Nội Dung Chính
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được một cách hệ thống những kiến thức về tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai.
• Biết vận dụng những kiến thức trên vào việc rèn luyện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt.
1. Đọc những câu sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
Sau còn trở lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn khẽ lay mà gọi :
– Anh Chí ơi ! Sao anh lại làm ra thế ?
Chí Phèo lim dim mắt, rên lên :
– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm ; người ta bảo cụ hơn người cũng bởi cái cười :
– Cái anh này nói mới hay ! Ai làm gì anh mà anh phải chết ? Đời người chứ có phải con ngoé đâu ? Lại say rồi phải không ?
Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi :
– Về bao giờ thế ? Sao không vào tôi chơi ? Đi vào nhà uống nước.
Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn :
– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.
Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn :
– Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguội. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát :
– Lí Cường đâu ! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên !
a) Tại sao bá Kiến đuổi dân làng đi về hết, rồi mới nói chuyện với Chí Phèo ?
b) So sánh ngôn ngữ của Chí Phèo và của bá Kiến, xét trên quan hệ thân sơ của nhân vật giao tiếp.
2. Lấy dẫn chứng từ văn bản sau đây để minh hoạ cho đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ hành chính và cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách này.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: 33/2007/QĐ-BGDĐT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2007
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo ;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định quản lí văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận : BỘ TRƯỞNG
[..........] (Đã kí và đóng dấu)
3. Trong những câu dưới đây có một số câu sai vì chép thiếu hay thừa một quan hệ từ. Anh (chị) hãy thêm vào hay bỏ bớt quan hệ từ thiếu hay thừa đó.
– Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. (1)
(Nam Cao – Lão Hạc)
– Dầu mỡ thường xuyên nhỏ chiếc máy người là một niềm khao khát biết thêm, biết hơn hoàn toàn phi vật chất và những tế bào não bộ sẵn lòng bổ sung cho nhau trong một trường luân vũ thường xuân. (2)
(Bửu Ý – Đam mê)
– Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa : bị giày đạp, bị cào xé, bị huỷ hoại từ nhân tính đến nhân hình. (3)
(Nguyễn Đăng Mạnh – Nhớ Nam Cao
và những bài học của ông)
– Gần trưa ông tôi tự đứng dậy đi men ra ngoài ngồi một cái chõng tre đặt bên mấy thau nước. (4)
(Đỗ Chu – Mảnh vườn xưa hoang vắng)
– Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp cuốn sách tới trả cho cô gái. (5)
(Nguyễn Thành Long – Lặng lẽ Sa Pa)
4. Đọc những câu sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
– Khi bước vào phòng học, các em học sinh đứng dậy chào thầy giáo.
– Tưởng như con sông đang chạy trên nóc nhà thành phố, vỗ sóng nhè nhẹ vào nền trời xanh thanh tĩnh và khu phố nép cạnh chân đê đang ngẩn ngơ trong hơi sương thoang thoảng bốc lên từ các mái ngói cổ xưa.
(Ma Văn Kháng – Mưa mùa hạ)
– Bước xuống thuyền là một người già, một người trẻ và một người mặc áo sơ mi màu đỏ chói.
– Không thể đòi hỏi thành tích thi đấu của nữ vận động viên phải như nam vận động viên khác.
– Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây.
(Thạch Lam – Hai đứa trẻ)
a) Theo anh (chị), những câu nào trên đây là đúng ?
b) Những câu sai thì chữa lại thế nào ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn