Nội Dung Chính
(Trang 13)
Học xong bài này, em sẽ:
- Trình bày được sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ trên bản đồ hoặc trục thời gian.
- Giải thích được tầm quan trọng của thuộc địa đối với sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc thông qua ví dụ cụ thể.
- Phân tích được sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền.
- Giải thích được khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại; chỉ ra được tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
- Có nhận thức đúng đắn về tiềm năng và hạn chế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vận dụng được những hiểu biết về lịch sử chủ nghĩa tư bản để giải thích những vấn đề thời sự của xã hội tư bản hiện nay.
“Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỉ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại".
Từ nhận định trên của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, em có suy nghĩ gì về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản?
1. Sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ
Sau các cuộc cách mạng tư sản, chủ nghĩa tư bản từng bước được xác lập ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hình 1. Sơ đó sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ
Cách mạng tư sản Anh
Cách mạng công nghiệp Anh
Cách mạng tư sản Pháp
Hoàn thành thống nhất nước Đức, I-ta-li-a
Cải cách nông nô ở Nga
Giữa thế kỉ XVII
Nửa sau thế kỉ XVIII
Cuối thế kỉ XVIII
Nửa sau thế kỉ XIX
Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ
Giai cấp tư sản công thương nghiệp giành thắng lợi trong Nội chiến ở Mỹ
(Trang 14)
Ở châu Âu, sau Cách mạng tư sản Anh và đặc biệt là Cách mạng tư sản Pháp, chủ nghĩa tư bản từng bước được xác lập như một hình thái kinh tế - xã hội chiếm ưu thế.
Từ thập kỉ 60 của thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ Anh, sau đó lan ra các nước Pháp, Đức,... đã tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế – xã hội, làm thay đổi bộ mặt của các nước Tây Âu. Hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản hình thành là tư sản và vô sản. Giai cấp tư sản giàu lên nhanh chóng, trở thành giai cấp thống trị xã hội.
Hình 2. Đoàn tàu hoả đầu tiên (khánh thành năm 1825) – thành tựu tiêu biểu của cách mạng công nghiệp Anh
Trong thế kỉ XIX, các cuộc cách mạng tư sản tiếp diễn dưới những hình thức khác nhau và đều giành được thắng lợi, dẫn đến sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hình 3. Lễ tuyên bố thống nhất đế quốc Đức tại Cung điện Véc-xai (Pháp) tháng 1-1871
? Khai thác thông tin trong mục, hãy trình bày sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ trên trục thời gian (theo ý tưởng của em).
(Trang 15)
2. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản
Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh (từ thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX)
Chủ nghĩa tư bản độc quyền (từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945)
Chủ nghĩa tư bản hiện đại (từ năm 1945 đến nay)
Hình 4. Sơ đồ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản
a) Chủ nghĩa đế quốc và quá trình xâm lược thuộc địa
Sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản kéo theo nhu cầu ngày càng cao về nguyên liệu và nhân công, dẫn tới việc tăng cường chính sách xâm lược, mở rộng thuộc địa.
Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, các nước tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Chủ nghĩa đế quốc là hệ quả trực tiếp của sự phát triển và mở rộng của chủ nghĩa tư bản nhằm tìm kiếm thị trường, thu lợi nhuận và đầu tư tư bản ở nước ngoài.
TƯ LIỆU 1. “Điều quan trọng là chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại và phát triển được nếu không thường xuyên mở rộng phạm vi thống trị của nó, không khai phá những xứ sở mới và không lôi cuốn các xứ sở không phải tư bản chủ nghĩa vào cơn lốc kinh tế thế giới."
(V. I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 751)
TƯ LIỆU 2. “Nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc"
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 296)
Đến năm 1914, thuộc địa của Anh đã rộng tới 33 triệu km² với 400 triệu người, chiếm 1/4 diện tích và 1/4 dân số thế giới, gấp 12 lần thuộc địa của Đức và 3 lần thuộc địa của Pháp.
Trong quá trình xâm lược thuộc địa, các nước đế quốc đã thiết lập hệ thống thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Trong số các nước đế quốc, nước Anh được mệnh danh là "đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn".
? Khai thác các tư liệu 1 – 2 và thông tin trong mục, em hãy giải thích tầm quan trọng của thuộc địa đối với sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc.
b) Sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản
Trong thế kỉ XIX, sau các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ, chủ nghĩa tư bản tiếp tục quá trình phát triển và mở rộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
(Trang 16)
Nửa đầu thế kỉ XIX, tại hàng loạt các thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở khu vực Mỹ La-tinh đã bùng nổ phong trào đấu tranh giành độc lập, đưa đến sự thành lập các quốc gia tư sản mới.
THUỘC ĐỊA CỦA CÁC NƯỚC TỪ BẢN CHÂU ÂU TRƯỚC KHI CÁC NƯỚC MỸ LATINH GIÀNH ĐỘC LẬP
|
Hình 5. Lược đồ khu vực Mỹ La-tinh đầu thế kỉ XIX
Ở châu Á, cuộc Duy tân Minh Trị bắt đầu từ năm 1868, đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến trở thành nước tư bản chủ nghĩa.
Hình 6. Một con phố ở Nhật Bản cuối thế kỉ XIX
(Trang 17)
Cuộc Duy tân Minh Trị bao gồm những cải cách trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội, giáo dục... Cuộc cải cách đã đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, đồng thời giúp Nhật Bản tránh được nguy cơ bị xâm lược từ các cường quốc thực dân phương Tây.
Ở Trung Quốc, Cách mạng Tân Hợi (1911) do những trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc. Mặc dù cuộc cách mạng này không thực sự thủ tiêu giai cấp phong kiến nhưng đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở quốc gia lớn nhất, đông dân nhất châu Á.
Trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng với hệ thống thuộc địa rộng lớn đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản trên khắp thế giới.
Hình 7. Lược đồ các nước đế quốc và thuộc địa đầu thế kỉ XX
|
|
|
? Hãy phân tích sự phát triển và mở rộng của chủ nghĩa tư bản từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
c) Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền
Thời kì xác lập chủ nghĩa tư bản là thời kì tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản. Từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền.
Trong khoảng ba thập kỉ (cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX), việc sử dụng những nguồn năng lượng mới cùng nhiều thành tựu khoa học – kĩ thuật đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
(Trang 18)
Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình cạnh tranh gay gắt làm cho các nhà tư bản vừa và nhỏ bị phá sản, đấy nhanh quá trình tích tụ và tập trung tư bản, dẫn đến sự xuất hiện những xí nghiệp khổng lồ và các tổ chức độc quyền.
TƯ LIỆU 3. ...tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền.”
(V. I. Lê-nin, Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản,
NXB Sự thật, 1957, tr. 23)
Tổ chức độc quyền là sự liên minh giữa các nhà tư bản lớn để tập trung vào tay mình phần lớn việc sản xuất hoặc tiêu thụ một số hàng hoá nào đó nhằm thu lợi nhuận cao.
Xu hướng tập trung sản xuất, tập trung tư bản đã dẫn đến sự xuất hiện các tổ chức độc quyền như các-ten, xanh-đi-ca ở Đức và Pháp, tơ-rớt ở Mỹ.
Hình 8. Một công ti độc quyền ở Mỹ được mô tả như một con bạch tuộc trong một bộ phim hoạt hình (1904)
Sự phát triển của các tổ chức độc quyền tạo ra cơ sở vật chất cho bước chuyển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền. Trong đó, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tồn tại các tổ chức 17
tư bản độc quyền và chúng chi phối sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Đây là một “nấc thang” phát triển mới của chủ nghĩa tư bản.
Đầu thế kỉ XX, các xí nghiệp ở Pháp, Mỹ, Anh chỉ chiếm khoảng 1% tổng số xí nghiệp toàn thế giới nhưng lại chiếm hơn 3/4 tổng số máy hơi nước và điện lực, số lượng công nhân; tổng số sản phẩm được làm ra chiếm gần một nửa so với toàn thế giới.
? Khai thác Tư liệu 3 và thông tin trong mục, em hãy phân tích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền.
3. Chủ nghĩa tư bản hiện đại
a) Khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa tư bản chuyển sang thời kì phát triển mới: chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại là thuật ngữ dùng để chỉ nấc thang phát triển mới của chủ nghĩa tư bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay với những đặc điểm mới.
Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản hiện đại là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, thể hiện sự kết hợp giữa tiềm lực kinh tế của các tổ chức độc quyền tư nhân với sức mạnh chính trị của nhà nước tư sản.
(Trang 19)
Thứ hai, chủ nghĩa tư bản hiện đại có sức sản xuất phát triển cao trên cơ sở những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.
Thứ ba, lực lượng lao động trong xã hội tư bản hiện đại có những chuyển biến quan trọng đáp ứng sự phát triển nhảy vọt của nền sản xuất.
Thứ tư, chủ nghĩa tư bản hiện đại không ngừng tự điều chỉnh và thích ứng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.
Thứ năm, chủ nghĩa tư bản hiện đại là một hệ thống thế giới và ngày càng mang tính toàn cầu.
? Em hãy giải thích khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại.
b) Tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại
- Tiềm năng
Tiềm năng của chủ nghĩa tư bản hiện đại được biểu hiện trên các lĩnh vực như: kinh tế, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lí, khả năng tự điều chỉnh để tồn tại, phát triển,...
Chủ nghĩa tư bản đã có ưu thế trong việc sử dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế, xã hội. Các nước tư bản phát triển trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của thế giới, có quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới.
TƯ LIỆU 4. Ngay từ giữa thế kỉ XIX, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra tiềm năng của giai cấp tư sản: “Chính giai cấp tư sản là giai cấp đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của loài người có khả năng làm được những gì".
(Theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 600)
- Thách thức
Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
TƯ LIỆU 5. “... Chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay... Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của nó... Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là, năm 2008-2009 chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới... Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(Trang 20)
Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc,..."
(Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 18-19)
Thứ nhất, sự gia tăng bất bình đẳng xã hội ngày càng cao, mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn trong các nước tư bản.
OWS: FOR A BETTER WORLD
Hình 9. Người biểu tình ở Mỹ (năm 2011) với khẩu hiệu: “Chiếm lấy phố Uôn vì một thế giới tốt hơn
“Chiếm lấy phố Uôn hay còn gọi là phong trào "99 chống lại 1" là một phong trào xuất hiện ở nước Mỹ vào đầu năm 2011. Tên của phong trào này nói lên rằng: 1% dân số Mỹ giàu có sở hữu tài sản quốc gia bằng số tài sản của 99% dân số. Phong trào này khi đó cũng đã lan sang nhiều nước tư bản chủ nghĩa, song không thể thay đổi được cục diện. Nhưng “Chiếm lấy phố Uốn" đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh đến các nước tư bản chủ nghĩa rằng, chính sách kinh tế phải gần với an sinh xã hội, phát triển kinh tế phải gần với công bằng xã hội. Sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội quá mức sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thứ hai, chủ nghĩa tư bản đã và đang đối mặt với những vấn đề chính trị, xã hội nan giải.
Tình trạng bất an trong xã hội Mỹ là điều đáng lo ngại cho người dân. Tội ác, bạo lực, tệ nạn xã hội thường xuyên xảy ra. Nạn phân biệt chủng tộc, nhất là sự đối xử bắt công với người Mỹ gốc Phi vẫn diễn ra. Nhiều vụ xả súng xảy ra ở các trường học, trên đường phố gây thương vong cho nhiều nạn nhân, chủ yếu là trẻ em.
Thứ ba, mặc dù đã đạt đến trình độ phát triển cao nhưng chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đến nay, tuy các nước tư bản phát triển đã coi trọng tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, xanh và sạch, song quá trình chuyển đổi diễn ra chậm, sự phụ thuộc của nền kinh tế các nước vào dầu mỏ vẫn rất lớn. Khủng hoảng năng lượng tiếp tục gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các nước tư bản (lạm phát cao, ô nhiễm môi trường,...).
(Trang 21)
Hình 10. Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Anh (2019)
Thứ tư, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột, bất công mặc dù các hình thức bóc lột luôn được che đậy dưới nhiều hình thức tỉnh vi.
Tuy mức sống của giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển đã được cải thiện so với trước, song tình trạng thất nghiệp vẫn trầm trọng. Những công nhân có tay nghề thấp thường bị sa thải, không có bảo hiểm y tế, bị bỏ rơi khi xảy ra dịch bệnh.
? Khai thác các tư liệu 4 - 5 và thông tin trong mục, em hãy nêu tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
1. Lập và hoàn thành bảng về sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
2. Nêu một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của thuộc địa đối với sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc.
1. Có quan điểm cho rằng: Chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay đã thay đổi về bản chất, không còn là chủ nghĩa tư bản như trước đây. Hãy cho biết ý kiến của em về quan điểm này.
2. Sưu tầm tư liệu từ sách, báo, internet về phong trào “Chiếm lấy phố Uôn” và giải thích vì sao phong trào này chỉ sau một thời gian ngắn đã lan ra các bang ở Mỹ và hàng trăm thành phố ở nhiều nước tư bản trên thế giới.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn