Bài 53: Vấn Đề Khai Thác Lãnh Thổ Theo Chiều Sâu Ở Đông Nam Bộ | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 53


1. Khái quát chung

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đông Nam Bộ có diện tích vào loại nhỏ so với các vùng khác (23,6 nghìn km2), dân số vào loại trung bình (12 triệu người, năm 2006), nhưng lại dẫn đầu cả nước về GDP, giá trị sản lượng công nghiệp và giá trị hàng xuất khẩu.

Bảng 53. Một số chỉ số của Đông Nam Bộ so với cả nước, năm 2005

Các chỉ số So với cả nước (%)
Diện tích 7,1
Số dân 14,3
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 42,0
Giá trị sản xuất công nghiệp 55,6
Số dự án FDI được cấp phép (1988 – 2006)
61,2
Tổng số vốn đăng kí FDI (1988 – 2006) 53,7
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người
Gấp 2,3 lần trung bình cả nước

Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế hàng hoá sớm phát triển, cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển hơn so với các vùng khác trong cả nước. Với những ưu thế về vị trí địa lí, về nguồn lao động lành nghề, cơ sở vật chất kĩ thuật, lại có những chính sách phát triển phù hợp, thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, Đông Nam Bộ đang sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là vấn đề tiêu biểu trong sự phát triển của vùng. Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu được hiểu là việc nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư vốn, khoa học công nghệ, nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực tự nhiên và kinh tế – xã hội, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Các thế mạnh và hạn chế của vùng

a) Vị trí địa lí

Đông Nam Bộ có vị trí địa lí rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, nhất là trong điều kiện có mạng lưới giao thông vận tải phát triển.

Hãy xác định trên bản đồ Hành chính Việt Nam vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ. Nêu bật những thuận lợi về vị trí địa lí trong phát triển nền kinh tế mở của vùng.

b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Các vùng đất badan khá màu mỡ chiếm tới 40% diện tích đất của vùng, nối tiếp với miền đất badan của Nam Tây Nguyên. Đất xám bạc màu trên phù sa cổ chiếm tỉ lệ nhỏ hơn chút ít, phân bố thành vùng lớn ở các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Đất phù sa cổ tuy nghèo dinh dưỡng hơn đất badan, nhưng thoát nước tốt. Nhờ có khí hậu cận xích đạo và điều kiện thuỷ lợi được cải thiện, Đông Nam Bộ có tiềm năng to lớn về phát triển các cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây ăn quả và cả cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, mía, thuốc lá...) trên quy mô lớn.

Đông Nam Bộ gần các ngư trường lớn là ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau – Kiên Giang. Hơn nữa, ở đây có điều kiện lí tưởng để xây dựng các cảng cá. Ven biển có rừng ngập mặn, thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.

Tài nguyên rừng của vùng không thật lớn, nhưng đó là nguồn cung cấp gỗ dân dụng và gỗ củi cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nguyên liệu giấy cho Liên hiệp giấy Đồng Nai. Ở đây có Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) nổi tiếng còn bảo tồn được nhiều loài thực vật, thủ quý và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tài nguyên khoáng sản của vùng nổi bật là dầu khí trên vùng thềm lục địa. Ngoài ra phải kể đến sét cho công nghiệp vật liệu xây dựng và cao lanh cho công nghiệp gốm, sứ.

Hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thuỷ điện lớn.

Khó khăn lớn của vùng là do mùa khô kéo dài, tới 4 – 5 tháng (từ cuối tháng XI đến hết tháng IV), nên thường xảy ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng, cho sinh hoạt của dân cư và cho công nghiệp (đặc biệt là mực nước trong các hồ thuỷ điện hạ xuống rất thấp).

c) Điều kiện kinh tế – xã hội

Đông Nam Bộ là địa bàn thu hút mạnh lực lượng lao động có chuyên môn cao, từ công nhân lành nghề tới các kĩ sư, bác sĩ, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh. Sự phát triển kinh tế năng động của vùng càng tạo điều kiện cho vùng có được nguồn tài nguyên chất xám lớn. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước về dân số, đồng thời cũng là trung tâm văn hoá, khoa học, công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ lớn nhất cả nước.

Đông Nam Bộ là địa bàn có sự tích tụ lớn về vốn và kĩ thuật, lại tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Vùng có cơ sở hạ tầng phát triển tốt, đặc biệt về giao thông vận tải và thông tin liên lạc.

Những nhân tố nào giúp Đông Nam Bộ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong phân công lao động giữa các vùng trong nước ?

3. Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu

a) Trong công nghiệp

Hiện nay trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất, với vị trí nổi bật của các ngành công nghệ cao như : luyện kim, điện tử, chế tạo máy, tin học, hoá chất, hoá dược, thực phẩm... Việc phát triển công nghiệp của vùng đặt ra nhu cầu rất lớn về năng lượng. Cơ sở năng lượng của vùng đã từng bước được giải quyết nhờ phát triển nguồn điện và mạng lưới điện.

Một số nhà máy thuỷ điện được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai như nhà máy thuỷ điện Trị An trên sông Đồng Nai (400 MW), thuỷ điện Thác Mơ (150 MW) và nhà máy thuỷ điện Cần Đơn trên sông Bé. Dự án thuỷ điện Thác Mơ mở rộng (75 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Từ khi đưa được khí đồng hành và khí tự nhiên vào đất liền, các nhà máy điện tuốc bin khí được xây dựng và mở rộng, gồm Trung tâm điện lục Phú Mỹ (các nhà máy Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 4), Bà Rịa..., trong đó lớn nhất là Trung tâm điện lực Phú Mỹ, với tổng cộng suất thiết kế hơn 4000 MW.

Một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu phục vụ cho các khu chế xuất được đầu tư xây dựng.

Đường dây siêu cao áp 500 kV Hoà Bình – Phú Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa vào vận hành từ giữa năm 1994 đã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho vùng. Các trạm biến áp 500 kV và một số mạch 500 kV được tiếp tục xây dựng như tuyến Phú Mỹ – Nhà Bè, Nhà Bè – Phú Lâm. Hàng loạt công trình 220 kV, các công trình trung thế và hạ thế được xây dựng theo quy hoạch.

Sự phát triển công nghiệp của vùng không tách rời xu thế mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài. Do vậy, những vấn đề về môi trường phải luôn luôn được quan tâm. Sự phát triển của công nghiệp cũng cần tránh làm tổn hại đến ngành du lịch mà vùng có nhiều tiềm năng.

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có vai trò như thế nào đối với sự phát triển công nghiệp theo chiều sâu ?

b) Trong khu vực dịch vụ

Các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các hoạt động dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng. Đó là các hoạt động dịch vụ thương mại, ngân hàng, tín dụng, thông tin, hàng hải, du lịch... Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về sự tăng trưởng nhanh và phát triển có hiệu quả các ngành dịch vụ.

c) Trong nông, lâm nghiệp

Vấn đề thuỷ lợi có ý nghĩa hàng đầu. Nhiều công trình thuỷ lợi đã được xây dựng. Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn (tỉnh Tây Ninh) là công trình thuỷ lợi lớn nhất của nước ta hiện nay. Hồ Dầu Tiếng rộng 270 km, chứa 1,5 tỉ mỉ, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 170 nghìn ha đất thường xuyên bị thiếu nước về mùa khô của tỉnh Tây Ninh và của huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Dự án thuỷ lợi Phước Hoà (Bình Dương – Bình Phước) được thực hiện sẽ giúp chia một phần nước của sông Bé cho sông Sài Gòn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Việc giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà, sẽ làm tăng diện tích đất trồng trọt, tăng hệ số sử dụng đất trồng hằng năm và khả năng bảo đảm lương thực, thực phẩm của vùng cũng khá hơn.

Việc thay đổi cơ cấu cây trồng đang nâng cao hơn vị trí của vùng như là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước. Những vườn cây cao su già cỗi, năng suất mủ thấp, được thay thế bằng các giống cao su cho năng suất cao và ứng dụng công nghệ trồng mới, nhờ thế mà sản lượng cao su của vùng không ngừng tăng lên. Đông Nam Bộ cũng đang trở thành vùng sản xuất chủ yếu cà phê, hồ tiêu, điều. Cây mía và đậu tương vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong các cây công nghiệp ngắn ngày.

Cần bảo vệ vốn rừng trên vùng thượng lưu của các sông để tránh mất nước ở các hồ chứa, giữ được mực nước ngầm. Cần cứu các vùng rừng ngập mặn đang bị triệt phá do lấy than củi và do nuôi thuỷ sản không có quy hoạch tốt. Các vườn quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

d) Trong phát triển tổng hợp kinh tế biển

Vùng biển và bờ biển Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển : khai thác tài nguyên sinh vật biển, khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Việc phát hiện dầu khí ở vùng thềm lục địa nam Biển Đông của nước ta và việc khai thác dầu khí (từ năm 1986) với quy mô ngày càng lớn, có sự hợp tác đầu tư của nhiều nước, đã tác động mạnh đến sự phát triển của vùng, nhất là ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vũng Tàu là nơi nghỉ mát lí tưởng cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nay còn là cơ sở dịch vụ lớn về khai thác dầu khí.

hinh-anh-bai-53-van-de-khai-thac-lanh-tho-theo-chieu-sau-o-dong-nam-bo-2952-0

Hình 53. Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ.

Việc phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu và các ngành dịch vụ khai thác dầu khí thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và sự phân hoá lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến dầu mỏ.

Câu hỏi và bài tập

1. Hãy nêu các thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ trong việc phát triển tổng hợp nền kinh tế.

2. Hãy trình bày một số phương hướng chính để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp của vùng.

3. Chứng minh rằng việc xây dựng các công trình thuỷ lợi có ý nghĩa hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của vùng.

4. Lấy ví dụ chứng minh rằng sự phát triển tổng hợp kinh tế biển có thể làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế của vùng. Thử nêu một số phương hướng khai thác tổng hợp tài nguyên biển và thềm lục địa.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 53: Vấn Đề Khai Thác Lãnh Thổ Theo Chiều Sâu Ở Đông Nam Bộ | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.