Tổng Kết Phần Tiếng Việt | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 34


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Nắm được một cách hệ thống những kiến thức về tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12).

• Biết vận dụng những kiến thức trên vào việc rèn luyện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt.

Phần Tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) một mặt củng cố và hoàn thiện một số kiến thức và kĩ năng đã học ở cấp Trung học cơ sở (từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, các biện pháp tu từ), một mặt tập trung vào những vấn đề sau :

1. Phong cách ngôn ngữ

Cùng với việc xác định đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết, qua đó vạch rõ sự khác biệt của hai loại văn bản này, sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) còn dành một thời lượng đáng kể cho những vấn đề về các phong cách ngôn ngữ : sinh hoạt, nghệ thuật (lớp 10), báo chí, chính luận (lớp 11), khoa học và hành chính (lớp 12). Như thế, tiếng Việt được xét không chỉ ở các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp,... mà còn về mặt lĩnh vực và mục đích giao tiếp nữa.

Trước tiên, sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) cho một cái nhìn tổng quát về cách phân loại văn bản theo phong cách chức năng ngôn ngữ, sau đó mới đi sâu vào từng loại phong cách. Các bài học về phong cách ngôn ngữ đều được viết nhất quán theo một kết cấu chung : mở đầu là giới thiệu khái quát về một phong cách ngôn ngữ, xác định đặc điểm chung của nó ; sau đó mới đề cập đến cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách này, xét theo các mặt : ngữ âm – chữ viết, từ ngữ, kiểu câu, biện pháp tu từ và bố cục trình bày.

2. Hoạt động giao tiếp

Một mảng khác được sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) chú ý là xem xét ngôn ngữ như một phương tiện trong hoạt động giao tiếp. Sau khi bàn về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ nói chung (lớp 10), phân tích các chức năng chính của ngôn ngữ trong giao tiếp, các nhân tố của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và tác động của các nhân tố giao tiếp đối với hiệu quả giao tiếp, sách giáo khoa đi sâu vào hai khái niệm then chốt : ngữ cảnh và nhân vật giao tiếp (lớp 11 và lớp 12). Ngữ cảnh được xác định là tất cả những gì chung nhất có liên quan đến việc tạo lập và hiểu câu nói (hoặc câu văn). Như thế, ngữ cảnh bao gồm văn cảnh (từ, ngữ, câu đi trước hoặc đi sau một đơn vị ngôn ngữ nhất định) và hoàn cảnh giao tiếp. Nhân vật giao tiếp là một thành phần quan trọng của hoàn cảnh giao tiếp, bao giờ cũng được xem xét trong quan hệ thân sơ hay quan hệ vị thế, do quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp thường chi phối ngôn từ và cả thái độ, cử chỉ của họ.

3. Một số kiến thức khác

Ngoài ra, nhiều vấn đề tuy rất cần cho học sinh nhưng không được tập trung thành mảng lớn như trên. Đó là những kiến thức thiết thực, nhằm tăng cường kĩ năng tạo lập và đọc - hiểu văn bản cho học sinh, chẳng hạn những yêu cầu chung về sử dụng tiếng Việt (lớp 10), từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân, nghĩa của câu (lớp 11), các vấn đề về luật thơ, về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (lớp 12). Đó cũng còn là những kiến thức có vẻ thuần lí thuyết nhưng học sinh Trung học phổ thông không thể không biết. Các bài Khái quát lịch sử tiếng Việt (lớp 10) và Đặc điểm loại hình của tiếng Việt (lớp 11) là những trường hợp như vậy.

Thực ra, dưới lớp vỏ thuần lí thuyết, các bài trên không hẳn không có tác dụng thực tiễn. Bài Khái quát lịch sử tiếng Việt không phải không có liên quan gì đến bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khi bài trước dành phần đáng kể để trình bày về vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ, còn bài sau nhấn mạnh đến yêu cầu tránh lạm dụng tiếng nước ngoài. Bài Đặc điểm loại hình của tiếng Việt khẳng định vai trò của tiếng, còn bài Luật thơ (lớp 12) vận dụng kiến thức này khi trình bày căn cứ để xác lập thể thơ, luật bằng trắc và cách hiệp vần.

LUYỆN TẬP

1. Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ nào ? Nêu tên một số ngôn ngữ có quan hệ họ hàng hay quan hệ tiếp xúc lâu đời với tiếng Việt. Trình bày vắn tắt các thời kì phát triển của tiếng Việt.

2. Vì sao tiếng Việt được cho là thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập ? Trình bày vắn tắt đặc điểm của tiếng và các phương tiện ngữ pháp chủ yếu của tiếng Việt.

3. Hãy so sánh, đối chiếu đặc điểm chung và cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong các phong cách ngôn ngữ đã học.

4. Đọc những câu sau, trả lời câu hỏi và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.

–                       Dưới trăng quyền đã gọi hè,
                 Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
–                       Người nách thước, kẻ tay đao,
                 Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.
–                       Sen tàn cúc lại nở hoa,
                 Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
–                       Đầu xanh có tội tình gì,
                 Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

a) Xác định các hiện tượng ẩn dụ, hoán dụ ở những câu thơ trên.

b) Trong các hiện tượng đó, trường hợp nào thuộc "ngôn ngữ chung" ? Trường hợp nào thuộc "lời nói cá nhân"?

5. Xác định loại vần (vần lưng, vần chân), loại hiệp vần (vần chính, vần thông) và sự phối hợp bằng – trắc trong những câu thơ sau :

                       Sự đâu sóng gió bất kì,
                Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
                       Ngày xuân em hãy còn dài,
                Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
                       Chị dù thịt nát xương mòn,
                Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

6. Phân biệt văn bản nói và văn bản viết về ba phương diện : điều kiện sử dụng, phương tiện vật chất và đặc điểm ngôn ngữ.

7. Chỉ ra những nhân tố giao tiếp trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

8. Trong bài hịch của vua Quang Trung vào năm 1789 có viết :

                              Đánh cho để dài tóc
                              Đánh cho để đen răng.

Dựa vào khái niệm ngữ cảnh, anh (chị) hãy giải thích hai câu trên.

9. Nêu sự khác biệt giữa nghĩa sự việc và nghĩa tình thái. Đọc truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi để tìm dẫn chứng minh hoạ cho các loại nghĩa tình thái.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Tổng Kết Phần Tiếng Việt | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.