Nội Dung Chính
BÀI 14: TRONG LỜI MẸ HÁT
( Trang 59 )
ĐỌC
TRONG LỜI MẸ HÁT
Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao.
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
Mẹ ơi, trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
(Trương Nam Hương)
( Trang 60 )
Từ ngữ
– Chòng chành: nghiêng qua nghiêng lại, không giữ được thăng bằng.
– Nôn nao: (nghĩa trong bài) trạng thái xao động trong tình cảm khi đang nhớ
đến điều gì đó.
1.Khổ thơ nào cho thấy ngay từ thuở ấu thơ, bạn nhỏ đã được nghe mẹ kể
chuyện cổ tích, hát ru những bài ca dao?
2. Tìm những hình ảnh đẹp, gần gũi được gợi ra từ lời hát ru của mẹ.
3. Qua cảm nhận của bạn nhỏ về mẹ (ở khổ thơ thứ ba), em thấy bạn nhỏ
là người như thế nào?
4. Dựa theo nội dung khổ thơ thứ tư, đóng vai bạn nhỏ để nói lời tâm sự
với mẹ.
5. Theo em, bài thơ Trong lời mẹ hát muốn nói về điều gì? Chọn câu trả lời
dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.
A. Những kỉ niệm thân thương thời thơ ấu.
B. Lòng biết ơn đối với cha mẹ.
C. Vẻ đẹp và ý nghĩa của những bài hát ru.
* Học thuộc lòng 3 khổ thơ cuối.
1.Tìm những hình ảnh nhân hoá trong bài thơ Trong lời mẹ hát.
2. Viết 2 – 3 câu về những việc mẹ đã làm cho em, trong đó có trạng ngữ chỉ thời gian hoặc nơi chốn.
( Trang 61 )
VIẾT
LẬP DÀN Ý CHO BÀI VĂN THUẬT LẠI MỘT SỰ VIỆC
Đề bài: Viết bài văn thuật lại một sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của em về sự việc đó
1.Chuẩn bị.
– Chọn sự việc đã tham gia hoặc chứng kiến (ví dụ: thăm viện bảo tàng,
chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi gia đình thương binh – liệt sĩ,
tặng quà người già, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam,…).
– Nhớ lại những hoạt động, việc làm chính và sắp xếp theo đúng trình tự.
2.Lập dàn ý.
Mở bài: Giới thiệu sự việc: địa điểm, thời gian tổ chức, những người
tham gia hoạt động,…
Thân bài: Nêu diễn biến của sự việc theo trình tự thời gian: bắt đầu –
tiếp theo – kết thúc,… (cần nêu các hoạt động, việc làm đúng
với những gì em đã tham gia hoặc chứng kiến).
Kết bài: Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về sự việc được tham gia, chứng kiến
hoặc nêu việc mình muốn làm tiếp theo để thể hiện truyền
thống Uống nước nhớ nguồn.
3. Góp ý và chỉnh sửa dàn ý.
Bố cục | Trình tựsự việc | Việc lựa chọnhoạt động, việc làm |
( Trang 62 )
NÓI VÀ NGHE
TRUYỀN THỐNG UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
Yêu cầu: Thuật lại một sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình về sự việc đó.
1.Nói.
– Dựa vào dàn ý đã lập ở hoạt động Viết, em hãy thuật lại sự việc theo yêu cầu.
– Khi nói, em cần kết hợp thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình qua giọng nói, cử chỉ, điệu bộ,…
– Em có thể kết hợp giới thiệu tranh ảnh, video,… ghi lại việc làm thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn mà em đã tham gia hoặc chứng kiến.
2. Trao đổi, góp ý.
– Nội dung sự việc thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn.
– Trình tự của sự việc đúng với thực tế.
– Suy nghĩ, cảm xúc của người nói được thể hiện qua lời nói, giọng nói,
cử chỉ, điệu bộ,…
1. Chia sẻ với người thân suy nghĩ, cảm xúc của mình về những việc làm
góp phần gìn giữ truyền thống Uống nước nhớ nguồn
2. Tìm đọc một câu chuyện về lòng biết ơn.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn