Nội Dung Chính
Học xong bài học này, em có thể:
• Phát biểu được nhiệt độ là số đo độ "nóng", "lạnh" của vật.
• Nêu được cách xác định nhiệt độ trong hai nhiệt độ Xen-xi-ớt.
• Nêu được sự nở vì nhiệt của chất lỏng được dùng làm cơ sở để đo nhiệt độ.
• Ước lượng được nhiệt độ trong số trường hợp đơn giản.
• Đo được nhiệt độ bằng nhiệt kế.
Mở đầu
Theo em, nước trong cốc b nóng hơn nước trong cốc nào và lạnh hơn nước trong cốc nào? Nước trong cốc nào có nhiệt độ cao nhất, nước trong cốc nào có nhiệt độ thấp nhất?
Hình 4.1
I. NHIỆT ĐỘ VÀ ĐỘ NÓNG LẠNH
Chúng ta biết rằng, độ nóng hay lạnh của một vật được xác định thông qua nhiệt độ của nó. Vật nóng có nhiệt độ cao hơn vật lạnh. Nhiệt độ là số đo độ "nóng", "lạnh" của vật.
Để biết chính xác được nhiệt độ của vật, người ta dùng cách đo.
Nhiệt độ được đo bằng nhiệt kế theo thang đo xác định.
II. THANG NHIỆT ĐỘ XEN-XI-ỚT
Thang nhiệt độ Xen-xi-ớt (Celsius) là một thang nhiệt độ thông dụng được đặt theo tên nhà khoa học người Thụy Điển Xen-xi-ớt (Celsius, 1701 - 1744). Trong thang này, nhiệt độ của nước đá đang tan (0°C) và nhiệt độ của hơi nước đang sôi (100 °C) được chọn làm hai nhiệt độ cố định. Khoảng giữa hai nhiệt độ cố định này được chia thành 100 phần bằng nhau, mỗi phần ứng với 1 độ, kí hiệu là 1°C.
Trong thang nhiệt độ Xen-xi-ớt, những nhiệt độ thấp hơn 0°C được gọi là nhiệt độ âm.
Thảo luận
Thang nhiệt độ Xen-xi-ớt cần phải dùng hai nhiệt độ cố định để làm gì?
Tìm hiểu thêm
Vào năm 1714, nhà khoa học người Đức Fa-ren-hai (Fahrenheit) đã đề nghị một thang nhiệt độ mang tên ông. Trong thang nhiệt độ này, nhiệt độ của nước đá đang tan là 32°F, còn nhiệt độ của hơi nước đang sôi là 212°F. Mỗi một độ trong thang nhiệt độ xe Xen-xi-ớt (1°C) tương ứng với bao nhiêu độ trong thang Fa-ren-hai? Fa-ren-hai (1686 - 1736) |
III. NHIỆT KẾ
Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau. Hình 4.2 thể hiện cấu tạo của loại nhiệt kế dùng chất lỏng. Ở thân nhiệt kế có vạch chia độ. Ống nhiệt kế được nối với bầu đựng chất lỏng, thường là thủy ngân hoặc rượu. Các chất lỏng này nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi.
Thảo luận
Hãy cho biết giới hạn đo và độ chia nhỏ nhất của nhiệt kế (hình 4.2).
Hình 4.2. Cấu tạo của nhiệt kế
Độ dài của phần chất lỏng trong ống nhiệt kế phụ thuộc vào độ nóng hay lạnh của vật mà bầu nhiệt kế tiếp xúc. Nếu bầu của nhiệt kế tiếp xúc với vật nóng hơn, chất lỏng trong ống nhiệt kế nở ra và phần chất lỏng trong ống nhiệt kế sẽ dài ra. Nếu màu nhiệt kế tiếp xúc với vật lạnh hơn, chất lỏng trong ống nhiệt kế co lại, phần chất lỏng trong ống nhiệt kế sẽ ngắn đi. Dựa vào độ dài ra hay ngắn đi này mà có thể đọc được nhiệt độ trên thang đo.
Thảo luận
Từ kết quả tìm hiểu nhiệt kế, thảo luận về cách đo nhiệt độ bằng nhiệt kế.
Đối với nhiệt kế y tế (còn gọi là cái cặp sốt) (hình 4.3), để số chỉ của nhiệt kế không thay đổi khi nó đã được lấy ra khỏi cơ thể, phần ống sát với bầu được làm cong cho nhỏ lại.
Hình 4.3. Nhiệt kế y tế
IV. ĐO NHIỆT ĐỘ CƠ THỂ
Thảo luận
Dùng nhiệt kế y tế để thảo luận về cách đo nhiệt độ cơ thể.
Luyện tập
Hãy cho biết cách đặt mắt nhìn và đọc đúng số chỉ của nhiệt kế.
Vận dụng
Dùng nhiệt kế y tế để đo nhiệt độ cơ thể em.
Để đo nhiệt độ cơ thể, trước tiên phải kiểm tra xem thủy ngân đã tụt xuống dưới và thấp nhất (vạch 35 - hình 4.3) chưa, nếu chưa thì phải vẩy mạnh nhiệt kế cho đến khi thủy ngân tụt xuống dưới và thấp nhất. Dùng bông và cồn y tế làm sạch nhiệt kế. Đặt nhiệt kế vào nách, kẹp cánh tay lại để giữ nhiệt kế. Sau khoảng 3 phút, lấy nhiệt kế ra và đọc nhiệt độ.
Ngày nay, người ta còn dùng nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ cơ thể người.
Em có biết
Trong khoa học, thang nhiệt độ Ken-vin (Kelvin) được dùng rất phổ biến. Nhiệt độ trong thang nhiệt độ này được gọi là "nhiệt độ tuyệt đối". Đơn vị nhiệt độ trong thang nhiệt độ này là kenvin, kí hiệu là K. Mỗi một khoảng chia trong thang nhiệt độ Ken-vin (1K) bằng một khoảng chia trong thang nhiệt độ Xen-xi-ớt (1°C) và 0°C ứng với 273 K. |
Kiến thức cốt lõi
• Nhiệt độ là số đo độ "nóng", "lạnh" của vật.
• Người ta dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ.
• Nhiệt kế (thường dùng) hoạt động dựa trên sự nở vì nhiệt của chất lỏng.
• Trong thang nhiệt độ Xen-xi-ớt, nhiệt độ của nước đá đang tan là 0 °C và nhiệt độ của hơi nước đang sôi là 100 °C.
Bài tập (Chủ đề 1 và 2)
1. Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây.
a) Thế nào là khoa học tự nhiên?
b) Khoa học tự nhiên có vai trò thế nào trong cuộc sống?
c) Vì sao em phải thực hiện đúng các qui định về an toàn trong phòng thực hành?
2. Trước khi chạm vào một vật nóng có cần ước lượng nhiệt độ của vật ấy không? Vì sao?
3. Các sản phẩm sau đây thường được đo theo đơn vị nào khi bán? Vải may quần áo; nước uống đóng chai; xăng; gạo
4. Ước lượng thời gian cần thiết để em đọc hết trích đoạn bài thơ dưới đây:
“Với đôi cánh đẫm nắng trời
Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa.
Không gian là nẻo đường xa
Thời gian vô tận mở ra sắc màu.
Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu
Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
Tìm nơi bờ biển sóng tràn
Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa”.
(Trích bài thơ Hành trình của bầy ong của NGUYỄN ĐỨC MẬU)
5. Chiều dài của phần thủy ngân trong nhiệt kế là 2cm ở 0°C và 22cm ở 100°C (hình 4.4).
a) Nhiệt độ là bao nhiêu nếu chiều dài của thủy ngân là 8cm; 20cm?
b) Chiều dài của phần thủy ngân sẽ là bao nhiêu nếu nhiệt độ là 50°C?
Hình 4.4
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn