1. Bão
a) Hoạt động của bão ở Việt Nam
Trên toàn quốc, mùa bão bắt đầu từ tháng VI và kết thúc vào tháng XI, đôi khi có bão sớm vào tháng V và muộn sang tháng XII, nhưng cường độ yếu. Ở nước ta, mùa bão chậm dần từ Bắc vào Nam. Bão tập trung nhiều nhất vào tháng IX, sau đó đến các tháng X và tháng VIII. Tổng số cơn bão của ba tháng này chiếm tới 70% số cơn bão trong toàn mùa. Dải đồng bằng ven biển miền Trung là vùng chịu tác động mạnh của bão.
Dựa vào hình 10.3, cho biết vùng bờ biển nào chịu ảnh hưởng mạnh của bão. Vì sao ?
Trung bình mỗi năm có 3 – 4 cơn bão đổ bộ vào vùng bờ biển nước ta, có năm lên tới 8 – 10 cơn. Nếu tính số cơn bão có ảnh hưởng đến thời tiết nước ta thì còn nhiều hơn nữa, tính trung bình trong 45 năm gần đây, mỗi năm có gần 8,8 cơn bão.
b) Hậu quả của bão ở Việt Nam và biện pháp phòng chống
Bão thường có gió mạnh và mưa lớn. Lượng mưa do một trận bão gây ra thường là 300 – 400 mm, có khi đến trên 500 – 600 mm. Trên biển, bão gây sóng to dâng cao 9 – 10 m, có thể lật úp tàu thuyền. Gió bão làm mực nước biển dâng cao thường tới 1,5 – 2 m, gây ngập mặn vùng đồng bằng ven biển. Nước dâng tràn đê kết hợp nước lũ do mưa lớn trên nguồn dồn về làm ngập trên diện rộng. Bão lớn, gió giật mạnh đổi chiều tàn phá cả những công trình vững chắc như nhà cửa, công sở, cầu cống, cột điện cao thế... Bão là một thiên tai gây tác hại rất lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng ven biển.
Ngày nay, nhờ vào các thiết bị vệ tinh khí tượng, chúng ta đã dự báo được khá chính xác về quá trình hình thành và hướng di chuyển của bão.
Việc phòng chống bão là hết sức quan trọng. Để tránh thiệt hại do bão gây ra, khi đi trên biển, các tàu thuyền phải gấp rút tìm nơi trú ẩn hoặc trở về đất liền. Vùng ven biển cần củng cố công trình đê biển. Nếu có bão mạnh cần khẩn trương sơ tán dân. Chống bão phải luôn kết hợp với chống lụt, úng ở đồng bằng và chống lũ, chống xói mòn ở miền núi.
2. Ngập lụt, lũ quét và hạn hán
a) Ngập lụt
Vùng đồng bằng nào ở nước ta chịu ngập lụt mạnh. Vì sao ?
Hiện nay, vùng chịu ngập lụt nghiêm trọng nhất là đồng bằng sông Hồng ; do diện mưa bão rộng, lũ tập trung trong các hệ thống sông lớn, mặt đất thấp, xung quanh có đê sông, đê biển bao bọc. Mức độ đô thị hoá cao cũng làm cho ngập lụt nghiêm trọng hơn. Ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ do mưa lũ gây ra mà còn do triều cường. Vì vậy, khi tiến hành tiêu nước chống ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cần tính đến làm các công trình thoát lũ và ngăn thuỷ triều. Ở Trung Bộ, nhiều vùng trũng ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng hạ lưu các sông lớn Nam Trung Bộ cũng bị ngập lụt mạnh vào các tháng IX − X do mưa bão, nước biển dâng và lũ nguồn về.
b) Lũ quét
Lũ quét là thiên tai bất thường và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Lũ quét xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi, nơi có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, mất lớp phủ thực vật, bề mặt đất dễ bị bóc mòn khi có mưa lớn. Mưa gây ra lũ quét có cường độ rất lớn, lượng mưa tới 100 – 200 mm trong vài giờ. Kết quả nghiên cứu của Viện Khí tượng – Thuỷ văn cho thấy, từ năm 1950 trở lại đây, ở nước ta năm nào cũng có lũ quét mà xu hướng ngày càng tăng.
Hãy cho biết lũ quét tập trung ở những vùng nào và vào thời gian nào trong năm.
Ở miền Bắc nước ta, lũ quét thường xảy ra vào các tháng VI − X, tập trung ở vùng núi phía Bắc. Ở miền Trung, vào các tháng X − XII lũ quét cũng đã xảy ra tại nhiều nơi.
Để giảm thiệt hại do lũ quét gây ra cần quy hoạch các điểm dân cư tránh các vùng có thể xảy ra lũ quét nguy hiểm ; sử dụng đất đai hợp lí, đồng thời thực hiện các biện pháp kĩ thuật thuỷ lợi, trồng rừng, kĩ thuật nông nghiệp trên đất dốc nhằm hạn chế dòng chảy mặt và chống xói mòn đất.
c) Hạn hán
Khô hạn kéo dài và tình trạng hạn hán trong mùa khô diễn ra ở nhiều nơi. Ở miền Bắc, tại các thung lũng khuất gió như Yên Châu, Sông Mã (Sơn La), Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa khô kéo dài 3 – 4 tháng. Còn ở miền Nam, mùa khô khắc nghiệt hơn. Thời kì khô hạn kéo dài đến 4-5 tháng ở đồng bằng Nam Bộ, vùng thấp Tây Nguyên, 6 – 7 tháng ở vùng ven biển cực Nam Trung Bộ.
Vì sao lượng nước thiếu hụt vào mùa khô ở miền Bắc không nhiều như ở miền Nam ?
Hằng năm, hạn hán gây thiệt hại cho hàng vạn ha cây trồng và thiêu huỷ hàng nghìn ha rừng ở nước ta. Nếu tổ chức phòng chống tốt, có thể hạn chế bớt thiệt hại do hạn hán gây ra. Phòng chống khô hạn lâu dài phải giải quyết bằng xây dựng những công trình thuỷ lợi hợp lí.
3. Các thiên tai khác
Động đất diễn ra mạnh tại các đứt gãy sâu. Tây Bắc Việt Nam là khu vực có hoạt động động đất mạnh nhất, rồi đến khu vực Đông Bắc. Khu vực miền Trung ít động đất hơn, còn ở Nam Bộ động đất biểu hiện rất yếu. Tại vùng biển, động đất tập trung ở ven biển Nam Trung Bộ.
Việc dự báo trước thời gian xảy ra động đất rất khó. Vì vậy, động đất vẫn là thiên tai bất thường, khó phòng tránh.
Các loại thiên tai khác như lốc, mưa đá, sương muối tuy mang tính cục bộ địa phương nhưng xảy ra thường xuyên ở nước ta và cũng gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Câu hỏi và bài tập
1. Hãy cho biết thời gian hoạt động, hậu quả và các biện pháp phòng chống bão ở Việt Nam.
2. Nêu các vùng hay xảy ra ngập lụt, lũ quét và hạn hán ở nước ta. Cần làm gì để giảm nhẹ tác hại của các loại thiên tai này?
3. Liên hệ với địa phương em về các thiên tai thường xảy ra và biện pháp phòng chống.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn