Vợ Nhặt | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 20


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Thấy được một cách thấm thía nạn đói khủng khiếp do bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra năm 1945 ; nhận thức được niềm khát khao hạnh phúc gia đình và niềm tin vào cuộc sống của người dân lao động.

• Hiểu được nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm ở các phương diện : trần thuật, sáng tạo tình huống truyện, diễn tả tâm lí, gợi không khí, dựng đối thoại,...

TIỂU DẪN

Kim Lân (1920 - 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết bậc Tiểu học. Ông vừa làm thợ vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hoá cứu quốc và từ đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ cách mạng và kháng chiến (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim,...). Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001.

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.

hinh-anh-vo-nhat-2965-0

Tác phẩm chính : Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập Con chó xấu xí. Văn bản sau đây có lược một số đoạn.

⁎ ⁎ ⁎

(Lược phần đầu : Trước kia mỗi chiều đi làm về, Tràng chỉ đi một mình. Anh thường đùa một cách hồn nhiên với lũ trẻ trong xóm ngụ cư. Nhưng độ này người ta thấy, trên đường về nhà, Tràng tỏ ra mệt mỏi, vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng,... và lũ trẻ cũng ngồi ủ rũ không buồn ra đón anh nữa).

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu(1) lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.

Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào lên :

– Anh Tràng ơi ! – Tràng quay đầu lại. Nó lại cong cổ gào lên lần nữa – Chông vợ hài(2) !

Tràng bật cười :

– Bố ranh !

Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ

(1) Đội chiếu : lấy cái chiếu cuộn lại, buộc túm một đầu, chụp lấy đầu và cuộn quanh người mà đi để chống rét. Đây là hình ảnh rất phổ biến ở miền Bắc nước ta thời kì xảy ra nạn đói khủng khiếp giết chết hơn hai triệu người vào mùa đông năm 1944 và mùa xuân năm 1945.

(2) Chông vợ hài (nói lái) : hai vợ chồng.

cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.

Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi :

– Ai đấy nhỉ ?... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên ?

– Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ(1) có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

– Quái nhỉ ?

Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.

– Hay là vợ anh cu Tràng ? Ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.

– Ôi chao ! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?

Họ cùng nín lặng.

Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Hắn cũng biết thế, nhưng hắn lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.

(Lược một đoạn : Hai vợ chồng trên đường về nhà. Người đàn bà thì ngượng nghịu, Tràng thì có vẻ thích chí và tự đắc. Thỉnh thoảng họ trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ nhát gừng, ngượng ngùng, vụng về, lúng túng,...).

Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Hắn quay lại nhìn thị cười cười :

(1) Còn mồ ma ông cụ Tứ : lúc ông cụ Tứ còn sống.

– Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy !

Thị nhếch mép cười nhạt nhẽo. Tràng vỗ vỗ xuống giường đon đả :

– Ngồi đây !... Ngồi xuống đây, tự nhiên...

Người đàn bà theo lời hắn ngồi mớm xuống mép giường. Cả hai bỗng cùng ngượng nghịu. Tràng đứng tây ngay giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân gắt lên :

– Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết !

Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà. Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần.

Hắn nghĩ bụng : "Quái sao nó lại buồn thế nhỉ ?... Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ ?...". Hắn nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình. Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ? Hà ! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng...

Ít lâu nay hắn xe thóc Liên đoàn(1) lên tỉnh. Mỗi bận qua cửa nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đấy. Hắn đoán họ ngồi đấy nhặt hạt rơi hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng :

                       Muốn ăn cơm trắng mấy giò này !
                       Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì !

Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ :

– Kìa anh ấy gọi ! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy ! Thị cong cớn :

– Có khối cơm trắng mấy giò đấy ! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy ?

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười :

– Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên !

Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.

(1) Liên đoàn : tổ chức chuyên thu mua thóc cho phát xít Nhật thời gian chúng chiếm đóng nước ta.

– Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ. – Thị liếc mắt, cười tít.

Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế.

Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói :

– Điêu ! Người thế mà điêu !

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.

– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

– Đấy, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi.

– Rích bố cu(1), hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả :

– Ăn thật nhá ! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

− Hà, ngon ! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười :

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn(2), nghĩ : thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng(3). Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái :

(1) Rích bố cu (tiếng Pháp bồi, nguyên văn là riche beaucoup) : rất giàu.

(2) Chợn : sợ.

(3) Đèo bòng : mang thêm, vướng bận thêm vào mình một cái gì rất khó gỡ ra được ("Vì cam cho quýt đèo bòng - Vì em nhan sắc nên lòng anh thương" – ca dao).

– Chậc, kệ !

Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về...

Tràng chợt đứng dừng lại, lắng tai nghe. Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ, và gọi với vào trong nhà :

− U đã về đấy !

Hắn lật đật chạy ra đón.

– Hôm nay sao u về muộn thế ! Làm tôi đợi nóng cả ruột.

Bà cụ Tứ nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi :

– Có việc gì thế vậy ?

– Thì u hẵng cứ vào trong nhà đã nào.

Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia ? Sao lại chào mình bằng u ? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.

Tràng tươi cười :

– Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giấc chĩnh chện cái đã nào.

Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa :

− U đã về a !

Ô hay, thế là thế nào nhỉ ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ :

– Kìa nhà tôi nó chào u.

Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp :

– Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ : Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này(1) thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được ?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới" :

– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời :

– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm” ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không ?

– Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.

Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật :

– Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.

(1) Tao đoạn này : thời buổi này (ở đây có nghĩa là thời buổi khó khăn).

(2) Đốt đống rấm : thường là đốt một đống trấu cho cháy âm ỉ. Ở đây đốt đống rấm cốt có khói để xua bớt hơi lạnh người chết.

(Lược một đoạn : Cảnh gia đình trước khi đi ngủ. Tràng và vợ sượng sùng chẳng biết nói gì. Ngoài xóm có tiếng hờ khóc vẳng đến từ những gia đình có người chết đói).

Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng loá xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên(1) ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang(2) nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước(3) đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu :

– Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.

– Vâng.

Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn(4) như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí làm ăn không ? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn(5) thu dọn, quét tước

(1) Khươm mươi niên (khẩu ngữ) : rất lâu rồi.

(2) Ang : đồ đựng nước bằng gốm.

(3) Kín nước : mang (gánh, xách,...) nước về để dùng cho sinh hoạt.

(4) Chao chát, chỏng lỏn : nói năng đanh đá, xấc xược, trái nghĩa với dịu dàng, lễ phép.

(5) Xăm xắn : mau mắn, hãng hải.

nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này :

– Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hoà hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn. Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ :

– Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười :

– Chè đây – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán(1) đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả :

– Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.

Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen.

(1) Chè khoán : một thứ chè ngon nấu bằng đỗ xanh đãi sạch vỏ, nấu nhuyễn và đặc, đổ ra đĩa, để nguội và xắt thành từng miếng. Đây là tiếng địa phương vùng quê tác giả (ở nhiều nơi khác gọi là chè kho).

Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng :

– Trống gì đấy, u nhỉ ?

– Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ... – Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lẩm bẩm :

– Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à ?

Im lặng một lúc thị lại tiếp :

– Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít... Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

Tràng hỏi vội trong miếng ăn :

– Việt Minh phải không ?

– Ừ, sao nhà biết ?

Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.

hinh-anh-vo-nhat-2965-1Phá kho thóc Nhật
(Ảnh : Thông tấn xã Việt Nam – Võ An Ninh)

Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh đồng đi lối khác.

À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...

(Truyện ngắn Việt Nam 1945 - 1985,
NXB Giáo dục, 1985)         

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Dựa vào mạch truyện, có thể chia văn bản trên đây làm mấy phần ? Hãy trình bày vắn tắt nội dung mỗi phần. Mạch truyện được dẫn dắt hợp lí như thế nào ?

2. Giải thích vì sao có sự ngạc nhiên của mọi người khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà. Sự ngạc nhiên của các nhân vật đó cho thấy tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo như thế nào ? Tình huống truyện như thế có tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của tác phẩm ?

3. Anh (chị) hiểu thế nào về hai chữ "vợ nhặt" ? Qua hiện tượng "nhặt được vợ" của Tràng, anh (chị) có suy nghĩ gì về thân phận người dân nghèo và nạn đói năm 1945 ?

4. Vì sao bà cụ Tứ ngạc nhiên khi thấy có một người đàn bà lạ trong nhà mình cùng với con trai ? Khi biết con mình "nhặt" được vợ, tại sao bà cụ nói : "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng", sau đó lại nói : "Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá" ?

5. Phân tích sự giống và khác nhau trong tâm trạng của các nhân vật : Tràng, bà cụ Tứ và vợ Tràng (riêng đối với nhân vật này, cần so sánh tâm lí thể hiện ở hành vi, cách ăn nói của chị ta khi gặp Tràng lần đầu và khi đã trở thành vợ Tràng).

Buổi sáng ngày đầu tiên Tràng có vợ, vì sao "Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hoà hợp như thế" ?

6. Anh (chị) hãy cho biết bằng cách nào tác giả đã tạo ra được, một cách rất cụ thể, không khí ở nông thôn nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

BÀI TẬP NÂNG CAO

Anh (chị) có nhận xét gì về chiều sâu và tính chất độc đáo trong nghệ thuật phản ánh hiện thực (hiện thực xã hội và hiện thực tâm lí các nhân vật) của truyện ngắn Vợ nhặt ?

TRI THỨC ĐỌC - HIỂU

Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật

Câu chuyện không thể tự kể ra, mà phải giả định do ai biết, nhìn thấy và kể lại. Người kể chuyện có thể là người giấu mình (thường gọi là "người kể theo ngôi thứ ba") hay là người lộ diện như là một trong số nhân vật của truyện (thường xưng "tôi"). Nhưng dù là ai, người kể chuyện phải lựa chọn điểm nhìn trần thuật – tức là vị trí để quan sát và kể chuyện.

Người kể chuyện giấu mình trong Vợ nhặt bắt đầu kể chuyện Tràng dẫn vợ về từ bối cảnh chết chóc của làng quê, từ cặp mắt ngạc nhiên của những người dân trong xóm. Cảnh gặp người đàn bà được kể bởi điểm nhìn của Tràng, cảnh về nhà giới thiệu vợ với mẹ cũng được kể theo con mắt Tràng, tiếp đó chuyển sang kể theo con mắt quan sát và suy nghĩ của bà mẹ. Cảnh sáng hôm sau ngủ dậy được kể qua cảm giác tràn đầy hạnh phúc của Tràng, sự quan sát của anh về những biến đổi của người vợ. Đoạn kết cũng được kể qua ý thức của Tràng. Điểm nhìn trần thuật ấy đã di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, nhưng luôn dành cho Tràng một vị trí trung tâm, hé mở cho thấy từ khát vọng hạnh phúc lứa đôi, Tràng đã mơ hồ cảm thấy phải tham gia vào hành động chung của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh để tự giải phóng.

Điểm nhìn trần thuật giống như ống kính, có vai trò dẫn dắt người đọc quan sát các chi tiết và diễn biến có ý nghĩa đặc biệt của truyện. Khi đọc truyện cần theo dõi điểm nhìn trần thuật để lĩnh hội được ý nghĩa của tác phẩm.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Vợ Nhặt | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.