Trang 59
Yêu cầu
• Lựa chọn được tác giả và có định hướng đọc rõ ràng.
• Biết cách đọc về một tác giả văn học qua việc tìm kiếm tài liệu; ghi chép, tổng hợp các thông tin theo phiếu đọc.
• Nhận biết được một số đặc điểm nổi bật về cuộc đời, sự nghiệp văn chương, phong cách nghệ thuật của tác giả.
• Biết xây dựng hồ sơ đọc để chuẩn bị viết, thuyết trình về một tác giả văn học.
• Nuôi dưỡng hứng thú đọc và rèn luyện kĩ năng tự đọc, tự học.
I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐỌC VỀ MỘT TÁC GIẢ VĂN HỌC
Khi nêu vấn đề đọc về một tác giả văn học, toàn bộ những hiểu biết về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm của tác giả, hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm cụ thể,... đều cần được coi trọng. Những thông tin này giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn về một tác phẩm mà còn hình dung được rõ hơn về con đường đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của tác giả cùng những mối liên hệ với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, dân tộc, thời đại.
Trang 60
Đối với những tác giả văn học có khối lượng tác phẩm phong phú, việc đọc rộng ra nhiều tác phẩm của họ kết hợp với việc tìm hiểu những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm, hoàn cảnh sáng tác... sẽ giúp người đọc có được sự hình dung rõ hơn về những vấn đề quan trọng như quá trình hình thành cả tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật.
Nhiều tác giả văn học lớn là danh nhân văn hoá. Cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật, những suy tưởng, trải nghiệm của họ về cuộc sống, nghệ thuật là những yếu tố góp phần xây đắp nên vốn văn hoá của dân tộc và nhân loại. Khi tìm hiểu về các tác giả văn học và noi theo tấm gương sống, sáng tạo của họ, ta sẽ có thêm những trải nghiệm lí thú những hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, con người và văn hoá nói chung – những điều vốn tồn tại như điều kiện nền tảng giúp ta trưởng thành, trở nên một nhân cách độc lập, toàn vẹn.
II. THỰC HÀNH ĐỌC
1. Lựa chọn tác giả và định hướng đọc
Sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông đã giới thiệu các sáng tác của nhiều tác giả lớn trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian chi phối, nhiều tác phẩm không được học trọn vẹn và nhiều tác giả chỉ được giới thiệu rất vắn tắt. Vì vậy, việc tìm hiểu thêm về các tác giả và những sáng tác của họ là điều cần thiết. Bạn có thể lựa chọn tác giả theo những tiêu chí sau:
– Tác giả có tác phẩm được học trong chương trình.
– Tác giả được yêu cầu đọc mở rộng trong sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.
– Tác giả có tác phẩm đáp ứng được nhu cầu, sở thích của bản thân.
Có nhiều cách đọc, hướng đọc khác nhau về một tác giả đã được lựa chọn, ở đây chỉ nói về hai cách đọc, hướng đọc là rộng và sâu. Nếu đọc rộng, bạn cần tìm đọc đầy đủ, bao quát về tác giả, từ tiểu sử đến các chặng đường sáng tác, thể loại, tác phẩm, các bài phê bình, nghiên cứu về tác giả ấy. Nếu đọc sâu, bạn có thể chỉ đi vào khám phá một phần sự nghiệp sáng tác hoặc một đề tài, tư tưởng, đặc điểm loại, thể loại nổi bật thể hiện trong sáng tác của tác giả. Việc chọn hướng đọc rộng hay sâu nên được xác định sau khi bạn đã nắm được một cách đại cương về sự nghiệp của tác giả.
Tuỳ theo điều kiện và thời gian cho phép, bạn có thể đặt ra những mục tiêu thiết thực, vừa sức và chọn hình thức đọc có hiệu quả nhất với bản thân (đọc cá nhân hoặc đọc theo nhóm để tăng cường sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm).
Tác giả văn học được bạn lựa chọn là ai? Lí do lựa chọn của bạn là gì?
2. Xây dựng hồ sơ về một tác giả
a. Tìm kiếm tài liệu
Cần tìm kiếm các nguồn tài liệu liên quan đến tác giả để thu thập thông tin. Các thông tin thường được tìm hiểu là: tiểu sử và quá trình sáng tác của tác giả, các tác phẩm tiêu biểu, các bài viết có liên quan.
Trang 61
Bạn có thể tìm kiếm tài liệu ở thư viện trường, thư viện địa phương, các sách báo hay trên internet.
Lưu ý: Đối với những tác giả lớn, có thể tìm các cuốn tuyển tập, trong đó, nhiều sáng tác của tác giả và bài viết có liên quan đã được tập hợp, tuyển chọn công phu. Những cuốn
tuyển tập này sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc đọc về tác giả.
b. Lập danh mục tài liệu
Do việc đọc và tìm hiểu về tác giả được thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài (ngay cả khi đã hoàn thành chuyên đề, bạn vẫn có thể tiếp tục việc đọc của mình), vì vậy, cần lập danh mục các tài liệu đã thu thập được (bao gồm các tác phẩm của tác giả và các bài viết về tác giả, tác phẩm) để bạn có thể dễ dàng lựa chọn tài liệu và xây dựng được kế hoạch đọc hợp lí. Chẳng hạn, nếu chọn tác giả Nam Cao, có thể tập hợp các tài liệu liên quan theo danh mục, từ đó chọn các tài liệu cần đọc.
Tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao: - Truyện ngắn trước Cách mạng: Chí Phèo (1941), Dì Hào (1941), Giăng sáng (1942), Tư cách mỗ (1943), Lão Hạc (1943), Đời thừa (1943), Một bữa no (1943), Một đám cưới (1944),... - Tiểu thuyết: Sống mòn (1944), Truyện người hàng xóm (1944),... - Truyện, kí sau Cách mạng: Mò sâm banh (1945), Đường vô Nam (1946), Ở rừng (1947-1948), Đôi mắt (1948),... Một số tài liệu nghiên cứu riêng hoặc có đề cập đến Nam Cao: - Bích Thu (tuyển chọn và giới thiệu, 2007), Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội. - Tuyển tập Nam Cao (2020), NXB Văn học, Hà Nội. |
Bạn đã tập hợp các tài liệu cần đọc về tác giả được lựa chọn chưa? Hãy cùng nhóm lập danh mục tài liệu về tác giả.
3. Đọc, ghi chép và tổng hợp các thông tin cần thiết về một tác giả
a. Đọc và ghi chép thông tin về tiểu sử tác giả
Những thông tin cần chú ý ghi chép:
– Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);
– Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;
– Thiên hướng và các chặng đường sáng tác:
– Các tác phẩm tiêu biểu;
– Các giải thưởng (nếu có).
Trang 62
Từ kết quả đọc và tìm hiểu thông tin về tiểu sử tác giả, bạn có thể xây dựng niên biểu tác giả (tóm lược các sự kiện theo mốc thời gian). Chẳng hạn, có thể xây dựng niên biểu về tiểu sử tác giả Nam Cao như sau:
NĂM | SỰ KIỆN |
1917 | Sinh tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có tài liệu chép là Trần Hữu Trí). |
1935 | Vào Sài Gòn kiếm sống. |
1936 | Bắt đầu sự nghiệp sáng tác (Nghèo, Đui mù, Những cảnh hoa tàn,...), bút danh Thuỷ Rư. |
1938 | Học xong bậc Thành chung, sau đó dạy ở trường tư Công Thanh, Thụy Khuê, Hà Nội. |
1940 | Trở lại làng Đại Hoàng viết văn, làm gia sư |
1941 | Xuất bản tập truyện Đôi lứa xứng đôi (tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ) với bút danh Nam Cao. |
1943 | Gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc, viết một số truyện ngắn: Nước mắt, Lão Hạc, Đời thừa,... |
1945 | Tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, in truyện ngắn Mò sâm banh. |
1946 | Ra Hà Nội hoạt động ở Hội Văn hoá cứu quốc, sau đó tham gia trong đoàn quân Nam tiến với tư cách là phóng viên mặt trận. |
1947 | Lên Việt Bắc làm công tác báo chí, tuyên truyền, phục vụ kháng chiến. |
1948 | Gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, viết truyện ngắn Đôi mắt. 1951 Bị giặc Pháp phục kích và sát hại trên đường đi công tác. |
1996 | Được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. |
Bạn cần tóm lược những thông tin nào khi xây dựng niên biểu về một tác giả văn học?
b. Đọc và ghi chép thông tin về tác phẩm của tác giả
• Đọc và ghi chép thông tin chi tiết
Bạn cần kết hợp giữa đọc và ghi chép. Khi đọc từng tác phẩm trong một tập thơ, cần ghi chép một số nội dung như: đề tài, thể thơ, thời điểm sáng tác, thông điệp của bài thơ, những nét nổi bật về nghệ thuật, những câu thơ tiêu biểu,... Khi đọc một truyện ngắn, cần lưu ý ghi chép: đề tài, cốt truyện/ tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, không gian và thời gian, ngôn ngữ trần thuật.... Với tiểu thuyết, cần đọc theo chương, phần hoặc mạch truyện, hình dung về bối cảnh trong truyện, các tuyến nhân vật và diễn biến của từng tuyến nhân vật (nhân vật trung tâm, nhân vật chính và các nhân vật phụ..); các sự kiện (thắt nút, cao trào, mở nút); cách kể chuyện và miêu tả của tác giả. Với kí (bút kí, tuỳ bút, hồi kí,...), cần nắm bắt và ghi chép được: đề tài, sự thật cuộc sống được tái hiện, sự thể hiện cái tôi của tác giả qua cách tái hiện bức tranh cuộc sống, thông điệp được tác giả gửi gắm... Nếu đọc kịch, cần chú ý
Trang 63
đến cốt truyện kịch, hành động kịch (thắt nút, cao trào, mở nút), các tuyến nhân vật, xung đột, ngôn ngữ, thông điệp,... Nếu đọc văn bản nghị luận, cần chú ý đến vấn đề được bàn luận, quan điểm của người viết, cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, ngôn ngữ, giọng điệu,...
Một số lưu ý khi đọc tác phẩm văn học:
– Bắt đầu đọc những tác phẩm bạn đã được nghe, được biết hoặc tác phẩm có nhan đề trùng với tên của cuốn sách để tạo cảm hứng và ấn tượng ban đầu.
– Đọc với tư cách một độc giả để tiếp nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc "đọc như một nhà văn" đề cảm nhận quá trình sáng tạo tác phẩm, từ đó có
thể trở thành người “đồng sáng tạo” với tác giả.
– Với những tác phẩm có dung lượng lớn, thời gian đọc thường kéo dài và người đọc có thể phải tạm ngừng nhiều lần. Nhưng với từng chương, phần cụ thể thì cần bố trí thời gian để đọc trọn vẹn, tránh làm ngắt quãng mạch cảm xúc.
– Vận dụng những kĩ năng đã được rèn luyện trong quá trình đọc văn bản như liên tưởng, tưởng tượng, suy luận, kết nối,... để có thể theo dõi từng chi tiết, hình ảnh, mạch cảm xúc của tác phẩm.
• Tổng hợp, đánh giá
– Tổng hợp về từng cuốn sách:
Có thể tổng hợp, kết nối các tác phẩm và nhận xét chung về từng cuốn sách theo một số nội dung sau: các chủ đề chính được thể hiện; giá trị chung của cuốn sách (bao gồm giả trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật); những nét riêng, dấu ấn riêng mà tác phẩm để lại trong lòng người đọc; vị trí của cuốn sách trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Nếu bạn đọc một tuyển tập có tập hợp các tác phẩm bao gồm nhiều thể loại thì nội dung tổng hợp tương ứng với việc bao quát từng thể loại trong sáng tác của tác giả.
– Đánh giá chung:
Đọc kết nối các cuốn sách hoặc các thể loại trong sáng tác của tác giả sẽ cho bạn một cái nhìn bao quát, đầy đủ về toàn bộ quá trình sáng tác. Khi đánh giá, có thể hướng về các nội dung:
+ Các giai đoạn sáng tác, thể loại sáng tác chính và các tác phẩm tiêu biểu cho từng giai đoạn, từng thể loại;
+ Chủ đề nổi bật được đề cập trong các tác phẩm;
+ Những vấn đề trọng tâm được đặt ra trong các tác phẩm (theo đặc điểm thể loại đã nêu ở trên), cách giải quyết của tác giả đối với từng vấn đề
+ Những điểm nổi bật về nghệ thuật trong các tác phẩm;
+ Vị trí của các tác phẩm trong nền văn học.
c. Đọc và ghi chép những nghiên cứu, nhận định về tác giả
Đọc các bài viết về tác giả (bao gồm bài viết về con người, phong cách nghệ thuật; về các sáng tác cụ thể làm nên tên tuổi;...) sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết nhằm
định hướng cho việc tìm hiểu; có thêm điểm tựa để khẳng định được giá trị của các tác phẩm và vị trí, đóng góp của tác giả.
Trang 64
Thông thường, về các tác giả lớn, số lượng bài viết, công trình nghiên cứu có khá nhiều. Có thể tra cứu và tìm đọc các bài viết, công trình theo một số từ khoá liên quan đến mục tiêu đọc mà bạn lựa chọn (những nội dung trọng tâm đã được tổng kết, đánh giá khi đọc tác phẩm). Chẳng hạn, sau khi đã đọc các truyện ngắn của Nam Cao, có thể tìm đọc một số bài viết có liên quan, qua đó hiểu thêm về các đề tài, nhân vật, nghệ thuật viết truyện ngắn và cảm hứng trong các sáng tác của nhà văn, từ đó nhận diện được phong cách nghệ thuật của tác giả này.
Khi đọc các bài viết về tác giả, có thể ghi lại những nhận định, đánh giá đã có theo từng vấn đề:
– Cuộc đời và sự nghiệp:
– Các chặng đường sáng tác và những yếu tố chi phối;
– Quan điểm, khuynh hướng sáng tác, giá trị các tác phẩm;
– Phong cách nghệ thuật của tác giả;
– Vị trí của tác giả trong nền văn học dân tộc.
d. Tổng hợp các nội dung đã đọc và ghi chép
Với việc đọc, ghi chép các nội dung liên quan đến tiểu sử, những nghiên cứu, nhận định về tác giả, tác phẩm, bạn đã có được một lượng thông tin phong phú, đủ để xây dựng bộ hồ sơ đọc của cá nhân/ nhóm. Có thể ghi lại toàn bộ kết quả đọc đó theo gợi ý trong phiếu sau:
Phiếu đọc và tác giả 1. Khái quát về tiểu sử và đặc điểm con người của tác giả văn học. 2. Khái quát về vị trí của tác giả trong lịch sử 3. Phân chia các chặng đường sáng tác của tác giả 4. Điểm qua những tác phẩm đặc sắc của tác giả qua các chặng đường sáng tác 5. Phân tích một số chủ đề nổi bật trong sáng tác của tác giả 6. Đánh giá chung về những cống hiến tiêu biểu của tác giả cho nền văn học 7. Nêu ý nghĩa các sáng tác của tác giả trong bối cảnh hiện nay |
Việc đọc về một tác giả cần được đầu tư thời gian nghiêm túc với sự huy động nhiều tri thức, kĩ năng. Để đạt được kết quả tích cực, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy cô trong
từng bước thực hành.
Xây dựng kế hoạch đọc – tìm hiểu về một tác giả (tự chọn) có tác phẩm được học trong chương trình, sách giáo khoa môn Ngữ văn (từ lớp 6 đến lớp 11).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn