Nội Dung Chính
(Trang 71)
I. NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHỦ ĐỀ
1. Giới thiệu về khuyến mãi trong kinh doanh
Như ta đã biết, để tăng lãi trong kinh doanh người ta thường sử dụng hai cách chính sau đây:
- Nâng giá mặt hàng;
- Thu hút người mua để bán được nhiều hàng.
Khi nâng giá mặt hàng, có thể số người mua giảm đi nên số sản phẩm bán được ít đi. Vì thế, để tăng lãi trong kinh doanh người ta quan tâm nhiều đến những giải pháp thu hút người mua để bán được nhiều hàng. Những giải pháp như thế thường được gọi chung là khuyến mãi.
Mục đích chính của khuyến mãi là thúc đẩy người tiêu dùng mua và mua nhiều hơn các hàng hoá mà doanh nghiệp cung cấp hoặc phân phối. Ngoài ra, hoạt động khuyến mãi còn nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm và quảng bá doanh nghiệp.
Trong thực tế kinh doanh hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp nêu ra một số hình thức khuyến mãi như:
- Dùng thử hàng mẫu miễn phí, chẳng hạn như đưa hàng hoá mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
- Tặng quà, chẳng hạn như tặng hàng hoá cho khách hàng không thu tiền;
- Giảm giá, chẳng hạn như: bán hàng với giá thấp hơn giá bán trước đó,...
Các hình thức khuyến mãi được đưa ra phải đảm bảo những nguyên tắc sau: Việc khuyến mãi phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, không xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các nhà kinh doanh, tổ chức hoặc cá nhân khác, đặc biệt không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng.
(Trang 72)
2. Hình thức giảm giá trong khuyến mãi
Dưới đây là một số hình thức giảm giá phổ biến:
• Giảm giá bán của sản phẩm: Thay vì bán với giá niêm yết, khách hàng được mua hàng với giá giảm 5% hoặc 10%, 15%, ... tuỳ theo chiến lược kinh doanh của cửa hàng.
• Giảm giá khi mua nhiều sản phẩm: Chẳng hạn, mua 2 sản phẩm được giảm 5%; mua 3 sản phẩm được giảm 10%; ...
3. Kiến thức toán học
• Sau khi giảm x% số a, ta nhận được số a(100% — x%). • Sau khi tăng x% số a, ta nhận được số a(100% +x%). |
Ví dụ Một cửa hàng kinh doanh quần áo, nhập vào áo thun với giá 85 000 đồng/chiếc và niêm yết giá bán là 125 000 đồng/chiếc. Cửa hàng đưa ra ba phương án kinh doanh (tính trên mỗi lô 10 chiếc áo) như sau:
Phương án 1: Cửa hàng bán ba chiếc áo đầu tiên với giá 125 000 đồng và bảy chiếc áo còn lại với giá giảm 20% so với giá niêm yết;
Phương án 2: Cửa hàng bán cả mười chiếc áo với giá giảm 10% so với giá niêm yết;
Phương án 3: Cửa hàng bán bốn chiếc áo đầu tiên với giá giảm 5% so với giá niêm yết, bán ba chiếc áo tiếp theo với giá giảm 10% so với giá niêm yết, bán ba chiếc áo cuối cùng với giá giảm 15% so với giá niêm yết.
Tính lãi của cửa hàng có được theo mỗi phương án trên (làm tròn kết quả đến hàng nghìn). Phương án nào đem lại lãi nhiều nhất cho cửa hàng?
Giải
Số tiền cửa hàng bỏ ra để nhập vào một lô mười chiếc áo là: 10 . 85 000 = 850 000 (đồng).
– Xét phương án 1
Bảy chiếc áo còn lại được bán với giá mỗi chiếc là:
125 000 . (100% – 20%) = 100 000 (đồng).
Doanh thu của cửa hàng là: 3 . 125 000 + 7 . 100 000 = 1 075 000 (đồng).
Lãi của cửa hàng là: 1 075 000 – 850 000 = 225 000 (đồng).
– Xét phương án 2
Giá bán mỗi chiếc áo là:
125 000 . (100% – 10%) = 112 500 (đồng).
(Trang 73)
Doanh thu của cửa hàng là: 10 . 112 500 = 1 125 000 (đồng).
Lãi của cửa hàng là: 1 125 000 – 850 000 = 275 000 (đồng).
– Xét phương án 3
Bốn chiếc áo đầu tiên được bán với giá mỗi chiếc là:
125 000 . (100% — 5%) = 118 750 (đồng).
Ba chiếc áo tiếp theo được bán với giá mỗi chiếc là:
125 000 . (100% – 10%) = 112 500 (đồng).
Ba chiếc áo cuối cùng được bán với giá mỗi chiếc là:
125 000 . (100% — 15%) = 106 250 (đồng).
Doanh thu của cửa hàng là: 4 . 118 750 + 3 .112 500 + 3 . 106 250 = 1 131 250 (đồng).
Lãi của cửa hàng là: 1 131 250 – 850 000 = 281 250 (đồng) ≈ 281 000 (đồng).
Kết luận: Theo phương án thứ ba, cửa hàng có được lãi nhiều nhất.
II. GỢI Ý TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG
Tiến trình tổ chức các hoạt động bao gồm: phần chuẩn bị; phần thực hiện; phần tổng kết.
1. Phần chuẩn bị
1 Giáo viên thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Quy định hệ thống đơn vị tiền giả định, chẳng hạn gồm: 1000 đồng giả định, 2000 đồng giả định, 5 000 đồng giả định, 10 000 đồng giả định, 20 000 đồng giả định;
- Chuẩn bị từ 600 000 đồng đến 700 000 đồng giả định;
- Quy định danh mục sản phẩm (nên tối đa là 5 loại sản phẩm) và giá nhập vào của từng loại sản phẩm, số lượng sản phẩm cần đủ nhiều sao cho tổng số tiền thu được khi bán hết số sản phẩm đó (theo giá quy định) tối thiểu là 400 000 đồng giả định;
- Chia lớp thành 4 nhóm học sinh và cử nhóm trưởng của mỗi nhóm;
- Giao cho mỗi nhóm học sinh 20 sản phẩm, nhóm học sinh được quyền lựa chọn 20 sản phẩm trong danh mục sản phẩm đã quy định (mặt hàng cần kinh doanh) từ giáo viên theo đúng kế hoạch kinh doanh mà nhóm đã vạch ra sao cho tổng giá trị của 20 sản phẩm đó (tính theo giá nhập vào của từng loại sản phẩm) không vượt quá 100 000 đồng giả định;
- Mỗi nhóm được nhận 150 000 đồng giả định để thực hiện nhiệm vụ mua sản phẩm (mặt hàng kinh doanh) của nhóm khác, tuyệt đối không được mua sản phẩm kinh doanh của chính nhóm mình;
(Trang 74)
- Quy định rằng sản phẩm tồn lại khi trò chơi kết thúc được định giá bằng 50% giá nhập ban đầu.
2 Học sinh được chia theo nhóm. Các nhóm trao đổi, thảo luận.
– Xác định rõ nhiệm vụ của nhóm và từng nhiệm vụ thành phần.
– Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm.
– Xác định thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ thành phần và nhiệm vụ chung.
3 Mỗi nhóm học sinh tiến hành lập kế hoạch kinh doanh của nhóm, đặc biệt lựa chọn hình thức khuyến mãi phù hợp để tăng lãi của nhóm.
a) Nhiệm vụ 1. Lập kế hoạch kinh doanh của mỗi nhóm
Thống nhất các công việc cần làm sau đây:
– Lựa chọn 20 sản phẩm (mặt hàng cần kinh doanh) sao cho tổng giá trị của 20 sản phẩm đó (tính theo giá nhập vào của từng loại sản phẩm) không vượt quá 100 000 đồng giả định;
– Lựa chọn hình thức kinh doanh, thảo luận các chiến lược kinh doanh;
– Phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm; từng cá nhân dự kiến cách làm của mình và cả nhóm cùng trao đổi góp ý.
b) Nhiệm vụ 2. Xác định hình thức khuyến mãi và cách thức quảng cáo, thông tin về sản phẩm
Thống nhất các công việc cần làm sau đây:
– Xác định hình thức giảm giá;
– Đưa ra thêm những hình thức khuyến mãi khác (nếu có);
– Xác định cách thức quảng cáo, thông tin về sản phẩm và hình thức khuyến mãi.
2. Phần thực hiện
4 Thực hiện công việc kinh doanh (thực hành bán hàng). Tính doanh thu và lãi.
- Yêu cầu mong muốn:
Sản phẩm | Giá mua vào | Số lượng mua | Hình thức khuyến mãi | Số lượng bán | Lãi |
? | ? | ? | ? | ? | ? |
? | ? | ? | ? | ? | ? |
(Trang 75)
- Kết quả thực tế đạt được:
Sản phẩm | Giá mua vào | Số lượng mua | Hình thức khuyến mãi | Số lượng bán | Lãi |
? | ? | ? | ? | ? | ? |
? | ? | ? | ? | ? | ? |
– Viết báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm.
3. Phần tổng kết
5 Làm việc chung cả lớp.
a) Nhiệm vụ 1
Các nhóm báo cáo kết quả (tính doanh thu, lãi và giải thích cách đưa ra các hình thức khuyến mãi). Cả lớp góp ý, thống nhất các kết quả này.
b) Nhiệm vụ 2
Dựa trên lãi thực tế của mỗi nhóm, cả lớp góp ý kiến cho cách đưa ra các hình thức khuyến mãi nhằm tăng lãi trong phương án kinh doanh của mỗi nhóm.
c) Nhiệm vụ 3
Tổng kết rút kinh nghiệm.
III. ĐÁNH GIÁ
Hình thức đánh giá: theo hình thức đánh giá của học tập dự án.
1. Đánh giá hoạt động cá nhân
– Mỗi cá nhân tự đánh giá vào phiếu cá nhân.
– Nhóm đánh giá từng thành viên trong nhóm vào phiếu đánh giá cá nhân.
2. Đánh giá hoạt động và sản phẩm của nhóm
– Nhóm tự đánh giá lại hoạt động của nhóm và cho điểm vào phiếu đánh giá hoạt động của nhóm.
– Giáo viên và các nhóm đánh giá, rồi cho điểm phần trình bày của từng nhóm vào phiếu đánh giá hoạt động nhóm.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn