Bài 29: Đặc Điểm Nền Nông Nghiệp Nước Ta | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 29


1. Nền nông nghiệp nhiệt đới

a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới

Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có sự phân hoá rất rõ rệt theo chiều Bắc – Nam và theo chiều cao của địa hình, nên có ảnh hưởng rất căn bản đến cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp. Lượng nhiệt ẩm dồi dào cho phép trồng trọt quanh năm, áp dụng các công thức luân canh, xen canh, tăng vụ. Sự phân hoá mùa của khí hậu là cơ sở để có lịch thời vụ khác nhau giữa các vùng, nhờ thế mà có sự chuyển dịch mùa vụ từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên trung du, miền núi.

Hãy lấy các ví dụ để chứng minh sự phân hoá mùa vụ là do điều kiện khí hậu của nước ta.

Mùa đông lạnh còn cho phép phát triển tập đoàn cây trồng vụ đông đặc sắc ở Đồng bằng sông Hồng và các cây trồng, vật nuôi cận nhiệt và ôn đới trên các vùng núi.

Sự phân hoá của các điều kiện địa hình, đất trồng cho phép và đồng thời đòi hỏi phải áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng. Ở trung du và miền núi, thế mạnh là các cây lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn. Ở đồng bằng, thế mạnh là các cây trồng ngắn ngày, thâm canh, tăng vụ và nuôi trồng thuỷ sản.

Việc sử dụng đất trong điều kiện nông nghiệp nhiệt đới cần chú ý những điểm gì ?

Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của thiên nhiên nước ta làm tăng thêm tính bấp bênh vốn có của nông nghiệp. Việc phòng chống thiên tai, sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh đối với vật nuôi luôn là nhiệm vụ quan trọng.

b) Nước ta đang khai thác ngày càng có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới

– Các tập đoàn cây, con được phân bố phù hợp hơn với các vùng sinh thái nông nghiệp.

– Cơ cấu mùa vụ có những thay đổi quan trọng, với các giống cây ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và có thể thu hoạch trước mùa bão, lụt hay hạn hán.

– Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn nhờ đẩy mạnh hoạt động vận tải, áp dụng rộng rãi công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản. Việc trao đổi nông sản giữa các vùng, nhất là giữa các tỉnh phía bắc và các tỉnh phía nam nhờ thế mà ngày càng mở rộng và có hiệu quả.

Đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu (gạo, cà phê, cao su, hoa quả, thuỷ sản...) là một phương hướng quan trọng để phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới.

2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hoá góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới

Một đặc điểm khá rõ của nền nông nghiệp nước ta hiện nay là sự tồn tại song song nền nông nghiệp tự cấp tự túc, sản xuất theo lối cổ truyền và nền nông nghiệp hàng hoá, áp dụng tiến bộ kĩ thuật hiện đại, đồng thời là chuyển nền nông nghiệp tự cấp tự túc sang nền nông nghiệp hàng hoá.

a) Nền nông nghiệp cổ truyền

Nền nông nghiệp cổ truyền được đặc trưng bởi sản xuất nhỏ, công cụ thủ công, sử dụng nhiều sức người, năng suất lao động thấp. Trong nền nông nghiệp cổ truyền, mỗi cơ sở sản xuất, mỗi địa phương đều sản xuất nhiều loại sản phẩm và phần lớn sản phẩm là để tiêu dùng tại chỗ. Đó là nền nông nghiệp tiểu nông mang tính tự cấp, tự túc.

Nông nghiệp cổ truyền còn phổ biến ở nhiều vùng lãnh thổ của nước ta, đặc biệt là ở các vùng mà điều kiện sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, vùng xa các đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ nông sản (các thành phố, các khu dân cư lớn...). Phần lớn nông dân còn nghèo, thiếu vốn, ít có điều kiện tiếp thu công nghệ tiên tiến.

b) Nền nông nghiệp hàng hoá

Nền nông nghiệp hàng hoá có đặc trưng là : người nông dân quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra. Mục đích sản xuất không chỉ là tạo ra nhiều nông sản, mà quan trọng hơn là tạo ra nhiều lợi nhuận từ một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, từ đồng vốn bỏ ra, từ một ngày công lao động. Sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hoá tất yếu sẽ xoá bỏ kiểu sản xuất nhỏ, manh mún ; đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hoá, sử dụng ngày càng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghệ mới (trước thu hoạch và sau thu hoạch), nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.

Nêu những cơ sở điển hình về sản xuất nông sản hàng hoá ở địa phương.

Nông nghiệp hàng hoá đang ngày càng phát triển, cả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nông nghiệp hàng hoá có điều kiện thuận lợi để phát triển ở những vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá, các vùng gần các trục giao thông, các thành phố lớn.

Chính sự phát triển của nông nghiệp hàng hoá làm cho cơ cấu nông nghiệp trở nên đa dạng hơn, thích ứng tốt hơn với các điều kiện của thị trường và sử dụng hợp lí hơn các nguồn lực.

3. Kinh tế nông thôn nước ta đang chuyển dịch rõ nét

a) Hoạt động nông nghiệp là bộ phận chủ yếu của kinh tế nông thôn

Khu vực kinh tế nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Kinh tế nông thôn chủ yếu dựa vào nông – lâm – thuỷ sản nhưng các hoạt động phi nông nghiệp (công nghiệp – xây dựng, dịch vụ) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn.

Bảng 29. Cơ cấu hộ nông thôn theo ngành sản xuất chính

(Đơn vị : %)

Năm Nông – lâm – thuỷ sản Công nghiệp – xây dựng
Dịch vụ Hộ khác
2001 80,9 5,8 10,6 2,7
2006 71,0 10,0 14,8 4,2

Qua bảng số liệu trên, nêu nhận xét về xu hướng đa dạng hoá hoạt động kinh tế nông thôn.

b) Kinh tế nông thôn bao gồm nhiều thành phần kinh tế

Cơ cấu kinh tế nông thôn ngày càng đa dạng, hiện nay gồm :

– Các doanh nghiệp nông – lâm nghiệp và thuỷ sản (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các công ti cổ phần, công ti trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

hinh-anh-bai-29-dac-diem-nen-nong-nghiep-nuoc-ta-2928-0

Hình 29. Tỉ lệ hộ nông thôn có thu nhập chủ yếu từ nông, lâm và thủy sản năm 2006

Đọc hình 29 để nhận xét về sự phân hóa không gian của cơ cấu kinh tế nông thôn.

– Các hợp tác xã nông – lâm nghiệp và thuỷ sản, chủ yếu làm dịch vụ (làm đất, giống cây trồng, thuỷ nông, bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư...) cho kinh tế hộ gia đình.

– Kinh tế hộ gia đình phát triển là điều kiện quan trọng đưa nông nghiệp phát triển ổn định và từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá.

– Kinh tế trang trại là mô hình quan trọng của sản xuất hàng hoá.

c) Cơ cấu kinh tế nông thôn đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá

Sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp thể hiện rõ nét ở sự đẩy mạnh chuyên môn hoá nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên môn hoá, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, hướng mạnh ra xuất khẩu.

Việc đa dạng hoá kinh tế nông thôn cho phép khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tốt hơn nguồn lao động (đặc biệt là khắc phục tính mùa vụ trong sử dụng lao động) và đáp ứng tốt hơn với những điều kiện thị trường.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn không chỉ thể hiện ở sự thay đổi tỉ trọng của các thành phần tạo nên cơ cấu, mà còn thể hiện rõ rệt ở các sản phẩm chính trong nông – lâm – thuỷ sản và các sản phẩm phi nông nghiệp khác.

Câu hỏi và bài tập

1. Nền nông nghiệp nhiệt đới có những thuận lợi và khó khăn gì ? Hãy cho ví dụ chứng minh rằng nước ta đang phát triển ngày càng có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới.

2. Hãy phân biệt một số nét khác nhau cơ bản giữa nền nông nghiệp cổ truyền và nền nông nghiệp hàng hoá.

3. Cho bảng số liệu sau :

Số lượng các loại trang trại của cả nước, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2006

Các loại trang trại Cả nước Đông Nam Bộ Đồng bằng sông Cửu Long
Tổng số 113730 14054 54425
Trang trại trồng cây hàng năm 32611 1509 24425
Trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm 18206 8188 175
Trang trại chăn nuôi 16708 3003 1937
Trang trại nuôi trồng thuỷ sản
34202
747
25147
Trang trại thuộc các loại khác
12003
607
2741

Ghi chú : Trang trại thuộc các loại khác bao gồm : trang trại trồng cây ăn quả, trang trại lâm nghiệp và trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Hãy phân tích bảng số liệu để thấy rõ đặc điểm cơ cấu trang trại của cả nước và hai vùng kể trên. Nhận xét và giải thích về sự phát triển của một số loại trang trại tiêu biểu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2006.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 29: Đặc Điểm Nền Nông Nghiệp Nước Ta | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.