Bài 43: Vấn Đề Phát Triển Thương Mại | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 43


1. Nội thương

a) Tình hình phát triển

Việc buôn bán, trao đổi hàng hoá ở nước ta đã diễn ra từ lâu với sự ra đời và phát triển của một số đô thị như Thăng Long (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Thừa Thiên), Hội An (Quảng Nam), Gia Định (Sài Gòn)...

Dưới thời Pháp thuộc, bên cạnh các chợ quê đã hình thành hệ thống chợ với quy mô tương đối lớn và tồn tại cho đến nay như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Rồng (Nam Định), chợ Vinh (Nghệ An), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (Sài Gòn)...

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ thập kỉ 90 của thế kỉ XX đến nay, nhờ tác động của các chính sách vĩ mô, nhất là thay đổi cơ chế quản lí, hoạt động nội thương đã trở nên nhộn nhịp. Trong cả nước đã hình thành thị trường thống nhất. Hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Sự phát triển của nội thương thể hiện rõ rệt qua tổng mức bán lẻ hàng hoả và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của xã hội ; năm 1995 cả nước đạt gần 121,2 nghìn tỉ đồng tính theo giá thực tế và năm 2005 tăng lên 480,3 nghìn tỉ đồng.

hinh-anh-bai-43-van-de-phat-trien-thuong-mai-2942-0

b) Cơ cấu theo thành phần kinh tế

hinh-anh-bai-43-van-de-phat-trien-thuong-mai-2942-1

Hình 43.1. Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ phân theo thành phần kinh tế (%)

Dựa vào hình 43.1, hãy nhận xét và giải thích cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ phân theo thành phần kinh tế của nước ta.

c) Phân bố

Hoạt động nội thương diễn ra không đồng đều theo các vùng lãnh thổ. Nhìn chung, các vùng có nền kinh tế phát triển đồng thời cũng là các vùng buôn bán tấp nập. Về tổng mức bán lẻ hàng hoá, dẫn đầu là Đông Nam Bộ, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là vùng Tây Bắc.

Các trung tâm buôn bán lớn nhất của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh (gần 108 nghìn tỉ đồng) và Hà Nội (gần 45 nghìn tỉ đồng) năm 2005.

2. Ngoại thương

a) Tình hình

Trong những năm gần đây, hoạt động xuất, nhập khẩu đã có những chuyển biến rõ rệt. Sau nhiều năm nhập siêu, vào năm 1992 lần đầu tiên cán cân xuất, nhập khẩu của nước ta tiến tới sự cân đối. Từ năm 1993 đến nay, nước ta lại tiếp tục nhập siêu, nhưng về bản chất khác xa với nhập siêu thời kì trước Đổi mới.

Thị trường buôn bán ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá. Ngoài các thị trường truyền thống (Nga và Đông Âu), nước ta đã tiếp cận được nhiều thị trường mới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ buôn bản với phần lớn các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong hoạt động xuất, nhập khẩu có những đổi mới về cơ chế quản lí. Đó là việc mở rộng quyền tự chủ cho các ngành, các doanh nghiệp và các địa phương, xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang hạch toán kinh doanh, tăng cường sự quản lí thống nhất của Nhà nước bằng luật pháp và chính sách. Chính vì thế, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2005 đã tăng hơn 13 lần so với năm 1990.

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là thời cơ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình hội nhập của nước ta vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

hinh-anh-bai-43-van-de-phat-trien-thuong-mai-2942-2

Hình 43.2. Cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu của nước ta giai đoạn 1990 – 2005 (%)

Từ biểu đồ ở hình 43.2, hãy nhận xét về sự thay đổi cơ cấu xuất, nhập khẩu của nước ta trong giai đoạn 1990 – 2005.

b) Xuất khẩu

Nhờ việc mở rộng và đa dạng hoá thị trường, kim ngạch xuất khẩu của nước ta liên tục tăng lên.

hinh-anh-bai-43-van-de-phat-trien-thuong-mai-2942-3

Hình 43.3. Giá trị xuất, nhập khẩu của nước ta, giai đoạn 1990 2005

Dựa vào hình 43.3, hãy nhận xét và giải thích tình hình xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn 1990 – 2005.

Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú, bao gồm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, hàng nông, lâm, thuỷ sản. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu cũng còn nhiều hạn chế. Trong số các mặt hàng chế biến, tỉ trọng hàng gia công còn lớn (90 – 95% hàng dệt – may) hoặc phải nhập nguyên liệu (60% đối với giày, dép). Giá thành sản phẩm còn cao và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Hoa Kì. Sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kì được phê chuẩn (năm 2001), kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kì tăng mạnh và đến năm 2005 đã đạt gần 6 tỉ USD. Đây được coi là một trong các nguyên nhân chính làm tăng trưởng xuất khẩu. Hai thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc.

c) Nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu của nước ta tăng lên khá mạnh. Mức tăng nhập khẩu phản ánh sự phục hồi và phát triển của sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Căn cứ vào hình 43.3, hãy nhận xét tình hình nhập khẩu của nước ta.

Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm chủ yếu là tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu), và một phần nhỏ là hàng tiêu dùng.

Bảng 43. Cơ cấu hàng nhập khẩu

(Đơn vị : %)

Mặt hàng Năm 1995 2000 2005
Nhóm tư liệu sản xuất 84,8 93,8 91,9
Máy móc, thiết bị 25,7 30,6 25,3
– Nguyên, nhiên, vật liệu 59,1 63,2 66,6
Nhóm hàng tiêu dùng 15,2 6,2 8,1

Dựa vào bảng số liệu đã cho, hãy nhận xét và giải thích cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta.

Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu.

Câu hỏi và bài tập

1. Cho bảng số liệu dưới đây :

Cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hoá phân theo nhóm hàng của nước ta

(Đơn vị : %)

Nhóm hàng Năm 1995  1999  2000 2001  2005
Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản 25,3 31,3 37,2 34,9 36,1
Hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp 28,5 36,8 33,8 35,7 41,0
Hàng nông, lâm, thuỷ sản 46,2  31,9  29,0  29,4  22,9

Hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hoá phân theo nhóm hàng và nêu nhận xét.

2. Tại sao trong nền kinh tế thị trường, thương mại lại có vai trò đặc biệt quan trọng ?

3. Chứng minh rằng hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta đang có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 43: Vấn Đề Phát Triển Thương Mại | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.