Nội Dung Chính
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học Việt Nam, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai.
• Có kĩ năng trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và phân tích, đánh giá văn bản văn học, nhất là các tác phẩm văn xuôi.
Tham khảo đề kiểm tra văn học sau đây :
Đề bài (gồm hai phần)
Phần I : Trắc nghiệm (12 câu, mỗi câu trả lời đúng : 0,25 điểm, tổng cộng : 3 điểm)
1. Nhận xét nào nêu không chính xác về chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ?
A. Chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ thể hiện qua vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nhất là cảnh mùa xuân
B. Chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ thể hiện chủ yếu qua cách miêu tả cảnh ngày Tết ở khu du kích Phiềng Sa tự do
C. Chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ thể hiện qua cảnh sinh hoạt ngày Tết của đồng bào dân tộc
D. Chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật, nhất là khát vọng tự do và tình yêu
2. Lí do nào sau đây là lí do chính để khẳng định nhân vật thị (vợ Tràng) trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân có một vai trò rất quan trọng ?
A. Không có thị, giá trị hiện thực của truyện bị giảm đi khá nhiều
B. Không có thị, không tạo ra được tình huống độc đáo của thiên truyện
C. Không có thị, giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện sẽ giảm nhiều
D. Không có thị, các nhân vật khác không có điều kiện bộc lộ tính cách
3. Dòng nào sau đây nêu đúng các tác phẩm viết về cùng một đề tài ?
A. Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt và Đất
B. Đất, Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình
C. Rừng xà nu, Đất và Chiếc thuyền ngoài xa
D. Rừng xà nu, Một người Hà Nội và Vợ chồng A Phủ
4. Dòng nào sau đây nêu đúng đề tài ở câu số 3 ?
A. Thân phận những người dân cùng khổ trước Cách mạng
B. Sự đổi đời của những người dân nô lệ
C. Cuộc sống và con người sau kháng chiến chống đế quốc Mĩ
D. Đất nước và con người trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ
5. Tác phẩm nào trong các tác phẩm sau không thể hiện màu sắc Nam Bộ ?
A. Những đứa con trong gia đình
B. Đất
C. Hương rừng Cà Mau
D. Rừng xà nu
6. Trong truyện Một người Hà Nội, khi được hỏi về chuyện người con trai tình nguyện đi chiến đấu, bà Hiền trả lời : "Tao đau đớn mà bằng lòng [...]". Câu trả lời đó cho thấy bà có tâm trạng như thế nào?
A. Sẵn sàng tiễn con trai đi chiến đấu
B. Rất đau đớn khi con trai phải đi chiến đấu
C. Tiễn con ra trận với tình cảm đau xót
D. Không muốn con trai tình nguyện đi chiến đấu
7. Hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm nào sau đây được tác giả thể hiện với thái độ trân trọng và cảm hứng ngợi ca ?
A. Mị trong Vợ chồng A Phủ
B. Vợ Tràng trong Vợ nhặt
C. Người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa
D. Bà Hiền trong Một người Hà Nội
8. Câu nói : "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo !" là câu nói của ai, trong tác phẩm nào ?
A. Ông Tám Xẻo Đước trong tác phẩm Đất
B. Chú Năm trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
C. Cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu
D. Nhân vật "tôi" trong hồi kí Những ngày đầu của nước Việt Nam mới
9. Dòng nào sau đây nêu đúng các tác giả thuộc dòng "văn học vùng địch tạm chiếm" ?
A. Nguyễn Trung Thành, Sơn Nam và Anh Đức
B. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Anh Đức và Ma Văn Kháng
C. Anh Đức, Vũ Bằng và Nguyễn Trung Thành
D. Vũ Hạnh, Sơn Nam và Vũ Bằng
10. Ông là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Sáng tác của ông thể hiện vốn hiểu biết phong phú về đời sống, đặc biệt là sinh hoạt và phong tục ở làng quê và miền núi.
Nhận định trên đây nói về nhà văn nào trong các nhà văn sau?
A. Kim Lân
B. Tô Hoài
C. Nguyên Ngọc
D. Ma Văn Kháng
11. Thế giới nghệ thuật của ông chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.
Nhận định trên đây nói về nhà văn nào trong các nhà văn sau?
A. Kim Lân
B. Tô Hoài
C. Nguyễn Khải
D. Sơn Nam
12. Sáng tác của ông mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, tập trung viết về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, đề cập những vấn đề trọng đại của vận mệnh dân tộc và nhân dân, xây dựng những tính cách anh hùng.
Nhận định trên đây nói về nhà văn nào trong các nhà văn sau ?
A. Anh Đức
B. Nguyễn Thi
C. Nguyễn Minh Châu
D. Nguyễn Ngọc
Phần II : Tự luận (7 điểm)
Phân tích ý nghĩa vừa cụ thể vừa khái quát của hệ thống nhân vật và hình ảnh rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn