Tổng Kết Phương Pháp Đọc - Hiểu Văn Bản Văn Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 Nâng cao - Tuần 31


KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Nắm vững các phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học.

• Củng cố các kĩ năng đọc - hiểu văn bản văn học.

1. Thế nào là đọc - hiểu một văn bản văn học

Đọc - hiểu một văn bản văn học là quá trình đọc - hiểu từ ngữ, hiểu ý câu thơ, câu văn, nắm bắt được các từ ngữ then chốt có giá trị biểu cảm và biểu hiện tư tưởng, nắm bắt được hình tượng và ý nghĩa của nó trong văn bản, từ đó khái quát được tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm và đánh giá được tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm ấy. Đọc - hiểu văn bản văn học là một quá trình từ cảm đến hiểu, từ hiểu bề ngoài đến hiểu được ý tứ sâu xa của tác phẩm.

Đọc - hiểu văn bản văn học có thể biểu hiện ở một quá trình ngược lại : từ hiểu khái quát, đúng đắn, sâu sắc về văn bản tác phẩm, người đọc có thể tiến hành phân tích, giải thích, bình luận, giúp người khác có thể đọc - hiểu văn bản ấy. Giải thích, bình luận được bài văn là biểu hiện quan trọng của sự hiểu văn.

Quá trình học văn học trong nhà trường là quá trình học đọc - hiểu từng bài, tập phát hiện các từ ngữ, chi tiết và khái quát về tư tưởng tác phẩm, cuối cùng biết phân tích, bình luận, đối thoại với các tác phẩm ấy hoặc các tác phẩm cùng loại. Từ đó hình thành kĩ năng, kinh nghiệm đọc - hiểu văn bản văn học.

2. Phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học

a) Đọc - hiểu tác phẩm văn học trước hết là đọc - hiểu từ ngữ, câu văn, câu thơ, phát hiện các từ ngữ biểu hiện cách cảm nhận độc đáo, hiểu được tư tưởng, tình cảm tác giả thể hiện qua từ ngữ, câu văn, đoạn văn, bài thơ. Ví dụ, phát hiện tính chất đả kích, châm biếm được thể hiện qua những từ ngữ mỉa mai, châm biếm trong đoạn văn ở truyện ngắn "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc : "Tôi không được rõ ý đồ nhà "vi hành" của chúng ta ra sao. Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ nhất, có được sung sướng, có được quyền uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không ? Phải chăng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thầy thợ để sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám "dân" bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chẳng biết đến ? Hay là chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé ?". Hoặc ở câu văn tiếp theo với các từ mỉa mai, giễu cợt : "Ngày nay, cứ mỗi lần ra khỏi cửa, thật tôi không sao che giấu nổi niềm tự hào được là một người An Nam và sự kiêu hãnh được có một vị hoàng đế".

b) Kiến tạo nội dung văn bản bằng cách tìm ra mạch chủ đề nối kết các chi tiết giữa các đoạn trong văn bản và ý nghĩa khái quát của hình tượng nhân vật. Ví dụ, nối kết các chi tiết về nhân vật Tràng từ khi xuất hiện, khi gặp cô gái đến khi đưa cô về nhà, dựng nên hình tượng nhân vật Tràng ; nối kết các chi tiết về cô gái từ khi gặp Tràng ở chợ đến khi về làm vợ Tràng, liên hệ không khí chết chóc và khát vọng sống mãnh liệt của Tràng ; từ đó tìm ra cách diễn đạt rõ nhất về tư tưởng của tác phẩm.

c) Trong khi đọc - hiểu văn bản, cần khái quát tư tưởng, tình cảm của tác giả qua tác phẩm hay đoạn trích. Ví dụ, khái quát tư tưởng, tình cảm của nhà văn trong các truyện ngắn : Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu, Một người Hà Nội, Chiếc thuyền ngoài xa, Số phận con người, Thuốc, v.v.

d) Đối với các bài thơ, đoạn thơ cần chú ý đặc điểm của ngôn từ thơ, tìm hiểu từ ngữ, giọng điệu, hình ảnh, tứ thơ, mối liên kết chìm giữa các hình ảnh, từ đó cảm nhận được cái không khí và ý nghĩa của hình tượng đó.

LUYỆN TẬP

1. Chỉ ra những nét đặc sắc trong khổ thơ :

                       Ôi những cánh đồng quê chảy máu
                       Dây thép gai đâm nát trời chiều
                       Những đêm dài hành quân nung nấu
                       Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

(Nguyễn Đình Thi – Đất nước)

2. Phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa của đoạn thơ :

                       Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
                       Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
                       Sài Khao sương lấp đoàn quân mỗi
                       Mường Lát hoa về trong đêm hơi
                       Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                       Heo hút cồn mây súng ngửi trời
                       Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
                       Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
                       Anh bạn dãi dầu không bước nữa
                       Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
                       Chiều chiều oai linh thác gầm thét
                       Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
                       Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
                       Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

(Quang Dũng – Tây Tiến)

3. Cảm nhận và bình luận ý niệm "Đất Nước" trong đoạn thơ sau:

         Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
         Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..."
                                                                         mẹ thường hay kể.
         Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
         Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
         Tóc mẹ thì bới sau đầu
         Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
         Cái kèo, cái cột thành tên
         Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
         Đất Nước có từ ngày đó...

(Nguyễn Khoa Điềm – Đất Nước)

4. Phân tích, bình luận hình tượng người chiến sĩ Giải phóng quân trong đoạn văn sau :

"Hơi xe bọc thép nghe chạy mỗi lúc mỗi gần. Pháo bầy nổ càng gần hơn, nghe rào rào cành cây đổ. Việt day họng súng về hướng đó. Nếu mày đổ quân thì súng tao còn đạn ! Ba viên còn dưới hộp, một viên đã lên nòng. Việt lần tay vào bao đạn trước bụng. Các ngón tay đều tê nhức, không sao mở được. Lần này về, Việt sẽ mượn kim chỉ của anh Tánh may lại. Sẽ bỏ cái khoá sắt đi, thay hai cái dây vào, muốn mở thì chỉ việc kẹp một đầu dây mà lôi ra. Tiếng xe bọc thép ào ào chạy qua hướng trước mặt Việt. Nghe tiếng cũng biết chúng chạy như biến. Những loạt tiểu liên đâu đây nghe gần lắm, nghe nổ có thể nghĩ tới họng súng nó đang bốc khói. Chúng đến giết mình đây ! Chết là gì nhỉ ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương. Hay chết tức là người thật thì biến lên trên nóc nhà, còn người giả thì nằm tại đó ? Việt chưa bao giờ nghĩ tới cái chết, mà cũng chưa nghe ai nói rõ nó ra sao, nhưng nếu chết mà không còn được ở chung với anh Tánh và không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm. Việt không sợ chết, chỉ sợ cái đó thôi. Bọn giặc đạp cây chạy rầm rập. Tiếng xe bọc thép lại rú lên. Bò đi đâu ? Việt nhướng đôi mắt tối thui lên dòm. Được, Việt cứ nằm đây ! Tao sẽ chờ mày ! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tạo thì tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ, các anh tao sẽ chạy tới đâm mày ! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy. Hôm qua mày đã chạy trước mặt tao mà... Mặt Việt nóng như ngồi bếp. Lại ruồi, ruồi dày đặc bay đập vào mặt vào cổ Việt. Đói, nghe giặc đến gần sao bụng nó bắt đói kì lạ, Việt rờ rờ vào cò súng. Chín ngón tay đã bị thương, chỉ còn một ngón cái hơi nhúc nhích. Phải chi có chị Chiến ở đây chị sẽ bắn thế cho Việt. Chỗ này gác súng thiệt tốt, ngay dưới gốc bông trang, chị cứ đưa Việt giữ giùm cái kiếng trong túi, ngồi hẳn xuống, nhằm thẳng vào ngực nó mà nổ súng".

(Nguyễn Thi – Những đứa con trong gia đình)

 

Tin tức mới


Đánh giá

Tổng Kết Phương Pháp Đọc - Hiểu Văn Bản Văn Học | Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

  1. Tuần 19 - Ngữ văn Nâng cao
  2. Tuần 20 - Ngữ văn Nâng cao
  3. Tuần 21 - Ngữ văn Nâng cao
  4. Tuần 22 - Ngữ văn Nâng cao
  5. Tuần 23 - Ngữ văn Nâng cao
  6. Tuần 24 - Ngữ văn Nâng cao
  7. Tuần 25 - Ngữ văn Nâng cao
  8. Tuần 26 - Ngữ văn Nâng cao
  9. Tuần 27 - Ngữ văn Nâng cao
  10. Tuần 28 - Ngữ văn Nâng cao
  11. Tuần 29 - Ngữ văn Nâng cao
  12. Tuần 30 - Ngữ văn Nâng cao
  13. Tuần 31 - Ngữ văn Nâng cao
  14. Tuần 32 - Ngữ văn Nâng cao
  15. Tuần 33 - Ngữ văn Nâng cao
  16. Tuần 34 - Ngữ văn Nâng cao
  17. Tuần 35 - Ngữ văn 12 Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.