Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ nước ta gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Trái Đất. Đó là một quá trình rất lâu dài và phức tạp. Có thể chia làm 3 giai đoạn chính :
– Giai đoạn Tiền Cambri.
– Giai đoạn Cổ kiến tạo.
– Giai đoạn Tân kiến tạo.
Mỗi giai đoạn đều đánh dấu bước phát triển mới của lãnh thổ nước ta.
1. Giai đoạn Tiền Cambri
Căn cứ vào bảng Niên biểu địa chất, hãy cho biết trước đại Cổ sinh là các đại nào. Chúng kéo dài và cách đây khoảng bao nhiêu năm ?
Các nghiên cứu mới nhất đã xác định Trái Đất được hình thành từ cách đây khoảng 4,6 tỉ năm. Phần lớn thời gian của lịch sử Trái Đất thuộc hai đại : Thái cổ (Ackêôzôi) kết thúc cách đây khoảng 2,5 tỉ năm và tiếp theo là Nguyên sinh (Prôtêrôzôi) kết thúc cách đây 542 triệu năm. Ở giai đoạn này, lớp vỏ Trái Đất chưa được định hình rõ ràng và có rất nhiều biến động. Những dấu vết của nó hiện nay lộ ra trên mặt đất không có nhiều mà phần lớn chìm ngập dưới các lớp đất đá nên còn ít được nghiên cứu. Giai đoạn sơ khai này của lịch sử Trái Đất được gọi là giai đoạn Tiền Cambri.
Việt Nam, giai đoạn Tiền Cambri được xem là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ, với những đặc điểm sau :
a) Là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam
Các đá biến chất cổ nhất ở nước ta được phát hiện ở Kon Tum, Hoàng Liên Sơn có tuổi cách đây khoảng 2,5 tỉ năm ; như vậy, giai đoạn Tiền Cambri diễn ra ở nước ta trong suốt thời gian khoảng 2 tỉ năm và kết thúc cách đây 542 triệu năm.
b) Diễn ra trong một phạm vi hẹp trên phần lãnh thổ nước ta hiện nay
Giai đoạn Tiền Cambri diễn ra chủ yếu ở một số nơi, tập trung ở khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn và Trung Trung Bộ.
c) Các điều kiện cổ địa lí còn rất sơ khai và đơn điệu
Cùng với sự xuất hiện thạch quyển, lớp khí quyển ban đầu còn rất mỏng gồm chủ yếu là các chất khí amoniac, điôxit cacbon, nitơ, hiđrô và về sau là ôxi. Khi nhiệt độ không khí hạ thấp dần, thuỷ quyển mới xuất hiện với sự tích tụ của lớp nước trên bề mặt Trái Đất. Từ đó sự sống xuất hiện. Tuy vậy, các sinh vật còn ở các dạng sơ khai, nguyên thuỷ như tảo, động vật thân mềm.
Bài đọc thêm: Bảng Niên biểu địa chất
Khi nghiên cứu địa chất hoặc lịch sử phát triển lãnh thổ tự nhiên của mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới, rất cần thiết phải có sự thống nhất về quan niệm và thước đo thời gian. Bàng Niên biểu địa chất là bảng xác định các đơn vị thời gian và đơn vị địa tầng trong lịch sử phát triển của Trái Đất, đã được các nhà địa chất trên thế giới thừa nhận và thống nhất sử dụng rộng rãi. Bảng Niên biểu địa chất gồm các cột dọc trình bày các đơn vị thời gian (Đại, Kỉ, Thế), các đơn vị địa tầng (Giới, Hệ, Thống), thời gian các đơn vị ấy xảy ra cách đây và số thời gian thực tế đã diễn ra. Các hàng ngang trình bày thời gian của các Đại ứng với các Giới, các Kỉ ứng với các Hệ, các Thế ứng với các Thống với các tên gọi và kí hiệu cụ thể. Đa số các Kỉ (Hệ) mang tên địa phương, nơi mà lần đầu tiên trầm tích được phát hiện và mô tả. Tên các Kỉ (Hệ) thuộc đại Tân sinh phản ánh sự tiến hoá của thế giới hữu cơ, trong đó có thống Hôlôxen với sự xuất hiện của loài người. Riêng trong đại Tân sinh, hai ki Palêôgen và Nêôgen còn có tên chung là kỉ Đệ tam. Sử dụng bảng Niên biểu địa chất sẽ giúp cho việc tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ nước ta được cụ thể và thuận lợi hơn. |
Bảng Niên biểu địa chất
Đại (Giới) | Kỉ (Hệ) | Thế (Thống) | Kí hiệu | Thời gian cách đây (triệu năm) | Thời gian đã diễn ra (triệu năm) |
Tân sinh (Kainôzôi) KZ | Đệ tứ (Q) | - Holoxen
| Q4 |
1,8 | |
Nêôgen (N) | - Piloxen - Mioxen | N2 N1 | 23 | 21,2 | |
Palêôgen (Pg) | - Oligoxen - Eoxen - Paleoxen | Pg3 Pg2 Pg1 |
65 |
42 | |
Trung sinh (Mêzôzôi) MZ | Kreta (K) | - Kreta muộn (trên) - Kreta sớm (dưới) | K2 K1 |
145 |
80 |
Jura (J) | - Jura muộn (trên) | J3 J2 J1 |
200 | 55 | |
Triat (T) | - Triat muộn (trên) - Triat giữa - Triat sớm (dưới) | T3 T2 T1 |
250 |
50 | |
Cổ sinh (Palêôzôi) PZ | Pecmi (P) | - Pecmi muộn (trên) - Pecmi sớm (dưới) | P2 P1 |
300 |
50 |
Cacbon (C) | - Cacbon muộn (trên) - Cacbon giữa - Cacbon sớm (dưới) | C3 C2 C1 |
360 |
60 | |
Devon (D) | - Devon muộn (trên) - Devon giữa - Devon sớm (dưới) | D3 D2 D1 |
416 |
56 | |
Silua (S) | - Silua muộn (trên) - Silua sớm (dưới) | S2 S1 |
444 |
28 | |
Ocdovic (O) | - Ocdovic muộn (trên) - Ocdovic giữa - Ocdovic sớm (dưới) | O3 O2 O1 |
488 |
44 | |
Cambri (E) | - Cambri muộn (trên) - Cambri giữa - Cambri sớm (dưới) | E3 E2 E1 |
542 |
54 | |
Nguyên sinh (Prôtêrôzôi) PR | Khoảng 2500 | Khoảng 2000 | |||
Thái cổ (Ackêôzôi) AR | Khoảng 3500 | Khoảng 1500 |
Câu hỏi và bài tập
1. Lịch sử hình thành và phát triển của Trái Đất đã trải qua bao nhiêu giai đoạn ? Đó là những giai đoạn nào ?
2. Vì sao nói giai đoạn Tiền Cambri là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ Việt Nam ?
3. Giai đoạn Tiền Cambri ở nước ta có những đặc điểm gì ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn