Nội Dung Chính
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được một số đặc điểm và yêu cầu của phần kết bài,
• Có kĩ năng viết kết hài nhanh và đáp ứng đúng các yêu cầu của phần kết bài.
1. Đặc điểm và yêu cầu của phần kết bài
Từ các lớp dưới, học sinh đã được thực hành nhiều về cách viết kết bài. Kết bài là phần cuối của bài văn, nhằm tổng kết, "gói lại" vấn đề đã đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài. Không chỉ thế, một kết bài hay còn tiếp tục khơi gợi suy nghĩ, tình cảm ở người đọc.
Như thế, một mặt kết bài phải thâu tóm lại nội dung cơ bản của thân bài, mặt khác phải tạo được "dư ba" trong lòng người đọc. Thâu tóm nội dung không phải là lặp lại đúng lời văn trong phần thân bài mà phải dùng một hình thức khác, thường là khái quát và ngắn gọn. Còn "dư ba" là lời đã hết mà ý dường như vẫn không cùng, không hết, vẫn khiến người đọc trăn trở, day dứt,...
2. Một số cách kết bài
Thông thường có một số cách kết bài như sau.
a) Tóm tắt và nhận xét về nội dung đã trình bày trong các phần trước. Ví dụ : Viết về quan điểm văn nghệ của Hồ Chí Minh, sau khi đã phân tích ở thân bài, có thể kết bài như sau :
"Tóm lại, đối tượng vận động chính trị và mục đích chính trị khác nhau (Viết cho ai ? Viết để làm gì ?) quyết định nội dung và hình thức viết khác nhau (Viết cái gì ? Viết như thế nào ?) của văn thơ Hồ Chí Minh. Quan điểm sáng tác rất nhất quán này đã tạo nên cho Người một sự nghiệp văn thơ hết sức phong phú, đa dạng từ nội dung đến hình thức, từ tư tưởng đến thể loại, phong cách,...".
b) Khái quát nội dung và kêu gọi hành động. Ví dụ : Kết thúc bài văn bàn về lòng yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết :
"Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến".
(Tuyển tập văn chính luận Hồ Chí Minh)
c) Khái quát nội dung và đặt ra câu hỏi nhằm khơi gợi suy nghĩ, tình cảm ở người đọc. Ví dụ : Sau khi phân tích biểu dương những thói quen tốt và phê phán những thói quen xấu, tác giả kết thúc bài viết :
"Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Có nên xem lại mình ngay từ mỗi người, mỗi gia đình để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội ?".
(Băng Sơn – Giao tiếp đời thường)
d) Khái quát nội dung và mở rộng, nâng cao vấn đề đã được bàn bạc trong các phần trên. Ví dụ : Trong bài Lại đọc "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, sau khi phân tích vẻ đẹp của nhân vật quản ngục thể hiện ở thái độ ngưỡng mộ đến mức sùng kính đối với Huấn Cao, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh kết thúc :
"Cái cử chỉ đẹp nhất, cảm động nhất của nhân vật này (tức viên quản ngục) lại chính là cái cử chỉ khúm núm trước người tử tù cái đêm Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục [...] Có những cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Chính Cao Chu Thần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù, có một câu thơ thật đẹp, thật sang :
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa(⁎)
(Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai)
Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy".
LUYỆN TẬP
1. Đọc các kết bài sau và xác định xem tác giả đã viết kết bài theo dạng nào.
– Kết bài 1 : "Nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực khác" là trách nhiệm xã hội cao cả của những người viết báo trong quá trình "nhìn thẳng vào sự thật", đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật để chiến đấu cho sự đổi mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng".
(Hữu Thọ – Bình luận báo chí thời kì đổi mới)
– Kết bài 2 : "Tất cả những điều ấy chẳng phải đã khiến cho Nguyễn Khuyến hiện ra giữa chốn vườn Bùi như một cây cô trúc thanh cao hay sao? Thân cô trúc chỉ cần một gợn gió nhẹ thôi cũng xao mình, trăn trở ! Giữa nơi yên mà nào nó có yên ? Và làm sao biết trong cõi riêng của ba bài thu kia, thân cô trúc ấy còn phất phơ, còn hắt hiu, còn bất an đến thế kỉ nào ?".
(Chu Văn Sơn – Gió thu lay động cành cô trúc)
2. Viết kết bài cho một trong các đề văn ở Bài viết số 5 và Bài viết số 6.
(*) Có ý kiến cho rằng câu thơ này Cao Bá Quát mượn của một nhà thơ Trung Quốc (Người biên soạn).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn