Bài 18: Sử Dụng, Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên Và Môi Trường (tiếp theo) | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 18


c) Sử dụng và bảo vệ các tài nguyên khác

– Tài nguyên nước :

   + Tình hình sử dụng

Mặc dù, nước ta có tài nguyên nước phong phủ nhưng việc sử dụng còn nhiều bất hợp lí.

  • Chưa khai thác hết tiềm năng và hiệu quả sử dụng thấp.
  • Nhiều nơi khai thác nguồn nước ngầm quá mức làm giảm lượng nước cung cấp, hạ thấp mực nước và lún đất đai.
  • Làm ô nhiễm nước, nhất là ở các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng cửa sông, ven biển.
  • Lượng nước cung cấp cho đầu người chưa đủ, chưa đảm bảo vệ sinh, nhất là ở những vùng khô hạn, vùng thiếu nước ngọt.

   + Các biện pháp bảo vệ

  • Ngoài các biện pháp công trình như xây đập làm hồ chứa, xây cống thoát lũ, cấp nước, cần trồng cây tăng độ che phủ, canh tác đúng ki thuật trên đất dốc để giữ nước vào mùa mưa, tăng lượng nước thấm vào mùa khô.
  • Quy hoạch và có kế hoạch phân bổ sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả.
  • Xử lí hành chính đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ, dân cư không thực hiện đúng quy định về nước thải, nhằm ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm nước.
  • Tuyên truyền, giáo dục người dân không xả nước bẩn, rác thải vào sông hồ.

– Tài nguyên khoáng sản :

   + Tình hình sử dụng

Nước ta có 3500 mỏ khoáng sản, nhưng phần nhiều là mỏ nhỏ, phân tán nên khó khăn trong quản lí khai thác. Hiện nay, nhiều nơi khai thác khoáng sản bừa bãi, không phép, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

   + Các biện pháp bảo vệ

  • Quản lí chặt chẽ việc khai thác. Tránh lãng phí tài nguyên và làm ô nhiễm môi trường từ khâu khai thác, vận chuyển tới chế biến khoáng sản.
  • Xử lí những trường hợp vi phạm luật như khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường.

– Tài nguyên du lịch :

   + Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều điểm du lịch khiến cảnh quan du lịch bị suy thoái.

   + Cần bảo tồn, tôn tạo giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường du lịch khỏi bị ô nhiễm, phát triển du lịch sinh thái.

– Các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như tài nguyên khí hậu (nắng, gió, không khí...), tài nguyên biển,... cũng cần được khai thác, sử dụng hợp lí và bảo vệ để phát triển bền vững.

Cho biết giá trị sử dụng và yêu cầu bảo vệ đối với các loại tài nguyên này.

2. Bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường gắn với sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định xã hội là 3 nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.

Có 2 vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm trong bảo vệ môi trường ở nước ta là tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường và ô nhiễm môi trường.

– Tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường :

Biểu hiện của tình trạng này là sự mất cân bằng của các chu trình tuần hoàn vật chất (tuần hoàn sinh vật, tuần hoàn nước, tuần hoàn khí quyển) gây nên sự gia tăng bão, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu...

− Tình trạng ô nhiễm môi trường :

   + Ở nước ta hiện nay, hầu hết nước thải công nghiệp và sinh hoạt đổ thẳng ra sông hồ, chưa qua xử lí. Các khu công nghiệp ở Biên Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh có lượng nước thải hằng ngày là 750 nghìn m3 ; còn ở Hà Nội, mỗi ngày cũng có gần 500 nghìn m3 nước thải đổ vào sông, hồ.

   + Ô nhiễm không khí : Tình trạng ô nhiễm không khí ở một số khu công nghiệp, điểm dân cư đã trở nên nghiêm trọng, nồng độ các chất khí CO2, SO2, NO2... vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Nêu các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

   + Ô nhiễm đất : Nước thải, rác thải sau phân huỷ đều ngấm xuống đất làm ô nhiễm môi trường đất.

Với hoạt động nông nghiệp, lượng thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ và hoá chất dư thừa cũng là nguồn gây ô nhiễm nhiều vùng đất ở nông thôn.

Trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam, còn hàng loạt vấn đề khác, mà nay đã trở nên cấp thiết như vấn đề quản lí chặt chẽ việc xây dựng các đô thị, các khu công nghiệp, vấn đề sử dụng hợp lí các vùng của sông, ven biển để tránh làm nghèo các hệ sinh thái và làm hỏng vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên có ý nghĩa du lịch tại các vùng này.

3. Chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường

Chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường ở Việt Nam dựa trên những nguyên tắc chung của Chiến lược bảo vệ toàn cầu (WSC) do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đề xuất. Chiến lược nhằm đảm bảo cho sự bảo vệ đi đôi với phát triển bền vững.

Các nhiệm vụ mà chiến lược đề ra là :

– Duy trì các hệ sinh thái, các quá trình sinh thái chủ yếu có ý nghĩa quyết định đến đời sống con người.

– Đảm bảo sự giàu có của đất nước về vốn gen các loài nuôi trồng cũng như các loài hoang dại, có liên quan đến lợi ích lâu dài của nhân dân Việt Nam và của cả nhân loại.

– Đảm bảo việc sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều khiển việc sử dụng trong giới hạn có thể hồi phục được.

– Đảm bảo chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về đời sống con người.

– Phấn đấu đạt tới trạng thái ổn định dân số ở mức cân bằng với khả năng sử dụng hợp lí các tài nguyên thiên nhiên.

Để thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược quốc gia trên, ngày 10 tháng 1 năm 1994, Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ môi trường.

Luật bảo vệ môi trường nêu mục tiêu phòng chống, khắc phục sự suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để đảm bảo một môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển lâu bền của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường của khu vực và của toàn cầu.

Vì thế, để mỗi người dân hiểu và thi hành luật, trong luật đã giải thích nội dung, nhiệm vụ của việc bảo vệ môi trường và quy định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân.

Luật cũng đã quy định rõ sự thống nhất quản lí của Nhà nước về bảo vệ môi trường, trách nhiệm thi hành pháp luật bảo vệ môi trường của mỗi tổ chức, cá nhân, quy định khen thưởng và xử lí vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thi hành luật.

Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hưởng đến năm 2020 (mới được Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2006) bổ sung nhiệm vụ bảo vệ môi trường bao gồm : ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiểm soát và cải thiện môi trường.

Câu hỏi và bài tập

1. Hãy nêu tình hình sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch ở nước ta.

2. Nêu nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường, mục tiêu của Luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

3. Vấn đề chủ yếu về bảo vệ môi trường ở nước ta là gì ? Vì sao ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 18: Sử Dụng, Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên Và Môi Trường (tiếp theo) | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.