Bài 41: Vấn Đề Phát Triển Thông Tin Liên Lạc | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 41


Thông tin liên lạc gồm 2 hoạt động chính là bưu chính và viễn thông, với vai trò đảm nhiệm vận chuyển tin tức một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần thực hiện giao lưu giữa các địa phương trong nước cũng như với quốc tế. Vì vậy, thông tin liên lạc có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phục vụ đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

1. Bưu chính

Hoạt động bưu chính góp phần "rút ngắn" khoảng cách giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa nước ta với quốc tế ; đồng thời giúp cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, các vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với thông tin, chính sách của Nhà nước.

Đặc điểm nổi bật của ngành bưu chính là có tính phục vụ cao, mạng lưới rộng khắp. Toàn bộ mạng lưới Bưu chính Việt Nam hiện có hơn 300 bưu cục với bán kính phục vụ là 5,85 km/bưu cục, khoảng 18 nghìn điểm phục vụ với mật độ bình quân 2,3 km/điểm và hơn 8 nghìn điểm bưu điện – văn hoá xã.

Hãy kể tên một số loại hình dịch vụ của ngành bưu chính nước ta.

Tuy vậy, hoạt động bưu chính vẫn còn những hạn chế : mạng lưới phân bố chưa hợp lí, công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, quy trình nghiệp vụ ở hầu hết các địa phương vẫn mang tỉnh thủ công, chưa tương xứng với chuẩn quốc tế, thiếu lao động có trình độ cao...

Trong giai đoạn tới, ngành bưu chính sẽ phát triển theo hướng cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực ; bên cạnh các hoạt động công ích sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh để đưa Bưu chính trở thành ngành kinh doanh có hiệu quả.

2. Viễn thông

Ngành viễn thông ở nước ta có đặc điểm nổi bật là tốc độ phát triển nhanh vượt bậc và đón đầu được các thành tựu kĩ thuật hiện đại.

a) Sự phát triển

Trước thời kì Đổi mới, mạng lưới và thiết bị viễn thông cũ kĩ lạc hậu ; các dịch vụ viễn thông nghèo nàn, chỉ dừng ở mức phục vụ cho các cơ quan, các doanh nghiệp Nhà nước và một số cơ sở sản xuất.

Những năm gần đây, Viễn thông Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, đạt mức trung bình 30%/năm. Với 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (VNPT, Viettel, Saigon Postel, EVN Telecom và Hanoi Telecom), đến năm 2005 Việt Nam đã có trên 15,8 triệu thuê bao điện thoại, đạt 19 thuê bao /100 dân. Điện thoại đã đến được hầu hết các xã trong toàn quốc.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật, công nghệ mới, hiện đại đang được chú trọng đầu tư. Mạng viễn thông với kĩ thuật analog lạc hậu được thay bằng mạng kĩ thuật số, tự động hoá cao và đa dịch vụ. Các tuyến truyền dẫn liên tỉnh viba và cáp quang đã đạt tiêu chuẩn vào loại cao nhất hiện nay. Việt Nam có trên 5000 kênh đi quốc tế qua các hệ thống thông tin vệ tinh và cáp biển hiện đại.

b) Mạng lưới viễn thông

Mạng lưới viễn thông ở nước ta tương đối đa dạng và không ngừng phát triển.

– Mạng điện thoại : bao gồm mạng nội hạt và mạng đường dài, mạng cố định và mạng di động.

   + Mạng điện thoại nội hạt là tổng thể các đài trạm điện thoại, hệ thống truyền dẫn và các máy điện thoại thuê bao trên phạm vi một đơn vị lãnh thổ hành chính. Mạng này đã được tổ chức ở các thành phố, tỉnh lị, thị xã và các huyện trong toàn quốc.

   + Mạng điện thoại đường dài là tổng thể các trạm điện thoại đường dài, các nút chuyển mạch tự động kết nối và trung chuyển các cuộc gọi liên tỉnh xuất phát từ các trung tâm chuyển mạch nội hạt thông qua các đường truyền dẫn tiêu chuẩn.

Trên toàn quốc đã hình thành bốn trung tâm thông tin đường dài cấp vùng (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) và các trung tâm cấp tỉnh, cấp huyện, thị.

Mạng di động hiện nay chủ yếu sử dụng các công nghệ GSM, CDMA cho di động toàn quốc và PHS cho di động nội vùng. Ngoài thông tin thoại, mạng di động còn cung cấp các dịch vụ phi thoại như nhắn tin và Internet.

Về điện thoại quốc tế, hiện có 3 cửa chính (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) với nhiều kênh liên lạc trực tiếp đến các nước trên thế giới và trong khu vực thông qua các đường truyền dẫn vệ tinh, cáp quang.

Nhìn chung, mạng điện thoại và số máy điện thoại tăng với tốc độ rất nhanh : trong vòng 15 năm, từ năm 1990 đến năm 2005, số thuê bao điện thoại đã tăng 112 lần ; về kĩ thuật, công nghệ đã được số hoá hoàn toàn. Tuy vậy, vẫn có sự phân bố rất không đều giữa các vùng và các địa phương trong từng vùng.

Bảng 41. Số thuê bao điện thoại theo các vùng, năm 2005

Tên vùng Số thuê bao Số thuê bao / 100 dân
Đồng bằng sông Hồng 2 613 927 14,5
Trung du và miền núi Bắc Bộ 1 117 701 9,4
Bắc Trung Bộ 727 292 6,9
Duyên hải Nam Trung Bộ 847 036 12,0
Tây Nguyên 328 184 6,9
Đông Nam Bộ 3 110 867 23,1
Đồng bằng sông Cửu Long 1 576 963 9,1
Không phân được theo địa phương 5 523 030  

– Mạng phi thoại : đang được mở rộng và phát triển với nhiều loại hình dịch vụ mới, kĩ thuật tiên tiến.

Mạng Faxcimin (Fax) mới được phát triển từ năm 1988 với hai hình thức : Fax công cộng và Fax thuê bao.

– Mạng truyền trang báo trên kênh thông tin đang được sử dụng để cùng lúc có thể in báo ở nhiều nơi, nhằm giảm cước phí vận chuyển, phát hành và đưa nhanh tới độc giả, kể cả các vùng sâu, vùng xa.

– Mạng truyền dẫn : được sử dụng với rất nhiều phương thức khác nhau.

   + Mạng dây trần là phương thức truyền dẫn cổ điển, trước đây sử dụng chủ yếu trong mạng liên tỉnh và nội tỉnh. Sau năm 1990 đã thay thế bằng các phương thức truyền dẫn tiên tiến hơn.

  + Mạng truyền dẫn viba được phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX. Năm 1995 tất cả các tỉnh, thành phố đã có viba liên tỉnh xuất phát từ ba nút trung tâm là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, với đường trục băng rộng Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.

   + Mạng truyền dẫn cáp sợi quang đã được xây dựng, ban đầu chủ yếu nối liền Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh khác. Toàn bộ các tỉnh và hầu hết các huyện, nhiều khu vực và xã trong toàn quốc đã có đường truyền dẫn cáp quang.

   + Mạng viễn thông quốc tế ngày càng phát triển mạnh, hội nhập với thế giới qua thông tin vệ tinh và cáp biển. Xa lộ thông tin cao cấp Việt Nam với độ dài toàn tuyến là 3600 km, phục vụ đắc lực cho thông tin điện thoại giữa các tỉnh, thành phố ; cho việc truyền in báo, truyền số liệu, truyền thoại, truyền hình và thiết lập nhiều cầu truyền hình. Ngoài ra, nước ta còn hoà mạng thông tin Internet thế giới. Năm 2005, Việt Nam có hơn 7,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 9,0% dân số, thuộc hạng cao ở châu Á.

Hãy nêu vai trò của Internet trong sản xuất và đời sống.

Câu hỏi và bài tập

1. Nêu vai trò và sự phát triển của ngành bưu chính ở nước ta.

2. Tại sao có thể nói ngành viễn thông ở nước ta có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc, đã tiếp cận trình độ kĩ thuật tiên tiến của khu vực và thế giới ?

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 41: Vấn Đề Phát Triển Thông Tin Liên Lạc | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.