Bài 28: Vốn Đất Và Sử Dụng Vốn Đất | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 28


1. Vốn đất đai

Đất trồng (thổ nhưỡng) là tài nguyên thiên nhiên tái tạo được, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống.

Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất chủ yếu không thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp, là địa bàn để phân bố các khu dân cư, các công trình kinh tế, văn hoá, xã hội và các công trình an ninh quốc phòng. Sử dụng hợp lí đất đai có ý nghĩa to lớn trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Điều này càng rõ nét trong hoàn cảnh của nước ta, một nước có 3/4 diện tích là đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, tài nguyên đất rất dễ bị suy thoái. Trên thực tế, tài nguyên đất của nước ta đã bị thoái hoá một phần do sức ép của dân số và do sử dụng đất không hợp lí kéo dài.

Bảng 28. Hiện trạng sử dụng đất của cả nước, năm 2005

 

Loại đất sử dụng Diện tích (nghìn ha) Cơ cấu (%)
Tổng số 33121,2 100,0
Đất sản xuất nông nghiệp 9412,2 28,4
Đất lâm nghiệp 14437,3 43,6
Đất chuyên dùng 1401,0 4,2
Đất ở 602,7 1,8
Đất khác (chủ yếu là đất chưa sử dụng) 7268,0 22,0

Hãy nhận xét về hiện trạng đất chưa sử dụng ở nước ta từ bảng số liệu trên.

hinh-anh-bai-28-von-dat-va-su-dung-von-dat-2927-0

Hình 28. Cơ cấu sử dụng đất phân theo vùng, năm 2005

Dựa vào hình 28 và các kiến thức đã học, hãy phân tích đặc điểm cơ cấu sử dụng đất ở các vùng kinh tế của nước ta.

Nước ta có bình quân đất tự nhiên trên đầu người vào loại thấp, chỉ khoảng 0,4 ha/người, gần bằng 1/6 mức trung bình của thế giới.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 9,4 triệu ha (năm 2005) tăng khả trong vòng mấy chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp không nhiều, nếu mở rộng không thận trọng, sẽ làm mất rừng và gây hậu quả xấu về môi trường ở vùng núi, cao nguyên.

Diện tích đất lâm nghiệp tuy đã tăng, độ che phủ rừng đã trên 40%, nhưng con số này vẫn là quá ít trong điều kiện của một nước chủ yếu là đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

Diện tích đất chuyên dùng và đất ở tăng lên do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và do nhu cầu về đất ở của dân cư ngày càng tăng. Đất chuyên dùng và đất ở được mở rộng do chuyển đất nông nghiệp sang là chủ yếu. Điều này có ảnh hưởng xấu đến việc sử dụng đất nông nghiệp, nhất là ở các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, cũng như một số nơi ở dải đồng bằng Duyên hải miền Trung.

Các loại đất khác (chủ yếu là đất chưa sử dụng) chiếm 22% diện tích cả nước. Trong những năm gần đây, do khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp và trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên nên diện tích đất chưa sử dụng đang thu hẹp lại, cả ở miền đồi núi và đồng bằng.

Vốn đất đai ở các vùng của nước ta rất khác nhau về quy mô, cơ cấu và bình quân trên đầu người. Vì vậy, mỗi vùng phải có các chính sách sử dụng đất thích hợp trên cơ sở Luật Đất đai.

2. Vấn đề sử dụng đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay được chia thành 5 loại chính là : đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác.

a) Ở đồng bằng

Đất ở các đồng bằng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây hàng năm. Diện tích lúa và cây thực phẩm chiếm khoảng 3/4 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, đây còn là những vùng có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng bằng sông Hồng là nơi điển hình về sức ép dân số lên việc sử dụng đất. Đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 51,2% diện tích đất tự nhiên của vùng. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người chỉ còn 0,04 ha, là mức thấp nhất cả nước, chưa bằng 1/3mức bình quân của Đồng bằng sông Cửu Long. Khả năng mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất hạn chế. Trong khoảng 52 nghìn ha đất chưa sử dụng, chỉ một phần diện tích là có khả năng sản xuất nông nghiệp. Đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng đã được thâm canh ở mức cao ; hiện nay, ở đây đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh phát triển vụ đông thành vụ chính sản xuất các loại cây thực phẩm hàng hoá. Ở nhiều địa phương đang mở rộng diện tích cây ăn quả. Việc đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản (nước ngọt và nước lợ) cũng là một hướng để mở rộng diện tích đất nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn gấp 3,4 lần Đồng bằng sông Hồng (năm 2005). Bình quân đầu người 0,15 ha. Dải đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu được cải tạo tốt, thâm canh 2 – 3 vụ lúa hoặc trồng cây ăn quả quy mô lớn. Trước đây, phần lớn diện tích đất trồng lúa nằm ngoài dải này chỉ gieo trồng một vụ (vụ mùa), còn bỏ hoa về vụ đông xuân do đất bị bốc phèn hoặc mặn. Các công trình thuỷ lợi lớn, cải tạo đất được tiến hành ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau đã mở rộng thêm hàng trăm nghìn ha đất canh tác, biến ruộng một vụ thành ruộng 2 – 3 vụ. Thêm vào đó, hàng trăm nghìn ha đất mới bồi ở cửa sông ven biển được cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với việc quy hoạch thuỷ lợi, cải tạo đất, thay đổi cơ cấu mùa vụ (mở rộng diện tích lúa đông xuân và lúa hè thu, thu hẹp diện tích lúa mùa), đa dạng hoá cây trồng (mở rộng diện tích cây ăn quả), phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Các đồng bằng nhỏ hẹp ở Duyên hải miền Trung lại có những vấn đề riêng trong sử dụng đất nông nghiệp. Ở đây thường xảy ra hạn hán (nhất là ở Nam Trung Bộ) về mùa khô, nếu giải quyết tốt khâu thuỷ lợi thì có thể nâng cao hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích đất nông nghiệp và thay đổi cơ cấu cây trồng. Ở Bắc Trung Bộ cần chống lại nạn cát bay, ngăn chặn sự di chuyển của các cồn cát do gió. Việc sử dụng đất cát biển để nuôi thuỷ sản theo quy mô công nghiệp đang là vấn đề lớn trong sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh Duyên hải miền Trung.

b) Ở trung du và miền núi

Nhìn chung đất ở trung du và miền núi dùng để trồng rừng, trồng cây lâu năm thì thích hợp hơn, do đất dốc, dễ bị xói mòn, việc làm đất và làm thuỷ lợi gặp khó khăn. Cách đây vài thập kỉ, để đảm bảo lương thực tại chỗ, diện tích nương rẫy không ngừng mở rộng, nhất là ở vùng núi Bắc Trung Bộ ; Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hiện nay, nhờ đẩy mạnh thâm canh ở những nơi có khả năng tưới tiêu (các ruộng bậc thang chẳng hạn) nên đã đảm bảo tốt hơn an ninh lương thực tại chỗ. Việc phát triển giao thông miền núi đã cho phép từng bước đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hoá, nhờ thế đã có thể chuyển một phần nương rẫy thành vườn cây ăn quả, cây công nghiệp và hạn chế nạn du canh du cư, phá rừng bừa bãi. Các mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp đang được phổ biến là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững ở miền núi và trung du nước ta.

Việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, với sự hỗ trợ tích cực của công nghiệp chế biến sẽ cho phép trung du, miền núi khai thác tốt hơn các thế mạnh về tự nhiên và các điều kiện kinh tế – xã hội. Bằng cách này, vừa có thể phát triển sản xuất với hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, vừa bảo vệ và khai thác hợp lí tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất và tài nguyên rừng. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc mở rộng các vùng chuyên canh cây công nghiệp phải cân đối với việc bảo vệ và phát triển rừng, nhất là ở Tây Nguyên.

Câu hỏi và bài tập

1. Tại sao việc sử dụng hợp lí đất đai là vấn đề rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, cũng như của từng vùng ?

2. Dựa vào bảng số liệu sau, hãy :

a) Vẽ hai biểu đồ tròn (chọn từng cặp vùng) để thể hiện cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp theo 5 loại chính ở từng vùng.

b) So sánh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp ở cặp vùng đã chọn, dựa vào bảng số liệu và biểu đồ đã vẽ.

Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của một số vùng, năm 2005 (%)

Loại đất Đồng bằng sông Hồng Tây Nguyên Đông Nam Bộ Đồng bằng sông Cửu Long
Đất nông nghiệp 100,0 100,0 100,0 100,0
1. Đất sản xuất nông nghiệp 79,37 34,11 64,24 74,89
   a) Đất trồng cây hàng năm 71,94 15,97 21,34 59,37
   b) Đất trồng cây lâu năm 7,43 18,14 42,90 15,52
2. Đất lâm nghiệp 12,81 65,77 34,18 10,31
3. Đất nuôi trồng thủy sản 7,58 0,11 1,35 14,56
4. Đất làm muối 0,14 0,00 0,14 0,12
5. Đất nông nghiệp khác 0,10 0,01 0,09 0,12

3. Hãy nêu các nét đặc trưng trong sử dụng đất nông nghiệp ở đồng bằng, trung du và miền núi.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 28: Vốn Đất Và Sử Dụng Vốn Đất | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.