Trang 65
Yêu cầu
• Nắm được cấu trúc và cách triển khai riêng của kiểu bài viết về một tác giả văn học.
• Biết cách khai thác và sử dụng tư liệu trong việc viết bài giới thiệu về một tác giả văn học. •
• Làm rõ được những thành tựu nổi bật, những giá trị đặc sắc trong sự nghiệp văn chương của tác giả đó.
• Chọn được hướng viết phù hợp với mục tiêu cụ thể đã đề ra và khai thác được toàn bộ tư liệu đã chuẩn bị.
• Sử dụng ngôn từ phù hợp; diễn đạt mạch lạc, chuẩn mực.
I. MỤC ĐÍCH VIẾT
Viết bài về một tác giả văn học là hình thức trình bày kết quả của việc tiếp nhận và đánh giả những nội dung đã đọc về tiểu sử, tác phẩm,... của tác giả bằng ngôn ngữ viết.
Bài viết về một tác giả có thể nhằm tới các mục đích khác nhau, hướng về những đối tượng khác nhau như:
– Khi thiên về giới thiệu, quảng bá, bài viết cần nêu thông tin đầy đủ về tiểu sử, quá trình sáng tác, những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp văn học của tác giả. Lúc này văn bản được tạo lập là văn bản thông tin.
– Khi thiên về nghiên cứu văn học, bài viết thường trình bày những kết quả nghiên cứu về phong cách nghệ thuật hay những giá trị văn chương đặc sắc của tác giả được lịch sử văn học ghi nhận. Lúc này văn bản có nhiều yếu tố nghị luận.
– Khi thiên về thưởng thức, cảm nhận, bài viết là sự bày tỏ những cảm xúc, rung động, trải nghiệm của cá nhân về một hoặc một vài giá trị nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của tác giả, thể hiện rõ sự đồng điệu, tri âm của người viết. Lúc này, văn bản được tạo lập có nhiều yếu tố biểu cảm, có thể xếp vào loại văn bản văn học.
Bạn hướng tới mục đích nào khi viết về tác giả văn học đã chọn?
Trang 66
II. MỘT SỐ HƯỚNG VIẾT BÀI
Trên cơ sở hồ sơ đọc đã chuẩn bị để thực hiện bài viết về một tác giả văn học, bạn có thể chọn một trong các hướng sau đây:
1. Giới thiệu về sự nghiệp văn học của một tác giả
Đây là kết quả của việc đọc rộng về tác giả. Để viết bài theo hướng này, cần bao quát được nguồn tư liệu đầy đủ, phong phú về tác giả, tác phẩm và thông qua bài viết, giới thiệu được những đặc điểm chính về cuộc đời tác giả (mốc quan trọng trong tiểu sử, thời đại, gia đình, nét nổi bật về tính cách,...) đồng thời bao quát được sự nghiệp văn chương (chặng đường sáng tác, thể loại chính, tác phẩm tiêu biểu, đóng góp nổi bật,...); từ đó đánh giá chung về những cống hiến và vị trí của tác giả trong nền văn học ở bối cảnh hiện nay.
ĐỌC VĂN BẢN
Tố Hữu - Nhà thơ cách mạng
Nguyễn Văn Long
Giới thiệu hoàn cảnh xuất thân và các cương vị xã hội mà nhà thơ từng đảm nhiệm.
Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ cách mạng Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 04/10/1920, tại làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, một vùng quê nghèo, gần cố đô Huế. Ông thân sinh là một nhà Nho, ham thơ và thích sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ lúc 7 tuổi, Tố Hữu đã giúp cha ghi chép, lại được cha dạy làm thơ theo những lối cổ. Mẹ ông là con một nhà Nho, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ. Năm 13 tuổi, Tố Hữu được vào Huế học ở trường Quốc học. Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang bùng lên mạnh mẽ trong thời kì Mặt trận Dân chủ, lại ở một thành phố mà phong trào rất sôi nổi, Tố Hữu đã mau chóng tiếp thu lí tưởng cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1938, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng Tư năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung
_______________________________________________________
Nguyễn Văn Long: sinh năm 1945, quê ở Hưng Yên, là nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn học Việt Nam hiện đại Các công trình chính đã xuất bản: Văn học Việt Nam trong thời đại mới (2002). Tiếp cận và đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (2001), Văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường (2009), Văn học Việt Nam hiện đại – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (2012),...
Trang 67
và Tây Nguyên. Tháng Ba năm 1942, Tố Hữu vượt ngục Đắk Glei, tìm về gây cơ sở và chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở tỉnh Thanh Hoá. Tháng Tám năm 1945, ông là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được giao nhiệm vụ trở lại Thanh Hoá làm Bí thư Tỉnh uỷ. Năm 1947, Tố Hữu được điều động ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam từ khi thành lập (1948). Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Tố Hữu được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng Uỷ viên chính thức (1955); đến Đại hội Đảng lần thứ III (1960) được bầu vào Ban Bí thư. Tại Đại hội lần thứ IV (1976). Tố Hữu được bầu là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Từ năm 1980 – 1986, ông là Uỷ viên Bộ Chính trị; từ năm 1981 – 1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau Đại hội lần thứ VI (1986), ông thôi giữ các chức vụ nhưng vẫn là phái viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông qua đời ngày 09/12/2002.
Thơ Tố Hữu trước Cách mạng – những đặc điểm nổi bật.
Con đường thơ của Tố Hữu bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng. Từ năm 1937, những bài thơ của ông đăng trên báo chí của Mặt trận Dân chủ đã góp phần đem lại tiếng nói mới cho thơ ca đương thời. Bước vào sáng tác khi Thơ mới đã có vị trí vững chắc trên thi đàn, Tố Hữu tìm thấy ở các nhà Thơ mới nhiều nét gần gũi trong nỗi đau mất nước và trong cách diễn đạt mới phù hợp với sự phát triển của tư duy và tình cảm của thời đại. Nhưng thơ ông từ đầu đã lấy lí tưởng cách mạng làm nội dung biểu hiện nên sớm hướng vào những vấn đề xã hội bức thiết những bất công ngang trái và thân phận của những người nghèo khổ ở thành thị (những em bé mồ côi lưu lạc, đi ở hay hát dạo để kiếm sống chị vú em, lão đây tớ; cô gái giang hồ;...). Nhà thơ không chỉ tỏ niềm cảm thông, xót thương mà còn khơi dậy ở họ ý chí đấu tranh chống lại những bất công, tàn bạo và nhiệt tình đem đến cho họ niềm tin vào tương lai. Thơ Tố Hữu là tiếng reo ca nồng nhiệt của người thanh niên gặp gỡ lí tưởng Trong nhà tù thực dân, Tố Hữu vẫn làm thơ và thơ ông đã vượt qua song sắt bằng nhiều cách, tiếp tục xuất hiện trên báo chí tiến bộ cũng như lưu truyền trong quần chúng cách mạng. Sau khi thoát khỏi nhà tù, trong hoàn cảnh hoạt động bí mật. Tố Hữu vẫn không quên dùng thơ ca làm vũ khí tuyên truyền giác ngộ quần chúng.
Thơ Tố Hữu sau cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công. Tố Hữu say sưa ngợi ca cuộc hồi sinh màu nhiệm của dân tộc trong niềm “Vui bất tuyệt”. Thơ Tố Hữu có mặt trong những sinh hoạt chính trị, xã hội buổi đầu cách mạng (tổng tuyển cử, diệt nạn đói, nạn dốt và chống ngoại xâm..). Thơ Tố Hữu mười năm đầu đã được tập hợp trong tập Thơ (1946) và sau này in lại dưới nhan đề Từ ấy (1959). Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ Tố Hữu hướng vào việc biểu hiện quần chúng trong tư cách những người công dân đang góp phần vào
Trang 68
cuộc đấu tranh giành độc lập. Năm 1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cho công bố một chùm thơ gồm ba bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc. Tập thơ Việt Bắc (1954) là tập hợp những bài được viết trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, thơ Tố Hữu luôn có mặt kịp thời, với cái nhìn khái quát về các vấn đề trọng đại của cách mạng Việt Nam vào thời kì ấy (Gió lộng, 1961). Vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của cả nước, Tố Hữu có dịp đi vào vùng tuyến lửa miền Trung (cuối năm 1965) và mở ra một mạch thơ đầy khí thế, tập trung ngợi ca cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc ở cả hai miền Nam Bắc. Thơ ông vừa là lời kêu gọi, vừa chứa đựng những suy nghĩ về dân tộc và thời đại, về Hồ Chí Minh. Sau Hiệp định Pa-ri (Paris) (tháng Giêng năm 1973), Tố Hữu thực hiện một chuyến đi dài dọc theo con đường Trường Sơn, từ Bắc vào Nam. Cuộc “trở về” trong không gian và tâm tưởng ấy đã được ghi lại trong bài thơ dài Nước non ngàn dặm (1973). Thơ Tố Hữu trong những năm chống đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng được tập hợp trong hai tập Ra trận (1972), Máu và hoa (1977). Sau thời kì đổi mới, thôi công tác chính trị, Tố Hữu viết ít hẳn đi, nhưng thơ ông ở chặng đường này bắt đầu có dịp bộc lộ một vài khía cạnh nội tâm, mặc dù cũng vẫn còn kín đáo (Một tiếng đờn, 1992; Ta với ta, 2000).
Hoạt động lãnh đạo văn nghệ của Tố Hữu.
Trong một thời gian dài, Tố Hữu còn có những đóng góp vào nền văn học cách mạng hiện đại Việt Nam ở cương vị một người lãnh đạo chủ chốt của phong trào văn học nghệ thuật. [...] Trong nhiều thời điểm khác nhau của quá trình phát triển văn nghệ cách mạng. Tố Hữu đã có những ý kiến quyết định góp phần vận hành đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Những bài nói và viết chủ yếu của Tố Hữu về văn nghệ được tập hợp trong Xây dựng nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (1973), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981).
Đánh giá thành tựu và hạn chế của thơ Tố Hữu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975), thơ Tố Hữu đã được quần chúng nhân dân đón nhận nồng nhiệt. Về mặt tư tưởng sức hấp dẫn lôi cuốn của thơ ông gắn liền với sức hấp dẫn, lôi cuốn của lí tưởng cộng sản mà nhà thơ suốt đời theo đuổi. Thơ ông cũng hấp thụ nguồn mạch dân tộc, thể hiện sự thống nhất giữa cách mạng và dân tộc trong hình thức nghệ thuật. Ông tiếp thu được cả hai nguồn thơ ca dân gian và bác học, thực hiện sự thống nhất dân tộc – hiện đại trong nghệ thuật, tuy nhiên về hình thức, phần cách tân chưa nhiều. Mặt khác, thơ ông thường nhân danh “cái ta” mà kêu gọi quần chúng hoặc trình bày những vấn đề lớn lao, cao cả chứ ít khi là tiếng nói trữ tình mang tính chất cá nhân, cá thể.
Trang 69
Ông được nhận các giải thưởng văn học Giải Nhất giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam cho tập thơ Việt Bắc (1954 – 1955), Giải thưởng Văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I, 1996).
(Theo Nguyễn Văn Long, Từ điển năm học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, 2004, tr. 1751 – 1753)
Trả lời câu hỏi
1. Bài viết đã cung cấp những thông tin đáng chú ý nào về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu
2. Trong bài viết, việc triển khai thông tin đã được tác giả thực hiện như thế nào?
3. Bạn có nhận xét gì về những ý kiến đánh giá nhà thơ Tố Hữu được nêu trong bài viết?
2. Nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học
Bài viết nghiên cứu phong cách nghệ thuật của tác giả là kết quả của việc đọc sâu. Để viết bài theo hướng này, người viết cần nắm chắc các kiến thức về phong cách nghệ thuật, vận dụng những tri thức lí luận để nhận diện phong cách nghệ thuật của tác giả. Cần phân tích sự thể hiện của phong cách nghệ thuật ấy qua một số dẫn chứng tiêu biểu, tiếp đó, đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về những đóng góp của tác giả cho nền văn học.
ĐỌC VĂN BẢN
Nguyễn Tuân, một phong cách độc đáo và tài hoa
Nguyễn Đăng Mạnh
Nhận xét khái quát về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
[...] Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mĩ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu đến kì cùng. Ngày xưa bế tắc trong cuộc đời thực tại, [....] ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở quá khứ tách rời hiện thực. Hồi ấy, dùng tài hoa,
_________________________________________________________
Nguyễn Đăng Mạnh (1930 – 2018): quê ở Hà Nội, là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã viết và xuất bản nhiều công trình như: Nhà văn – Tư tưởng và phong cách (1979), Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh (1981), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn (1994), Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách (2000), Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại (2005)
Trang 70
uyên bác để chơi ngông với thiên hạ, ông khó lòng tránh khỏi chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mĩ, và lối suy nghĩ phù phiếm chẻ sợi tóc làm tư. Ngày nay, ông đi tìm cái đẹp, chất thơ ngay trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. [...] Thể hiện nét phong cách này, lối viết của Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của nhiều ngành văn hoá khác nhau để đào sâu cho đến "sơn cùng thuỷ tận". Vì thế, có những hiện tượng đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng nói, nhưng Nguyễn Tuân thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác ông lật mặt này, ông trở mặt khác, xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa, nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con mắt hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lí học (có khi cả vật lí học, địa chất học, côn trùng học,... nữa). Không đọc Nguyễn Tuân, dễ mấy ai biết con sông Đà có những cái thác như Hát Moong, Hát Tiểu dữ dội đến thế và Tây Bắc có những ông lái đò trí dùng tuyệt vời đến thế. Nguyễn Tuân đã đếm, đã tính cho ta nghe có bao nhiêu tên làng tên xóm, bao nhiêu loài cá, loài chim ở vùng đất Cà Mau, bao nhiêu thứ gỗ quý trên rừng Việt Bắc, bao nhiêu thứ cây tươi trên đường phố Hà Nội, bao nhiêu tấm ván trên cầu Hiền Lương bao nhiêu cái chợ ở thành phố Sài Gòn,... Nhờ có Nguyễn Tuân chúng ta tưởng như được đến chỗ tận cùng của Tổ quốc, đứng trên cái Bãi Bùn hằng năm lấn ra biển từ 70 đến 100 mét mà nhìn đảo Hòn Khoai như đang bơi bơi vào đất liền quê mẹ. Tác phong của Nguyễn Tuân là, nếu có thể, thì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, để mô tả cho chính xác. Nhờ thế ta được cùng Nguyễn Tuân lên tận đỉnh Phan-xi-păng (Fansipan) để xem những mâm hoa đỗ quyên vĩ đại màu ngũ sắc (Tây Bắc và Lào Cai), được đến Văn Đôn để nghe vọng về từ quá khứ tiếng sóng đời Trần (Huyện đảo), được đến tận đảo Thanh Luân, Cô Tô từ bốn giờ sáng, rình xem mặt trời mọc trên biển cả (Cô Tô),...
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện qua cách tiếp cận đối tượng.
[...] Nguyễn Tuân không thích cái gì yên ổn, mực thước, khuôn phép. Ông gọi thế là “công chức”, công chức trong đời sống, công chức trong văn chương. Ông đã từng luận về hai chữ “tung” và “hoành" trong nghệ thuật. Hoành là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. Tung là tạo ra tiếng “vang dội ầm lên một thời”, là “hành binh bằng một cuộc đại tấn công”, là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng (Đôi tri kỉ gượng). Con người ấy đã yêu thì mê đắm, đã ghét thì phải căm thù, đã uống rượu thì phải uống cả cấn “dĩ tận vi độ”, đã đi thì đi đến đầu sông ngọn nguồn, tới những nơi tột cùng của Tổ quốc, đã tìm hiểu, bàn bạc thì phải tìm cho đến ngành ngọn gốc rễ. Đây là ca sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đỉnh của tạo hoá,
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thủ hiện qua cách chọn lựa đối tượng miêu tả, thể hiện.
Trang 71
của sắc ngọc trai đáy biển, của bầu trời trong trên đỉnh núi Mèo, của bông tuyết đầu mùa ở Lê-nin-grát (Leningrad), của hoa lan "vương giả", của bông thuỷ tiên nở đúng đêm giao thừa,... Chữ nghĩa của Nguyễn Tuân chỉ phô hết màu sắc, góc cạnh khi ông tả những cổng trời Hà Giang khiến người thì long bánh chè, ngựa phải truy thai, khi tả gió, tả bão, khi ông diễn lại cảnh những ông lái đò vượt thác sông Đà như lao vào thạch trận,...
Biểu hiện của quan niệm thẩm mĩ ở Nguyễn Tuân yêu thích cái đẹp xưa cũ.
[....] Đọc Nguyễn Tuân, một mặt thấy ông rõ ràng là cây bút của hôm nay, một nhà văn của thời sự một mặt lại thấy có một cái gì rất đỗi cổ kính, cổ điển.
Ngày xưa, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cái cổ điển thường chiếm ưu thế. Đó là nhà văn Vang bóng một thời. Hồi ấy, đối với hiện tại, đối với những cái nhãn tiền – dĩ nhiên là trong phạm vi môi trường sống của ông - ông chỉ thấy có chất văn xuôi phàm tục. Ông không hoàn toàn thoát li thực tại, nhưng nhìn thực tại ông chỉ thấy vẻ đẹp, chất thơ thuộc về những cái của ngày xưa còn vương sót lại. [...] Hồi ấy, đối với những cái hiện tại ông thường chỉ dành cho những lời khinh bạc. Nhưng đối với những cái của ngày xưa, giọng văn của ông bao giờ cũng đôn hậu. Đôn hậu nhưng biết bao buồn tủi, ngậm ngùi. Cái "mĩ học hoài cựu” đó khiến ông nhớ da diết thành phố Huế với cái nhịp châm chậm của nước chảy, của lá rơi, của những cô gái Huế bước đi ngăn ngắn trên cầu Thành Thái, một tay giữ lấy vạt áo dài, một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ; giúp ông viết rất hay về Của Đại có cái bến nước giống như bến nước nào đấy trong thơ Đỗ Phủ (chỉ thiếu cái tiếng "dồn châm”
Chất thơ hoài cựu đó, ông đã gọi lại, dụng lại bằng kĩ thuật và phương tiện hiện đại. Chính nhờ phương tiện ấy, kĩ thuật ấy, ông đã "phục chế thành công những bức tranh cổ, những bức tượng cổ, những tấm bia tàn... Chất thơ hoài cựu chẳng những là linh hồn của những tác phẩm về đề tài cổ, mà còn luôn luôn phảng phất trên những trang viết của ông về cuộc sống hiện tại. Chỉ cần có chút gì của cuộc đời thực tại liên quan đến kho tàng văn liệu cổ của ông là lập tức thế giới thẩm mĩ xưa cũ hiển hiện ngay lên trong tưởng tượng và tuôn chảy dưới ngòi bút.
Mối quan tâm thương trực ở Nguyễn Tuân phát hiện chiều sâu lịch sử – văn hoá của đối tượng miêu tả, thể hiện.
[...] Thói quen đi tìm cái xưa trong cái nay khiến Nguyễn Tuân luôn luôn quan tâm đến chiếu thời gian, chiều lịch sử của các sự kiện, các hiện tượng mà ông quan sát, mô tả.... Những bài kí của ông, vì thế, có một phẩm chất riêng. vượt cao hơn giá trị thông tin thời sự đơn giản - không phải
__________________________________
Lê nin-grát này là Xanh Pê-téc-bua (Saint Petersburg).
Tiếng dồn châm: tiếng chày đập vải dẫn dập lúc chiều tà
Trang 72
chỉ là những tri thức lịch sử cụ thể sinh động, mà còn có một cái gì như là linh hồn của sông núi quê hương của tổ tiên ông bà được gọi lên từ lịch sử các địa danh, lịch sử các địa phương mà ông thường say sưa thuật kể với nhiều chi tiết thú vị.
Về cái vốn văn liệu, thi liệu cổ điển của ông ngày nay ông cũng sử dụng theo tỉnh thần mới, thường là để phát hiện và diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của Tổ quốc mình:
"Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng Ba Đường thi "yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu...” (Sông Đà).
Có những hình ảnh khó phân biệt được cổ hay kim, Đông hay Tây.
Thể loại ưa thích của Nguyễn Tuân: tuỳ bút.
"Cho đến cái đêm bọn tôi ra ga xe lửa đi Lê-nin-grát, vàng Nga vẫn còn như níu hoàng hôn lại giữa khu vườn Bách Thảo có một cặp voi Việt Nam đang mài ngà vào nhau mà nhớ một bụi chuối bên quê cũ” (Lê-nin-grát tuyết đầu mùa).
[...] Cá tính và phong cách Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tuỳ bút như là một tất yếu. [...] Tuỳ bút Nguyễn Tuân có nhiều yếu tố truyện. Nếu xét riêng về mặt thể loại thì quá
trình sáng tác của Nguyễn Tuân là quá trình đi từ truyện đến tuỳ bút. Trước Cách mạng tháng Tám, ông viết cả hai loại. Sau Cách mạng ông viết truyện ít hơn. Từ khoảng năm 1960 lại đây, tuỳ bút dường như là thể loại duy nhất của ông. Nếu đọc truyện ngắn, truyện dài của ông, người ta thường thấy pha chất tuỳ bút, thì ngược lại, đọc tuỳ bút của ông người ta lại thấy có pha chất truyện. Nghĩa là có dùng nhiều đến trí tưởng tượng để dụng cảnh, dụng truyện và có mô tả tâm lí, khắc hoạ tính cách nhân vật đến một chừng mực nào đấy.
Tuỳ bút Nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất kí, nghĩa là ghi chép sự thật và thông tin thời sự chính xác. Một thứ tuỳ bút pha du kí kí sự hay phóng sự điều tra. Cần nhớ rằng, ông vốn xuất thân là một nhà báo, một thông tin viên Ông cũng đã viết nhiều du kí – phóng sự đặc sắc. Đặc điểm ấy, thêm tác phong khảo cứu đào sâu đã giúp cho tuỳ bút Nguyễn Tuân có lượng thông tin đáng tin cậy và có nhiều giá trị tư liệu. Đặc điểm của tuỳ bút là giàu tính trữ tình. Nghĩa là tác giả được phép trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình, thông qua cái "tôi" chủ quan mà phản ánh hiện thực.
Tuỳ bút Nguyễn Tuân đúng là "tuỳ bút", nghĩa là hết sức tự do. Mạch văn theo dòng suy nghĩ miên man, chuyện nọ gợi chuyện kia dường như cứ theo trí nhớ "lông bông”, "tài tử” mà liên tưởng tạt ngang hoặc các nhảy, bất chấp trình tự thông thường của thời gian, không gian. [...]
Trang 73
Cách Nguyễn Tuân kiến tạo đặc trưng riêng cho thể loại.
Xét đến cùng chỗ mạnh chỗ yếu, chỗ hay chỗ dở của tuỳ bút Nguyễn Tuân là ở cái "tôi" của ông. Ông cũng có một số nhân vật, nhưng nhiều khi đó cũng chỉ là cái cớ để ông thay đổi giọng kể chuyện mà thôi. Ngày xưa, ông gọi thế là "chơi lối độc tấu”. Bây giờ ông cũng vẫn tiếp tục “chơi” một lối ấy. Đã định "chơi" lối này mà muốn giữ được cảm tình với độc giả, tất phải giữ sao cho cái “tôi” lúc nào cũng có duyên mặn mà, lúc nào cũng có những điều mới mẻ, bổ ích mà nói. [...]
Nói đến tuỳ bút Nguyễn Tuân, phải nói đến giá trị của nó về mặt văn chương chữ nghĩa theo nghĩa hẹp, nghĩa là những tìm tòi sáng tạo trong cách diễn ý, tả cảnh, trong cách đặt câu, dùng từ. Nguyễn Tuân thuộc số những nhà văn yêu tha thiết và hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ. Ông sống với từng hình ảnh khắc hoạ, từng câu viết, từng từ đặt trên trang giấy.
Đọc Nguyễn Tuân, nhà tu từ học kiểm được nhiều bằng chứng thú vị về những phép ví von, so sánh ẩn dụ hoán dụ, tượng trưng,...
[....] Nguyễn Tuân có lối mô tả cảnh vật bằng những liên tưởng chuyển đổi cảm giác rất tinh tế. Có khi từ cảm giác chuyển sang tâm trạng "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử [...] hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” (Sông Đà), "Mùa đông năm 1967, da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh giác” (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi),...
Câu văn Nguyễn Tuân cũng có nhiều kiểu kiến trúc đa dạng. Ông là một nghệ sĩ ngôn từ biết chú trọng tới âm điệu, nhịp điệu của văn xuôi. Ông thường nói, người làm nghề viết phải biết tạo ra những câu văn có khớp xương biết co duỗi nhịp nhàng.
Ngôn từ độc đáo của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú mà ông đã cần cù tích luỹ với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Mà không phải chỉ tích luỹ từ những từ sẵn có. Ông luôn luôn có ý thức sáng tạo từ mới và cách dùng từ mới. Vốn từ vựng đối với người viết văn như nước đối với cá. Từ càng giàu có, người viết càng thả sức tung hoành. Đọc Nguyễn Tuân, thấy ông như con cá vùng vẫy thoải mái giữa hồ sâu nước cả là vì thế.
[...] Nói chung vốn từ ngữ của Nguyễn Tuân thường bộc lộ đầy đủ "trữ lượng” của nó trong hai trường hợp: một là khi ông tập trung đi sâu vào một điểm mô tả, nhu cầu tránh trùng lặp buộc ông phải tung ra tất cả những từ đồng nghĩa có trong vốn liếng của mình (từ sẵn có nhiều khi không đủ, ông phải sáng tạo ra những cách diễn đạt đồng nghĩa khác nhau). Hai là khi có hiện tượng mới lạ, độc đáo và thú vị đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông cảm hứng được khơi dậy mãnh liệt – nhiều khi bốc lên
Trang 74
say sưa, chính choáng – ông bèn quyết ném ra bằng hết vốn từ ngữ của mình để chạy đua với tạo vật muôn màu muôn vẻ. Những cuộc chạy đua căng thẳng mà rất hào hứng như thế thường tạo ra những trang tài hoa nhất của Nguyễn Tuân.
(Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 2000, tr. 154 – 165)
Trả lời câu hỏi
1. Bài viết đã nhận diện về phong cách Nguyễn Tuân như thế nào?
2. Cách thức diễn giải minh hoạ của tác giả có gì đáng chú ý?
3. Dựa vào cách triển khai văn bản Nguyễn Tuân, một phong cách độc đáo và tài hoa, bạn hãy lựa chọn và tìm những ý chính cho bài viết nghiên cứu phong cách nghệ thuậtncủa một tác giả trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.
3. Dựng chân dung một tác giả văn học
Bài viết dựng chân dung tác giả văn học là kết quả của quá trình đọc, khám phá và tiếp nhận về tác giả từ những cảm xúc và trải nghiệm của cá nhân. Để viết bài theo hướng này, người viết có thể hưởng cảm nhận của bản thân đến một hoặc một vài đặc điểm nổi bật nhất tạo nên dấu ấn riêng của tác giả (cuộc đời và sáng tác văn học). Người viết có thể sử dụng lối viết chấm phá, bút pháp trữ tình để thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những ẩn tượng đậm nét của mình để dựng lên chân dung nhà văn.
ĐỌC VĂN BẢN
Hồ Xuân Hương – kì nữ, kì tài
Trần Thị Trâm
Giới thiệu tác giả và nêu cảm nhận chung.
Như một hiện tượng văn học đặc biệt, Hồ Xuân Hương được tôn vinh là một bậc kì nữ, kì tài. Nàng là một kì nữ vì con người nàng độc đáo khác đời. Xuân Hương là một bậc kì tài vì nàng trí tuệ hơn người, là "Bà chúa thơ Nôm” với lối viết lạ lùng đến kinh ngạc.
___________________________________________________
Trần Thị Trâm: sinh năm 1954, quê ở Hà Nam, là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Các công trình đã xuất bản: Văn học và báo chí từ một góc nhìn (2003), Hoàng Ngọc Phách – Người đổi mới tiểu thuyết (2003), Từ nguồn cội văn chương (2006), Văn học dân gian trong xã hội hiện đại (2013), Tài hoa Việt từ một điểm nhìn (2021).
Trang 75
Thời Xuân Hương là thời những người đàn bà suốt đời
nhất nhất chỉ biết ép mình theo khuôn khổ tam tòng tứ đức,
lặng lẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, sống tan loãng vào gia đình,
lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui, lẽ sống, lấy sự
hỉ sinh cho chồng con làm hạnh phúc của chính mình. [...]
Nêu cảm nghĩ về thân
phận phụ nữ thời
phong kiến.
Xuân Hương là một người đàn bà đa đoan lệch chuẩn, nàng không xuất hiện như một
cái bóng mờ bên chồng trong gia đình mà là một cá nhân độc lập ngoài xã hội. Người
đàn bà quá kích cỡ ấy trời cho cái gì trời lấy đi của nàng cái đó. Nàng thông minh, mẫn
tiệp, yêu đời, khát khao hạnh phúc thì suốt đời mệnh bạc. Nàng ôm đàn mà vắng cả năm
cung. Người có khả năng tuyệt vời làm mẹ, làm vợ nhưng luôn gặp chuyện éo le trong
đường tình duyên, đơn côi giữa cõi trần. Căn nhà tăm tối
lạnh lẽo, không ánh sáng, không lửa ấm đó là hình ảnh cuộc
đời nàng.
Trình bày cảm nghĩ về
cuộc đời nhà thơ.
Đó là bi kịch lớn nhất của kiếp đàn bà, bởi đối với họ, hạnh phúc, tình yêu, tổ ấm
gia đình vô cùng thiêng liêng và quan trọng. “Thuyền mạnh vì lái, gái mạnh vì chồng".
Như rồng không vây, Xuân Hương càng tài hoa, càng bạc
mệnh. Đã hai lần nàng nhắm mắt, cam phận “sắn bìm");
nhưng cả hai lần “cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”, gần như suốt
cuộc đời nàng độc thân với những bi kịch của kiếp hoa bị
dập vùi.
KẾT NỐI TRỊ THỨC
Bày tỏ cảm xúc về bị
kịch của thời đại, bị
kịch của giới nữ.
Nỗi đau của Xuân Hương đâu phải của riêng nàng. Xuân Hương đã ôm trong trái
tim nỗi đau của cả thời đại – một thời đại đầy bi kịch. Xuân Hương mang trong mình
bi kịch của Thuý Kiều, của nàng CO-giê-ni Grăng-đê (Eugénie Grandet) tội nghiệp, của
người phụ nữ đơn chiếc trong ca dao:
Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng.
Nàng thu nhận cả bi kịch của người cung nữ, cả nỗi đau của người chinh phụ, cả nỗi
đoạn trường của công chúa Ngọc Hân lá ngọc cành vàng. [...]
Thơ Xuân Hương là tiếng hát trái tim của Xuân Hương. Đó là những vần thơ của
người phụ nữ viết cho người phụ nữ. Văn chương nàng in rõ sắc màu giới tính, bởi
đàn bà luôn nhìn đời bằng con mắt riêng. Xuân Hương không chỉ cảm nhận cuộc đời
bằng cái nhìn giới tính mà còn cảm nhận bằng cái nhìn đầy cá tính. Nàng đã có một
cái nhìn sắc nhọn của phóng sự vì đã chọn những điểm nóng bỏng của cuộc sống, và
bắt đầu từ mặt trái của xã hội phong kiến thối nát. Là một người khát sống, thèm yêu,
____________________________________________
Trang 76
Nêu cảm nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương.
nàng đã cảm nhận thế giới bằng toàn bộ giác quan bằng đôi mắt xanh non mới lạ, bằng đôi tai thính nhạy, bằng xúc giác mạnh mẽ, bằng tất cả sức sống tuổi trẻ, chứ không phải chỉ bằng cái tâm, cái chí như các nhà nho hành đạo. Góc tiếp cận thực tại mới mẻ này đã giúp Xuân Hương phát hiện và lí giải hiện thực một cách hết sức độc đáo. Ở nàng đã xuất hiện một quan niệm mới lạ về con người. Con người xuất hiện mang màu sắc cá nhân, con người với những đặc điểm về giới tính, về hạnh phúc trần tục, với tình yêu và khát vọng tự nhiên. Dưới con mắt của kẻ khát sống thèm yêu, vạn vật dường như ở trạng thái nhún nhảy, mời gọi. Nàng đã phả vào cái thế giới đông cứng, già nua một sức sống mới. Tất cả được lạ hoá, trở nên cựa quậy sống động rõ ràng trẻ trung, tinh nghịch, đáng yêu. Toàn bộ sáng tác của Xuân Hương được soi chiếu qua cái nhìn độc đáo của giới tính, của cá tính sáng tạo.
Bàn luận về cái nhìn độc đảo của Hồ Xuân Hương trong thơ.
Nhận xét về tinh thần giải phóng phụ nữ của nhà thơ.
Với cái nhìn của phái đẹp, mục đích cuối cùng mà Xuân Hương ngưỡng vọng kiếm tìm chỉ là việc hướng tới hạnh phúc cho con người, giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự trói buộc nghiệt ngã, khắt khe của lễ giáo phong kiến ngàn đời. [...] Người đàn bà đơn thương độc mã,... đành phải chọn một thủ pháp có phần cực đoan mà phương Tây gọi là Grô-tếch (Grotesque). Cuộc đời buộc Hồ Xuân Hương phải chao chát, phải bỗ bã, suồng sã, dữ dằn, thậm chí phải văng tục. Nhưng nàng tục thì có tục chứ không dám. Xuân Hương tục mà không dâm vì tục chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích của thơ nàng (đây là điều mà xưa nay các nhà nghiên cứu thường đặc biệt quan tâm khi nhắc đến thơ nàng). Cái tục giúp Xuân Hương hạ bệ thần tượng lên án cường quyền và thần quyền, lột trần bộ mặt đạo đức giả của những kẻ đại diện cho tôn ti trật tự phong kiến. Đó là điều mà giai cấp phong kiến kiêng kị, lo sợ và luôn tìm mọi cách bung bít. Tất cả lũ vua chúa hiền nhân quân tử, quan thị, sư sãi, những đại diện cho chế độ phong kiến suy tàn đều bị Xuân Hương vạch mặt chỉ trán bắt quả tang giữa thanh thiên bạch nhật phạm tội thèm muốn dục tình:
- Hiểu nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn châu vẫn muốn trèo.
(Đèo Ba Dội)
- Chúa dấu vua yêu một cái này.
(Vịnh cái quạt)
Vấn đề nổi bật trong thơ Hồ Xuân Hương.
_____________________________________________________________
Grô-tếch: kì cục, thô kệch; thường được dịch là nghịch dị trong nhiều tài liệu lí luận văn học ở Việt Nam.
Trang 77
Chỉ ra nét đặc sắc nhất trong thơ Hồ Xuân Hương.
Nếu chỉ thấy một Xuân Hương nổi dậy mà chưa thấy một Xuân Hương với trái tim người đàn bà tự hát, một Xuân Hương đã rút ruột thành tơ, dệt nên những vần thơ óng ánh sắc màu và trĩu nặng ưu tư là chưa thấy cái hồn Xuân Hương gửi gắm trong thơ. Nàng có một đời sống kép. Nàng là sự thống nhất giữa hai mặt đối lập: sự yếu mềm, tinh tế rất đàn bà và sự thông minh, cứng cỏi đẩy bản lĩnh làm đám mày râu muôn thuở phải "kính nhi viễn chi”. Mà sự dịu dàng mới là yếu tố làm nên sức hấp dẫn độc đáo của Xuân Hương.
Đánh giá thành tựu thơ Hồ Xuân Hương.
Xuân Hương là sự thống nhất giữa một trái tim nhân hậu, đa cảm và bộ óc mẫn tiệp, thông tuệ, bởi nhiều yêu thương nên lắm âu lo. Và hai nửa ấy cứ đan xen, hoà quyện tạo nên một Xuân Hương kì nữ, kì tài. Đó là sự gặp gỡ giữa hai dòng dân gian và bác học để rồi thăng hoa lên thành một Xuân Hương dung dị mà kiêu sa, hồn nhiên, nồng nàn mà sâu lắng. Sự kết hợp giữa hai nền văn hoá đã sinh ra một Xuân Hương, nhưng gen trội ở nàng thuộc về văn hoá dân gian và đó là cái duyên làm cho nàng trở nên tràn trề sức sống. Khả năng gợi trường liên tưởng, gợi trí tò mò, tài sử dụng ngôn ngữ thiên biến vạn hoá ấy Xuân Hương đã thừa hưởng từ dòng sữa dân gian, từ những câu đố thần tình thanh thanh tục tục:
Đỏ chon choét
Toét tòe loe
Xanh là là
Quắp quằm quặp
(Hoa chuối)
Cũng tư duy nghệ thuật ấy, Xuân Hương đã phát huy và dân chủ hoá văn chương bác học một cách diệu nghệ thần tình. Ngôn ngữ trong thơ bà căng phồng ý nghĩa, không đứng yên mà nhảy múa:
- Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
(Cái giếng)
Chành ra ba góc đa còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
(Vịnh cái quạt)
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lách khe nước rỉ mó lam nham
(Hưng Thánh Hóa)
Trang 78
Là người trong cuộc, Xuân Hương dũng cảm bênh vực cho quyền lợi của những người phụ nữ. Nàng công khai giải quyết những vấn đề của người phụ nữ, công khai đề cập đến quyền lợi và hạnh phúc lứa đôi của con người. [...]
Kết luận về nhà thơ.
Trên cả hai phương diện lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học, Xuân Hương đã có những đóng góp rất quan trọng và độc đáo mà trước đó và đương thời không ai làm được.
Vì thế Xuân Hương đã trở thành một nghệ sĩ lớn, một bậc kì nữ, kì tài.
(Trần Thị Trâm, Tuyển tập 15 năm tạp chí "Văn học và Tuổi trẻ – Chân dung văn học, tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr. 56 – 90) |
Trả lời câu hỏi
1. Tác giả bài viết đã có ấn tượng nổi bật về những điều gì trong cuộc đời và thơ ca của Hồ Xuân Hương?
2. Những câu chữ nào trong bài viết thể hiện rõ sự đồng cảm, ngưỡng mộ của tác giả đối với nhà thơ Hồ Xuân Hương?
3. Bài viết đã giúp bạn hình dung được một Hồ Xuân Hương như thế nào trong đời và trong thời
III. THỰC HÀNH VIẾT
Chuẩn bị
– Xem lại hồ sơ đọc để hình dung tổng thể về một tác giả văn học đã lựa chọn:
+ Những thông tin về tiểu sử, quá trình sáng tác, thành tựu nổi bật của tác giả.
+ Những thông tin về giá trị đặc sắc của một hoặc một vài tác phẩm tiêu biểu.
+ Những cảm nhận của bạn về cuộc đời tác giả và tác phẩm.
– Lựa chọn hướng viết và hình dung về nội dung, cách thức triển khai. Lập dàn ý
Bài viết theo hướng giới thiệu sự nghiệp văn học của một tác giả
Mở bài: Giới thiệu được tác giả, nhận xét chung về vị trí hoặc những thành tựu nổi bật của tác giả.
Trang 79
Thân bài:
– Trình bày những thông tin cơ bản, đáng chú ý nhất về cuộc đời, lưu ý những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sáng tác của tác giả:
+ Hoàn cảnh xuất thân (quê hương, gia đình, thời niên thiếu);
+ Quá trình học tập và trưởng thành;
+ Con đường đến với văn chương;
+ Đời sống xã hội và văn học.
– Quá trình sáng tác: Trình bày những thông tin về các chặng đường sáng tác gắn với các tác phẩm theo từng thể loại.
– Những thành tựu nổi bật: Các giải thưởng, sự tôn vinh của công chúng yêu văn học (trích dẫn ý kiến đánh giá của giới nghiên cứu về những tác phẩm tiêu biểu, về sự nghiệp văn chương,..).
Kết bài: Khẳng định vai trò, vị trí của tác giả trong lịch sử văn học dân tộc, trong đời sống xã hội.
Bài viết theo hướng nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học
Mở bài: Giới thiệu tác giả, nêu nhận xét khái quát về phong cách nghệ thuật của tác giả.
Thân bài:
– Trình bày tổng quan về phong cách nghệ thuật của tác giả – có trích dẫn một vài ý kiến tiêu biểu.
– Nhận diện phong cách nghệ thuật của tác giả, nêu các bình diện, các biểu hiện.
– Làm rõ phong cách nghệ thuật của tác giả (hoặc một bình diện nổi bật) qua việc phân tích một số binh diện (đề tài, hình tượng đặc trưng, kiều nhân vật nổi bật, thể loại đặc thù, đặc điểm ngôn từ,...) hoặc qua việc phân tích một hay một số tác phẩm tiêu biểu (ví dụ: Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua tác phẩm Chữ người tử tù/ Sông Đà; Phong cách nghệ thuật Thạch Lam qua tác phẩm Dưới bóng hoàng lan/ Gió lạnh đầu mùa/ Hai đứa trẻ; Phong cách nghệ thuật Nam Cao qua tác phẩm Chí Phèo/ Lão Hạc;...
Kết bài: Khẳng định vị trí của tác giả trong thời kì văn học hoặc nền văn học Việt Nam.
Bài viết theo hướng dụng chân dung một tác giả văn học
Mở bài: Trình bày ấn tượng đậm nét nhất của người viết về cuộc đời và tác phẩm của tác giả.
Thân bài:
– Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân người viết về những vấn đề liên quan đến cuộc đời, tác phẩm của tác giả, qua đó, làm rõ những nét nổi bật nhất về nội dung, nghệ thuật thể hiện qua các dẫn chứng tiêu biểu.
Trang 80
– Trong khi trình bày, nên đan xen dẫn lời, dẫn ý của các nhà nghiên cứu phê bình có chuyên môn để có thông tin từ nhiều nguồn, tăng thêm sức thuyết phục cho bài viết.
– Khi đánh giả về tác giả, nên có những so sánh, liên tưởng, giả định.
Kết bài: Nói về những cảm xúc mà cuộc đời và tác phẩm của tác giả đã mang lại hay những cảm nhận từ phía độc giả về sức hấp dẫn của tác giả.
Viết
– Chú ý khai thác, vận dụng tối đa những tư liệu thu thập được cũng như những ý này sinh trong quá trình đọc đã được ghi chép dưới hình thức phiếu.
– Bài viết có thể do cá nhân hoặc nhóm học sinh thực hiện, viết ở lớp hay ở nhà tuỳ theo yêu cầu và điều kiện cụ thể.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Kiểm tra độ chính xác của những trích dẫn, kể cả trích dẫn từ văn bản văn học được phân tích, đánh giá, giới thiệu lẫn trích dẫn từ những bài nghiên cứu, phê bình, giới thiệu mà bạn đã tham khảo
– Rà soát lại bài viết về phương diện mạch lạc và liên kết, có thể đảo hay sửa lại các phần, các câu văn làm ảnh hưởng đến tính nhất quán của bài viết.
– Đảm bảo bài viết đúng chính tả và dùng từ, đặt câu chính xác.
IV. BÁO CÁO KẾT QUẢ
1. Hình thức tổ chức
– Đọc và trao đổi theo nhóm:
+ Về thông tin tác giả đã được chọn để viết bài;
+ Về kiểu văn bản đã viết;
+ Đọc một bài đề cả nhóm cùng theo dõi, nhận xét hoặc các cá nhân trong nhóm đối bài cho nhau để góp ý.
– Đánh giá: Dựa vào hệ thống tiêu chí đánh giá các kiểu bài để tự đánh giá hoặc đánh giá bài viết của bạn trong nhóm.
– Chọn bài tiêu biểu để đọc và trao đổi trước lớp.
2. Tiêu chí đánh giá bài viết
Đề việc nhận xét, đánh giá về bài viết phù hợp với yêu cầu của từng hướng viết khác nhau, cần xây dựng được những nhóm tiêu chí riêng. Có thể tham khảo các gợi ý ở trang sau:
Trang 81
– Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng giới thiệu sự nghiệp văn học của một tác giả
STT | Nội dung đánh giá | Mức độ | |
1 | Trình bày được những thông tin cơ bản về cuộc đời, quá trình sáng tác và thành tựu sáng tác nổi bật của tác giả. | Đạt | Chưa đạt |
2 | Đảm bảo tính xác thực của thông tin với những ghi chú tường tận về thời gian, không gian và các số liệu, dẫn chứng có tính tổng hợp, khái quát. | ||
3 | Chọn được hình thức triển khai thông tin hợp lí, làm nổi bật các điều kiện tạo nên thành tựu sáng tác của tác giả, giúp người đọc văn bản có được sự hình dung toàn vẹn về một sự nghiệp văn học. | ||
4 | Tổ chức bài viết thành các phần hợp lý đảm bảo mạch lạc, liên kết trong từng đoạn văn và cả văn bản. | ||
5 | Sử dụng từ ngữ chính xác; diễn đạt chuẩn mực, trong sáng; viết đúng chính tả. | ||
6 | Phối hợp linh hoạt phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ. |
– Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học
STT | Nội dung đánh giá | Mức độ | |
1 | Giới thiệu được những thông tin cơ bản của tác giả và việc nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của tác giả. | Đạt | Chưa đạt |
2 | Xác định được phạm vi nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của tác giả (nghiên cứu toàn diện hay chỉ một phương diện, một thể loại, một giai đoạn sáng tác tiêu biểu). | ||
3 | Triển khai nội dung văn bản hợp lí, nêu được những luận điểm khái quát về các đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả. | ||
4 | Làm sáng tỏ được từng đặc điểm trong phong cách nghệ thuật của tác giả thông qua những bằng chứng cụ thể, có tính thuyết phục. | ||
5 | Tổ chức bài viết thành các phần hợp lí; đảm bảo mạch lạc, liên kết trong từng đoạn văn và cả văn bản. | ||
6 | Sử dụng từ ngữ chính xác; diễn đạt chuẩn mực, trong sáng; viết đúng chính tả; thực hiện việc trích dẫn đúng quy cách, đảm bảo tính khoa học. |
Trang 82
- Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng dựng chân dung một tác giả văn học
STT | Nội dung đánh giá | Mức độ | |
1 | Nêu được những thông tin khái quát về tác giả một cách sinh động, giàu tính nghệ thuật. | Đạt | Chưa đạt |
2 | Bộc lộ được những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân về tác giả. | ||
3 | Nêu được những nét đặc sắc trong sáng tác của tác giả thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa văn và đời. | ||
4 | Biết mở rộng liên hệ, so sánh nhằm làm rõ dấu ấn của tác giả trong đời sống văn học. | ||
5 | Tổ chức nội dung bài viết linh hoạt, vừa đảm bảo logic, vừa truyền dẫn cảm xúc, đưa đến cho người đọc những ấn tượng sâu đậm về tác giả. | ||
6 | Sử dụng từ ngữ chính xác; viết đúng chính tả; diễn đạt chuẩn mực, linh hoạt, giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm. |
1. Sưu tầm những bài viết hay về tác giả văn học để tham khảo mở rộng kiến thức và học hỏi thêm về cách viết. 2. Trong các bài viết bạn sưu tầm được, hãy xác định và tìm hiểu việc tác giả đã triển khai cách viết theo hướng nào. 3. Viết bài giới thiệu về một tác giả (tự chọn) theo một trong các hướng triển khai khác nhau. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn