Bài 12. Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống - | Khoa Học Tự Nhiên 6 | Phần 3_Chủ đề 7. Tế Bào - Lớp 6 - Cánh Diều

Bài 12. Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống -


Trang 66

Học xong bài học này, em có thể:

• Nêu được khái niệm tế bào và chức năng của tế bào.

• Nêu được hình dạng và kích thước của một số loại tế bào.

• Trình bày được cấu tạo tế bào và chức năng mỗi thành phần (ba thành phần chính: màng tế bào, tế bào chất, nhân tế bào); nhận biết được lục lạp là bào quan thực hiện chức năng quang hợp ở thực vật.

• Phân biệt được tế bào động vật với tế bào thực vật; tế bào nhân sơ với tế bào nhân thực.

• Nhận biết và nêu được ý nghĩa của sự lớn lên và sinh sản của tế bào.

• Quan sát được tế bào có kích thước lớn bằng mắt thường và tế bào có kích thước nhỏ bằng kính lúp và kính hiển vi quang học.

Quan sát hình 12.1 chúng ta thấy ngôi nhà chủ yếu được xây dựng nên từ đơn vị cấu trúc là những viên gạch. Vậy em hãy đoán xem cây xanh và cơ thể chúng ta được tạo nên từ đơn vị cấu trúc nào.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-0

Hình 12.1

Trang 67

I. TẾ BÀO LÀ GÌ?

Tất cả các sinh vật, từ những sinh vật đơn giản như vi khuẩn, nấm men (hình 12.2, 12.3) tới những sinh vật phức tạp như động vật, thực vật (hình 12.4, 12.5) đều được tạo nên từ tế bào, cũng giống như ngôi nhà được xây nên từ viên gạch. Vì vậy, chúng ta có thể nói: Tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-1

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-2

Hình 12.2. Tế bào vi khuẩn

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-3

Hình 12.3. Tế bào nấm men

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-4

Tế bào thịt lá

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-5

Tế bào ống dẫn

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-6

Tế bào lông hút

Hình 12.4. Một số loại tế bào trong cây cà chua

Trang 68

1. Quan sát hình 12.4, 12.5 và kể tên một số loại tế bào cấu tạo nên cơ thể cây cà chua, cơ thể người.

2. Nêu khái niệm tế bào và chức năng của tế bào đối với cơ thể sống.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-7

Tế bào thần kinh

Tế bào hồng cầu

Tế bào gan

Tế bào biểu mô ruột

Tế bào cơ

Tế bào xương

Hình 12.5. Một số loại tế bào trong cơ thể người

Em có biết

Việc phát minh ra kính hiển vi năm 1590 đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra tế bào. Năm 1665, Rô-bớt Húc (Robert Hooke) lần đầu tiên quan sát thấy tế bào từ vỏ cây sồi. Chúng là những ô hay khoang rất nhỏ, có vách bao bọc giống như căn phòng. Do vậy, ông đã dùng thuật ngữ “tế bào" (cellula, có nghĩa là phòng, buồng nhỏ) để chỉ các ô đó. Vì ý nghĩa lịch sử này mà thuật ngữ “tế bào" vẫn còn được dùng cho đến ngày nay.

II. HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC CỦA MỘT SỐ LOẠI TẾ BÀO

Tế bào có nhiều loại. Các loại tế bào khác nhau có hình dạng khác nhau. Các hình dạng phổ biến của tế bào là: hình que, hình cầu, hình đĩa, hình nhiều cạnh, hình thoi, hình sao,...

Tế bào thường rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được, phải dùng kính hiển vi để quan sát. Kích thước trung bình của tế bào từ 0,5 đến 100 micrômét (µm). Các tế bào vi khuẩn thường có kích thước nhỏ (khoảng 0,5 – 10 µm), còn các tế bào thực vật, động vật có kích thước lớn (khoảng 10 – 100 µm).

Trang 69

Tế bào vi khuẩn E. coli

• Chiều dài khoảng 2 µm

• Chiều rộng khoảng 0,25 – 1 µm 

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-8

Tế bào nấm men

• Chiều dài khoảng 6 µm

• Chiều rộng khoảng 5 µm

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-9

Tế bào biểu bì vảy hành

• Chiều dài khoảng 200 µm

• Chiều rộng khoảng 70 µm

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-10

Tế bào hồng cầu ở người

• Đường kính khoảng 7 µm

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-11

Tế bào xương ở người

• Chiều rộng khoảng 5 – 20 µm

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-12
 Tế bào thần kinh ở người

• Chiều dài khoảng 13 – 60 mm - (có thể dài đến 100 cm)

• Chiều rộng khoảng 10 – 30 µm -

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-13

Hình 12.6. Hình dạng và kích thước của một số loại tế bào

? Mô tả hình dạng, kích thước của các loại tế bào trong hình 12.6 theo gợi ý trong bảng 12.1.

Bảng 12.1

Tế bào Hình dạng Kích thước
Tế bào xương Hình sao ?
? ? ?

Em có biết

Kích thước tế bào của cơ thể sinh vật không tỉ lệ thuận với kích thước cơ thể của sinh vật đó. Ví dụ tế bào cấu tạo nên con cá voi không lớn hơn tế bào cấu tạo nên con chuột.

(Nguồn://research.ufl.edu/ publications/explore/v12n2/ extract1.html)

Tìm hiểu thêm

• Sưu tầm thêm thông tin hoặc hình ảnh minh hoạ sự đa dạng về hình dạng và kích thước của các loại tế bào. Em có biết tế bào nào có kích thước dài nhất không?

• Tế bào hồng cầu có dạng hình đĩa, lõm hai mặt và rất mềm dẻo, có thể thay đổi hình dạng khi đi qua các mao mạch hẹp. Hãy tìm hiểu hình dạng tế bào hồng cầu ở người phù hợp với chức năng của nó như thế nào.

Trang 70

III. CẤU TẠO CỦA TẾ BÀO ĐỘNG VẬT VÀ TẾ BÀO THỰC VẬT

? Quan sát hình 12.7 và cho biết:

• Cấu tạo và chức năng của màng tế bào, tế bào chất và nhân tế bào;

• Sự khác nhau về cấu tạo giữa tế bào động vật và tế bào thực vật.

Tế bào động vật                                                                                  Tế bào thực vật

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-14

Thành tế bào

Không bào trung tâm

Lục lạp

Màng tế bào là lớp màng mỏng, kiểm soát sự di chuyển của các chất vào và ra khỏi tế bào.

Tế bào chất là chất keo lỏng, chứa các bào quan và là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sống của tế bào.

Nhân tế bào có màng nhân bao bọc chất di truyền và là trung tâm điều khiển hầu hết hoạt động sống của tế bào.

? Nhờ yếu tố nào mà lục lạp thực hiện được chức năng quang hợp?

Hình 12.7. Sơ đồ cấu tạo tế bào động vật và tế bào thực vật

Nhờ yếu tố nào mà lục lạp thực hiện được chức năng quang hợp?

Em có biết

Thông thường, mỗi tế bào có một nhân lớn nằm ở trung tâm. Tuy nhiên, cũng có những tế bào không có nhân như tế bào hồng cầu người trưởng thành, cũng có tế bào có hai nhân như tế bào gan người hoặc nhiều nhân như tế bào cơ.

Tế bào thực vật và tế bào động vật đều có các bào quan. Chúng là những cấu trúc thực hiện chức năng nhất định của tế bào. Lục lạp là bào quan có ở tế bào thực vật mà không có ở tế bào động vật. Lục lạp đã tạo nên một thế giới màu xanh cho Trái Đất. Lục lạp mang sắc tố quang hợp (diệp lục) có khả năng hấp thụ ánh sáng để tổng hợp nên chất hữu cơ.

Tìm hiểu thêm

Thành tế bào thực vật được tạo nên từ một chất rất bền gọi là cellulose, đóng vai trò bảo vệ và nâng đỡ cơ thể thực vật. Điều này rất quan trọng vì thực vật không có bộ xương.

Em hãy tìm hiểu các sản phẩm trong cuộc sống được làm từ cellulose.

Trang 71

IV. CẤU TẠO CỦA TẾ BÀO NHÂN SƠ VÀ TẾ BÀO NHÂN THỰC

Tế bào nhân sơ không có nhân hoàn chỉnh (chỉ có vùng nhân) và không chứa bào quan có màng. Ví dụ: vi khuẩn.

Tế bào nhân thực có nhân và các bào quan có màng. Ví dụ: tế bào thực vật và tế bào động vật.

Tế bào nhân sơ có cấu tạo đơn giản và thường có kích thước nhỏ, bằng khoảng 1/10 tế bào nhân thực.

Quan sát hình 12.8, 12.9 và nêu cấu tạo của tế bào nhân sơ, tế bào nhân thực.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-15

Nhân chứa chất di truyền, có màng nhân bao bọc.

Vùng nhân chứa chất di truyền không có màng bao bọc, nằm tự do trong tế bào chất.

Màng sinh chất

Tế bào chất

Hình 12.8. Sơ đồ cấu tạo tế bào nhân sơ

Hình 12.9. Sơ đồ cấu tạo tế bào nhân thực

Lập bảng các đặc điểm giống nhau và khác nhau về cấu tạo giữa tế bào nhân sơ với tế bào nhân thực.

V. SỰ LỚN LÊN VÀ SINH SẢN CỦA TẾ BÀO

Sinh vật được cấu tạo bởi các tế bào, giống như ngôi nhà được xây từ những viên gạch nhưng sinh vật thì lớn lên còn ngôi nhà không thể tự lớn lên được

Cơ thể sinh vật lớn lên là nhờ sự lớn lên và sinh sản của các tế bào.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-16

Hình 12.10. Sơ đồ về sự lớn lên của tế bào

Trang 72

Khi một tế bào lớn lên và đạt đến một kích thước nhất định, tế bào sẽ thực hiện quá trình phân chia tạo ra các tế bào mới (hay còn gọi là sự sinh sản của tế bào). Sự phân chia tế bào làm tăng số lượng tế bào của cơ thể và thay thế các tế bào bị tổn thương hay chết. Từ một tế bào sau mỗi lần phân chia tạo ra hai tế bào mới gọi là sự phân bào (hình 12.11). Quá trình này thường diễn ra liên tục theo thời gian nhất định trong cơ thể sinh vật.

Quan sát hình 12.11 và cho biết số lượng tế bào tăng lên sau mỗi lần phân chia.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-17

Phân chia lần thứ nhất

Phân chia lần thứ hai

Phân chia lần thứ ba

Hình 12.11. Sơ đồ mô tả sự phân chia liên tiếp của tế bào

Dựa vào hình 12.11, hãy tính số tế bào con mới được tạo ra sau lần phân chia thứ tư.

1. Nhận xét sự thay đổi về chiều cao cơ thể qua các giai đoạn khác nhau của cây xanh và người.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-18

                    a) Cây xanh                                                          b) Người

Hình 12.12. Sơ đồ mô tả sự lớn lên ở cây xanh và người qua các giai đoạn

2. Xác định chiều cao của người trong hình 12.12b khi ở giai đoạn thiếu nhi và thanh niên. Hãy cho biết nhờ đâu có sự thay đổi chiều cao đó.

Trang 73

Em có biết

Các loại tế bào trong cơ thể chúng ta có thời gian phân chia khác nhau.

• Tế bào da khoảng 10 – 30 ngày sẽ phân chia một lần.

• Tế bào niêm mạc má khoảng 5 ngày sẽ phân chia một lần.

• Tế bào gan khoảng 1 – 2 năm sẽ phân chia một lần.

• Tế bào thần kinh sau khi hình thành sẽ không phân chia thêm lần nào.

Tìm hiểu thêm

Hãy tìm hiểu sự phân chia của tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực.

• Chất di truyền nhân đôi.

• Tế bào dài ra, sau đó phân chia thành hai tế bào "con".

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-19

Sơ đồ mô tả sự phân chia của tế bào nhân sơ

• Chất di truyền trong nhân tế bào nhân đôi.

• Nhân tế bào phân chia.

• Tế bào chất phân chia. Từ một tế bào "mẹ" tạo thành hai tế bào "con".

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-20

Sơ đồ mô tả sự phân chia của tế bào nhân thực

• Tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống. Các sinh vật đều được tạo nên từ tế bào.

• Tế bào có hình dạng phổ biến như: hình que, hình cầu, hình nhiều cạnh,... Kích thước trung bình của tế bào khoảng 0,5 – 100 µm.

• Tế bào được cấu tạo từ ba thành phần chính là màng tế bào, tế bào chất và nhân hoặc vùng nhân.

• Có hai loại tế bào: Tế bào nhân sơ không có màng nhân và không có các bào quan có màng bao bọc; Tế bào nhân thực có nhân hoàn chỉnh với màng nhân bao bọc chất di truyền và có các bào quan có màng bao bọc. Khác với tế bào động vật, tế bào thực vật có thêm không bào trung tâm, thành tế bào và lục lạp là bào quan quang hợp.

• Sự phân chia của một tế bào tạo ra hai tế bào mới được gọi là sự sinh sản của tế bào.

• Sự lớn lên và phân chia của tế bào giúp cơ thể lớn lên và thay thế các tế bào bị tổn thương hay chết.

Trang 74

VI. THỰC HÀNH QUAN SÁT TẾ BÀO

Chuẩn bị

• Dụng cụ: Kính lúp, kính hiển vi quang học và các dụng cụ dưới đây.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-21

Lam kính

Đĩa petri

Giấy thấm

Lamen

Kim mũi mác

Lọ đựng nước cất có ống nhỏ giọt

• Mẫu vật: Trứng cá, củ hành tây.

Tiến hành

Quan sát tế bào trứng cá

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-22

1 Nhỏ một ít nước vào đĩa petri.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-23

2 Dùng kim mũi mác khuấy nhẹ để trứng cá tách rời.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-24

3 Quan sát hình dạng tế bào trứng cá bằng mắt thường và kính lúp.

Quan sát tế bào vảy hành

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-25

1 Tách một vảy hành tây ra khỏi củ hành.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-26

2 Dùng kim mũi mác khoanh một mảnh biểu bì có kích thước 1 cm x 1 cm và nhẹ nhàng tách lấy lớp biểu bì đó.

Trang 75

 hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-27

3 Đặt lớp biểu bì lên lam kính.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-28

4 Nhỏ một giọt nước cất lên lớp biểu bì, đậy lamen.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-29

Lưu ý: Cách đậy lamen tránh bọt khí

Đặt một cạnh của lamen vào mép giọt nước trên lam kính. Dùng kim mũi mác đỡ lamen như hình vẽ. Sau đó, hạ dần lamen xuống sao cho giọt nước dàn đều dưới lamen và bọt khí được đẩy ra ngoài giúp quan sát mẫu vật được rõ ràng.

hinh-anh-bai-12-te-bao-don-vi-co-so-cua-su-song-10305-30

5 Quan sát tiêu bản bằng kính hiển vi quang học từ vật kính 10x sang vật kính 40x (xem phần sử dụng kính hiển vi quang học trang 15).

Báo cáo

Lập bảng báo cáo kết quả quan sát tế bào theo mẫu gợi ý sau:

Tế bào Mô tả hình dạng Hình vẽ minh hoạ
? ? ?
? ? ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 12. Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống - | Khoa Học Tự Nhiên 6 | Phần 3_Chủ đề 7. Tế Bào - Lớp 6 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 6

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.