Nội Dung Chính
Học xong bài này, em sẽ:
- Nêu được một số biểu hiện của biến đổi khí hậu.
- Trình bày được một số biện pháp phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mở đầu
Con người đang phải hứng chịu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do chính mình gây ra. Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Vậy biến đổi khí hậu có những biểu hiện như thế nào? Chúng ta cần có các biện pháp gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?
Kiến thức mới
Biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là những thay đổi của khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa,...) vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỉ hoặc dài hơn.
Một trong những biểu hiện chủ yếu của biến đổi khí hậu hiện nay là nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang tăng lên mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người như: chặt phá rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch,...
Sự nóng lên của Trái Đất đã làm cho băng tan nước biển dâng, thiên tai xảy ra thường xuyên, đột ngột và bất thường.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
Em có biết?
Nhiệt độ trung bình trên Trái Đất đã tăng lên thêm khoảng 0,7°C kể từ khi bắt đầu thời kì cách mạng công nghiệp và hiện nay vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong vòng 250 năm từ năm 1750 đến năm 2000 nồng độ khí cac-bo-nic trong khí quyển đã tăng lên khoảng 28%, tính trung bình tổng lượng cac-bo-nic trong khí quyển tăng từ 0,5% đến 1% mỗi năm.
Trong giai đoạn năm 1901 - 2010, mực nước biển đã dâng trung bình trên toàn cầu là 0,19 m với tốc độ trung bình là 1,7 mm/năm.
Nếu mực nước biển dâng 1 m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh của nước ta có nguy cơ bị ngập.
Hình 15.1. Một cánh đồng ở nước ta nứt nẻ vì khô hạn
Câu hỏi
Hãy nêu một số biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Thiên tai là những hiện tượng tự nhiên có thể gây hậu quả rất lớn đối với môi trường, gây thiệt hại về con người và của cải vật chất. Để phòng tránh thiên tai có hiệu quả, chúng ta cần có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả như: theo dõi bản tin dự báo thời tiết hằng ngày, diễn tập phòng tránh thiên tai, sơ tán kịp thời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức lại sản xuất và thay đổi thời vụ để giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra,...
Ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, con người cần phải thay đổi lối sống để thân thiện với môi trường như: tiết kiệm điện, giảm thiểu chất thải, trồng cây xanh ở khu dân cư và trồng rừng,... là những giải pháp quan trọng nhất.
Em có biết?
Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc COP21 năm 2015 diễn ra tại thủ đô Pa-ri, Pháp. Lần đầu tiên tất cả 196 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã đi đến một Thỏa thuận Pa-ri buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí cac-bo-nic.
Tại COP21, Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Câu hỏi
Hãy kể một số giải pháp khác để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Hãy lấy ví dụ để chứng minh khí hậu của Trái Đất đang bị biến đổi? 2. Tại sao để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước phải cắt giảm lượng phát thải khí cac-bo-nic? Vận dụng Chọn một trong hai nhiệm vụ sau: 3. Hãy nêu một số biện pháp mà học sinh có thể thực hiện để phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. 4. Hãy đưa ra một thông điệp cho người dân địa phương nơi em cư trú về lối sống thân thiện với môi trường. Giải thích ý nghĩa của thông điệp đó. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn