Trang 18
Yêu cầu
• Biết vận dụng những hiểu biết về lịch sử văn học, về tác giả và phong cách nghệ thuật của tác giả, về đặc điểm của các thể loại,... để thực hiện đề tài, vấn đề nghiên cứu của mình.
• Biết huy động các tri thức, kĩ năng, phương pháp, trải nghiệm,... để viết được báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.
I. CÁCH TRIỂN KHAI BÁO CÁO
Phần 1 đã giới thiệu một số hưởng nghiên cứu và theo đó là những gợi ý các đề tài, vấn đề cụ thể. Mỗi một hướng nghiên cứu và mỗi loại đề tài, vấn đề sẽ có các cách triển khai khác nhau, nhưng thao tác làm việc cơ bản giống nhau. Sau đây là gợi ý về cách triển khai hai hướng nghiên cứu mà bạn có thể tham khảo.
1. Nghiên cứu theo hướng “giải mã”, phân tích giá trị của một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm văn học trung đại
Chuẩn bị
– Kiểm tra lại, hệ thống hoá kết quả công việc đã thực hiện ở bước thu thập, xử lí ngữ liệu.
– Xác định, sắp xếp các ý kiến trích dẫn theo từng nhóm vấn đề.
Tìm ý, lập đề cương
Báo cáo nghiên cứu theo hướng "giải mã", phân tích giá trị của một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam cần đảm bảo bao quát nhiều phương diện. Trên cơ sở các luận điểm, có thể có nhiều phương án sắp xếp trình tự ý. Những gợi ý sau có thể áp dụng cho nhiều trường hợp để hình thành các ý chính và lập đề cương.
Trang 19
Đặt vấn đề:
– Giới thiệu về tác giả: họ tên, năm sinh, năm mất (nếu đã mất), tên chữ tên hiệu,... quả quán, dòng tộc, thời đại; cuộc đời và sự nghiệp,...
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm (đoạn trích); giới thiệu qua hoặc nhấn mạnh điểm đáng lưu ý về văn bản gốc và các bản phiên âm, dịch chủ (nếu có);
Giải quyết vấn đề:
– Những giới thiệu, tìm hiểu, nghiên cứu về tác phẩm đã có.
– Điểm đáng chú ý về thể loại, ngôn ngữ, cấu trúc,... của tác phẩm.
– Đề tài, chủ đề, cảm hứng của tác phẩm.
– Phân tích, đánh giá những khía cạnh/ phương diện/ vấn đề nội dung nổi bật được thể hiện trong tác phẩm.
– Mối liên hệ giữa nội dung, tư tưởng của tác phẩm với lịch sử, thời đại, xã hội.
– Mối liên hệ về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật giữa tác phẩm đang tìm hiểu với tác phẩm khác (của cùng hay khác tác giả,....).
– Hệ thống hình ảnh, hình tượng, từ ngữ và thủ pháp nghệ thuật nổi bật.
Kết luận:
– Khẳng định giá trị đặc sắc của tác phẩm (đoạn trích).
– Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo,
Tài liệu tham khảo:
Nếu danh mục các tài liệu được tham khảo, trích dẫn trong bài viết.
Viết
– Cần huy động và linh hoạt lựa chọn, "điều tiết" vốn từ ngữ. Trong báo cáo nghiên cứu, ngôn từ không cần cầu kì, trau chuốt, bay bổng; nên chú ý dùng một cách chuẩn xác các khái niệm, thuật ngữ. Các đại từ nhân xưng nếu được sử dụng phải trung tính.
– Có thể sử dụng cách diễn đạt đa dạng, cấu trúc câu văn linh hoạt để tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần đảm bảo là sự rõ ràng, mạch lạc
– Chú ý cách đưa dẫn chứng, trích dẫn phù hợp, xác thực, không dài dòng.
– Phối hợp lời văn với các sơ đồ, biểu đồ, hình minh hoạ, bảng thống kê,... một cách hợp lí sẽ khiến báo cáo nghiên cứu có sức thuyết phục.
– Việc trích dẫn ngữ liệu và ý kiến nghiên cứu cần đảm bảo đúng quy cách và thống nhất.
Trang 20
Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Kiểm soát nội dung luận điểm, bổ sung và điều chỉnh hệ thống ý.
– Kiểm tra sự phù hợp của dẫn chứng, ý kiến trích dẫn, số liệu và các hình minh hoạ (nếu có).
– Rà soát các câu văn, đoạn văn để phát hiện các lỗi chính tả, ngữ pháp... cần chỉnh sửa.
– Kiểm tra các cước chú, trích dẫn, tài liệu tham khảo, đảm bảo hình thức trình bày đúng quy cách.
TƯ LIỆU
Bài thơ Thuật hoài của Trần Quang Khải – tác phẩm tiêu biểu cho hào khí Đại Việt thời Trần
MỞ ĐẦU
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Thuật hoài của Trần Quang Khải là một tác phẩm tiêu biểu cho cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc. Bài thơ từ rất sớm đã được sưu tập trong bộ thi tuyển quan trọng đầu tiên của nước Việt văn hiến là Việt âm thi tập. Từ trước đến nay, bài thơ được giới thiệu trong nhiều hợp tuyển, tuyển tập thơ văn, đồng thời liên tục được dạy học trong nhà trường với nhan đề là Tụng giá hoàn kinh sư (Phò xa giá vua về kinh đô). Tìm hiểu bài thơ Thuật hoài theo hướng giải mã văn bản sẽ giúp hiểu biết sâu hơn về văn học yêu nước thời Trần, đồng thời có thể rèn luyện, củng cố các kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn chương cổ một cách chủ động.
II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Mục tiêu: Xác định được văn bản tốt nhất trong số các dị bản để giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc. Phân tích văn bản, đánh giá khách quan giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.
Nhiệm vụ: So sánh, đối chiếu các dị bản. Chứng minh tính chân thực của văn bản được lựa chọn. Tiến hành minh giải
_______________________________________________________________
Minh giải: phân tích, giải mã đối tượng một cách tường minh, xác thực (minh có nghĩa là sáng rõ, khoa học, khách quan; giải là giải thích, lí giải, phân tích một cách hệ thống, chuẩn xác, phù hợp). Minh giới văn bản dựa vào nguyên tắc văn bản học, xuất phát từ chữ nghĩa để lí giải, nhằm giúp cho tác phẩm được hiểu một cách chân thực, dùng đẫn với những phẩm chất – giá trị khách quan vốn có của nó
Trang 21
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng: Văn bản tác phẩm Thuật hoài.
Phạm vi: Trên cơ sở các tư liệu đáng tin cậy như Đại Việt sử kí toàn thư, Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Lịch triều hiến chương loại chí, báo cáo tiến hành so sánh, đối chiếu với các tư liệu khác có ghi chép văn bản và các tài liệu dịch thuật sau tầm được để đề xuất một số vấn đề liên quan đến xác định và giải mã văn bản.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp khảo sát văn bản, phân tích tác phẩm văn học và phương pháp nghiên cứu văn học sử.
NỘI DUNG
I. VỀ TÁC GIẢ VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC
1. Tác giả
Trần Quang Khải (1241 – 1294), tước Chiêu Minh Đại Vương là con thứ ba của vua Trần Thái Tông văn võ kiêm toàn, đảm nhiệm chức vụ Tướng quốc Thái uý dưới triều Trần Thánh Tông và chức Thượng tướng Thái sư dưới triều Trần Nhân Tông Ông cùng với Trần Hưng Đạo được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân đội và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và năm 1288. Trần Quang Khải có tập thơ Lạc đạo tập nhưng đã thất truyền, nay chỉ còn biết được 9 bài. Tuy tác phẩm còn lại khá ít nhưng cũng đủ để khẳng định vị trí quan trọng của Trần Quang Khải trong dòng văn học yêu nước thời Trần.
2. Thời điểm sáng tác và hoàn cảnh ra đời của bài thơ
Về thời điểm và hoàn cảnh sáng tác bài thơ, Đại Việt sử kí toàn thư cho biết những thông tin cơ bản nhất. Ngày 06 tháng 6 năm Ất Dậu, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 7 (tức ngày 09/7/1285), sau khi đã đuổi đạo quân Thoát Hoan chạy lên phía Bắc, giải phóng Thăng Long, hai vua Trần trở về kinh đô, Trần Quang Khải đi theo phò giá và viết bài thơ này: “Đoạt sóc Chương Dương độ / Cầm Hồ Hàm Tử quan / Thái bình tu trí lực / Vạn cổ cựu giang san” (Trận Chương Dương đoạt giáo / Trận Hàm Tử bắt thù / Thái bình nên gắng sức / Non nước cũ muôn thu). Trong không khí đất nước thanh bình, âm hưởng hào sảng của bài thơ đã thể hiện được
Trang 22
niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và khát vọng lớn lao với tầm nhìn chiến lược của Trần Quang Khải và con người thời đại. Tác phẩm tiêu biểu cho những áng văn thể hiện được hào khí Đại Việt thời Trần.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN
1. Sơ bộ tìm hiểu các dị bản và cách ghi nhan đề tác phẩm
Bài thơ hiện biết được ghi chép trong nhiều tư liệu khác nhau, với những sai biệt nhất định về mặt câu chữ. Căn cứ vào tư liệu hiện tồn, có thể giả định quá trình truyền bản của bài thơ như sau: Bản gốc theo Lạc đạo tập (tập thơ đã thất lạc của tác giả, thế kỉ XIII); Tài liệu “sử tịch” đời Trần (thế kỉ XIII); Việt âm thi tập (thế kỉ XV); Đại Việt sử kí toàn thư (thế kỉ XVII); Toàn Việt thi lục (giữa thế kỉ XVIII); Hoàng Việt thi tuyển (cuối thế kỉ XVIII); Lịch triều hiến chương loại chỉ (đầu thế kỉ XIX); Trần triều thế phả hành trạng (thế kỉ XIX). Về các tài liệu dịch, giới thiệu sang chữ quốc ngữ ở thế kỉ XX, có thể kể đến một số công trình có tính dấu mốc, ảnh hưởng nhiều đến việc dẫn trích trong nghiên cứu, giảng dạy về tác phẩm hiện nay: Việt Nam sử lược; Việt Nam văn học sử yếu; Văn học đời Trần; Thơ văn Lý – Trần; Tổng tập văn học Việt Nam,... Do căn cứ vào các tư liệu gốc khác nhau, nên việc giới thiệu tác phẩm trong các tài liệu dịch này theo đó cũng không thống nhất. Ngoài một số dị văn ở câu 3 và câu 4 mà chúng tôi sẽ dẫn giải gián tiếp ở các mục sau, sự khác biệt đáng chú ý nhất là cách ghi nhan để tác phẩm.
Vì văn bản gốc của Trần Quang Khải không còn, nên chúng ta không có cơ sở xác thực để khẳng định nhan đề vốn có mà tác giả đã đặt là gì. Chỉ có thể khảo luận dựa vào cách ghi của các tư liệu chữ Hán kể trên. Một cách khái quát, nhan để tác phẩm có các cách ghi cơ bản như sau:
1.1. Cách ghi Thuật hoài (Bày tỏ nỗi lòng): Việt âm thi tập vừa là tư liệu cổ nhất hiện còn biết được có sưu tập tác phẩm này, vừa là tuyển tập thơ chữ Hán đầu tiên của năm văn hiến Đại Việt. Các bản Việt âm thi tập (khắc in và chép tay) đều chép nhan đề là Thuật hoài. Ngay sau khi chép nhan đề bài thơ, Việt âm thi tập còn ghi lời chú giải rất rõ ràng về lai lịch tác phẩm: “Dĩ nhập sử tịch, thời phá Nguyên Toa Đô” (Tác phẩm đã được sao chép vào chính sử, được sáng tác khi quân ta phá xong giặc Nguyên là Toa Đô). Có cơ sở để tin rằng tư liệu lịch sử mà Việt âm thi tập dẫn chiếu là một trong số các thư tịch lịch sử ở thời Trần mà ngày nay chúng ta chưa khảo chứng được.
Diễn giải, phân tích về cách ghi nhan đề tác phẩm.
Trang 23
1.2. Cách ghi Tụng / Tàng giá hoàn kinh hoặc Tụng giá hoàn kinh sư (Phò xa giá vua về kinh đô): Tuy Đại Việt sử kí toàn thư không chép nhan đề, chỉ có lời dẫn về hoàn cảnh sáng tác, nhưng trong lời dẫn này, thông tin quan trọng về thời điểm ra đời của bài thơ là khi tác giả bảo vệ xa giả hai vua về kinh đô trở thành cơ sở để các bộ tuyển tập thơ ca về sau đặt nhan đề cho tác phẩm. Toàn Việt thi lục là tư liệu sớm nhất đã xác định cách ghi Tụng giá hoàn kinh sư; kế tiếp là Hoàng Việt thi tuyển, bộ sách trích tuyển từ Toàn Việt thi lục cũng giữ nguyên như vậy. Vì Toàn Việt thì lục là tư liệu nguồn quan trọng trong việc khai thác di sản thơ ca quá khứ nên cách ghi này cũng phổ biến nhất trong các tài liệu tổng tập, hợp tuyển, giáo trình, sách giáo khoa sau này.
1.3. Ngoài ra, nhan đề bài thơ này còn có cách ghi khác là Chương Dương độ (Bến Chương Dương). Đây là cách ghi của Trần triều thế phả hành trạng – một bộ gia phả triều Trần, sách chép tay, chưa xác định được tác giả, được soạn vào khoảng thế kỉ XIX. Cách ghi này xuất hiện muộn nhất, lạc hẳn so với những tư liệu có trước.
Xét các cách ghi nhan đề của bài thơ như trên, dễ thấy: (a) Nhan đề Chương Dương độ là do tác giả của Trần triều thế phủ hành trạng đặt, dựa vào ba chữ này ở câu thơ đầu. Cách đặt nhan đề này không phù hợp ở chỗ: Nội dung bài thơ không nói riêng về trận Chương Dương (câu thơ sau còn nhắc đến trận Hàm Tử). (b) Nhan đề Tụng giá hoàn kinh sư ghi theo Toàn Việt thi lục chỉ nên nêu trong khảo sát dị văn. Trong việc sưu tập, sao chép thơ ca cổ vào Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn đã đặt tên cho khá nhiều tác phẩm vốn không có hoặc khuyết nhan đề. Cách đặt tên bài thơ là Tụng giá hoàn kinh sư hẳn là do “gợi ý” từ ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư, nói về thời điểm và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm. (c) Nhan để ghi theo Việt âm thi tập là Thuật hoài có tính quy phạm cao hơn hẳn Việt âm thi tập là thi tuyển gốc xưa nhất sao chép bài thơ này. Về mặt văn học, nhan đề Thuật hoài cũng sát hợp hơn với đặc trưng thi pháp “tỏ chí”, “tỏ lòng” của văn chương trung đại, đồng thời cũng sát hợp với nội dung của tác phẩm: nói tư tưởng hoài bão về tương lai lâu dài của dân tộc chứ không trình bày sự việc phò xa giá vua. Một số dị bản được phân tích gián tiếp dưới đây cho thấy rõ hơn tính hợp lí của văn bản ghi theo Việt âm thi tập,
__________________________________________
Trong các tài liệu quốc ngữ phần lớn đều ghi là Tụng giá hoàn kinh sư, duy chỉ cuốn Văn học đời Trần ghi là Tổng giá hoàn kinh.
Trang 24
2. So sánh nội dung bài thơ ở các dị bản và xác định bản đáng tin cậy
Nguyên văn bài thơ ghi theo Việt âm thi tập như sau:
Phiên âm
Thuật hoài
(Dĩ nhập sử tịch, thời phá Nguyên Toa Đô)
Đoạt sắc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ cựu giang san.
Dịch nghĩa
Bày tỏ hoài bão
(Tác phẩn đã được sao chép vào chính sử được sáng tác khi quân ta phá xong giặc Nguyên là Toa Đô)
Đoạt vũ khí của giặc ở trận Chương Dương
Giam bắt giặc ở trận Hàm Tử.
Giành được hoà bình rồi lại càng nên dốc hết sức,
Để cho đất nước mãi mãi muôn đời. SŨNG
Dịch thơ
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
(Trần Trọng Kim dịch, Việt Nam sử lược)
Nguyên văn bài thơ Thuật hoài trong sách Việt âm thi tập
Trần Trọng Kim có lẽ là người đầu tiên dịch bài thơ này. Về sau, còn một vài bản dịch tương đối phổ biến khác, Ngô Tất Tố dịch: “Bến Chương cướp giáo giặc / Ải Hàm bắt quân Hồi Thi binh nên gắng sức / Non nước vẫn muôn thu. (Văn học đời Trần); Trình Đường dịch "Cướp giáo Chương Dương đó / Bắt thủ Hàm Tử đây / Thái bình nên gắng sức / Muôn tổ in thuở nước non này?" (Thơ văn Lý – Trần, tập 2).
Trang 25
So sánh văn bản trên với các tư liệu khác, có sự khác biệt nhỏ ở câu 3 và câu 4, cụ thể:
So sánh, đối chiếu để nhận định về văn bản.
Câu 3, các thi tuyển Toàn Việt thì lục, Hoàng Việt thi tuyển và Lịch triều hiến chương loại chí chép là “đương trí lực”. Cũng chữ này, Hoàng Việt thi tuyển chú thêm: có bản ghi là “tu nỗ lực”, hiện chưa khảo được là bản nào; còn Trần triều thế phả hành trạng ghi là “nghi trí lực”. Các sách quốc ngữ sau này, do dựa vào các nguồn tư liệu khác nhau nên theo đó cũng không nhất quán. Xét về nghĩa, tuy cách ghi “đương trí lực” (đương: đáng, sẵn sàng đảm nhiệm) và “nghi trí lực" (nghi: thích hợp, phù hợp) cũng có nét nghĩa gắn với tu nhưng sắc thái nghĩa không rõ và mạnh bằng tu (nên, cần thiết phải).
Câu 4, Việt âm thi tập và các sách Đại Việt sử kí toàn thư, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Lịch triều hiểu chương loại chí đều chép là “cựu giang san”. Sách Thơ văn Lý – Trần căn cứ vào văn bản Trần triều thế phả hành trạng ghi là thử (này, đây; thử giang san: non sông này). Theo đó, một số tuyển tập thơ văn, giáo trình và sách giáo khoa cũng dẫn theo là thử. Phỏng đoán, nhiều bản chép chữ cựu dạng chữ thảo hoặc bớt nét, viết tắt có tự dạng gần giống với thử nên dễ nhầm. Xét văn pháp thơ cổ, chữ cựu (tiếp ý với tu/đương ở câu trên) chuẩn hơn, cổ hơn; khác với nghĩa của một chỉ thị từ (thử) đơn thuần. Mặt khác, về mặt ngữ nghĩa, “cựu giang san” (non sông cũ, quốc gia lịch sử,...) rõ ràng sâu sắc hơn.
Qua phân tích, so sánh văn bản như trên, chúng tôi đề nghị xác định văn bản ở dạng “nguyên toàn”, mang tính chất “thiện bản”
– hay “văn bản quy phạm” của bài thơ theo Việt âm thi tập.
III. GIẢI MÃ VĂN BẢN
Bài thơ được sáng tác theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, tổng cộng 20 chữ, nhưng đã có tới 6 chữ dùng để ghi tên riêng. Thành thử, tác phẩm chỉ còn 14 chữ để biểu đạt trực tiếp ngữ nghĩa, nhưng với số chữ ít ỏi đó, tác giả đã chuyển tải được nhiều nhất thông điệp tư tưởng của mình.
1. Hai câu đầu
Phân tích tác phẩm theo trình tự cấu trúc
Hai câu đầu bài thơ nhắc đến hai chiến thắng quan trọng góp phần đem lại thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên năm 1285, đó là trận Chương Dương và trận Hàm Tử. Hai động từ mạnh ("đoạt”, “cầm”), được dùng làm vị ngữ của mỗi câu theo cấu trúc chủ động: lại được đặt ở đầu hai câu thơ đối nhau
______________________________________________
Nguyên toàn: ở đây hiếu với nghĩa đầy đủ, thống nhất cao về nội dung và nghệ thuật có mức độ tin cậy cao, gần với nguyên tác nhất.
Trang 26
có nhịp thơ 2/3 giúp gọi không khí hào hùng của cuộc kháng chiến mà quân dân nhà Trần mới trải qua. Hào khí Đông A được thể đạt gián tiếp qua âm hưởng mạnh mẽ, khí thế dồn dập hiếm có. Cụm từ “đoạt sóc" trong nguyên văn là điển cố dẫn từ sách Đường sử, nói việc Kinh Đức – một trang tuổi trẻ ưu tú, trong giây lát của trận đấu đã ba lần tước được giáo của đối thủ là Lý Nguyên Cát. Ý nghĩa của điển cố đủ để gợi lên khí phách hào sảng của những chiến công hiển hách mà bằng tinh thần Diên Hồng ái quốc, nhân dân ta đã giành được. Nguyên văn câu 1 dùng từ “đoạt”, một động từ mạnh đặt ở đầu câu (đối với động từ “cầm”, có nghĩa là “giam, bắt” ở câu sau), trỏ tư thế chủ động bằng sức mạnh chính nghĩa để trấn đoạt, tước đoạt" vũ khí của kẻ bạo tặc, phi nghĩa. Từ “cướp” trong một vài bản dịch có thể biểu thị sắc thái ý nghĩa khác. “Hổ” là tên chỉ chung các bộ tộc ở phía Bắc và Tây Bắc đã từng xâm lược Trung Hoa. Nay kẻ nhung địch phương Bắc phải chịu thảm bại khi xâm lăng Đại Việt. Dùng từ “Hồ” để chỉ gốc gác kẻ xâm lược là một lựa chọn từ ngữ tỉnh xác, với nhiều dụng ý của tác giả.
Kết hợp giải thích từ ngữ và bình luận tư tưởng.
2. Hai câu sau
So sánh với tác phẩm khác
Hai câu sau của bài thơ có sự chuyển mạch ý so với hai câu đầu. Thơ cổ, đặc biệt là thể ngũ ngôn tứ tuyệt, có đặc trưng cô đọng, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Do hạn định câu chữ nên mỗi chữ được chọn dùng đòi hỏi phải đắc địa. Mặt khác, logic ý giữa các vế câu/câu/cặp câu (thông thường được biểu thị qua các từ chỉ quan hệ) bị tỉnh lược tối đa. Người đọc cần căn cứ vào văn nghĩa để xác lập lại quan hệ nghĩa giữa các vế câu/ câu/ cặp câu. Trong bài thơ này, mối quan hệ logic về ngữ nghĩa giữa ý của hai câu đầu và hai câu sau không được thể hiện ở bề mặt câu chữ. Nhưng đặt trong chỉnh thể cấu trúc của bài thơ, chúng ta dễ xác lập lại logic đó như sau: Chính những chiến thắng hào hùng quật khởi, vang dội, đầy khí thế được khái quát ở hai câu đầu có ý nghĩa quyết định mang lại nền hoà bình cho quốc gia được nói đến gián tiếp ở hai câu sau. Không dừng lại ở đó, cái hay, cái sâu sắc của ý thơ không chỉ đơn thuần diễn đạt quan hệ nhân – quả (vì chiến thắng nên có được thái bình), mà tầm vóc tư tưởng của tác phẩm còn được biểu đạt qua quan hệ nối tiếp và biện luận. Điều này thể hiện rõ trong mối quan hệ nghĩa giữa câu 3 và câu 4.
Nguyên văn câu 3 có hai vế, “thái bình” và “gắng sức”, nhưng mối quan hệ nghĩa của hai về đã bị tỉnh lược thành ra cần phải tái xác lập lại quan hệ đó.
Trang 27
Câu thơ này từng được diễn dịch theo nhiều cách, ví dụ: theo quan hệ nhân - quả: Vì đã gắng hết sức nên giành được thái bình; theo quan hệ mục đích – điều kiện: Để có thái bình thì cần phải gắng hết sức;... Các cách lí giải trên đều có mặt hợp lí, tuy nhiên, đặt trong chỉnh thể lập luận của bài thơ, cần nhận thấy logic giữa hai vế câu là quan hệ tăng tiến, nối tiếp, biểu thị ý biện luận: Dẫu thái bình rồi vẫn cần phải gắng hết sức. Toàn bộ ý của câu 3 sẽ là “điều kiện” để hướng đến mục đích nêu ở câu 4 (quan hệ điều kiện – hệ quả): Có như vậy thì non sông mới được bền vũng muôn đời (Để cho non sông được bền vững muôn đời). Vì sự gò bó của thể thơ và yêu cầu diễn đạt của thơ luật, chúng ta không thể đòi hỏi bản dịch thơ phải thể hiện rõ điều này.
Về mặt chữ nghĩa, hai câu thơ sau thể hiện được đặc trưng xác thực, cô đọng, hàm súc đặc biệt: Ở câu 3, từ “tu” (nên, cần thiết phải) là động từ, biểu thị ý thức tự giác đồng thời là đòi hỏi trách nhiệm dấn thân đối với con người thời đại; từ “trí” (dốc hết sức, đến tận cùng) cũng mang nghĩa động từ yêu cầu mỗi người phải nỗ lực hết mình; từ “lực” trong kết cấu “trí lực” không chỉ là “sức lực” mà có ý nghĩa bao hàm; nhân lực (sức người, sức dân), vật lực (tài lực, binh lục,...), tâm lực (tấm lòng ý nguyện), trí lực (trí tuệ, sáng suốt). Các dị bản của câu thơ này tuy đều có nét nghĩa tương đương, nhưng âm hưởng, sự nhấn mạnh không sâu sắc bằng nguyên văn ghi theo Việt âm thi tập,... Ở câu 4, từ “vạn cổ” (mãi mãi muôn đời) và cụm từ “cựu giang san” (đất nước cổ xưa, non sông truyền thống quốc gia lịch sử) nối kết với nhau biểu thị ý niệm trường tồn, khát vọng tự chủ dân tộc muôn năm. Dị bản “thử giang san” (non sông này) không thể hiện được ý nghĩa nhấn mạnh như “cựu giang san”; mặt khác, “thử” là một hư từ có ý chỉ thị (này, đây – nét nghĩa đối với kia – đó, không bao hàm ý nghĩa tự hào về truyền thống lâu đời của dân tộc, trong khi từ “cựu” là một thực từ, gắn kết ý chuẩn hơn với từ “tu” ở câu trên, lại biểu thị được trọn vẹn hàm nghĩa nói trên.
Hai câu thơ kết thể hiện ý biện luận sâu xa, cho thấy tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc về tương lai lâu dài của đất nước. Vận mệnh của dân tộc gắn với ý thức trách nhiệm của mỗi con người thời đại. Thắng lợi rồi, có thái bình rồi, nhưng không có nghĩa là được phép an hưởng thái bình, không có nghĩa là cứ mải mê với hào quang chiến thắng mà không cảnh giác trước nguy cơ mất nước. Cần phải thường trực ý thức về vận nước, thói cầu an hưởng lạc chắc chắn sẽ dẫn đến kiêu căng tự mãn, chiến thắng được mình mới chiến thắng được giặc. Đó chính là khát vọng tự tôn dân tộc gắn liền với ý thức xả thân, tự chủ quốc gia gắn liền với niềm tin tự lực, tự cường.
Trang 28
KẾT LUẬN
Bài thơ Thuật hoài của Trần Quang Khải là một trong số không nhiều các sáng tác thơ ca được dẫn nguyên vào bộ chính sử lớn nhất của nước ta thời trung đại. Tác phẩm, từ khi ra đời và trải nhiều thế kỉ sau đó liên tục được truyền chép qua nhiều tư liệu quan trọng. Những điều đó là minh chứng cho ý nghĩa, sức lan toả của tác phẩm. Thuật hoài có nhiều dị văn khác nhau, nhưng qua khảo luận, có thể thấy văn bản ghi theo bộ sưu tuyển Việt âm thi tập là đáng tin cậy nhất, có thể coi là văn bản mang tính quy phạm cao.
Khẳng định giá trị của tác phẩm.
Tác phẩm có âm hưởng mạnh mẽ, ý thơ hùng hồn, biện luận sâu sắc, ngôn từ chọn lọc tinh xác; xét về tỏ chí thì cao xa lẫm liệt, còn tự sự thì cụ thể chân thực, tỏ nỗi lòng thì thôi thúc hào sảng.... Bài thơ thể hiện được trọn vẹn những nét chính yếu của hào khí Đông A, xứng đáng là đại diện ưu tú cho văn mạch yêu nước và tự tôn dân tộc trải nhiều thế kỉ.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên, 1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2 (quyển Thượng), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Dương Quảng Hàm (1950), Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Hà Nội.
3. Trần Trọng Kim (1951), Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, Hà Nội.
4. Lư Nguyên Minh (2022), Xác lập thiện bản và đề xuất hướng minh giải bài thơ “Thuật hoài" của Trần Quang Khải, Tạp chí Hán Nôm, số 3.
5. Ngô Tất Tố (1960), Văn học đời Trần, Khai trí xuất bản, Sài Gòn.
6. Nhiều tác giả (2000), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Đại Việt sử kí toàn thư (nguyên văn chữ Hán), Nội các quan bản, Chính Hoà thứ 18 (năm 1697). (Nhóm biên soạn)
Trang 29
2. Nghiên cứu một hình tượng hoặc một khía cạnh giá trị nội dung tư tưởng trong một hoặc một nhóm tác phẩm văn học trung đại
Chuẩn bị
– Căn cứ đề tài đã chọn và kết quả của bước thu thập, xử lí thông tin để xác định và hệ thống hoá lại các số liệu, dẫn chứng.....
– Lựa chọn các ý kiến trích dẫn xác đáng có thể phục vụ tốt nhất cho việc làm rõ các luận điểm theo đề cương nghiên cứu.
Tìm ý, lập đề cương
Nghiên cứu một hình tượng hoặc một khía cạnh giá trị nội dung tư tưởng gợi ra trong một hoặc một nhóm tác phẩm văn học trung đại là hướng đề tài, vấn đề nghiên cứu đi sâu vào một khía cạnh, một phương diện của tác phẩm. Tuy vậy, nó vẫn liên quan chặt chẽ đến chỉnh thể của tác phẩm. Nếu phạm vi tìm hiểu là nhóm tác phẩm thì bạn có thể sắp xếp luận điểm theo một trong hai cách: lần lượt tìm hiểu về giá trị của các tác phẩm theo trình tự thời gian, sau đó so sánh; sắp xếp ý theo mối liên hệ chiều dọc xuyên qua các tác phẩm. Những câu hỏi gợi ý sau có thể áp dụng cho nhiều trường hợp để hình thành các ý chính và lập đề cương:
Đặt vấn đề:
Giới thiệu được hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng nổi bật ở tác phẩm nào, của ai.
Giải quyết vấn đề:
– Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có vị trí, ý nghĩa như thế nào trong việc tìm hiểu giá trị của tác phẩm?
– Tài liệu nào, của ai đã đề cập, tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài, vấn đề bạn đang chọn?
– Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có liên quan gì đến đề tài, chủ đề, cảm hứng của tác phẩm?
– Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?
– Nghệ thuật xây dựng, thể hiện hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có những điểm nào đáng chú ý cần đi sâu phân tích, đánh giá?
– Có thể tìm thấy mối liên hệ giữa hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy với các yếu tố lịch sử, văn hoá, xã hội... hay không?
– Mối liên hệ của vấn đề được lựa chọn nghiên cứu với tác phẩm khác (của cùng hoặc khác tác giả)... như thế nào?
Trang 30
Kết luận:
– Khẳng định giá trị đặc sắc của hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng nổi bật trong một hoặc một nhóm tác phẩm.
– Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
Nêu danh mục các tài liệu được tham khảo, trích dẫn trong bài viết.
Viết
Thực hiện theo gợi ý đã nêu trong bước viết (trang 19). Lưu ý:
– Loại đề tài này có thể cho bạn nhiều cơ hội để thể hiện năng lực cảm thụ, so sánh, nhận định, đánh giá về nhiều phương diện. Tuy vậy, vẫn cần đảm bảo tính khách quan và xác thực.
– Các tri thức lí luận, các khái niệm, thuật ngữ,... sử dụng trong báo cáo cần có sự điều tiết phù hợp. Chú ý tính cân đối, hài hoà trong việc thể hiện các luận điểm.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
Thực hiện theo gợi ý đã nêu trong bước chỉnh sửa, hoàn thiện (trang 20). Lưu ý:
– Đề xuất phương án sửa chữa và tham khảo các ý kiến nhận xét của chuyên gia về văn phong, khái niệm, thuật ngữ để chỉnh sửa cho chính xác.
– Đảm bảo tính logic của các luận điểm và bố cục ý.
TƯ LIỆU
"Chí nam nhi” trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão
1. Quan niệm về “chí nam nhi"
Cách nêu vấn đề của bài viết.
"Chí nam nhi" (chí làm trai, chí tang bồng....), theo tinh thần Nho giáo, thể hiện triết lí sống có lí tưởng, có ý thức, trách nhiệm với chính mình và với thời đại của mỗi cá nhân. Chí làm trai để cao trọng trách, nghĩa vụ của kẻ nam nhi trong trời đất, coi việc lập công danh, lưu được tiếng thơm ở đời như một món nợ cần phải trả.
Trang 31
Trong văn học dân gian Việt Nam, nhiều bài ca dao ca ngợi chỉ làm trai của những trang nam nhi có hoài bão tung hoành bốn phương, có khí phách thực hiện trách nhiệm bảo vệ non sông đất nước đã được truyền tụng sâu rộng:
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài yên.
hay:
Làm trai cho đáng nên trai,
Thanh gươm, yên ngựa, dặm dài lướt xông.
Vẫy vùng nam, bắc, tây, đông,
Lấy thân che chở non sông nước nhà.
Chí làm trai trở thành một tư tưởng chi phối nội dung văn học trung đại, thể hiện rõ chức năng của văn chương trong việc giáo dục đạo đức và lí tưởng sống cho con người. Rất nhiều tác giả đã luận bàn về lẽ sống, về tinh thần lập chí hành động theo mẫu hình này. Nhiều tác phẩm dẫu không nhắc đến chữ “nam nhi" / "làm trai" nhưng tinh thần nam nhi đã trở thành biểu tượng cho khát vọng sống của con người thời đại. Quan niệm về chí nam nhi, theo đó, đã thể hiện ý thức về giá trị của mỗi người trong mối quan hệ với lịch sử, quốc gia.
2. "Chí nam nhi" trong bài thơ Thuật hoài
Xây dựng hệ thống ý theo mạch nội dung của tác phẩm.
Bài thơ có nhan đề là Thuật hoài (Bày tỏ nỗi lòng, chí hướng). Hình tượng bậc tráng sĩ có hùng tâm tráng chí được tác giả thể hiện trong tác phẩm như một hình tượng
trung tâm, xuyên suốt.
Phiên âm
Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Dịch thơ
Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Trần Trọng Kim dịch, Việt Nam sử lược)
Nguyên văn bài thơ Thuật Hoài trong sách Toàn Việt thi lục
Trang 32
Hai câu đầu, bậc tráng sĩ xuất hiện trong tư thế “đối diện" với vận mệnh của đất nước. “Múa giáo non sông trải mấy thâu": Câu thơ mở ra không gian mênh mông rộng lớn của "giang sơn” hùng vĩ, của thời gian dạn dày, từng trải. Câu thơ nguyên văn là “Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu". Tư thế “hoành sóc" (cầm ngang ngọn giáo), đặc tả hình ảnh trang nam nhi oai phong, lẫm liệt; hiên ngang, vững chãi; kiên gan bến chí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ non sông. Câu thơ dịch là “múa giáo" chưa thể hiện rõ tầm vóc lớn lao và vẻ đẹp hào hùng đó.
Kết hợp phân tích hình tượng với việc diễn giải các cách hiểu khác nhau với một số từ ngữ
Bằng việc sử dụng các hình ảnh so sánh có tính biểu trưng, câu thơ thứ hai thể hiện niềm tự hào của tác giả về sức mạnh của quân đội nhà Trần: “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”. Bản dịch của Trần Trọng Kim đã đề xuất hiểu “khí thôn Ngưu” là khí thế mạnh mẽ làm mờ át sao Ngưu. Ở một bản dịch khác, Bùi Văn Nguyên để xuất dịch câu thơ này là “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Tuy cách hiểu khác nhau nhưng cả hai bản dịch đều khẳng định sức mạnh của quân đội nói chung. Căn cứ vào ngữ nghĩa văn bản và tính đa nghĩa của hình tượng trong văn học cổ, chúng ta có thể chấp nhận cả hai cách hiểu này.
Cụm từ “tam quân” trong ý thơ trên thường được giải thích là ba cánh quân: gồm tiền quân, hậu quân, trung quân hoặc tả quân, trung quân, hữu quân. Nếu hiểu như vậy, “tam quân” chỉ là cách tổ chức đội hình binh lính trong hành quân hoặc dàn binh của một trận đánh. Theo tác giả cuốn Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường (tr. 153) thì "tam quân” là quy định về tổ chức biên chế quân đội thời xưa, quân là đơn vị quân đội lớn nhất, dưới quân là các đơn vị như sư, lữ,... và đơn vị nhỏ nhất là ngũ: “Theo quy định của binh chế, một quốc gia tự chủ có quyền có từ ba quân, chư hầu vừa có hai quân, chư hầu nhỏ có một quân, các nước quá nhỏ (nước phụ dung, chư hầu của chư hầu) không có quyền có quân đội". Cách lí giải này còn cần đợi kiểm chứng thêm nhưng tạm cho thấy tính hợp lí nhất định. Ứng với câu thơ của Phạm Ngũ Lão, “Ba quân sức mạnh át sao Ngưu” thể hiện niềm tự hào của tác giả về sức mạnh tự chủ, tự lực tự cường của quân đội Đại Việt.
Hai câu sau, vẻ đẹp chí nam nhi trong bài thơ tiếp tục được thể hiện ở triết lí hành động mạnh mẽ:
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Câu thơ nguyên văn nhắc đến món nợ công danh của kẻ làm trai. Phàm là thân nam nhi sinh ra trong trời đất phải lập được chiến công, lưu được tiếng thơm. Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng triết lí: “Đã mang tiếng ở trong trời đất,/ Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh). Lập công, lưu danh sử sách là lí tưởng sống tích cực của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến.
Trang 33
Câu thơ của Phạm Ngũ Lão nhắc tới Vũ hầu Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc (Trung Hoa). Gia Cát Lượng nổi tiếng là người có đức, có tài và đã đem tài năng ấy giúp Lưu Bị thực hiện hoài bão phục hưng nhà Hán. Tuy sự nghiệp không thành nhưng ông đã lập được nhiều công trạng lớn, trở thành biểu tượng của khát vọng lập công.
Có nhiều ý kiến cho rằng hai câu thơ thể hiện cái thẹn của Phạm Ngũ Lão khi chưa có được tài mưu lược, chưa lập được công trạng lớn như Vũ hầu; đồng thời cho đó là biểu hiện của sự khiêm tốn, là cái thẹn của con người có chí lớn, nhân cách lớn. Lại có một số ý kiến khác cho rằng: So sánh mình với Vũ hầu, với một người nổi tiếng trong sử sách, ý thơ thể hiện sự kiêu hãnh của Phạm Ngũ Lão,...
Xét mạch ý của bài thơ, có thể diễn giải logic hai câu kết của tác phẩm như sau:
Làm trai, (nếu) chưa trả xong nợ công danh,
(Thì sẽ) hổ thẹn khi nghe người đời nhắc đến sự nghiệp của Vũ hầu.
Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời Trần, nổi tiếng là người có tài thao lược. Tuy xuất thân áo vải nhưng ông đã được thăng tới chức Điện suý Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Đã góp bao công lao vào sự nghiệp trị quốc, bình thiên hạ, ấy thế nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn luôn nhìn lại mình để tự nhắc nhở: Nếu chưa trả xong nợ công danh thì sẽ hổ thẹn khí nghe người đời nhắc đến Vũ hầu. Câu thơ mang ý biện luận, thể hiện một triết lí sống mạnh mẽ, thôi thúc, dấn thân. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm, đồng thời là lí tưởng sống cao cả của con người thời đại.
3. Kết luận
Văn học thời Trần có nhiều khuynh hướng chủ đề, nhưng khuynh hướng chủ đạo vẫn là bộc lộ tinh thần yêu nước, yêu nước gắn liền với sự nghiệp bảo vệ giang sơn, với khát vọng củng cố nền tự chủ quốc gia. Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong mạch chủ đề này. Cảm hứng thơ hùng hồn, mạnh mẽ, ý thơ rắn rỏi hiên ngang, ngôn từ cô đọng hàm súc, bút pháp tung hoành phóng túng, triết lí khái quát sâu sắc,... của tác phẩm đã giúp xây dựng một tượng đài về con người có tầm vóc sánh cùng lịch sử non sông.
(Nguyễn Ngọc Diệp, http://nguvan.hmuc.edu.vn, ngày 09/3/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Gia Khánh (Chủ biên, 1976), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội.
2. Hà Minh (Chủ biên, 2018), Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Trang 34
3. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Là Nhâm Thìn (2009), Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
5. Trần Nho Thìn (2009), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, NXB Giáo dục, Hà Nội.
II. THUYẾT TRÌNH VỀ KẾT QUẢ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU
Chuẩn bị
- Không gian thuyết trình và các phương tiện, phương thức minh hoạ.
- Nội dung thuyết trình phù hợp với đối tượng tham dự.
- Chuẩn bị nội dung cho hoạt động đối thoại, trao đổi, rút kinh nghiệm,....
Trình bày
- Chú ý nhấn mạnh những nội dung cốt lõi, những vấn đề mà bạn dự kiến sẽ mang lại sự hứng khởi cũng như có thể tạo ra sự tranh luận sôi nổi.
- Tránh việc đơn thuần đọc lại văn bản hay các slide trình chiếu đã chuẩn bị. Hãy làm chủ bài nói của mình, thuyết phục người nghe bằng sự tự tin, hấp dẫn của kết quả nghiên cứu đã thực hiện.
Lưu ý: "Giao tiếp" với người nghe ngay trong quá trình báo cáo là một nghệ thuật. Hãy tham vấn ý kiến thầy cô/ chuyên gia và tiếp tục tích luỹ thêm kinh nghiệm.
Trao đổi
- Nêu các câu hỏi có liên quan đến nội dung thuyết trình.
- Thực hiện đối thoại rõ ràng, mạch lạc xoay quanh nội dung chính của vấn đề đang trao đổi.
- Có thái độ tôn trọng những ý kiến phản biện; cùng thảo luận để tìm ra phương án thống nhất.
Tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm
- Lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, dù đó có thể là ý kiến khác với điều mình mong muốn. Cần có tinh thần tiếp nhận ý kiến của người khác một cách cầu thị.
- Việc tiếp thu, rút kinh nghiệm có thể diễn ra tức thì tại diễn đàn/ hội thảo,... nhưng cũng có thể diễn ra sau đó.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn