Bài mở đầu. Tại sao cần học địa lí? | Lịch Sử Và Địa Lý 6 | Phần Địa Lí_Bài Mở Đầu - Lớp 6 - Cánh Diều

Tại sao cần học địa lí?


Học xong bài này, em sẽ:

- Hiểu được tầm quan trọng của việc nắm các khái niệm cơ bản, các kĩ năng địa lí trong học tập và trong sinh hoạt.

- Hiểu được ý nghĩa và sự lí thú của việc học môn Địa lí.

- Nêu được vai trò của Địa lí trong cuộc sống.

Mở đầu

Khi học Địa lí, em không chỉ được thỏa mãn khát khao hiểu biết, trí tò mò của mình về các đối tượng, hiện tượng địa lí tự nhiên và đị lí kinh tế - xã hội, mà còn có khả năng tự mình tìm hiểu các vấn đề mà em quan tâm, giải thích được nhiều câu hỏi lí thú. Các kiến thức và kĩ năng địa lí vừa giúp em mở rộng tầm hiểu biết vừa giúp em vận dụng vào cuộc sống.

Kiến thức mới

Những câu hỏi chủ yếu khi học địa lí

Câu hỏi: Cái gì? Ở đâu?

Học Địa lí, em được tìm hiểu về các đối tượng và các hiện tượng địa lí như: đồi núi, sông, các thành phố, các quốc gia, động đất, núi lửa phun trào, gió, bão, sóng thần, dòng biển,...

Các đối tượng và hiện tượng này đều gắn với địa danh và với các khái niệm, thuật ngữ. Ví dụ: Em sẽ biết đến dãy Hi-ma-lay-a, một dãy núi (đúng hơn là cả một vùng núi) cao đồ sộ của thế giới. Để hiểu và nhớ về Hi-ma-lay-a, em sẽ tìm hiểu về đặc điểm của vùng núi này và sẽ sử dụng đến khái niệm núi cao, núi trẻ sự phân hóa thiên nhiên theo đai cao ở vùng núi.

Em sẽ học về các loại gió thổi thường xuyên trên Trái Đất. Khi đó, em sẽ sử dụng khái niệm khí áp, hoàn lưu khí quyển, tên và ý nghĩa của tên các loại gió.

Mỗi đối tượng địa lí, mỗi địa phương đều khác với các đối tượng, các địa phương khác. Vì thế, khi học địa lí em sẽ khám phá những đặc điểm riêng của đối tượng địa lí đó, gọi là bản sắc địa lí.

Các đối tượng và hiện tượng địa lí phân bố ở những địa điểm hay các khu vực trên Trái Đất. Vì thế, khi học địa lí, em thường xuyên xác định vị trí địa lí, sự phân bố của các đối tượng và hiện tượng địa lí trên các bản đồ, lược đồ.

Các hiện tượng địa lí có thể diễn ra ở những nơi khác nhau trên Trái Đất, không giống như mỗi đối tượng địa lí đều có một vị trí địa lí xác định. Câu hỏi "Ở đâu?" đối với các hiện tượng địa lí thôi thúc em tìm hiểu về đặc điểm chung trong phân bố một loại hiện tượng địa lí nào đó. Ví dụ: Các cơn bão nhiệt đới phân bố ở đâu?

Câu hỏi

Hãy đặt một số câu hỏi về "Cái gì?", "Ở đâu?" gắn với các đối tượng và hiện tượng địa lí mà em gặp hằng ngày trong cuộc sống?

Câu hỏi: Như thế nào? Tại sao?

Câu hỏi "Như thế nào?" được đưa ra để tìm câu trả lời về các thuộc tính của đối tượng và hiện tượng mà em tìm hiểu. Câu hỏi này đòi hỏi em phải chứng minh hay đưa ra các dẫn chứng cho các lập luận của mình. Ví dụ: Khi nói rằng có sự giảm nhiệt độ không khí theo độ cao, câu hỏi "Như thế nào?" đòi hỏi em đưa ra con số cụ thể về mức độ giảm nhiệt độ theo độ cao (trung bình lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,6 °C).

Câu hỏi "Tại sao" như:

- Tại sao hiện tượng này xảy ra?

- Tại sao các đối tượng, hiện tượng địa lí này lại phân bố như thế?

- Tại sao các đối tượng, hiện tượng địa lí này lại có các đặc điểm như thế?

Khi trả lời câu hỏi "Tại sao?", em sẽ phải tìm ra được mối liên hệ và quan hệ giữa các hiện tượng địa lí, trong đó, một hiện tượng này có thể là kết quả của mối quan hệ với một hoặc một số hiện tượng địa lí khác, được gọi là các quan hệ nhân - quả.

Ví dụ: Theo dõi các bản tin thời tiết, em phát hiện thấy hiện tượng mưa đá thường xảy ra vào thời gian chuyện mùa, nhất là đầu mùa hạ. Những ngày có cảnh báo mưa đá cũng có cảnh báo dông lốc. Tại sao mưa đá thường xảy ra vào đầu mùa hạ?

Câu hỏi

Hãy đặt một số câu hỏi về "Như thế nào?", "Tại sao?" gắn với các đối tượng và hiện tượng địa lí mà em gặp hằng ngày trong cuộc sống?

Những kỹ năng chủ yếu khi học Địa lí

Sử dụng các công cụ học tập và tìm hiểu địa lí

Câu hỏi

Để học Địa lí tốt cần phải có các công cụ hỗ trợ nào?

Sử dụng bản đồ là kĩ năng quan trọng mà người học Địa lí đều cần thành thạo. Em sẽ làm quen với việc sử dụng các loại bản đồ thông dụng, nhưng nhiều hơn cả là những bản đồ chuyên đề tỉ lệ nhỏ được in trong sách giáo khoa và các tập bản đồ.

Phân tích biểu đồ và các số liệu thống kê là kĩ năng không chỉ cần cho địa lí mà cả nhiều môn học khác.
Biểu đồ dùng để thể hiện trực quan các số liệu. Ví dụ: dân số của một số nước, thành phần không khí, nhiệt độ và lượng mưa các tháng trong năm,...

Đối với các bảng số liệu em có thể rút ra được kết luận chỉ bằng quan sát, nhưng có khi phải xử lí số liệu mới nhận xét được.

Sử dụng các thiết bị xác định phương hướng, vị trí (định vị) như địa bàn, các tiện ích trong điện thoại thông minh (địa bàn điện tử, bản đồ trực tuyến, GPS, khi áp kế điện tử,...) mở ra những khả năng mới cho em vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học vào thực tiễn. Việc có nhiều tiện ích như thế trong điện thoại thông minh cho em thấy kiến thức và kĩ năng địa lí rất thiết thực cho mọi người.

Kĩ năng tổ chức học tập ở thực địa

Kĩ năng này đòi hỏi em biết chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi thực hiện khảo sát thực địa; biết sử dụng một số công cụ đơn giản và thông dụng để thực hiện quan sát, quan trắc ngoại thực địa; biết ghi chép nhật kí thực địa; biết viết thu hoạch sau một ngày thực địa.

Kĩ năng khai thác thông tin trên internet phục vụ học tập

Đây là một kĩ năng không thể thiếu, vì nhiều thông tin kiến thức cập nhật em có thể tìm được trên internet, cả dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Em sẽ dần tìm hiểu để biết tìm thông tin, kiểm chứng xem thông tin có chính xác, có tin cậy không và biết lưu giữ sắp xếp thông tin sử dụng các thông tin đã chọn lọc khi làm các bài tập.

Địa lí và cuộc sống

Học Địa lí thật là thú vị. Lí thú vì em khám phá nhiều hiện tượng tự nhiên, dân cư, văn hóa, kinh tế mới lạ, nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Lí thú vì em tự mình giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội nhờ tìm ra được các mối quan hệ nhân - quả. Lí thú vì em hiểu được ý nghĩa của không gian sống, từ quy mô nhỏ cho đến toàn cầu. Và còn nhiều điều khác nữa, mà khi học em sẽ nhận ra.

Kiến thức và kĩ năng Địa lí thật là cần cho cuộc sống. Những câu hỏi về "Cái gì?", "Ở đâu?", "Như thế nào?", "Tại sao?" luôn là những câu hỏi thường ngày. Mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt điều cần đến kiến thức địa lí. Có kiến thức địa lí tốt ta sẽ tổ chức các hoạt động sản xuất an toàn hơn, tránh được thiệt hại do thiên tai, sử dụng tốt hơn các tài nguyên, các lợi thế về vị trí địa lí. Có kiến thức địa lí tốt, ta sẽ tự tin hơn khi đến thăm hoặc đến sống ở một vùng đất mới.

Kiến thức và kĩ năng địa lí mà em học được trong nhà trường sẽ trở thành một phần trong hành trang vào đời và sẽ được sử dụng trong các tình huống thực tiễn sau này. Vì thế, em hãy yêu Địa lí và học tốt môn Địa lí.

Câu hỏi

Hãy kể tên một số hiện tượng địa lí đang diễn ra hằng ngày nơi em sống?

Luyện tập và vận dụng

Luyện tập

1. Trong các câu hỏi chủ yếu khi học địa lí, em thích nhất trả lời câu hỏi nào? Vì sao?

Vận dụng

2. Hãy tìm kiếm thông tin trên internet hoặc các nguồn tài liệu khác để trình này một vấn đề bất kì về Trái Đất (ví dụ: các hành tinh trong hệ Mặt Trời, video về chuyển động của Trái Đất quanh trục và quanh Mặt Trời...).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài mở đầu. Tại sao cần học địa lí? | Lịch Sử Và Địa Lý 6 | Phần Địa Lí_Bài Mở Đầu - Lớp 6 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử Và Địa Lý 6

  1. Phần Lịch Sử_Chương 1. Vì Sao Cần Học Lịch Sử?
  2. Phần Lịch Sử_Chương 2. Thời Nguyên Thủy
  3. Phần Lịch Sử_Chương 3. Xã Hội Cổ Đại
  4. Phần Lịch Sử_Chương 4. Đông Nam Á (Từ những thế kỉ tiếp giáp công nguyên đến thế kỉ X)
  5. Phần Lịch Sử_Chương 5. Nước Văn Lang, Âu Lạc
  6. Phần Lịch Sử_Chương 6. Thời Bắc Thuộc Và Chống Bắc Thuộc (Từ thế kỉ II trước công nguyên đến năm 938)
  7. Phần Lịch Sử_Chương 7. Vương Quốc Chăm-Pa Và Vương Quốc Phù Nam
  8. Phần Địa Lí_Bài Mở Đầu
  9. Phần Địa Lí_Chương 1: Bản Đồ - Phương Tiện Thể Hiện Bề Mặt Trái Đất
  10. Phần Địa Lí_Chương 2. Trái Đất - Hành Tinh Trong Hệ Mặt Trời
  11. Phần Địa Lí_Chương 3. Cấu Tạo Của Trái Đất. Vỏ Trái Đất
  12. Phần Địa Lí_Chương 4. Khí Hậu Và Biến Đổi Khí Hậu
  13. Phần Địa Lí_Chương 5. Nước Trên Trái Đất
  14. Phần Địa Lí_Chương 6. Đất Và Sinh Vật Trên Trái Đất
  15. Phần Địa Lí_Chương 7. Con Người Và Thiên Nhiên

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 6

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.