Nội Dung Chính
Học xong bài học này, em sẽ:
- Nêu được một số chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc trong thời kì Bắc thuộc.
- Nhận biết được một số chuyển biến quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc.
Mở đầu
Thành cổ Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn là trụ sở của chính quyền đô hộ nhà Hán trong các thế kỉ đầu thời Bắc thuộc. Với số lượng phong phú, đa dạng của các hiện vật khảo cổ, Luy Lâu không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là nơi thể hiện sự giao thoa kinh tế, văn hóa tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử này.
Trong hơn một nghìn năm đô hộ Việt Nam, các triều đại phong kiến phương Bắc đã thi hành chính sách cai trị như thế nào? Tình hình kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam có chuyển biến ra sao?
Hình 14.1. Mô hình nhà bằng đất nung
(hiện vật khảo cổ tại Luy Lâu)
Kiến thức mới
1. Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc
Chính sách cai trị về chính trị
Sau khi chiếm được Âu Lạc, các triều đại phong kiến phương Bắc đã chia thành các quận, huyện và sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.
Các triều đại phong kiến phương Bắc đưa người Hán sang cai trị người Việt theo luật pháp hà khắc của họ. Tuy nhiên, đứng đầu các làng, xã vẫn là hào trưởng người Việt.
Em có biết?
Sau khi xâm lược Âu Lạc (179 TCN ), nhà Triệu chia Âu Lạc làm hai quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ ngày nay).
Nhà Hán chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam gộp các quận ở nam Trung Quốc thành châu Giao.
Đến thời nhà Đường, nước ta chia làm nhiều châu, trực thuộc An Nam đô hộ phủ, đứng đầu Phủ đô hộ là viên Tiết độ sứ người Hán.
CHÂU
Đứng đầu là viên Thứ sử người Hán
↓
QUẬN
Đứng đầu là viên Thái thú người Hán
↓
HUYỆN
Từ sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, người Hán trực tiếp nắm giữ
↓
LÀNG, XÃ
Do người Việt đứng đầu
Hình 14.2. Sơ đồ tổ chức chính quyền của nhà Hán ở châu Giao
Hình 14.3. Lược đồ hành chính nước ta dưới thời thuộc Đường
Chính quyền đô hộ còn tập trung xây đắp các thành lũy lớn như thành Luy Lâu (Bắc Ninh), thành Tống Bình, thành Đại La (Hà Nội),... và bố trí đông đảo lực lượng quân đội đồn trú. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong đàn áp các cuộc đấu tranh của người Việt.
Câu hỏi
- Chính sách cai trị về chính trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta thời Bắc thuộc thể hiện như thế nào?
- Các triều đại phong kiến phương Bắc chủ trương đặt nước ta thành quận, huyện trực thuộc Trung Quốc nhằm mục đích gì?
Chính sách bóc lột về kinh tế
Trong thời Bắc thuộc các triều đại phong kiến phương Bắc và chính quyền đô hộ chủ yếu sử dụng chế độ tô thuế bắt cống nào sản vật nắm độc quyền về sắt và muối đối với người Việt.
Sách Hậu Hán thư (Trung Quốc) chép: "Xưa đất Giao Chỉ có nhiều sản vật quý, ngọc minh cơ, sừng tê, ngà voi, đồi mồi, hương lạ (trầm hương), gỗ đẹp, thứ gì cũng có. Các thứ sử trước sau phần lớn không thanh liêm, trên thì bợ đỡ kẻ quyền quý, dưới thì thu vét của cải của dân, đến khi đầy túi tiền thì xin dời đổi". |
(1) Tiết độ sứ Lý Trác từng quy định rằng, một con trâu chỉ đổi được một đấu muối. (2) "(Đinh nam) mỗi năm chịu sai dịch 20 ngày, không ứng dịch thì cứ mỗi ngày nộp hai thước lụa". (Đấu: đơn vị đong, một đấu khoảng 10 kg; Thước: đơn vị đo, một thước khoảng 1 m). Dẫn theo Lịch sử Việt Nam - Tập 1: Từ khởi thủy đến thế kỉ X, Vũ Duy Mền) |
Hình 14.4. Trầm hương - một trong những sản vật
mà người Việt phải cống nạp cho chính quyền phương Bắc
Hình 14.5. Muối - hàng hóa bị chính quyền cai trị nắm độc quyền
Câu hỏi
Dựa vào các hình 14.4, 14.5 và đọc các thông tin tư liệu trên, hãy liệt kê những hình thức bóc lột chủ yếu của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta thời Bắc thuộc.
