Tổng Kết Phần Làm Văn | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 33


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Nắm được một cách khái quát các nội dung cơ bản (kiến thức, kĩ năng) và cấu trúc của phần Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12).

Thấy được mối quan hệ giữa phần Làm văn với các phần Văn học và Tiếng Việt.

1. Mục đích và nhiệm vụ của phần Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12).

Mục đích của phần Làm văn trong nhà trường là giúp người học biết suy nghĩ trước một vấn đề văn học, xã hội hay một hiện tượng trong cuộc sống và biết diễn đạt, trình bày những suy nghĩ đó một cách sáng sủa, rõ ràng. Không biết suy nghĩ thì không có nội dung (ý) để viết, không biết diễn đạt, trình bày thì không làm cho người khác hiểu rõ, hiểu đúng điều mình nghĩ. Từ biết suy nghĩ đến biết diễn đạt (nói hoặc viết) những suy nghĩ đó là một khoảng cách. Có người nghĩ được nhưng diễn đạt lại vụng về. Tuy nhiên, nhìn chung một khi ý nghĩ đã rõ ràng, mạch lạc thì diễn đạt sẽ trôi chảy, sáng rõ. Học làm văn là học cách rèn luyện để có cả hai khả năng : biết nghĩ và biết diễn đạt suy nghĩ.

Cách nghĩ và cách diễn đạt trước một vấn đề cuộc sống, xã hội hoặc văn học được gọi là phương thức biểu đạt. Có thể có rất nhiều phương thức biểu đạt khác nhau, nhưng nhà trường phổ thông tập trung vào sáu phương thức chính : tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và hành chính – công vụ. Sáu phương thức này tạo ra sáu kiểu văn bản tương ứng. Để tạo lập được các kiểu văn bản vừa nêu, phần Làm văn có nhiệm vụ sau đây :

– Cung cấp cho người học những hiểu biết về đặc điểm của sáu kiểu văn bản và cách thức tạo lập sáu kiểu văn bản ấy.

– Thực hành luyện tập để có kĩ năng tạo lập sáu kiểu văn bản (nói và viết) sao cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp.

2. Cấu trúc các nội dung cơ bản của phần Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12)

Trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, học sinh đã được rèn luyện cả sáu kiểu văn bản nêu trên. Đến cấp Trung học phổ thông, sách giáo khoa Ngữ văn tiếp tục rèn luyện các kiểu văn bản đã học ở các lớp dưới theo tinh thần củng cố và nâng cao. Có nghĩa là các kiểu văn bản đều được rèn luyện nhưng phát triển cao hơn và có trọng tâm, trọng điểm. Văn bản nghị luận là một loại văn bản khó, vì thế cần tập trung nhiều hơn ở cấp Trung học phổ thông. Nội dung Làm văn của cả cấp học này được xây dựng theo cấu trúc sau.

Lớp 10 : Tập trung ôn tập và rèn luyện lại các kiểu văn bản đã học ở cấp Trung học cơ sở : tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận. Ôn lại các kiểu văn bản nhưng không lặp lại lí thuyết mà chủ yếu là vận dụng qua thực hành, tích hợp với phần Văn học. Ví dụ :

– Ôn lại văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm thông qua các đề văn gắn với các tác phẩm văn học đang học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao. Đó là những truyện dân gian, truyện trung đại,...

– Ôn lại văn biểu cảm bằng cách luyện tập làm các đề văn gắn với các tác phẩm trữ tình như ca dao, thơ trữ tình trung đại.

– Ôn lại văn nghị luận qua các đề văn gắn với các tác phẩm nghị luận trung đại.

– Ôn lại văn thuyết minh gắn với yêu cầu thuyết minh một tác giả, tác phẩm văn học đang học.

Ngoài các nội dung ôn tập thông qua thực hành nêu trên, sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao còn giới thiệu một số nội dung nhằm giúp người học có được những kinh nghiệm làm văn như : Thực hành lập ý và viết đoạn văn theo các yêu cầu khác nhau ; Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu ; Quan sát, thể nghiệm đời sống ; Đọc tích luỹ kiến thức ; Liên tưởng, tưởng tượng,...

Lớp 11 : Tập trung vào các thao tác nghị luận chưa học như lập luận phân tích, lập luận so sánh, lập luận bác bỏlập luận bình luận. Các thao tác này đều được luyện tập cả về nghị luận xã hội và nghị luận văn học, chẳng hạn :

– Với lập luận phân tích, thì luyện tập phân tích một vấn đề xã hội, phân tích một tác phẩm thơphân tích một tác phẩm văn xuôi.

– Với bình luận có bình luận xã hội và bình luận văn học ; tương tự là bác bỏ một ý kiến sai về xã hội hoặc văn học,...

Lớp 12 : Tập trung vào tổng kết các dạng bài nghị luận và kĩ năng hoàn chỉnh bài văn.

– Nghị luận xã hội với ba dạng bài cụ thể : nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.

– Nghị luận văn học với ba dạng chủ yếu : nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ ; nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi và nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

– Kĩ năng hoàn chỉnh bài văn bao gồm : kĩ năng xây dựng kết cấu bài văn nghị luận, kĩ năng lựa chọn, nêu luận điểm và sử dụng luận cứ, các kĩ năng mở bài, thân bài, kết bài, kĩ năng diễn đạt trình bày một bài văn,...

Riêng đối với văn bản hành chính công vụ và một số loại văn bản khác không học lặp lại các dạng văn bản ở các lớp trước, mà mỗi lớp học thêm một vài dạng mới : lớp 10 với văn bản Lập kế hoạch cá nhân Văn bản quảng cáo ; lớp 11 học văn bản Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, Bản tin và Tiểu sử tóm tắt ; lớp 12 học Phát biểu theo chủ đề và phát biểu tự do, Xây dựng đề cương diễn thuyết Văn bản tổng kết.

Trên đây là cấu trúc nội dung cơ bản của phần Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12). Nội dung học ở mỗi lớp đều có phần lí thuyết và phần luyện tập, trong đó ưu tiên cho luyện tập, với các hình thức chủ yếu sau :

– Luyện tập để củng cố lí thuyết

– Viết đoạn văn ngắn

– Tìm ý, lập dàn ý

– Viết bài kiểm tra (8 bài / năm)

– Luyện nói.

3. Mối quan hệ giữa nội dung phần Làm văn với các phần Văn học và Tiếng Việt

Môn Ngữ văn là môn học tích hợp, do đó nội dung kiến thức và kĩ năng giữa ba phần Văn học, Tiếng Việt và Làm văn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ ấy thể hiện ở một số điểm sau đây :

– Các văn bản văn học vừa là đối tượng của phần đọc - hiểu vừa là ngữ liệu phục vụ cho học Làm văn và Tiếng Việt. Các bài học về Tiếng Việt và Làm văn thường dựa vào các văn bản văn học đã và đang học để hình thành kiến thức, kĩ năng (ngoài ra, phần Tiếng Việt và Làm văn còn phải dựa vào một số văn bản phụ khác). Nội dung và hình thức của các văn bản văn học trở thành đối tượng để ra đề làm văn trong các kì thi, kiểm tra.

– Các kiến thức và kĩ năng tiếng Việt không chỉ là công cụ quan trọng của việc tìm hiểu, phân tích và khám phá văn bản văn học mà cũng là công cụ cho việc làm văn. Văn bản văn học là một công trình nghệ thuật ngôn từ, vì thế muốn khám phá nó trước hết phải có những hiểu biết về tiếng Việt. Phải nắm chắc và giỏi tiếng Việt mới có thể hiểu, phân tích và cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của văn học thông qua ngôn từ của văn bản. Cũng phải giỏi tiếng Việt mới có thể diễn đạt (nói hoặc viết) một cách rõ ràng, sáng sủa những hiểu biết và cảm nhận của bản thân về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học cho người khác hiểu.

– Để viết được bài văn, người học cần vận dụng tổng hợp cả kiến thức tiếng Việt và văn học. Phải hiểu tiếng Việt mới dùng từ và viết câu đúng ; phải giỏi tiếng Việt mới viết được bài văn hay. Và phải có kiến thức chắc chắn về văn học mới có nội dung để viết bài văn,... Làm văn trở thành mảnh đất thực hành để củng cố và khắc sâu kiến thức tiếng Việt và văn học. Không những thế, nhiều kiến thức làm văn còn soi sáng, giúp cho việc đọc - hiểu văn bản văn học sâu hơn, nhất là những hiểu biết về đặc điểm các kiểu văn bản và các thao tác lập luận.

LUYỆN TẬP

1. Từ việc hiểu mục đích và nhiệm vụ của phần Làm văn, anh (chị) hãy nhận xét về cấu trúc nội dung của phần này trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12).

2. Lựa chọn một nội dung Làm văn ở lớp 12, từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa nội dung này với các kiến thức về tiếng Việt và văn học.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Tổng Kết Phần Làm Văn | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.