Nội Dung Chính
ĐỌC
Em hiểu thế nào về câu nói "Thấầy thuốc như mẹ hiền."?
Hải Thượng Lãn Ông là một thầy thuốc nổi tiếng của nước ta ở thế kỉ XVIII.
Ông là người thông minh, học rộng. Khi còn trẻ, có lần bị ốm nặng, ông được một thấy thuốc giỏi chữa khỏi. Nhận thấy rằng biết chữa bệnh không chỉ cứu mình mà còn giúp được người đời, ông đã quyết học nghề y. Lên kinh đô nhưng không tìm được thấy giỏi để học, ông về quê "đóng cửa để đọc sách", vừa tự học vừa chữa bệnh giúp dân.
Ông không quản ngày đêm, mưa nắng, trèo đèo lội suối đi chữa bệnh cứu người. Đối với người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ông thường khám bệnh và cho thuốc không lấy tiền.
Có lần, một người thuyền chài nghèo có đứa con nhỏ bị bệnh nặng nhưng không có tiền chữa trị. Khi bệnh tình của đứa trẻ nguy cấp, người thuyền chài chạy đến nhờ cậy Hải Thượng Lãn Ông. Ông đã đi lại thăm khám, thuốc thang ròng rã hơn một tháng trời, nhờ vậy mà bệnh của đứa trẻ thuyên giảm. Không những không lấy tiến, ông còn cho gia đình họ gạo, củi, dầu đèn,...
Bên cạnh việc làm thuốc, chữa bệnh, Hải Thượng Lãn Ông cũng dành nhiều công sức nghiên cứu, viết sách, để lại cho đời nhiều tác phẩm lớn, có giá trị về y học, văn hoá và lịch sử. Ông được coi là một bậc danh y của Việt Nam.
(Nguyễn Liêm)
Từ ngữ
- Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791): tên thật là Lê Hữu Trác.
- Nghề y: nghề khám và chữa bệnh.
- Danh y: thầy thuốc giỏi và nổi tiếng.
1. Hải Thượng Lãn Ông là ai? Vì sao ông quyết học nghề y?
2. Hải Thượng Lãn Ông đã học nghề y như thế nào?
3. Những chi tiết nào cho thấy ông rất thương người nghèo?
4. Vì sao Hải Thượng Lãn Ông được coi là một bậc danh y của Việt Nam?
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
CÂU
1. Đoạn văn dưới đây có mấy câu? Nhờ đâu em biết như vậy?
Anh em tôi ở cùng bà nội từ bé. Những đêm hè, bà thường trải chiếu ở giữa sân gạch. Bà ngồi đó xem chúng tôi chạy nhảy, nô đùa đủ trò. Bà biết nhiều câu chuyện cổ tích. Chúng tôi đã thuộc lòng những câu chuyện bà kể. Chẳng hiểu vì sao chúng tôi vẫn thấy háo hức mỗi lần được nghe bà kể chuyện?
(Theo Phương Trung)
2. Xét các kết hợp từ dưới đây, cho biết trường hợp nào là câu, trường hợp nào chưa phải là câu. Vì sao?
giúp đỡ người già
Nam dẫn bà cụ sang đường.
Bà cụ rất cảm động.
Bà muốn sang đường phải không ạ?
Nam và bà cụ
đã già yếu
Cảm ơn cháu nhé!
3. Sắp xếp các từ ngữ dưới đây thành câu. Viết câu vào vở.
a. chữa bệnh/ ông/ cứu người/ để
b. khám bệnh/ miễn phí/ ông/ cho ai
c phải tập thể dục/ cháu/ nhé/ thường xuyên
d. lắm/ ông ấy/ thương người
Ghi nhớ
- Câu là một tập hợp từ, thường diễn đạt một ý trọn vẹn.
- Các từ trong câu được sắp xếp theo một trật tự hợp lí.
- Chữ cái đầu câu phải viết hoa. Cuối câu phải có dấu kết thúc câu.
4. Dựa vào tranh để đặt câu:
a. Một câu kể.
b. Một câu hỏi.
c. Một câu khiến.
d. Một câu cảm.
VIẾT
TÌM HIỂU CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NÊU TÌNH CẢM, CẢM XÚC
1. Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
(1) Nhỏ Thắm là cô bạn thân duy nhất của tôi. (2) Chúng tôi cùng lớn lên bên nhau, ngày ngày cùng đi chung một con đường đến lớp, cùng chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống... (3) Tình cảm mà tôi cảm nhận được ở nhỏ Thắm là một tình bạn ấm áp và thân thiết. (4) Chúng tôi thân nhau đến mức đứa này đã quen với sự có mặt của đứa kia bên cạnh. (5) Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng tôi xa nhau. (6) Vì vậy, khi nhỏ Thắm đi xa, tôi nhận ra tôi nhớ nó biết chừng nào. (7) Và nó nữa, chắc nó cũng nhớ tôi lắm. (8) Nhưng tôi tin chắc rằng dù xa cách, tình bạn thân thiết giữa tôi và nhỏ Thắm sẽ mãi mãi không thay đổi.
(Theo Nguyễn Nhật Ánh)
a. Tìm phần mở đầu, triển khai và kết thúc của đoạn văn trên.
b. Tìm nội dung tương ứng với từng phần của đoạn văn.
Phần | Nội dung |
Mở đầu | Khẳng định tình cảm bền chặt với người bạn thân. |
Triển khai | Cho biết người bạn thân là ai. |
Kết thúc | Nêu những kỉ niệm gắn bó, thân thiết với bạn và tình cảm dành cho bạn. |
c. Tìm trong phần triển khai nội dung của đoạn:
- Câu nêu kỉ niệm về người bạn.
- Từ ngữ trực tiếp biểu đạt tình cảm, cảm xúc.
- Suy nghĩ, việc làm thể hiện tình cảm, cảm xúc dành cho bạn.
2. Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc.
G:
- Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc thường có mấy phần? Đó là những phần nào?
- Nội dung chính của mỗi phần là gì?
- Người viết có thể biểu lộ tình cảm, cảm xúc bằng những cách nào?
Ghi nhớ
Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc cần nêu được tình cảm, cảm xúc đó là gì và được biểu lộ như thế nào. Đoạn văn thường có 3 phần: mở đầu, triển khai kết thúc.
Viết 2-3 câu nêu tình cảm, cảm xúc của em về Hải Thượng Lãn Ông.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn