Bài 55: Vấn Đề Sử Dụng Hợp Lí Và Cải Tạo Tự Nhiên Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 55


1. Các bộ phận hợp thành Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) với diện tích hơn 40 nghìn km, chiếm 12% diện tích toàn quốc và số dân là hơn 17,4 triệu người (năm 2006), chiếm 20,7% dân số cả nước.

Hãy kể tên 13 tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta ; bao gồm phần đất nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của sông Tiền, sông Hậu (thượng và hạ châu thổ) và phần đất nằm ngoài phạm vi tác động đó.

Phần thượng châu thổ là khu vực tương đối cao (2 – 4m so với mực nước biển), nhưng vẫn bị ngập nước vào mùa mưa. Phần lớn bề mặt ở đây có nhiều vùng trũng rộng lớn. Vào mùa mưa, các vùng trũng này ngập sâu dưới nước, còn về mùa khô chỉ là những vũng nước tù đứt đoạn.

Phần hạ châu thổ thấp hơn, thường xuyên chịu tác động của thuỷ triều và sóng biển. Mực nước ở các cửa sông lên xuống rất nhanh và những lưỡi mặn ngấm dần vào trong đất. Trên bề mặt với độ cao 1 – 2 m, ngoài các giống đất ở hai bên bờ sông và các cồn cát duyên hải, còn có các vùng trùng ngập nước vào mùa mưa và các bãi bồi bên sông.

Phần đất còn lại tuy nằm ngoài phạm vi tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu nhưng vẫn được cấu tạo bởi phù sa sông (như đồng bằng Cà Mau).

2. Các thế mạnh và hạn chế chủ yếu

a) Thế mạnh

Đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù là đất phù sa, nhưng tính chất của nó tương đối phức tạp.

Dựa vào hình 55.1, hãy nêu các nhóm đất chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và sự phân bố của chúng.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long có 3 nhóm đất chính:

– Nhóm đất phù sa ngọt có diện tích 1,2 triệu ha (chiếm hơn 30% diện tích tự nhiên của đồng bằng), phân bố thành một dải dọc sông Tiền, sông Hậu. Đây là loại đất tốt nhất, độ phì tương đối cao, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

– Nhóm đất phèn có diện tích lớn nhất với hơn 1,6 triệu ha (chiếm 41% diện tích tự nhiên của đồng bằng), bao gồm đất phèn nhiều (0,55 triệu ha), đất phèn ít và trung bình (1,05 triệu ha). Nhóm này phân bố tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau.

– Nhóm đất mặn với gần 75 vạn ha (chiếm 19% diện tích tự nhiên của đồng bằng) phân bố thành vành đai ven Biển Đông và vịnh Thái Lan.

Ngoài ra ở Đồng bằng sông Cửu Long còn một vài loại đất khác, nhưng diện tích không đáng kể.

hinh-anh-bai-55-van-de-su-dung-hop-li-va-cai-tao-tu-nhien-o-dong-bang-song-cuu-long-2954-0

Hình 55.1. Các loại đất chính ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trên nền nhiệt đới ẩm, khí hậu của đồng bằng thể hiện rõ rệt tính chất cận xích đạo, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng số giờ nắng trung bình năm là 2200 – 2700 giờ. Chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm 25 – 27°C. Lượng mưa hằng năm lớn (1300 – 2000mm), tập trung vào các tháng mùa mưa (từ tháng V đến tháng XI).

Tên gọi của đồng bằng đã phần nào phản ánh vai trò của hệ thống sông Cửu Long. Thực chất, đây là phần hạ lưu của sông Mê Công, khi vào nước ta được chia thành hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang để từ đó đổ ra biển bằng 9 cửa sông. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cắt xẻ châu thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, sản xuất và sinh hoạt.

Sinh vật cũng là nguồn tài nguyên có giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thảm thực vật chủ yếu là rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu...) và rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp,...). Về động vật, có giá trị hơn cả là cá và chim.

Tài nguyên biển ở đây hết sức phong phú với nhiều bãi cá, bãi tôm và hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

Các loại khoáng sản chủ yếu là đá vôi (Hà Tiên, Kiên Lương) và than bùn (U Minh, Tứ giác Long Xuyên...). Ngoài ra, còn có dầu khí ở thềm lục địa, bước đầu đã được khai thác.

b) Hạn chế

Đồng bằng sông Cửu Long có mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau. Vì thế, nước mặn xâm nhập vào đất liền, làm tăng độ chua và chua mặn trong đất. Ngoài ra, còn có những thiên tai khác đôi khi xảy ra.

Phần lớn diện tích của đồng bằng là đất phèn, đất mặn ; cùng với sự thiếu nước trong mùa khô đã làm cho việc sử dụng và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một vài loại đất lại thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng hoặc quá chặt, khó thoát nước.

Tài nguyên khoáng sản hạn chế, gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế – xã hội của đồng bằng.

Hạn chế lớn nhất về mặt tự nhiên đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long là gì ? Tại sao ?

3. Sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long

– So với Đồng bằng sông Hồng, thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ưu thế hơn và đang được khai thác mạnh mẽ trong những năm gần đây.

hinh-anh-bai-55-van-de-su-dung-hop-li-va-cai-tao-tu-nhien-o-dong-bang-song-cuu-long-2954-1

Hình 55.2. Cơ cấu sử dụng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2005 (%)

Dựa vào các hình 55.2 và 46.1, so sánh cơ cấu sử dụng đất giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Đồng bằng sông Hồng.

Tuy vậy, ở Đồng bằng sông Cửu Long việc sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên lại trở thành vấn đề cấp bách nhằm biến nơi đây thành một khu vực kinh tế quan trọng của đất nước trên cơ sở phát triển bền vững.

Nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại sao ở đồng bằng này, vào mùa khô nước ngọt lại là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc sử dụng hợp lí đất đai ?

Để đối phó với sự khô hạn làm bốc phèn và bốc mặn trong đất, nguồn nước ngọt của các dòng sông và nước dưới đất có giá trị đặc biệt. Vào mùa khô rất thiếu nước ngọt. Nhân dân địa phương đã có nhiều kinh nghiệm thau chua, rửa mặn. Cách làm phổ biến là chia ruộng thành các ô nhỏ để có đủ nước thau chua, rửa mặn ; đồng thời kết hợp với việc tạo ra các giống lúa chịu phèn, chịu mặn trong điều kiện tưới nước bình thường.

Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên là những vùng đất phèn đang dần dần được sử dụng. Ở Tứ giác Long Xuyên, biện pháp hàng đầu để cải tạo đất là dùng nước ngọt từ sông Hậu đổ về rửa phèn thông qua kênh Vĩnh Tế,...

– Đối với khu vực có rừng, cần phải duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên này. Trong những năm gần đây, diện tích rừng bị giảm sút do nhu cầu tăng diện tích đất nông nghiệp thông qua các chương trình di dân khai khẩn đất hoang hoá, phát triển nuôi tôm và cả do cháy rừng. Rừng là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng sinh thái. Vì thế, rừng cần được bảo vệ và phát triển trong mọi dự án khai thác.

Khu vực rừng ngập mặn phía nam và tây nam đồng bằng có thể được sử dụng trong chừng mực nhất định vào việc nuôi tôm, trồng được, sú, vẹt, kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo dần diện tích đất mặn, đất phèn thành các vùng đất phù sa mới để trồng cói, lúa, cây ăn quả.

– Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người. Điều đó đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và phát triển công nghiệp chế biến.

Ở vùng biển, hướng chính trong việc khai thác kinh tế là kết hợp mặt biển với đảo, quần đảo và đất liền để tạo nên một thể kinh tế liên hoàn.

Trong đời sống, cần chủ động sống chung với lũ bằng các biện pháp khác nhau với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời khai thác các nguồn lợi về kinh tế do lũ hằng năm đem lại.

Câu hỏi và bài tập

1. Tại sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long ?

2. Phân tích các thế mạnh và hạn chế về mặt tự nhiên và ảnh hưởng của nó đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào ? Tại sao ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 55: Vấn Đề Sử Dụng Hợp Lí Và Cải Tạo Tự Nhiên Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.