Bài 36: Vấn Đề Phát Triển Công Nghiệp Chế Biến Nông, Lâm, Thủy Sản | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 36


1. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm

a) Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt

– Công nghiệp xay xát phát triển mạnh, tốc độ tăng nhanh do có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu. Sản lượng gạo, ngô xay xát được tăng từ 8 triệu tấn năm 1990 lên 15,6 triệu tấn năm 1995 và đạt 39,4 triệu tấn năm 2005.

Về phân bố, cả nước hiện có vài chục nhà máy xay quy mô lớn, tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Bắc, lớn hơn cả là các nhà máy xay ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình... Ở miền Nam, các nhà máy xay phân bố rộng khắp, nhưng các nhà máy hiện đại thì tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp...

– Công nghiệp đường mía là ngành được hình thành từ lâu ở nước ta, dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu dồi dào. Các vùng nguyên liệu lớn tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong vài năm gần đây, diện tích trồng mía trung bình hằng năm của nước ta dao động trong khoảng 28 – 30 vạn ha, và đạt sản lượng khoảng 15 triệu tấn mía cây.

Sản lượng đường kính từ khoảng gần 2,7 vạn tấn năm 1990 tăng lên 79 vạn tấn năm 2000 và đạt 1,1 triệu tấn năm 2005.

Bên cạnh các lò đường thủ công, các nhà máy lớn được phân bố ở vùng nguyên liệu : Lam Sơn (tây Thanh Hoá), Quảng Ngãi (vùng mía Quảng Ngãi), Bình Dương, La Ngà, Tây Ninh (Đông Nam Bộ), Hiệp Hoà, Long An (Đồng bằng sông Cửu Long)... Vấn đề đặt ra hiện nay là đảm bảo sự cân đối giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến gắn với cơ chế thị trường.

– Công nghiệp chế biến chè, cà phê, thuốc lá cũng phát triển mạnh. Ngành chế biến chè dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có, chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên (tập trung trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng). Cả nước hiện nay có khoảng 12 vạn ha chè và đạt sản lượng hơn 12,7 vạn tấn chè đã chế biến.

hinh-anh-bai-36-van-de-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-lam-thuy-san-2935-0

Hình 36. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm

Đối với ngành chế biến cà phê, các vùng nguyên liệu lớn tập trung ở Tây Nguyên (Đắk Lắk), một phần ở Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ. Diện tích cà phê tăng quá nhanh và đạt mức cao nhất vào năm 2001 (gần 57 vạn ha) với sản lượng 84 vạn tấn cà phê nhân. Do cung vượt quá cầu, cùng với sự bấp bênh về giá cả trên thị trường thế giới nên cả diện tích lẫn sản lượng cà phê đang có chiều hướng giảm xuống.

Ngành chế biến thuốc lá phát triển với nhịp độ nhanh chóng. Sản lượng thuốc lá hằng năm hiện nay lên đến trên 4 tỉ bao, trong đó chủ yếu là ở Đông Nam Bộ (các nhà máy thuốc lá Sài Gòn, Vĩnh Hội).

– Công nghiệp rượu, bia, nước giải khát được phát triển nhanh nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước. Hằng năm nước ta sản xuất khoảng 160 – 220 triệu lít rượu (các loại) và 1,3 – 1,4 tỉ lít bia. Ngành công nghiệp này có mặt ở hầu khắp các tỉnh, song tập trung nhất ở các đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...),

– Ngoài ra còn phải kể đến một số ngành khác như chế biến các loại dầu thực vật, sản phẩm đồ hộp rau quả...

Bảng 36. Tốc độ tăng sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. (Lấy năm 1995 là 100%).

Sản phẩm Năm 1995 2000 2005
Gạo, ngô xay xát 100 143 253
Bia 100 168 314
Chè chế biến 100 289 525
Sữa hộp 100 131 210
Đường mật 100 234 227

Dựa vào bảng 36, hãy nhận xét tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số sản phẩm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.

b) Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi

Hiện nay, công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi chưa phát triển mạnh vì ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lấy thịt, sữa, trứng nói riêng còn ở địa vị thứ yếu so với ngành trồng trọt ; do đó, cơ sở nguyên liệu cho ngành công nghiệp này bị hạn chế. Hơn nữa, đây chưa phải là ngành truyền thống và mới được phát triển trong những năm gần đây.

Các cơ sở lớn chuyên chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, pho mát...) tập trung ở một số đô thị lớn (như Thành phố Hồ Chí Minh) và các địa phương chăn nuôi bò như Đức Trọng (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội). Sản lượng sữa đặc trung bình năm đạt khoảng 300 – 350 triệu hộp.

Các cơ sở sản xuất thịt hộp và các sản phẩm từ thịt (lạp xường, dăm bông, bít tết...) phân bố chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản

Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích cơ sở nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản ở nước ta.

Dựa trên cơ sở nguyên liệu phong phú, ngành công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Nghề làm nước mắm (và mắm các loại) ra đời rất sớm và có mặt ở nhiều nơi. Có 3 địa danh nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế là Cát Hải (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận) và Phú Quốc (Kiên Giang). Sản lượng nước mắm hằng năm trung bình đạt 190 – 200 triệu lít, trong đó một phần dành cho xuất khẩu.

Ngành chế biến tôm đông lạnh và một số sản phẩm khác (bào ngư, sò huyết, cá ba sa, cá tra...) mới phát triển, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ khai thác được thị trường trong và ngoài nước. Ngành chế biến và đóng hộp thuỷ, hải sản (chủ yếu là cá biển) phát triển chậm với 2 cơ sở chính ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ở hầu hết các tỉnh ven biển đều có nghề làm muối. Trên quy mô công nghiệp, đáng chú ý có Cà Ná (Ninh Thuận) và Văn Lý (Nam Định). Sản lượng muối dao động và gần đây đạt khoảng 90 vạn tấn/năm.

2. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khác

Ngành công nghiệp này bao gồm nhiều phân ngành như cưa xẻ, chế biến gỗ, bột giấy, đồ gỗ, mây tre đan...

Trong thời gian qua, tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng nhiều đến công nghiệp chế biến và gia công gỗ. Sản lượng gỗ xẻ của nước ta dao động mạnh và bình quân hằng năm hiện nay đạt khoảng 3 triệu m3. Vấn đề chủ yếu hiện nay là tăng tỉ lệ hữu ích trong việc sử dụng gỗ khi gia công và chế biến.

Về phân bố, các xí nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (Plây Ku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa) và Bắc Trung Bộ (thành phố Thanh Hoá, thành phố Hà Tĩnh).

Câu hỏi và bài tập

1. Tại sao công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm lại là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay ?

2. Chứng minh rằng nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.

3. Hãy vẽ sơ đồ cơ cấu ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Nêu một ví dụ thể hiện rõ mối quan hệ giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở công nghiệp chế biến.

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 36: Vấn Đề Phát Triển Công Nghiệp Chế Biến Nông, Lâm, Thủy Sản | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.