơ cấu lái, người lái có thể dễ dàng quay các bánh xe dẫn hướng đến các góc độ mong muốn khác nhau.
b) Cấu tạo
Có nhiều loại cơ cấu lái khác nhau, được sử dụng trên các loại ô tô khác nhau. Cơ cấu lái bánh răng – thanh răng (Hình 24.3) là loại cơ cấu lái đơn giản, sử dụng phổ biến trên ô tô con. Bộ phận chính (tạo ra tỉ số truyền) của cơ cấu lái loại này là cặp chi tiết ăn khớp gồm bánh răng (2) và thanh răng (3) lắp chung trong một vỏ hộp.
c) Nguyên lí hoạt động
Khi người lái quay vành lái, bánh răng quay và làm thanh răng dịch chuyển qua lại. Thông qua các thanh đòn (4) làm quay bánh xe dẫn hướng (5) sang bên phải hoặc sang bên trái.
Các bánh xe dẫn hướng bên trái và bên phải được quay theo cùng chiều, tuỳ thuộc vào chiều quay vành lái.
Hình 24.3. Sơ đồ cấu tạo hệ thống lái với cơ cấu lái bánh răng – thanh răng
Thông tin bổ sung
Trên một số ô tô tải có nhiều cầu, bốn bánh xe thuộc hai cầu trước là những bánh xe dẫn hướng, chúng luôn quay cùng chiều với nhau (với các góc không bằng nhau) và theo chiều quay của vành lái. Trên một số ô tô con tất cả bốn bánh xe đều là bánh dẫn hướng, trong đó hai bánh xe sau được điều khiển tự động để có thể quay cùng chiều hoặc ngược chiều với hai bánh xe trước tuỳ theo trạng thái chuyển động của ô tô. |
(Trang 127)
2. Dẫn động lái
a) Nhiệm vụ
Bộ phận dẫn động lái có nhiệm vụ truyền chuyển động quay của vành lái đến cơ cấu lái và từ cơ cấu lái đền các bánh xe dẫn hướng.
b) Cấu tạo
Phần bộ phận dẫn động phía trước cơ cấu lái bao gồm vành lái và các trục quay nối với nhau bằng khớp các đăng (Hình 24.4.a). Ở phía sau, cơ cấu lái nối đến các bánh xe thông qua các thanh đòn và các khớp cầu (Hình 24.4.b).
c) Nguyên lí hoạt động
Khi người lái xe quay vành lái, mô men quay được truyền qua các trục và khớp các đăng đến cơ cấu lái. Mô men đó được cơ cấu lái biến đổi (tăng lên) và được truyền qua các thanh đòn cùng khớp cầu đến các bánh xe dẫn hướng, làm quay các bánh xe dẫn hướng.
Hình 24.4. Một số cụm chi tiết của bộ phận dẫn động lái
3. Trợ lực lái
a) Nhiệm vụ
Hệ thống trợ lực lái có tác dụng giảm nhẹ lực cần tác dụng lên vành lái để điều khiển hướng chuyển động của xe.
(Trang 128)
b) Cấu tạo
Hệ thống trợ lực lái bằng điện (điều khiển bằng điện tử) đang được sử dụng ngày càng nhiều trên ô tô con. Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay vẫn là hệ thống trợ lực lái bằng thuỷ lực với các bộ phận chính (Hình 24.5): bơm trợ lực (1), cụm van phân phối (3), các đường ống dẫn dầu (4), pít tông trợ lực (5).
c) Nguyên lí làm việc
Khi xe chuyển động thẳng, dầu từ bơm trợ lực chảy theo ống dẫn dầu áp suất cao đến cụm van phân phối và quay trở về bơm.
Khi người lái xe quay vành lái sang trái, cụm van phân phối thay đổi trạng thái đóng, mở của các van thuỷ lực, dầu áp suất cao từ bơm đi qua van đến khoang dầu bên trái pít tông trợ lực, tạo lực đẩy pít tông này cùng với thanh răng hướng sang bên phải (gọi là lực trợ lực). Lực trợ lực này cùng với lực tác dụng của người lái xe từ vành lái truyền qua bánh răng đến làm thanh răng dịch chuyển sang phải và làm quay các bánh xe dẫn hướng sang bên trái.
Hình 24.5. Hệ thống trợ lực lái
1. Bơm dầu trợ lực
2. Ông dẫn dầu áp suất cao
3. Cụm van phân phối
4. Các ống dẫn dầu
5. Pít tông trợ lực
6. Bánh răng
7. Thanh răng
Thông tin bổ sung
Các cơ cấu hấp thụ xung lực va chạm thường được thiết kế trong phần dẫn động lái từ vành lái đến cơ cấu lái nhằm bảo vệ người lái khỏi bị chấn thương nặng khi xảy ra va chạm phía trước của xe. |
(Trang 129)
Luyện tập
Hãy cho biết những chi tiết tạo nên tỉ số truyền chính trong hệ thống lái trên Hình 24.3. |
II – SỬ DỤNG BẢO DƯỠNG
Hệ thống lái là hệ thống rất quan trọng đối với an toàn chuyển động của ô tô. Nếu hệ thống lái bị hỏng đột ngột trong khi ô tô đang chuyển động (người lái không còn tiếp tục điều khiển được hướng chuyển động của xe) thì sẽ rất nguy hiểm.
Trong quá trình sử dụng, việc kiểm tra, bảo dưỡng theo định kì có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì trạng thái làm việc an toàn và tin cậy của hệ thống lái. Việc tự theo dõi nhằm phát hiện tình trạng hoạt động bất thường của hệ thống lái không kém phần quan trọng. Cần đưa xe đến cơ sở dịch vụ kĩ thuật ô tô để kiểm tra, khắc phục khi thấy các hiện tượng bất thường như lực điều khiển vành lái nặng hơn bình thường, độ rơ lỏng của vành lái lớn hơn bình thường, xe không còn khả năng tự ổn định hướng chuyển động thẳng trên đường bằng phẳng, đèn cảnh báo tình trạng kĩ thuật bất thường của hệ thống lái (nếu có) bật sáng trên trên bảng thông tin tín hiệu của xe,...
Các công việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lái theo định kì bao gồm kiểm tra và điều chỉnh độ rơ lỏng của vành lái, kiểm tra mức dầu trợ lực lái (bổ sung dầu trợ lực nếu cần) và hoạt động của hệ thống trợ lực lái, kiểm tra các khớp nối (và điều chỉnh nếu cần)....
Khám phá
Hãy cho biết: - Khi nào cần đưa xe đi kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lái. - Các mục kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lái. bảo dưỡng hệ thống lái. |
Vận dụng
Hãy quan sát Hình 24.2 và cho biết cần quay vành lái theo chiều nào để xe chuyển động tiến hướng sang bên phải, lùi sang bên trái. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn