Bài 40: Vấn Đề Phát Triển Ngành Giao Thông Vận Tải | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 Nâng cao - Bài 40


Mạng lưới giao thông vận tải của nước ta phát triển khá toàn diện, gồm nhiều loại hình vận tải khác nhau.

1. Đường bộ (đường ô tô)

– Sự phát triển :

Trong những năm gần đây, nhờ huy động các nguồn vốn và tập trung đầu tư nên mạng lưới đường bộ đã được mở rộng và hiện đại hoá.

Về cơ bản, mạng lưới đường bộ đã phủ kín các vùng, phương tiện vận tải tăng nhanh và chất lượng xe cũng tốt hơn. Tuy nhiên, mật độ đường bộ của Việt Nam vẫn còn thấp so với một số nước trong khu vực, chất lượng đường cũng còn nhiều hạn chế (tỉ lệ được rải nhựa thấp, khổ đường hẹp, nhiều cầu có tải trọng nhỏ...).

So với năm 1990, khối lượng hàng hoá vận chuyển đường bộ của năm 2004 đã tăng 3,6 lần, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 4,3 lần, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 3,5 lần và khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,8 lần.

– Các tuyến đường chính :

Hai trục đường bộ xuyên quốc gia là quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đang trong quá trình xây dựng). Quốc lộ 1 chạy suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2300 km, là tuyến đường xương sống của cả hệ thống đường bộ nước ta, nối các vùng kinh tế (trừ Tây Nguyên) và hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Đường Hồ Chí Minh là trục đường bộ xuyên quốc gia thứ hai, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của dải đất phía tây đất nước.

Dựa vào hình 40 (hoặc Atlat Địa lí Việt Nam), hãy kể tên một số quốc lộ quan trọng theo hướng Đông – Tây.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, với các tuyến thuộc mạng Đường bộ xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam, hệ thống đường bộ của nước ta đang được kết nối vào hệ thống đường bộ trong khu vực.

2. Đường sắt

– Sự phát triển :

Tổng chiều dài đường sắt nước ta là 3143 km.

Trước năm 1991, ngành đường sắt phát triển chậm, chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế. Nhờ cải tiến phương thức quản lí, đóng mới và sửa chữa toa xe, duy tu bảo dưỡng đường nên hiện nay hiệu quả và chất lượng phục vụ đã được nâng lên rõ rệt.

Năm 2004 so với năm 1990, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt đã tăng 3,8 lần, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 3,2 lần, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 1,2 lần và khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,3 lần.

– Các tuyến đường chính :

Đường sắt Thống Nhất (Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh) dài 1726 km, là tuyến đường sắt dài nhất Việt Nam gần như song song với quốc lộ 1, tạo nên một trục giao thông quan trọng theo hướng Bắc – Nam.

Các tuyến đường chính khác là : Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng, Lưu Xá – Kép Uông Bí – Bãi Cháy.

Các tuyến đường thuộc mạng đường sắt xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam đang được xây dựng, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường sắt ASEAN.

3. Đường sông

– Sự phát triển :

Nước ta có nhiều sông ngòi nhưng mới chỉ sử dụng 11000 km vào mục đích giao thông. Nhìn chung, mạng lưới đường sông mới được khai thác ở mức độ thấp do hiện tượng sa bồi và sự thay đổi thất thường về độ sâu luồng lạch.

Các phương tiện vận tải trên sông khá đa dạng nhưng còn ít được cải tiến, hiện đại hoá. Cả nước có hàng trăm cảng sông, trong đó có khoảng 30 cảng chính ; tuy nhiên, trang thiết bị của các cảng sông còn nghèo nàn, tổng năng lực bốc xếp chỉ khoảng 100 triệu tấn/năm.

Năm 2004 so với năm 1990, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sông tăng 2,2 lần, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 2,1 lần, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 2,3 lần và khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,9 lần.

hinh-anh-bai-40-van-de-phat-trien-nganh-giao-thong-van-tai-2939-0

Hình 40. Giao thông

– Các tuyến đường chính :

Vận tải đường sông chủ yếu tập trung trong một số hệ thống chính:

   + Hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình.