Chính sách cai trị về văn hóa
Các triều đại phong kiến phương Bắc đưa người Hán sang sinh sống lâu dài, đồng thời mở trường lớp dạy chữ Hán, áp dụng luật Hán và tìm cách truyền bá văn hóa, phong tục phương Bắc đối với người Việt.
Từ thời Hán Vũ Đế đã "đặt quan thứ sử để trấn thủ và cai quản, rồi đưa người Trung Quốc sang ở lẫn với dân bản thổ, cho dân bản thổ học viết qua loa và võ vẽ biết được ngôn ngữ Trung Quốc; lại có sứ thần đi lại, (họ) trông thấy lễ nghi mà thay đổi theo". (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn). |
Câu hỏi
- Việc đưa người Hán sang sinh sống lâu dài ở nước ta nhằm mục đích gì?
- Nêu chính sách cai trị về văn hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta thời Bắc thuộc.
2. Những chuyển biến về kinh tế, xã hội, văn hóa trong thời Bắc thuộc
Những chuyển biến về kinh tế
Dưới thời Bắc thuộc, trồng trọt, chăn nuôi, nhất là trồng lúa nước vẫn là những hoạt động kinh tế chính. Đặc biệt, cách thức canh tác trong nông nghiệp cũng có những chuyển biến mới, như sử dụng phổ biến công cụ bằng sắt, sức kéo của trâu bò, biết kĩ thuật chiết cành,...
Nghề thủ công truyền thống (đúc đồng, rèn sắt, làm gốm, làm mộc,...) tiếp tục phát triển với kĩ thuật sản xuất cao hơn. Đồng thời, nhiều nghề thủ công mới xuất hiện như làm giấy, làm đường, làm mật mía, làm "vải Giao Chỉ" từ vỏ cây đay, cây chuối, làm thủy tinh,...
Hình 14.6. Gương đồng tại Luy Lâu (thế kỉ I - III)
Hình 14.7. Bình gốm tại Luy Lâu (thế kỉ I - III)
Câu hỏi
Quan sát các hình 14.6, 14.7 và đọc thông tin, hãy cho biết những chuyển biến về kinh tế của nhân dân ta trong thời Bắc thuộc.
Những chuyển biến về xã hội và văn hóa
Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và những chuyển biến về kinh tế đã tác động đến xã hội, văn hóa của người Việt.
Bảng mô tả chuyển biến xã hội thời Bắc thuộc so với xã hội thời Văn Lang, Âu Lạc
Thời Văn Lang, Âu Lạc | Thời Bắc thuộc | |
Vua | Quan lại đô hộ | |
Lạc hầu, Lạc tướng | Địa chủ Hán | Hào trưởng Việt |
Lạc dân | Nông dân công xã | |
Nông dân lệ thuộc | ||
Nô tì |
Từ đầu Công nguyên, ở Việt Nam xuất hiện các trường dạy chữ Hán tại các quận. Về sau, tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và phong tục của người Hán được truyền bá vào ngày càng nhiều.
Câu hỏi
Quan sát bảng trên và đọc thông tin, hãy cho biết sự chuyển biến của xã hội và văn hóa Việt Nam thời Bắc thuộc.
Góc mở rộng
Chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được khởi công xây dựng 187 và hoàn thành năm 226. Tháng 12-2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Hình 14.8. Chùa Dâu (Thuận Thành Bắc Ninh)
Luyện tập và vận dụng
Luyện tập1. Nêu một số nét trong chính sách cai trị về chính trị, kinh tế, văn hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với người dân Việt Nam thời Bắc thuộc. 2. Nêu những chuyển biến về kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Vận dụng3. Hãy cho biết những cách thức canh tác, nghề thủ công nào trong thời Bắc thuộc vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn