Bài 9: Sự Tích Con Rồng Cháu Tiên | Tiếng Việt 4 - Tập 2 | Tuần 23 - Lớp 4 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tiếng Việt 4 - Tập 2 - Bài 9


ĐỌC

Trao đổi với bạn: Vào tháng Ba (âm lịch), nước ta có ngày lễ nào quan trọng?

SỰ TÍCH CON RỒNG CHÁU TIÊN

hinh-anh-bai-9-su-tich-con-rong-chau-tien-6473-0

Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt có một vị thần tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lên sống trên cạn, sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ. Bấy giờ, ở vùng núi cao có nàng Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần, nghe vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Hai người gặp nhau, kết thành vợ chồng.

Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến kì sinh, chuyện thật lạ, nàng sinh ra cái bọc trăm trứng. Trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Đàn con lớn nhanh như thổi, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh như thần.

Sống với nhau được ít lâu, Lạc Long Quân bàn với vợ.

- Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nước, tập quán khác nhau, khó mà ở cùng nhau lâu dài được. Nay ta đem năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương, khi có việc thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn.

Một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau này trở thành tổ tiên của người Việt. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Con trai vua gọi là Lang, con gái vua gọi là Mị Nương; khi cha mất thì ngôi được truyền cho con trưởng, mười mấy đời truyền nói ngôi vua đều lấy hiệu là Hùng Vương, không hề thay đổi.

Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt ta thường tự hào xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào.

(Theo Nguyễn Đổng Chi)

hinh-anh-bai-9-su-tich-con-rong-chau-tien-6473-1

Từ ngữ

- Miền đất Lạc Việt: miền đất mà người Lạc Việt sinh sống, chủ yếu thuộc Bắc Bộ nước ta ngày nay.

- Phong Châu: tên gọi một vùng đất cổ, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

- Đồng bào (cùng một bọc): những người cùng giống nòi, cùng đất nước.

(Sử dụng từ điển để tìm nghĩa của các từ: khôi ngô, tập quán.)

1. Lạc Long Quân và Âu Cơ được giới thiệu như thế nào?

2. Chi tiết Âu Cơ sinh bọc trăm trứng muốn nói điều gì?

3. Theo em, cách giải thích nguồn gốc của người Việt là con Rồng cháu Tiên nói lên điều gì?

4. Dựa vào sơ đồ dưới đây, tóm tắt lại câu chuyện.

hinh-anh-bai-9-su-tich-con-rong-chau-tien-6473-2

Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau, kết duyên vợ chồng.

Âu Cơ sinh bọc trăm trứng.

Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ...

Các con của họ...

Tên gọi con Rồng cháu Tiên...

5. Câu ca dao dưới đây có liên quan thế nào đến câu chuyện này?

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

LUYỆN TỪ VÀ CÂU

LUYỆN TẬP VỀ HAI THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA CÂU

1. Kết hợp các từ ngữ dưới đây để tạo thành câu.

Vua Hùng

Lễ hội Đền Hùng

Đền thờ Vua Hùng

được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh

là con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ

gồm nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian

2. Xác định chủ ngữ, vị ngữ của các câu trong đoạn văn dưới đây:

Lý Thường Kiệt là danh tướng Việt Nam thế kỉ XI. Tên tuổi của ông gắn với chiến thắng chống quân xâm lược nhà Tống. Tương truyền, ông cũng là tác giả bài thơ Sông núi nước Nam. Bài thơ được xem như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta.

3. Dựa vào tranh, đặt câu có những loại vị ngữ sau:

   a. Vị ngữ nêu hoạt động, trạng thái.

   b. Vị ngữ nêu đặc điểm.

   c. Vị ngữ giới thiệu, nhận xét.

hinh-anh-bai-9-su-tich-con-rong-chau-tien-6473-3

4. Đặt 2 – 3 câu nói về một người anh hùng dân tộc và xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu.

VIẾT

LẬP DÀN Ý CHO BÀI VĂN KỂ LẠI MỘT CÂU CHUYỆN

Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe.

1. Chuẩn bị.

- Chọn câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em yêu thích.

G: Câu chuyện kể về Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê Lai, Nguyễn Trung Trực, Hồ Chí Minh, Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi,...

- Câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc thế nào?

- Nhân vật lịch sử có những đóng góp gì cho đất nước?

- Em có cảm nghĩ như thế nào về nhân vật và câu chuyện?

2. Lập dàn ý.

Mở bài: Chọn cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thân bài: Kể các sự việc chính theo diễn biến của câu chuyện. Chú ý làm nổi bật suy nghĩ, hành động,... của nhân vật lịch sử.

Kết bài: Chọn cách kết bài mở rộng hoặc không mở rộng.

3. Góp ý và chỉnh sửa dàn ý.

- Dàn ý có đủ 3 phần.

- Các chi tiết được lựa chọn hợp lí.

- Các sự việc được sắp xếp đúng diễn biến của câu chuyện.

Tìm đọc thêm những câu chuyện về nguồn gốc hoặc phong tục, tập quán của các dân tộc Việt Nam.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 9: Sự Tích Con Rồng Cháu Tiên | Tiếng Việt 4 - Tập 2 | Tuần 23 - Lớp 4 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 4

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.