Thân Bài | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 26


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Nắm được một số đặc điểm và yêu cầu của phần thân bài.

• Có kĩ năng triển khai nhanh và đáp ứng đúng các yêu cầu của phần thân bài.

Cũng như mở bài, học sinh đã được thực hành viết thân bài ở các lớp dưới, sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai, tổng kết lại một vài vấn đề lí thuyết về thân bài.

1. Đặc điểm và yêu cầu của phần thân bài

Nếu như mở bài có nhiệm vụ nêu lên vấn đề cần bàn bạc, trao đổi thì phần thân bài có nhiệm vụ làm sáng tỏ vấn đề mà mở bài đã nêu. Vì vậy, phần này còn gọi là phần giải quyết vấn đề. Đây là phần chính, phần quan trọng và dài nhất của bài văn nói chung, văn nghị luận nói riêng. Nếu như ở phần mở bài, vấn đề nêu ra bàn bạc, trao đổi được coi là một luận đề, thì phần thân bài sẽ cụ thể hoá luận đề ấy bằng các luận điểm. Mỗi luận điểm được phát triển bằng các luận cứ, được làm sáng tỏ bằng các lí lẽ và dẫn chứng cụ thể.

Mở bài thường là một đoạn văn, còn thân bài bao gồm nhiều đoạn văn. Tuy vào mức độ nội dung lớn hay nhỏ, nhiều hay ít của luận điểm mà xây dựng các đoạn thân bài. Nếu luận điểm có nội dung ít, đơn giản thì mỗi luận điểm là một đoạn thân bài. Nếu luận điểm có nhiều nội dung lớn, phong phú, thì luận điểm ấy có thể chia ra nhiều đoạn thân bài. Mỗi một đoạn thân bài tập trung làm nổi bật một luận điểm. Luận điểm ấy thường được nêu bằng câu chủ đề (câu chốt). Câu này có thể đặt ở đầu đoạn hoặc ở cuối đoạn. Nếu câu chủ đề đặt ở đầu đoạn thì ta có đoạn văn diễn dịch, đặt ở cuối đoạn ta có đoạn văn quy nạp. Khi phối hợp cả diễn dịch và quy nạp ta có đoạn văn tổng – phân – hợp. Giữa các đoạn văn thường có câu hoặc từ (cụm từ) chuyển tiếp nhằm nối đoạn này với đoạn khác, tạo cho ý của bài văn được liền mạch.

2. Phân tích đặc điểm của thân bài qua một văn bản cụ thể

Đọc bài văn sau đây :

KHAN HIẾM NƯỚC NGỌT

A. Nhìn vào bản đồ thế giới, đâu đâu ta cũng thấy mênh mông là nước. Đại dương bao quanh lục địa. Rồi mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Lại có những hồ nằm sâu trong đất liền lớn chẳng kém gì biển cả. Cảm giác đó khiến nhiều người trong chúng ta tin rằng thiếu gì thì thiếu chứ con người và muôn loài trên quả đất không bao giờ thiếu nước. Xin được nói ngay rằng nghĩ như vậy là nhầm to.

B. (1) Đúng là bề mặt quả đất mênh mông là nước, nhưng đó là nước mặn chứ đâu phải là nước ngọt, lại càng không phải là nước sạch mà con người và động vật, thực vật quanh ta có thể dùng được. Hai phần ba nước trên hành tinh mà chúng ta đang sống là nước mặn. Trong số nước ngọt còn lại thì hầu hết bị đóng băng ở Bắc Cực, Nam Cực và trên dãy núi Hi-ma-lay-a. Vậy thì con người chỉ có thể khai thác nước ngọt ở sông suối, đầm, ao, hồ và nguồn nước ngầm. Số nước ngọt như vậy không phải là vô tận, cứ dùng hết lại có và đang ngày càng bị nhiễm bẩn bởi chính con người gây ra. Đủ thứ rác thải, từ rác thải vô cơ, hữu cơ, những thứ rác có thể tiêu huỷ được tới cả những thứ hàng chục năm sau chưa chắc đã phân huỷ, cả những chất độc hại được vô tư ngấm xuống đất, thải ra sông suối. Như vậy là nguồn nước sạch lại càng khan hiếm hơn nữa.

(2) Theo tổ chức Y tế thế giới, trên hành tinh có khoảng hai tỉ người đang sống trong cảnh thiếu nước ngọt để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Dự báo, tới năm 2015 một nửa dân số trên hành tinh sẽ rơi vào hoàn cảnh không đủ nước để dùng. Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, con người ngày càng sử dụng nước nhiều hơn cho mọi nhu cầu của mình, trong khi dân số thì ngày mỗi tăng lên. Người ta đã tính được những phép tính đơn giản rằng để có một tấn ngũ cốc cần phải sử dụng 1000 tấn nước, một tấn khoai tây cần từ 500 đến 1 500 tấn nước. Để có một tấn thịt gà ít nhất cũng phải dùng tới 3 500 tấn nước, còn để có một tấn thịt bò thì số nước cần sử dụng còn ghê gớm hơn: từ 15 000 đến 70 000 tấn. Rồi còn bao thứ con vật nuôi, cây trồng khác để phục vụ nhu cầu của con người, mà chả có thứ gì lại không cần có nước. Thiếu nước, đất đai sẽ khô cằn, cây cối, muôn vật không sống nổi.

(3) Mà nguồn nước ngọt lại phân bố rất không đều, nơi lúc nào cũng ngập nước, nơi lại rất khan hiếm. Ở nhiều nơi, chẳng hạn vùng núi đá Đồng Văn, Hà Giang, để có chút nước ngọt, bà con ta phải đi xa vài cây số để lấy nước. Các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng ở vùng núi đá này, đang có nguồn nước ngầm chảy sâu dưới lòng đất. Để có thể khai thác được nguồn nước này sẽ vô cùng gian khổ và tốn kém vì khắp mọi nơi đều trập trùng núi đá.

(4) Chớ nghĩ rằng nơi nào không có sông suối chảy qua thì cứ khoan sâu, khoan thật sâu xuống lòng đất là có thể lấy được nước. Do việc sử dụng bất hợp lí và rất lãng phí, các nguồn nước ngầm cũng đang cạn kiệt dần. Thì ở khu vực Tây Nguyên, mấy năm nay, vào mùa khô, bà con ta phải khoan thêm rất nhiều giếng mới có thể có nước để dùng hằng ngày đấy thôi. Vùng Ca-ta-lô-nhi-a của Tây Ban Nha bao đời nay, mấy triệu người dân ở đây vẫn sống nhờ vào nước ngầm. Nay nguồn nước này đang cạn kiệt tới mức Nhà nước phải đàm phán với Pháp để dẫn nước ngọt từ sông Rôn sang nước mình. Nói như vậy để thấy mục tiêu mà Nhà nước ta đề ra trong chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn là phấn đấu để đến năm 2020 sẽ có 85% dân cư sống ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (60 lít/ người mỗi ngày), và tới năm 2020 thì tất cả người dân sống ở nông thôn đều được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Để đạt được mục tiêu này sẽ là một cuộc phấn đấu gian khổ. Để có nước ngọt ở các vùng rộng lớn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa – nơi địa hình phức tạp, mức sống của người dân còn rất thấp – đã rất khó, huống chi phải có nước sạch, hợp vệ sinh cho sinh hoạt hằng ngày của người dân.

C. Nước ngọt đang ngày càng khan hiếm và để có nước sạch, hợp vệ sinh để dùng là rất tốn kém. Vì vậy, cùng với việc khai thác các nguồn nước ngọt để dùng, con người ngày càng phải sử dụng một cách hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước.

(Theo Trịnh Văn, báo Nhân Dân,
số ra ngày 15 - 6 - 2003)    

Bài văn trên có ba phần rõ rệt. Tất cả gồm sáu đoạn văn. Ngoài đoạn mở bài (A) và kết bài (C), phần thân bài (B) bao gồm bốn đoạn văn. Vấn đề trọng tâm (luận đề) cần làm sáng tỏ của bài văn là Nước ngọt đang khan hiếm dần. Toàn bộ phần thân bài có bốn luận điểm được viết thành bốn đoạn văn tập trung làm sáng tỏ cho luận đề đã nêu.

Đoạn 1: Luận điểm thể hiện trong câu chủ đề, đặt ngay ở đầu đoạn: Đúng là bề mặt quả đất mênh mông là nước, nhưng đó là nước mặn chứ đâu phải là nước ngọt, lại càng không phải là nước sạch.

Đoạn 2: Luận điểm thể hiện trong câu chủ đề đặt ở cuối đoạn: Thiếu nước, đất đai sẽ khô cằn, cây cối, muôn vật không sống nổi.

Đoạn 3: Luận điểm thể hiện trong câu chủ đề đặt ngay đầu đoạn : Nguồn nước ngọt lại phân bố rất không đều.

Đoạn 4: Luận điểm được thể hiện trong câu chủ đề đặt ở đầu đoạn: Chớ nghĩ rằng cứ khoan thật sâu xuống lòng đất là có thể lấy được nước.

LUYỆN TẬP

Đọc bài văn sau và chỉ ra trong phần thân bài có mấy đoạn văn, mỗi đoạn được tổ chức như thế nào.

LỢI THẾ NGƯỜI ĐI SAU

Trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, nhiều quốc gia – dân tộc, do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử còn có khoảng cách xa, thậm chí quá xa so với các nước tiên tiến. Song, thực tế đã chứng minh thời kì nào của lịch sử cũng có những quốc gia chậm phát triển, đi sau nhưng đã bứt vượt thành công, bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển. Một nguyên nhân thành công chủ yếu của họ là biết học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại của những quốc gia phát triển – những quốc gia "đi trước".

Nhận thức được quy luật "Lợi thế người đi sau", Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu nhãn tiền trong hơn hai mươi năm qua. Đổi mới, nới sức dân, phát huy nội lực gắn liền với hội nhập đã đưa lại cho đất nước nhiều điều kì diệu. Hầu hết các ngành nghề kinh tế, kĩ thuật của chúng ta đều đã có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học kĩ thuật và việc học hỏi, du nhập, ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã bước đầu đem lại những kết quả rõ rệt. Đơn cử, công nghệ viễn thông đã giúp cho thông tin liên lạc hiện nay ở Việt Nam thuận lợi hơn hẳn một số nước cách đây hơn chục năm còn ở ngang hoặc cao hơn chúng ta về mặt này. Đổi mới và hội nhập cũng giúp chúng ta nhìn rõ những yếu kém, lạc hậu trong tổ chức, quản lí nhà nước, quản lí kinh tế, xã hội và đã có nhiều biện pháp hữu hiệu để đổi mới, cải cách từng bước những yếu kém đó, góp phần đắc lực xây dựng bộ máy nhà nước có hiệu lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Với lợi thế của người đi sau, chúng ta đã nhìn rõ những cơ hội và thách thức trong các tổ chức hợp tác với các nước láng giềng, khu vực và tổ chức toàn cầu như APEC(1) và đặc biệt là WTO(2). Với vị thế và thương hiệu mới, lập tức nền kinh tế đất nước đã có những tín hiệu chuyển động mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán sôi động là một ví dụ dễ thấy. Những kết quả huy động vốn trong nước, cùng với làn sóng đầu tư từ bên ngoài, các kỉ lục mới trong sản xuất, xuất khẩu, các cơ hội mở rộng thị trường thế giới, hệ thống cơ sở hạ tầng mở rộng,... một nhịp điệu phát triển mới, một tốc độ tăng trưởng mới của đất nước đang diễn ra trên khắp đất nước ta. Nhịp điệu mới, tốc độ mới có thể sẽ đạt được cao hơn mục tiêu đề ra, thậm chí ở một số khu vực, bộ phận có thể trở thành nóng.

Với "lợi thế người đi sau", chúng ta ứng phó, giải quyết thế nào với tốc độ nóng của phát triển để thực hiện đúng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ? Thực tế cho thấy, trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng chỉ trên 7% hằng năm nhưng quá nhiều vấn đề tiêu cực của kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường xảy ra. Sự nóng lên khá đột ngột của thị trường chứng khoán cho đến thời điểm này nói chung vẫn là tín hiệu tích cực về kinh tế nhưng về xã hội, những biểu hiện

(1) Viết tắt cụm từ : Asia - Pacific Economic Cooperation (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương).

(2) Viết tắt cụm từ : World Trade Organization (Tổ chức Thương mại thế giới).

không thuận đã nhìn thấy được trong hiệu ứng nới rộng khoảng cách giàu – nghèo. Cùng với biểu hiện không thuận này, những tệ nạn đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, quan liêu, tham nhũng đang hoành hành đã làm cho một bộ phận xã hội giàu nhanh hẳn lên, cả chính đáng và không chính đáng. Về hình thức, dân giàu thì nước mạnh nhưng dân giàu mà không minh bạch, không kiểm soát được, không huy động được sự giàu có trong dân vào mục đích chung phát triển kinh tế – xã hội thì lại có tác động ngược lại. [...]

Thực tế đất nước hiện nay cũng đã nóng lên với rất nhiều báo động về sự trì trệ, lạc hậu của lề lối hành chính, về sự yếu kém đầy rủi ro trong giao thông, sự lạc hậu gắn với nhiều căn bệnh trong giáo dục, y tế, những báo động của ô nhiễm môi trường từ thành thị đến nông thôn, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên rừng, sông suối và biển...

Từ "lợi thế người đi sau", chúng ta không chỉ học người ở cách làm giàu mà luôn phải tỉnh táo lường định trước, phải đầu tư nghiên cứu học hỏi để đề ra những biện pháp hữu hiệu phòng và chống, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những tiêu cực, rủi ro, đổ vỡ trong cả kinh tế, xã hội và văn hoá.

(Theo Nguyễn Mạnh, báo Quân đội
nhân dân, số ra ngày 3 - 3 - 2007)

 

Tin tức mới


Đánh giá

Thân Bài | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.