   + Hệ thống sông Mê Công – sông Đồng Nai.

   + Một số sông lớn ở miền Trung.

4. Đường biển

– Sự phát triển :

Trong xu thế mở cửa, Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ buôn bán với thế giới, vị thế của giao thông đường biển sẽ càng được nâng cao.

Cả nước có khoảng 120 cảng biển lớn nhỏ, chủ yếu tập trung ở Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Các cảng biển và cụm cảng quan trọng là:Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng – Liên Chiểu – Chân Mây, Dung Quất, Nha Trang, Sài Gòn – Vũng Tàu – Thị Vải. Hệ thống cảng biển đang được cải tạo, hiện đại hoá nhằm đưa công suất từ 30 triệu tấn (năm 1995) lên 240 triệu tấn (năm 2010).

Năm 2004 so với năm 1990, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển tăng 7,2 lần và khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 4,7 lần.

– Các tuyến đường biển chính :

Các tuyến đường biển ven bờ chủ yếu là theo hướng Bắc – Nam. Quan trọng nhất là tuyến Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh, dài 1500 km.

Dựa vào hình 40, hãy kể tên một số đường biển của nước ta với quốc tế.

5. Đường hàng không

– Sự phát triển :

Hàng không là ngành non trẻ nhưng có bước tiến rất nhanh nhờ chiến lược phát triển táo bạo và nhanh chóng hiện đại hoá cơ sở vật chất.

Năm 2004 so với năm 1990, khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không tăng 24,6 lần, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 57,5 lần, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 11,0 lần và khối lượng hành khách luân chuyển tăng 20,5 lần.

Cả nước có 22 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế. Hệ thống sân bay đang được khôi phục, nâng cấp và hoàn thiện từng bước. Đội máy bay không ngừng được đổi mới, chuyển loại. Việc đào tạo đội ngũ phi công, kĩ sư, kĩ thuật viên, tiếp viên được chú trọng.

– Các tuyến hàng không trong nước và quốc tế :

Các tuyến bay trong nước được khai thác trên cơ sở ba đầu mối chủ yếu là : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, nước ta đã mở các đường bay đến nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

6. Đường ống

Vận chuyển bằng đường ống ngày càng phát triển, gắn với sự phát triển của ngành dầu khí. Ngoài tuyến đường ống vận chuyển sản phẩm xăng dầu B12 (Bãi Cháy – Hạ Long) tới các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, một số đường ống dẫn khí từ nơi khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa phía nam vào đất liền đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

Câu hỏi và bài tập

1. Hãy nêu vai trò của giao thông vận tải trong sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.

2. Phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển giao thông vận tải ở nước ta.

3. Phân tích bảng số liệu dưới đây để rút ra nhận xét về cơ cấu vận chuyển, luân chuyển hành khách và hàng hoá phân theo loại hình vận tải ở nước ta.

Cơ cấu vận tải năm 2004

(Đơn vị : %)

Loại hình vận tải Hành khách Hàng hoá
Vận chuyển Luân chuyển Vận chuyển Luân chuyển
Đường sắt 1,1 9,0 3,0 3,7
Đường bộ 84,4 64,5 66,3 14,1
Đường sông 13,9 7,0 20,0 7,0
Đường biển 0,1 0,3 10,6 74,9
Đường hàng không 0,5 19,2 0,1 0,3

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 40: Vấn Đề Phát Triển Ngành Giao Thông Vận Tải | Địa Lý 12 Nâng Cao | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12 Nâng Cao

  1. Địa Lý Tự Nhiên - Địa lý Nâng cao
  2. Địa Lý Dân Cư - Địa lý Nâng cao
  3. Địa Lý Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Địa lý Nâng cao
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

    Địa Lý Các Vùng Kinh Tế - Địa lý Nâng cao

  6. Địa Lý Địa Phương - Địa lý Nâng cao

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.