Nội Dung Chính
Học xong bài học này, em sẽ:
- Trình bày được những nét chính về các cuộc vận động giành quyền tự chủ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của họ Khúc và họ Dương.
- Mô tả được những nét chính trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938 và những điểm độc đáo trong tổ chức đánh giặc của Ngô Quyền.
- Nêu được ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
Mở đầu
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã tạo nên bước ngoặt lịch sử đầu thế kỉ X. Đây là sự kế thừa tinh thần yêu nước, quật cường của dân tộc và là kết quả của quá trình giành quyền tự chủ, độc lập liên tục từ họ Khúc, họ Dương đến họ Ngô.
Vậy quá trình này đã diễn ra như thế nào? Ý nghĩa và bài học lịch sử của quá trình này là gì?
Kiến thức mới
1. Họ Khúc giành quyền tự chủ
Khúc Thừa Dụ gây dựng nền tự chủ
Từ khi nhà Đường cai trị (năm 618) đến năm 905, hơn 60 quan đứng đầu "An Nam đô hộ phủ" đều là người Hán và đều do hoàng đế nhà Đường trực tiếp phong chức. (Dẫn theo Lịch sử Việt Nam - Tập 1: Từ khởi thủy đến thế kỉ X, Vũ Duy Mền) |
Em có biết?
Khúc Thừa Dụ là một hào trưởng lớn ở vùng đất Hồng Châu (nay là làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Tương truyền, ông có tính khoan hòa thương người, được dân chúng nể phục.
Hình 17.1. Tượng Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang, Hải Dương)
Từ cuối thế kỉ IX, nhà Đường ngày càng suy yếu. Giữa năm 905, nhân cơ hội Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị giáng chức, Khúc Thừa Dụ đã tập hợp nhân dân chiếm thành Đại La (Hà Nội), tự xưng Tiết độ sứ.
Đầu năm 906, hoàng để nhà Đường buộc phải công nhận, phong Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ An Nam.
Khúc Hạo củng cố nền tự chủ
Năm 907, Khúc Thừa Dụ qua đời. Con trai ông là Khúc Hạo lên nối nghiệp, vẫn xưng Tiết độ sứ.
Trong 10 năm (907 - 917), chính quyền Khúc Hạo đã tiến hành nhiều chính sách tiến bộ.
"Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ, giữ lấy La Thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia đặt các lộ, phủ, châu và xã ở các xứ (...) bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch; lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán (...). Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui". (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, |
Câu hỏi
- Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự chủ như thế nào?
- Nêu nội dung và ý nghĩa cải cách của Khúc Hạo.
2. Dương Đình Nghệ khôi phục nền tự chủ
Mùa thu năm 930, nhà Nam Hán đưa quân sang đánh bại chính quyền họ Khúc và thiết lập lại bộ máy cai trị của chính quyền phương Bắc.
Đầu năm 931, Dương Đình Nghệ - một tướng của họ Khúc - kéo quân từ Ái Châu tiến đánh và nhanh chóng làm chủ thành Đại La.
Hình 17.2. Lược đồ cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán năm 931
Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược năm 931 giành thắng lợi, Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, khôi phục nền tự chủ.
Em có biết?
Dương Đình Nghệ quê ở làng Giàng, xã Thiệu Dương, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Ông vốn là một tướng cũ có công lớn giúp Khúc Thừa Dụ giành tự chủ (năm 905). Sau đó, ông được chính quyền họ Khúc giao quản vùng Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).
Tại Ái Châu, thế lực và uy tín của họ Dương ngày càng lớn mạnh, có lúc Dương Đình Nghệ nuôi tới 3 000 "con nuôi" trong vùng, họ đều mang họ Dương.
Câu hỏi
Dương Đình Nghệ đã khôi phục và giành quyền tự chủ như thế nào?
3. Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng (năm 938)
Cuối năm 938, vua Nam Hán cử con trai là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy quân thủy tiến sang xâm lược nước ta. Được tin, Ngô Quyền chủ động lên kế hoạch đánh giặc có vùng cửa biển Bạch Đằng.
Ngô Quyền nói với các tướng của mình rằng: "Hoằng Tháo là một đứa trẻ đại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết (...) đã mất vía trước rồi (...). Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được". (Đại Việt sử kí Toàn Thư, |
Em có biết?
Ngô Quyền là người tinh thông và có sức khỏe hơn người, từ nhỏ đã sớm bộc lộ chí khí của người giỏi võ nghệ, có tài mưu lược.
Lớn lên, Ngô Quyền đến vùng đất Ái Châu theo Dương Đình Nghệ. Trong những cuộc chiến chống quân Nam Hán năm 931, Ngô Quyền lập được nhiều công lớn.
Hình 17.3. Tượng Ngô Quyền (Hải Phòng)
Sông Bạch Đằng chảy giữa địa phận thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) ngày nay, sau đó đổ ra biển. Xưa kia, hai bên bờ hạ lưu sông Bạch Đằng có rừng rậm um tùm, nhân dân trong vùng gọi là sông Rừng. Tại khu vực cửa biển Bạch Đằng, khi thủy triều lên cao, lòng sông rộng mênh mông.
Hình 17.4. Tái hiện bãi cọc ngầm năm 938 ở cửa biển Bạch Đằng
Hình 17.5. Lược đồ diễn biến trận Bạch Đằng 938
Cuối năm 938, Lưu Hoằng Tháo dẫn quân tiến vào khu vực cửa biển Bạch Đằng. Khi nước triều dâng cao, Ngô Quyền cử quân ra đánh và giả vờ thua.
Lưu Hoằng Tháo sai quân đuổi theo, vượt qua khu vực có bãi cọc ngầm mà không hề hay biết.
Khi nước triều bắt đầu rút, Ngô Quyền hạ lệnh cho quân tấn công. Bị đánh bất ngờ quân Nam Hán quay đầu tháo chạy nước triều rút ngày càng mạnh, bãi cọc nhầm lộ ra. Các chiến thuyền của quân Nam Hán va vào bãi cọc, vỡ và bị chìm Lưu Hoằng Tháo tử trận trong đám tàn quân.
Hình 17.6. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 (mô hình - Bảo tàng lịch sử Quân sự)
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.
"Tiền Ngô Vương [Ngô Quyền] có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy". (Đại Việt sử kí Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Hậu Lê) |
Câu hỏi
- Dựa vào lược đồ hình 17.5, hình 17.6 và đọc thông tin, hãy tóm tắt diễn biến trận Bạch Đằng năm 938.
- Nét độc đáo trong nghệ thuật đánh giặc của Ngô Quyền thể hiện qua những điểm nào?
- Nêu ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
- Đánh giá công lao của Ngô Quyền đối với lịch sử dân tộc.
Góc mở rộng
Đền thờ và lăng mộ vua Ngô Quyền được xây dựng ở Đường Lâm vào thời Nguyễn (thế kỉ XIX).
Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5 m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương lăng" (Lăng mộ Vua Ngô Quyền).
Hình 17.7. Lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập 1. Dựa vào mẫu dưới đây, hãy sắp xếp những thông tin vào sơ đồ sao cho phù hợp: 2. Trong các sự kiện lịch sử: Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ năm 905; Dương Đình Nghệ đánh tan quân Nam Hán năm 931; chiến thắng Bạch Đằng năm 938, sự kiện nào đã tạo nên bước ngoặt của lịch sử dân tộc đầu thế kỉ X? Vì sao? Vận dụng 3. Trong vai hướng dẫn viên du lịch, em hãy giới thiệu về một trong những điểm di tích liên quan đến các nhân vật lịch sử: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền. 4. Em có ấn tượng nhất với anh hùng dân tộc nào trong thời Bắc thuộc? Hãy giới thiệu vị anh hùng đó dựa vào các nội dung: tiểu sử, công lao, di tích lịch sử liên quan,… |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn