Nội Dung Chính
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được một cách hệ thống toàn bộ kiến thức văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) trên hai mặt lịch sử và thể loại.
• Biết vận dụng các kiến thức về lí luận văn học (văn bản văn học thuộc các thể loại khác nhau, khái niệm phong cách văn học, quá trình văn học, giá trị văn học, tiếp nhận văn học) vào việc phân tích, đánh giá các tác phẩm, tác gia, các thời kì, trào lưu, giai đoạn văn học trong sách giáo khoa.
Bài tổng kết này bao quát và hệ thống hoá toàn bộ kiến thức văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12), gồm ba phần : Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài và Lí luận văn học. Trong đó Văn học Việt Nam là trọng tâm.
A – VĂN HỌC VIỆT NAM
Nước Việt Nam là một quốc gia gồm nhiều dân tộc, vì thế văn học Việt Nam mang màu sắc đa dạng của một nền văn học nhiều dân tộc. Điều này thể hiện phong phú nhất ở bộ phận văn học dân gian. Bộ phận văn học viết cũng bao gồm sáng tác của một số dân tộc, nhưng đóng góp của người Kinh dồi dào và tiêu biểu hơn cả.
I – CÁC BỘ PHẬN VĂN HỌC
Nhìn một cách tổng quát, nền văn học Việt Nam gồm hai bộ phận tồn tại và phát triển song song, luôn có ảnh hưởng qua lại trong suốt tiến trình lịch sử.
1. Bộ phận văn học dân gian
a) Văn học dân gian có trước văn học viết và tiếp tục tồn tại, phát triển cùng văn học viết cho đến ngày nay. Nó đáp ứng nhu cầu biểu hiện ý thức cộng đồng, nhu cầu sáng tạo tập thể. Trong xã hội có giai cấp, nhu cầu ấy đặc biệt quan trọng đối với các tầng lớp bình dân. Về mặt văn hoá nghệ thuật, văn học dân gian đáp ứng nhu cầu sáng tác và thưởng thức bằng phương thức truyền miệng. Nhu cầu này đặc biệt quan trọng khi xã hội chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa được phổ cập trong các tầng lớp bình dân.
b) Ở nước ta, văn học dân gian có giá trị tư tưởng và nghệ thuật rất phong phú, đồng thời có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của văn học viết. Nó được đánh giá như cuốn "sách giáo khoa về cuộc sống", góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách người Việt, bảo tồn và phát huy những truyền thống tinh thần tốt đẹp của dân tộc. Đó là kho tàng các truyền thống nghệ thuật, từ ngôn ngữ đến hình thức thơ ca, các loại đề tài, cốt truyện, phương pháp xây dựng nhân vật, v.v. Văn học viết trong bước đầu hình thành đã dựa vào văn học dân gian để sáng tạo nên một số tác phẩm chữ Hán như Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục, v.v. Nhiều tác phẩm chữ Nôm hay chữ quốc ngữ sở dĩ có giá trị, một phần cũng là nhờ biết khai thác, phát huy nội dung tư tưởng và kinh nghiệm nghệ thuật của văn học dân gian : Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, truyện ngắn, tiểu thuyết trào phúng của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, v.v.
c) Văn học dân gian được sáng tác theo lối tập thể và truyền miệng. Quá trình sáng tác, lưu truyền có tính tập thể và bằng con đường truyền miệng đã tạo ra các tính chất riêng của văn học dân gian : tính dị bản trong hình thức tồn tại, ý thức cộng đồng trong nội dung, tính truyền thống cao về nghệ thuật, tính diễn xướng và việc sử dụng ngôn ngữ nói.
Ngoài ra, do ra đời từ rất xa xưa, phản ánh thế giới quan thần linh chủ nghĩa của con người thời viễn cổ, nhiều tác phẩm văn học dân gian, nhất là thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích thần kì,... có lối phản ánh hiện thực một cách kì ảo bằng trí tưởng tượng hồn nhiên của con người ở "thời thơ ấu của nhân loại".
d) Về mặt thể loại, văn học dân gian có nhiều sáng tạo rất phong phú, đa dạng : có loại văn xuôi, sử dụng phương thức tự sự như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn ; có loại văn vần dùng phương thức trữ tình như ca dao, dân ca, hoặc kết hợp tự sự với trữ tình như sử thi dân gian, truyện thơ dân gian ; có loại kết hợp với giai điệu nhạc như dân ca ; có loại kịch bản sân khấu như chèo, tuồng đồ.
Về nội dung, có loại nhằm giải thích vũ trụ hay nguồn gốc nhân loại như thần thoại ; có loại quan tâm đến số phận cộng đồng như sử thi ; có loại đề cập đến lịch sử theo quan niệm dân gian như truyền thuyết ; có loại nói về thân phận con người nghèo khổ trong xã hội, thể hiện quan niệm đạo đức, khát vọng về hạnh phúc và công lí xã hội như truyện cổ tích, truyện thơ ; có loại nhằm rèn luyện trí tuệ như tục ngữ, câu đố, truyện ngụ ngôn, truyện cười ; có loại chủ yếu diễn đạt tâm tình như ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian,...
Căn cứ vào những đặc điểm và các hình thức thể loại nói trên, người ta xác định phương pháp đọc - hiểu riêng đối với các tác phẩm văn học dân gian.
đ) Văn học dân gian cũng có quá trình vận động, phát triển lịch sử. Nhưng vì được sáng tác theo lối truyền miệng và tập thể nên chỉ có thể phán đoán về các thời kì phát triển của nó một cách chung chung trên nét lớn, không thể xác định được các mốc lịch sử của nó một cách cụ thể, chính xác.
2. Bộ phận văn học viết
Từ những thế kỉ trước Công nguyên, quốc gia Đại Việt đã hình thành với một nền văn hoá khá phát triển (gọi là thời Văn Lang – Âu Lạc). Đến thế kỉ II trước Công nguyên, các tập đoàn phong kiến Trung Hoa xâm lược nước ta và đặt ách đô hộ của chúng trong mười thế kỉ. Suốt thời Bắc thuộc, nhân dân ta luôn luôn nổi dậy giành lại chủ quyền. Đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (năm 938) thì dân tộc ta khôi phục được nền độc lập một cách vững vàng. Nền văn hiến được phục hưng. Bộ phận văn học viết đã có mầm mống từ trước, nay chính thức ra đời.
Trải qua hơn mười thế kỉ, cùng với văn học dân gian, nền văn học viết, tuy phải trải qua nhiều thử thách vô cùng ác liệt, đã chứng tỏ vốn liếng dồi dào và sức sống mãnh liệt. Quy luật phát triển chung của nó là ngày càng được dân chủ hoá, dân tộc hoá sâu sắc từ nội dung đến hình thức. Đồng thời những truyền thống tư tưởng lớn : tinh thần yêu nước, tư tưởng nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng ngày càng được bồi đắp phong phú hơn và được củng cố vững chắc hơn.
Từ thế kỉ X cho đến hết thế kỉ XX, nền văn học viết phát triển qua ba thời kì :
– Thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
– Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945
– Thời kì từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX.
Trên cơ sở sự vận động của lịch sử xã hội, lịch sử tư tưởng văn hoá và những biến đổi về ý thức và tâm lí con người, nền văn học viết qua mỗi thời kì phát triển, tuy luôn bảo tồn và phát huy những truyền thống chung của văn học dân tộc, vẫn có những chuyển biến nhất định về các mặt : về cấu trúc các bộ phận, các thành phần ; về cộng đồng văn học (người viết văn và người đọc văn) ; về quan hệ giao lưu với các nền văn hoá, văn học nước ngoài ; về ngôn ngữ, văn tự, thể loại sáng tác, tư tưởng mĩ học và thi pháp,...
II – VĂN HỌC VIẾT QUA CÁC THỜI KÌ LỊCH SỬ
1. Thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
Đây là thời kì văn học tồn tại và phát triển dưới các triều đại phong kiến, gọi chung là thời kì văn học trung đại.
a) Thời kì này, văn học gồm hai thành phần : văn học viết bằng chữ Hán (chính thức ra đời từ thế kỉ X) và văn học bằng chữ Nôm (ra đời khoảng thế kỉ XIII). Người viết và người đọc văn (cộng đồng văn học) chủ yếu là trí thức Hán học chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho, Phật, Đạo. Giao lưu với văn học nước ngoài thời kì này chủ yếu giới hạn trong quan hệ với văn học cổ Trung Hoa. Nền văn học chưa phân hoá phức tạp. Đặc trưng thi pháp chung là phản ánh hiện thực, biểu hiện nội tâm, phát biểu tư tưởng thông qua một hệ thống ước lệ dày đặc, phức tạp, chặt chẽ với ba tính chất : uyên bác, cách điệu hoá (không tả thực), sùng cổ và phi ngã. Văn học chức năng và văn học nghệ thuật chưa phân hoá thật dứt khoát. Văn học thuật (sử học, triết học, chính trị, đạo đức học, v.v.) luôn được coi trọng hơn văn nghệ thuật.
b) Văn học viết thời trung đại có vai trò rất to lớn đối với quá trình hình thành và phát triển của nền văn học dân tộc : đặt nền móng về mặt văn tự (dùng chữ Hán phát âm theo cách riêng, sáng tạo chữ Nôm) ; Việt hoá các thể thơ, phú, truyện, kí cổ điển Trung Hoa ; khai thác và phát huy các thể thơ thuần Việt từ văn học dân gian (lục bát và song thất lục bát) ; sáng tạo truyện thơ Nôm, thể ngâm khúc, thơ hát nói,... ; xây dựng và củng cố các truyền thống tinh thần cơ bản của dân tộc : chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng ; hình thành hệ thống thi pháp văn học trung đại và tạo điều kiện ra đời nhiều cây bút lớn : Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, Lê Quý Đôn, các tác giả trong Ngô gia văn phái, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v.
c) Văn học viết thời trung đại vận động, phát triển qua bốn giai đoạn :
– Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV
– Từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII
– Từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX
– Nửa cuối thế kỉ XIX.
Quy luật vận động, phát triển chung của văn học trung đại là ngày càng dân chủ hoá và dân tộc hoá một cách sâu sắc, toàn diện. Quy luật này được đẩy mạnh hơn bao giờ hết từ giai đoạn thứ ba và thứ tư.
Về nội dung, tạo ra một trào lưu văn học lớn mang tinh thần nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc hướng về người dân thường, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc cho con người, đặc biệt là phụ nữ (giai đoạn thứ ba) ; phát triển một phong trào yêu nước chống thực dân Pháp hết sức sôi nổi (giai đoạn thứ tư).
Về hình thức, đưa ngôn ngữ nghệ thuật đến độ trưởng thành cao nhất, dù là chữ Hán hay chữ Nôm ; thơ Đường luật được Việt hoá hoàn toàn, tạo ra hàng loạt kiệt tác ; truyện thơ Nôm, thể ngâm khúc nở rộ, tiểu thuyết chương hồi, kịch bản tuồng, thể kí phát triển phong phú ; một số trí thức tiên tiến soạn ra những bản điều trần có giá trị chính luận sắc sảo, đề xuất phương án canh tân đất nước theo văn minh hiện đại ; khi thực dân Pháp xâm lược và đặt được nền đô hộ của chúng lên đất nước ta (giai đoạn thứ tư) thì nổi lên xu hướng thơ ca trào phúng với nhiều cây bút tài năng.
2. Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945
Văn học thời kì này tồn tại và phát triển dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
a) Trong xã hội thuộc địa, cuộc đấu tranh dân tộc giữa nhân dân ta và thực dân Pháp khiến cho nền văn học viết phân hoá thành hai bộ phận : hợp pháp (công khai) và bất hợp pháp (không công khai).
Bộ phận văn học phát triển hợp pháp phải chịu sự chi phối của tư tưởng thống trị và các chính sách văn hoá của thực dân. Tuy vậy, bên cạnh những hạn chế, vẫn thể hiện tinh thần dân tộc và khai thác được mặt tiến bộ, lành mạnh của nền văn hoá, văn học Pháp. Bộ phận văn học hợp pháp chủ yếu phát triển ở các đô thị, thị trấn. Người viết là trí thức Tây học, người đọc là các tầng lớp thị dân, phần lớn thuộc loại tiểu tư sản ít chữ nghĩa. Sinh hoạt đô thị cùng ảnh hưởng của tư tưởng và văn hoá phương Tây (chủ yếu là Pháp) khiến họ có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân. Đó là cơ sở của quan điểm thẩm mĩ và thi pháp văn học hiện đại. Đó cũng là lí do khiến bộ phận văn học phát triển hợp pháp thời kì này phân hoá thành nhiều xu hướng, trường phái, phong cách nghệ thuật khác nhau.
Bộ phận văn học phát triển hợp pháp, do hoạt động công khai nên có điều kiện phát triển thuận lợi trên mọi thể loại.
Bộ phận văn học phát triển bất hợp pháp, tức dòng văn học cách mạng, sáng tác và lưu hành chủ yếu trong vòng bí mật (đôi lúc có điều kiện hoạt động công khai, như thời kì Đông Kinh nghĩa thục hay thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhưng nói chung luôn luôn bị đàn áp khủng bố). Người viết là chiến sĩ cách mạng, coi văn học trước hết là vũ khí đấu tranh, người đọc là quần chúng nhân dân có điều kiện tiếp xúc với cách mạng. Về nội dung, văn học thuộc bộ phận phát triển bất hợp pháp trực tiếp truyền bá lí tưởng cách mạng, tư tưởng yêu nước và chống thực dân, tạo nên một dòng văn học chính trị thống nhất. Chủ nghĩa lãng mạn cách mạng là khuynh hướng thẩm mĩ chủ yếu của bộ phận văn học này. Do hoạt động bí mật, bộ phận văn học này không có điều kiện gia công nhiều về nghệ thuật (có khi phải phổ biến bằng lối truyền miệng). Thể loại chủ yếu của bộ phận văn học bất hợp pháp là thơ ca.
b) Văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 có ba đặc điểm cơ bản : hiện đại hoá, nghĩa là thoát ra khỏi hệ thống thi pháp của văn học trung đại ; tốc độ phát triển rất mau lẹ cả về số lượng và chất lượng ; phân hoá thành nhiều bộ phận, nhiều xu hướng, trường phái, phong cách khác nhau.
c) Văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (chưa đầy nửa thế kỉ) nhưng đã có nhiều đóng góp to lớn đối với lịch sử văn học dân tộc : tạo nên một nền văn học bằng chữ quốc ngữ ; hiện đại hoá toàn bộ các thể loại truyền thống (thơ ca, truyện, kí), du nhập một số thể loại mới (kịch nói, phóng sự, phê bình văn học) ; phát huy các truyền thống tư tưởng lớn của dân tộc (yêu nước, nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng) trên lập trường dân chủ ; gây được một phong trào báo chí, dịch thuật phong phú, từ đó, sáng tạo nên câu văn xuôi tiếng Việt hiện đại ; đào tạo được nhiều cây bút tài năng có phong cách độc đáo trên mọi thể loại ; khép lại mười thế kỉ văn học trung đại đồng thời đưa nền văn học đất nước bước vào thời kì hiện đại.
3. Thời kì từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX
Đây là thời kì nền văn học phát triển trong hoàn cảnh dân tộc đã giành được chủ quyền (từ Cách mạng tháng Tám 1945). Các thành phần văn học tồn tại trong vùng bị địch tạm chiến trước năm 1975 và ở hải ngoại sau năm 1975, tuy cũng gồm trong nền văn học dân tộc, nhưng không thể xem là chính thống và tiêu biểu.
Thời kì này, nền văn học chính thống được xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng theo hệ tư tưởng Mác – Lê-nin. Quá trình phát triển gồm hai giai đoạn : từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến chiến thắng 30 - 4 - 1975 giải phóng hoàn toàn đất nước, và từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX, đất nước bước dần vào công cuộc đổi mới.
a) Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1975
Giai đoạn này, nền văn học hình thành và phát triển trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài và vô cùng ác liệt. Phương châm xây dựng nền văn hoá, văn học mới là dân tộc hoá, hiện thực hoá, đại chúng hoá. Về sáng tác và phê bình thì tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Văn học giai đoạn 1945 - 1975, do hoàn cảnh chiến tranh, có ba đặc điểm cơ bản : phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu ; hướng về đại chúng, trước hết là công nông binh ; sáng tác chủ yếu theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Do phải tập trung phục vụ lợi ích của cộng đồng, văn học giai đoạn này không tránh khỏi một số nhược điểm như có phần giản đơn, phiến diện trong quan niệm về hiện thực và con người, ít quan tâm phát huy cá tính, phong cách của nhà văn, về giao lưu với văn hoá, văn học thế giới chỉ giới hạn trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc,... Tuy vậy, văn học giai đoạn này đã có những thành tựu to lớn : phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tư tưởng nhân đạo và chủ nghĩa anh hùng, góp phần quan trọng vào cuộc chiến đấu và thắng lợi của dân tộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, đồng thời đào tạo được những cây bút tài năng xuất thân từ quần chúng nhân dân và để lại không ít tác phẩm có giá trị, nhất là về thơ, bút kí, tuỳ bút, truyện ngắn.
Từ năm 1945 đến năm 1975, trong vùng địch tạm chiếm vẫn tồn tại và phát triển một bộ phận văn học, trong đó, bên cạnh các sáng tác có xu hướng nô dịch, phản động thì cũng có không ít tác phẩm tiến bộ mang màu sắc dân tộc dân chủ.
b) Giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX
Đây là giai đoạn văn học phát triển trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, bước vào công cuộc xây dựng trong điều kiện hoà bình và hội nhập rộng rãi với các nước trên thế giới.
Sau một thời gian phát triển theo quán tính, vào khoảng năm 1980, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), nền văn học bước vào công cuộc đổi mới ngày một toàn diện và sâu sắc.
Sự đổi mới quan trọng nhất là ý thức của người cầm bút : quan niệm toàn diện hơn về hiện thực và con người, về nhà văn và công chúng. Ý thức cá nhân thức tỉnh, nhà văn đua nhau thể hiện những tìm tòi riêng về tư tưởng, về cuộc sống, về phong cách nghệ thuật, đua nhau tìm hiểu kinh nghiệm của các nền văn học tiên tiến trên thế giới để đổi mới tư tưởng và cách viết, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của thời đại. Về lí luận và phê bình văn học, bước đầu đã hình thành một hệ thống khái niệm mới để phân tích, đánh giá các tác phẩm văn học từ cổ điển đến hiện đại và phát huy tác động đối với hoạt động sáng tác. Một thế hệ nhà văn trẻ ra đời ngày càng đông đảo với những tìm tòi táo bạo về tư tưởng và nghệ thuật. Một số cây bút đã sáng tạo được những tác phẩm có giá trị, đặc biệt là với văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí).
Nhìn chung nền văn học đang trong quá trình trăn trở tìm tòi khá náo nhiệt để đổi mới nhưng thành công chưa nhiều. Công chúng đang chờ đợi sự ra đời của những tác phẩm xuất sắc, có giá trị định hướng cụ thể cho nền văn học trên đường đổi mới.
c) Văn học thời kì từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay có một vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn trong lịch sử văn học dân tộc : gắn bó mật thiết với từng bước đi của cách mạng và vận mệnh của Tổ quốc ; nhờ nền giáo dục và chữ quốc ngữ được phổ cập hơn bao giờ hết nên đội ngũ người cầm bút và công chúng văn học được mở rộng chưa từng thấy trong lịch sử. Nền văn học chính thống có sự thống nhất về tư tưởng. Quan hệ giao lưu với thế giới ngày càng mở rộng. Các thể loại của văn học hiện đại rất phong phú và đa dạng, từ truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết bộ ba, bộ bốn, bút kí đến tuỳ bút, phóng sự, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, thơ trữ tình, thơ trào phúng, trường ca, lí luận, phê bình văn học,...
Khoa nghiên cứu văn học rất phát triển với nhiều công trình có quy mô lớn về lịch sử văn học dân tộc và các tác gia tiêu biểu từ trung đại đến hiện đại.
III – ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM
1. So sánh với nhiều nền văn học của các dân tộc khác trên thế giới, văn học Việt Nam là một trong những nền văn học có lịch sử lâu đời.
2. Nền văn học Việt Nam có sức sống rất dồi dào, mãnh liệt. Một nghìn năm Bắc thuộc, ngót một trăm năm dưới ách thực dân Pháp, bị tàn phá bởi nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến Trung Quốc, thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mĩ, là mục tiêu huỷ diệt của kẻ thù muốn đồng hoá người Việt, muốn xoá bỏ tận gốc văn hoá dân tộc ta từ tiếng nói đến chữ viết, vậy mà nền văn học nước ta vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.
3. Nền văn học Việt Nam vận động theo quy luật ngày càng dân chủ hoá, dân tộc hoá sâu sắc từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật, các truyền thống tinh thần ngày càng được củng cố và phát huy, cộng đồng văn học ngày càng phát triển, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, hệ thống các thể loại ngày càng hiện đại và hoàn chỉnh.
4. Nền văn học Việt Nam sẵn sàng tiếp thu mọi tinh hoa và kinh nghiệm của các nền văn hoá, văn học trên thế giới với tinh thần chủ động cải biến, sáng tạo, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển của văn học dân tộc từ tư tưởng đến ngôn ngữ và thể loại.
5. Văn học viết và văn học dân gian luôn luôn có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại trong quá trình trưởng thành, khi hai bộ phận văn học này kết tinh lại ở những cá tính nào đó thì lịch sử lại được chứng kiến sự ra đời của những cây bút lón.
B – VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
1. Phần Văn học nước ngoài ở sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) không nhằm cung cấp tri thức có hệ thống về một nền văn học nào. Nó chỉ chọn lựa một lượng tri thức tối thiểu về một số tác phẩm mà học sinh có trình độ học vấn cấp Trung học phổ thông phải nắm được. Văn học Hi Lạp có sử thi Ô-đi-xê (Hô-me-rơ), văn học Ấn Độ có sử thi Ra-ma-ya-na (Van-mi-ki), Bài thơ số 28 (Ta-go), văn học Anh có kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Sếch-xpia), văn học Pháp có tiểu thuyết Những người khốn khổ (Huy-gô), Lão Gô-ri-ô (Ban-dắc), bài thơ Tự do (Pôn Ê-luy-a), văn học Nga có bài thơ Tôi yêu em (Pu-skin), truyện ngắn Người trong bao (Sê-khốp), Số phận con người (Sô-lô-khốp), văn học Trung Quốc có thơ Đường (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng – Lí Bạch, Cảm xúc mùa thu – Đỗ Phủ, Tì bà hành - Bạch Cư Dị, Nỗi oán của người phòng khuê – Vương Xương Linh, Lầu Hoàng Hạc – Thôi Hiệu, Khe chim kêu – Vương Duy), tiểu thuyết Minh Thanh (Tam quốc diễn nghĩa – La Quán Trung), truyện truyền kì (Liêu Trai chí dị – Bồ Tùng Linh), truyện ngắn hiện đại (Thuốc – Lỗ Tấn),... văn học Nhật Bản có thơ hai-cư (Ba-sô và Bu-son), văn học Mĩ có Ông già và biển cả (Hê-minh-uê).
2. Các văn bản văn học nước ngoài được sắp xếp theo nguyên tắc tích hợp với các văn bản văn học Việt Nam, một phần về lịch sử văn học, nhưng chủ yếu về mặt thể loại. Ví dụ, sử thi Hi Lạp, Ấn Độ được xếp liền theo sử thi Việt Nam, thơ Đường Trung Quốc được học liền với thơ trung đại Việt Nam, kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét được học tiếp theo bi kịch Vũ Như Tô, tiểu thuyết của Huy-gô, Ban-dắc, truyện ngắn của Sê-khốp, Lỗ Tấn được học tiếp theo tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, v.v. Ngoài ra, kèm theo mỗi văn bản văn học lại có phần Tri thức đọc - hiểu về thể loại tương ứng. Ví dụ, kèm theo các văn bản sử thi có Tri thức đọc - hiểu về Sử thi, kèm theo thơ Đường và thơ trung đại Việt Nam có Tri thức đọc - hiểu về Luật thơ Đường, Ngôn ngữ thơ Đường, kèm theo các văn bản Thơ hai-cư, Tam quốc diễn nghĩa có các Tri thức đọc - hiểu về Thơ hai-cư của Ba-sô, Tiểu thuyết chương hồi, v.v.
Nhìn chung, sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) tạo mọi điều kiện cho học sinh tích hợp các tri thức về lịch sử văn học, nhất là về thể loại văn học, để có thể đọc - hiểu các văn bản văn học nước ngoài.
C – LÍ LUẬN VĂN HỌC
1. Nếu chỉ tính những bài học riêng về lí luận văn học thì số lượng không có bao nhiêu. Nhưng nếu khai thác nội dung lí luận ở các bài thuộc các phân môn như các bài Đọc văn về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, các bài về Tiếng Việt và Làm văn, và đặc biệt là hàng loạt những phần Tri thức đọc - hiểu, thì sẽ thấy khối lượng tri thức về lí luận văn học được cung cấp trong sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao từ lớp 10 đến lớp 12 hết sức phong phú. Chẳng hạn như bài Viên Mai bàn về thơ (Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một) rất có giá trị về lí luận đối với việc đọc - hiểu thơ trung đại Trung Quốc và Việt Nam ; các bài về Tiếng Việt như Luyện tập về biện pháp tu từ, Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (lớp 10), Ngữ cảnh, Nghĩa của câu (lớp 11) hay các bài về Làm văn như Liên tưởng, tưởng tượng, Luận điểm trong bài văn nghị luận (lớp 10), Các kiểu kết cấu của bài văn nghị luận (lớp 12),... đều có giá trị bổ trợ cho các tri thức về lí luận văn học xung quanh các khái niệm về ngôn ngữ, hình tượng, thể loại văn học,... Còn những phần Tri thức đọc - hiểu thì có thể nói đa số viết về lí luận văn học (chủ yếu trình bày về các thể loại, các đặc điểm của thơ, văn từ văn học dân gian đến văn học viết, từ thời trung đại đến thời hiện đại).
2. Sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lấy phần Văn học và Làm văn làm nội dung chủ đạo vì mục đích của chương trình là rèn luyện cho học sinh có năng lực đọc - hiểu các văn bản văn học và tạo lập được văn bản văn học theo yêu cầu của cấp học.
Nhằm mục đích ấy, các bài lí luận văn học đều xoay quanh việc cung cấp các tri thức lí thuyết và kĩ năng thực hành đọc - hiểu văn bản thuộc các thể loại khác nhau. Các tri thức ấy được nâng dần lên từ thấp đến cao.
Sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao cung cấp tri thức về văn bản và đọc - hiểu văn bản nói chung.
Sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao trình bày tri thức về văn bản thuộc các thể loại khác nhau và phân tích quá trình đọc - hiểu văn bản từ ngôn từ, hình tượng đến khái quát về tư tưởng và nghệ thuật.
Sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao xác định các giá trị văn học và tổng hợp tri thức về các phương diện của văn bản, phân tích khái quát, đối chiếu với phong cách nhà văn và quá trình vận động lịch sử của văn học dân tộc để hiểu và đánh giá văn bản một cách đầy đủ, thấu đáo.
Nhìn chung, để đọc - hiểu văn bản, học sinh cần nắm được mấy điểm cơ bản sau đây :
– Toàn bộ các văn bản văn học có thể chia làm hai loại : văn nghị luận (nghĩa rộng) và văn hình tượng thuộc các thể loại khác nhau.
− Văn bản văn học là một chỉnh thể thống nhất.
– Quá trình đọc - hiểu văn bản văn học là quá trình trở đi trở lại : từ ngôn từ, chi tiết, hình tượng, giọng điệu, v.v. đến khái quát, tổng hợp để nhận thức, đánh giá toàn bộ văn bản, và ngược lại. Nghĩa là từ phân tích cụ thể đến tổng hợp khái quát và từ tổng hợp khái quát soi sáng trở lại sự phân tích cu thể.
– Đối với loại văn hình tượng, nhận thức, đánh giá phải kết hợp lí trí với tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ.
– Văn học là một hình thức giao tiếp đặc biệt, đòi hỏi sự đồng cảm sâu sắc, chân thật. Vậy muốn tiếp nhận thông điệp của văn bản văn học, người đọc văn phải thể nghiệm bằng chính vốn sống, vốn văn hoá của mình. Muốn có những vốn sống ấy, phải sống sâu sắc cuộc sống của mình, sống sâu sắc những gì được nghe, được thấy, được đọc, được nếm trải trong suốt cuộc đời mình.
– Những tác phẩm văn học lớn là những văn bản khai thác mãi cũng không cạn hết ý nghĩa của nó. Người ta gọi đó là những tác phẩm không có đáy.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Bài Tổng kết phần Văn học gồm mấy phần ? Nội dung từng phần là gì ?
2. So sánh đặc điểm của văn học dân gian Việt Nam với văn học viết về các mặt : tác giả, phương thức sáng tạo, lưu truyền, nội dung và nghệ thuật. Nêu vai trò, tác động của văn học dân gian đối với văn học viết.
3. Lịch sử văn học viết Việt Nam vận động, phát triển qua mấy thời kì ? Nêu đặc điểm và đóng góp của mỗi thời kì đối với quá trình phát triển của văn học dân tộc.
4. Nhìn chung, đặc điểm cơ bản và khái quát nhất của lịch sử văn học Việt Nam qua mười thế kỉ phát triển là gì ?
5. Yêu cầu về nội dung kiến thức của phần Văn học nước ngoài. Các bài đọc hiểu về văn học nước ngoài được sắp xếp theo nguyên tắc gì ?
6. Trình bày quá trình đọc - hiểu một văn bản văn học. Đọc - hiểu một văn bản thơ khác với đọc - hiểu một văn bản truyện ngắn như thế nào ? Để đọc - hiểu văn bản văn học, cần nắm được những điểm cơ bản gì về tác phẩm văn học và về điều kiện chủ quan của nhà văn ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn