Lựa Chọn Và Nêu Luận Điểm | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 20


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Biết lựa chọn và nêu luận điểm xác đáng cho bài văn nghị luận.

Luận điểm là linh hồn của bài văn nghị luận. Luận điểm không xác đáng, không quan trọng, không gây chú ý thì bài văn nghị luận coi như không có ý nghĩa. Do đó, việc lựa chọn và nêu luận điểm có tầm quan trọng đặc biệt, cần được quan tâm đúng mức.

1. Cách lựa chọn luận điểm

Các đề văn nói chung đều cung cấp tài liệu và phạm vi vấn đề nghị luận nhưng để ngỏ phần luận điểm cho người làm bài đề xuất. Đối với mỗi vấn đề, người viết có thể nêu ra nhiều luận điểm khác nhau làm nội dung cho bài nghị luận của mình. Các luận điểm nêu ra cần phải rõ ràng, sát hợp với đề, phải đúng đắn, có tính khái quát và có ý nghĩa đối với thực tế xã hội. Cao hơn nữa, luận điểm phải mới mẻ, sâu sắc.

Ví dụ, đối với đề văn nghị luận : "Thật thà là dại chăng ?", có học sinh viết : "Thật thà có dại dột hay không ? Có người bảo dại, có kẻ bảo khôn. Theo em thì dại hay khôn tuỳ trường hợp mà nói". Cách nêu luận điểm như vậy xem ra có vẻ đúng, nhìn nhận sự việc tuỳ theo trường hợp cụ thể, nhưng xét kĩ thì không đúng, bởi thật thà là một phẩm chất tốt : sống tự nhiên, trung thực, không gian dối, giả tạo. Cần phải khẳng định trước hết, thật thà là một phẩm chất tốt đẹp ; thứ hai, thật thà là khôn chứ không phải dại. Thật thà là một trong năm điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy thiếu nhi Việt Nam. Dân gian khẳng định thật thà còn hơn cả khôn ngoan : "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà - Luồn thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy". Thật thà làm cho mọi việc được thực hiện đúng yêu cầu (loại bỏ sự gian dối). Thật thà đem lại sự tin cậy lẫn nhau. Thật thà làm cho cuộc sống thanh thản. Chỉ những ai sống trung thực, trong sáng mới có thể thật thà và quý trọng sự thật thà. Xem "thật thà là dại" chỉ đúng với một vài trường hợp đặc thù (như không thể thật thà với kẻ địch) hoặc chỉ phù hợp với tâm lí của những người thiếu trung thực : nói dối, làm dối nhằm mưu lợi riêng. Đối với các vấn đề tư tưởng, đạo lí, thái độ của người làm văn nghị luận cần phải dứt khoát, rõ ràng, không được mơ hồ.

Với đề "Chăm chỉ và tài năng", có học sinh mở đầu bằng luận điểm "Tài năng là của hiếm", như vậy sẽ xa đề, khó bàn quan hệ với chăm chỉ. Cần xem tài năng là năng lực giải quyết công việc đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tế và lợi ích lâu dài. Năng lực đó có thể hình thành do quá trình chăm chỉ lao động trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó.

Đối với đề yêu cầu bình luận hiện tượng trong kì thi tuyển sinh đại học có hàng nghìn thí sinh bị xử lí kỉ luật vì sử dụng tài liệu, một học sinh nêu : "Bị xử lí kỉ luật là một việc đáng tiếc cho các bạn đã tốn công, tốn của học tập mười hai năm trời". Đó là một nhận định đúng, xét theo lợi ích cá nhân. Xét về mặt xã hội, cần nêu rõ : "Hiện tượng vi phạm quy chế thi nhiều như thế chứng tỏ tâm lí, đạo đức học sinh có vấn đề đáng suy nghĩ". Người làm văn nghị luận nên nhìn vấn đề với con mắt bao quát, có tính xã hội. Chẳng hạn, cần phải nói đó là hiện tượng đáng báo động về tâm lí, thái độ học tập thiếu nghiêm túc của không ít học sinh. Như vậy, trước một đề văn, sau khi tìm hiểu đề, việc tìm ý thực chất là lựa chọn luận điểm thích đáng, đúng đắn cho bài làm.

2. Cách nêu luận điểm

a) Việc nêu luận điểm không tách rời với cách nhìn và cách lập luận. Ví dụ đối với đề văn nghị luận : "Tuổi trẻ và xã hội", đầu tiên cần có khái niệm về xã hội, tuổi trẻ và mối quan hệ giữa xã hội và tuổi trẻ. Ở đây cần vận dụng thao tác lập luận giải thích, định nghĩa xác lập cách hiểu làm cơ sở, sau đó chọn cách nhìn để nêu luận điểm. Chẳng hạn, nhìn từ trách nhiệm xã hội đối với tuổi trẻ thì sẽ có một số đòi hỏi của tuổi trẻ đối với xã hội. Nhìn từ nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với xã hội lại có những đòi hỏi của xã hội đối với tuổi trẻ. Có giải thích và có cách nhìn rồi, người viết bài có thể nêu các luận điểm trung tâm : xã hội phải chăm lo cho tuổi trẻ như chăm lo tương lai của mình ; tuổi trẻ phấn đấu để xứng đáng với mong muốn của xã hội, v.v. Cần cụ thể hoá luận điểm trung tâm thành từng luận điểm bộ phận. Người làm văn có thể lựa chọn một góc nhìn để tập trung luận bàn về một mặt của vấn đề : tuổi trẻ đối với xã hội, hoặc bàn về mặt kia : xã hội đối với tuổi trẻ.

b) Mọi thao tác lập luận đều có thể được dùng làm cơ sở để nêu luận điểm. Ví dụ đối với nhóm đề mở, học sinh cần vận dụng thao tác định nghĩa, giải thích và xác lập quan hệ để nêu ra luận điểm. Đối với nhóm đề có giới hạn thì trước hết cần vận dụng thao tác phân tích, tổng hợp, quy nạp, sau đó mới bình luận (nêu nhận định, đánh giá) ; hoặc giải thích, định nghĩa rồi mới phân tích.

LUYỆN TẬP

Bình luận truyện ngụ ngôn sau đây và thực hiện yêu cầu ở dưới.

NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Ngày xưa có ông vua sai đại thần dắt đến một con voi cho bọn người mù sờ xem. Sau đó vua hỏi : "Các ông đã biết voi chưa ?".

– Biết rồi ! – Bọn người mù đáp.

– Thế voi như thế nào ?

– Voi xem ra như cái đòn xóc. – Người sờ ngà voi bảo.

– Voi như cái quạt. – Người sờ tai nói.

– Voi như tảng đá. – Người sờ đầu voi đáp.

Người sờ vòi lại bảo : "Voi giống như cái chày".

– Voi giống như cái hộp gỗ. – Người sờ mắt voi nói.

– Không phải, voi như cái giường. – Người sờ lưng voi khẳng định.

– Theo tôi con voi như cái thùng to. – Người sờ bụng voi kêu lên.

– Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. – Người sờ đuôi xác nhận.

Nhà vua nghe bọn người mù tranh cãi nhau, cảm khái nói :

                              Người mù thì rất đông
                              Còn voi chỉ có một
                              Ai cũng cho mình đúng
                              Đúng sai thật bất đồng.

(TĐS dịch từ sách Cầm hoa mỉm cười của Trung Quốc)

Yêu cầu : Nêu các luận điểm về ý nghĩa của truyện. Chọn luận điểm quan trọng nhất, có ý nghĩa xã hội sâu rộng làm luận điểm trung tâm. Khi bình luận, cần chú ý sự khác biệt của truyện này so với truyện Thầy bói xem voi của Việt Nam.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Lựa Chọn Và Nêu Luận Điểm | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.