Bài 23. ĐA DẠNG ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG | Khoa Học Tự Nhiên 6 | Phần 3_Chủ đề 8. Đa dạng thế giới sống - Lớp 6 - Cánh Diều

Bài 23. ĐA DẠNG ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG


Trang 125

Học xong bài học này, em có thể:

• Phân biệt được hai nhóm động vật: không xương sống và có xương sống.

• Nhận biết được các nhóm động vật có xương sống. Gọi được tên một số động vật có xương sống điển hình.

• Nêu được một số ích lợi và tác hại của động vật có xương sống trong đời sống.

• Quan sát (hoặc chụp ảnh) được một số động vật có xương sống ngoài thiên nhiên và gọi tên được một số con vật điển hình.

Quan sát hình 23.1, hãy cho biết mỗi động vật đó thuộc nhóm động vật không xương sống hay động vật có xương sống.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-0

a) Con bọ cạp

b) Con bò

c) Con gián

d) Con thỏ

Hình 23.1. Một số động vật

?

 

I. ĐẶC ĐIỂM NHẬN BIẾT ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG

Động vật có xương sống có bộ xương trong, trong đó có xương sống (hay cột sống) ở dọc lưng. Trong cột sống có chứa tuỷ sống.

Động vật có xương sống gồm có các lớp: Cá sụn, Cá xương, Lưỡng cư, Bò sát, Chim, Động vật có vú.

1. Nêu điểm khác biệt giữa động vật không xương sống và động vật có xương sống.

2. Lấy ví dụ về động vật có xương sống mà em biết.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-1

Cá -> Lưỡng cư -> Bò sát -> Chim -> Động vật có vú (Thú)

Hình 23.2. Các lớn thuộc động vật có xương sống

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-2

Cột sống

Trang 126

II. SỰ ĐA DẠNG ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG

1. Các lớp Cá

? Nêu các đặc điểm giúp em nhận biết cá và kể tên một số loài cá mà em biết.

Cá sống ở nước, di chuyển nhờ vây và hô hấp bằng mang. Cá đẻ trứng.

Cá có số lượng loài lớn, chiếm gần một nửa số lượng loài của động vật có xương sống.

Bộ xương cá có thể bằng chất sụn (ở lớp Cá sụn) như cá mập, cá nhám, cá đuối,... hoặc chất xương (ở lớp Cá xương) như cá hồi, cá ngừ, cá chép, cá rô,...

Quan sát mẫu vật thật (cá xương, cá sụn) hoặc lọ ngâm mẫu vật cá, vẽ hình thái ngoài của đại diện quan sát và nêu vai trò của chúng.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-3

a) Cá mập (thuộc lớp Cá sụn)

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-4

b) Cá rô đồng (thuộc lớp Cá xương)

Hình 23.3. Một số đại diện của các lớp Cá

Nêu vai trò của cá và lấy ví dụ các loài cá có ở địa phương tương ứng với từng vai trò (bảng 23.1).

Bảng 23.1

Vai trò của cá Tên loài cá
? ?

Cá là nguồn thực phẩm giàu đạm, nhiều vitamin, dễ tiêu hoá. Da của một số loài cá (ví dụ cá nhám, cá đuối,...) có thể dùng đóng giày, làm túi,... Cá ăn bọ gậy (ấu trùng của muỗi truyền bệnh) và ăn sâu bọ hại lúa, cá còn được nuôi làm cảnh,... Tuy nhiên, một số loài (ví dụ: cá nóc) có thể gây ngộ độc chết người nếu ăn phải.

Tìm hiểu thêm

Sưu tầm thông tin và hình ảnh các loài cá để xây dựng bộ sưu tập về cá.

 

Em có biết

Cá đổi màu: Cá xiêm là một trong những loài cá đặc biệt. Chúng có màu sặc sỡ và có khả năng đổi màu cơ thể khi môi trường sống thay đổi.

Hiện nay, cá xiêm là giống cá cảnh rất được ưa chuộng trên khắp thế giới.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-5

Trang 127

2. Lớp Lưỡng cư

Động vật thuộc lớp Lưỡng cư có đời sống vừa ở nước, vừa ở cạn. Chúng có da trần, da luôn ẩm ướt và dễ thấm nước. Chúng hô hấp bằng da và phổi. Lưỡng cư đẻ trứng và thụ tinh ở môi trường nước. Lưỡng cư đa số không có đuôi, một số có đuôi (ví dụ cá cóc); di chuyển bằng bốn chân (chi) nhưng cũng có nhóm không chân (ví dụ ếch giun).

?

1. Giải thích thuật ngữ “lưỡng cư".

2. Quan sát hình 23.5 nêu đặc điểm giống và khác nhau của các động vật trong hình.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-6

Hình 23.4. Vòng đời của lưỡng cư

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-7

Cá cóc bụng hoa

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-8

Cóc nhà

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-9

Éch giun

Hình 23.5. Một số động vật thuộc lớp Lưỡng cư

Đa số động vật lưỡng cư có giá trị thực phẩm, có ích cho nông nghiệp vì chúng tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng. Một số lưỡng cư có tuyến độc, nếu ăn phải có thể bị ngộ độc.

? Lấy ví dụ về các lưỡng cư được dùng làm thực phẩm và lưỡng cư gây ngộ độc.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-10

Hình 23.6. Một số lưỡng cư độc có màu sắc sặc sỡ

Quan sát một số đại diện lớp Lưỡng cư

Quan sát mẫu vật (ếch, nhái) hoặc lọ ngâm mẫu vật đại diện lưỡng cư, ghi chép các đặc điểm và nêu vai trò, tác hại của đại diện quan sát được.

Tìm hiểu thêm

Hãy tìm hiểu vì sao cần phải bảo vệ lưỡng cư và gây nuôi những loài lưỡng cư có giá trị kinh tế?

Trang 128

3. Lớp Bò sát

? 1. Nêu những đặc điểm nhận biết động vật thuộc lớp Bò sát.

2. Kể tên một số loài bò sát mà em biết và nêu vai trò của chúng.

Động vật thuộc lớp Bò sát thích nghi với đời sống ở cạn. Chúng có da khô, phủ vảy sừng; hô hấp bằng phổi. Bò sát đẻ trứng.

Bò sát có giá trị thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm mĩ nghệ xuất khẩu (ví dụ: ba ba, rùa, đồi mồi),... Đa số bò sát có ích cho nông nghiệp (ví dụ: thằn lằn, rắn) do chúng tiêu diệt một số loài có hại như sâu bọ, chuột,... Một số loài bò sát có độc (ví dụ rắn độc) có thể gây hại cho người và động vật.

Nêu tên và một số đặc điểm nhận biết của các bò sát trong hình 23.7.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-11

Hình 23.7. Một số đại diện thuộc lớp Bò sát

Tìm hiểu thêm

Hãy tìm hiểu những đặc điểm phân biệt bò sát với lưỡng cư.

4. Lớp Chim

1. Nêu những đặc điểm nhận biết động vật thuộc lớp Chim.

2. Kể tên một số loài chim mà em biết.

Động vật thuộc lớp chim có lông vũ bao phủ cơ thể, đi bằng hai chân, chi trước biến đổi thành cánh, đẻ trứng. Đa số các loài chim có khả năng bay lượn. Tuy nhiên, một số loài chim không có khả năng bay nhưng lại chạy nhanh (ví dụ đà điểu) và một số loài chim khác có khả năng bơi, lặn (ví dụ: chim cánh cụt, vịt).

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-12

Đại bàng

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-13

Đà điểu châu Úc

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-14

Vịt

Hình 23.8. Một số đại diện của lớp Chim

Trang 129

Chim có vai trò như thụ phân cho hoa, phát tán hạt; làm thực phẩm (ví dụ: gà, vịt),... Tuy nhiên, chim cũng có thể là tác nhân truyền bệnh (ví dụ gà truyền bệnh cúm), phá hoại mùa màng (ví dụ chim sẻ),...

Sưu tầm tranh ảnh về các loài chim và viết lời giới thiệu về bộ sưu tập đó.

 

Em có biết

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-15

Chim cánh cụt sống thành từng đàn có thể lên tới hàng chục nghìn con, chúng có tính xã hội cao. Mỗi cặp chim cánh cụt bố mẹ đều có thể nhận biết và trông chừng con của mình thông qua khả năng nghe đặc biệt.

Chim cánh cụt có thể bơi khoảng 9 km một giờ và lặn dưới nước với kỉ lục khoảng 20 phút. Chúng có một lớp lông đặc biệt không thấm nước. Lông màu sẫm ở lưng giúp chúng che giấu khi lặn xuống vùng biển sâu màu tối, lông màu trắng ở bụng giúp ẩn nấp trên những tảng băng hay vùng tuyết trắng.

 

Tìm hiểu thêm

Hãy tìm hiểu trong thực tiễn hoặc qua mạng internet,... xem các loài chim như gà, vịt, bồ câu ấp trứng và chăm sóc, bảo vệ con non như thế nào.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-16

5. Lớp Động vật có vú (Thú)

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-17

Hình 23.9. Mèo mẹ và mèo con

?

Mèo là một động vật thuộc lớp Động vật có vú, em hãy quan sát hình 23.9 và nêu một số đặc điểm của mèo.

Hầu hết động vật có vú có lông mao bao phủ khắp cơ thể, có răng, chúng đẻ con và nuôi con bằng sữa mẹ. Có loài thú đẻ con và sau đó nuôi con trong túi da ở bụng thú mẹ (kangaroo). Tuy nhiên cũng có loài thú đẻ trứng (thú mỏ vịt).

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-18

a) Thú mỏ vịt

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-19

b) Kangaroo

Hình 23.10. Một số đại diện thuộc lớp Động vật có vú

Lớp Động vật có vú rất đa dạng về số lượng loài và môi trường sống.

?

Dựa vào những đặc điểm nhận biết động vật thuộc lớp Động vật có vú, hãy lấy ví dụ về một số động vật có vú ở nơi em sống.

Trang 130

Quan sát hình 23.11, mô tả hình thái và cho biết môi trường sống của các động vật trong hình.

hinh-anh-bai-23-da-dang-dong-vat-co-xuong-song-10954-20

Con cá heo

Con trâu

Con dơi

Con khỉ

Hình 23.11. Một số động vật thuộc lớp Động vật có vú

Hãy sưu tầm tranh ảnh về các loài thú quý hiếm và viết khẩu hiệu tuyên truyền để bảo vệ chúng.

Thú có vai trò quan trọng trong thực tiễn: thú nuôi dùng làm thực phẩm, cung cấp sức kéo (ví dụ: trâu, bò), làm cảnh, làm vật thí nghiệm (ví dụ: thỏ, chuột),... Ngoài ra, nhiều loài thú có ích trong việc tiêu diệt các loài gặm nhấm có hại cho nông nghiệp và lâm nghiệp (ví dụ: chồn, mèo rừng). Tuy nhiên, một số loài thú là vật trung gian truyền bệnh như chuột, dơi,...

1. Lập bảng về những đặc điểm nhận biết các lớp thuộc động vật có xương sống.

2. Lập bảng về các vai trò và tác hại của động vật có xương sống và lấy các ví dụ minh hoạ.

 

Động vật có xương sống có bộ xương trong, trong đó có cột sống chứa tuỷ sống. Động vật có xương sống gồm các lớp Cá, Lưỡng cư, Bò sát, Chim và Động vật có vú (Thú).

• Cá là động vật sống ở nước, di chuyển bằng vây, hô hấp bằng mang, đẻ trứng.

• Lưỡng cư có đời sống vừa ở nước vừa ở cạn, da trần, hô hấp bằng da và phổi, đẻ trứng trong nước.

• Bò sát có da khô, vảy sừng khô; hô hấp bằng phổi; đẻ trứng.

• Chim có lông vũ bao phủ, chi trước biến đổi thành cánh, đẻ trứng.

• Hầu hết động vật có vú (thú) có lông mao bao phủ khắp cơ thể, đẻ con và nuôi con bằng sữa mẹ.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 23. ĐA DẠNG ĐỘNG VẬT CÓ XƯƠNG SỐNG | Khoa Học Tự Nhiên 6 | Phần 3_Chủ đề 8. Đa dạng thế giới sống - Lớp 6 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Khoa Học Tự Nhiên 6

  1. Phần 1_Chủ đề 1. Giới thiệu về khoa học tự nhiên, dụng cụ đo và an toàn thực hành
  2. Phần 1_Chủ đề 2. Các phép đo
  3. Phần 2_Chủ đề 3. Các thể của chất
  4. Phần 2_ Chủ đề 4. Oxygen và không khí
  5. Phần 2_Chủ đề 5. Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực – thực phẩm
  6. Phần 2_Chủ đề 6. Hỗn Hợp
  7. Phần 3_Chủ đề 7. Tế Bào
  8. Phần 3_Chủ đề 8. Đa dạng thế giới sống
  9. Phần 4_Chủ đề 9. Lực

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 6

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.