Nội Dung Chính
(Trang 71)
Học xong bài này, em sẽ:
- Giải thích được khái niệm làng xã và cách đặt tên làng xã qua một số ví dụ cụ thể.
- Phân biệt được các loại hình làng xã.
- Giải thích được nguồn gốc của làng xã Việt Nam.
- Nêu được nét chính về sự phát triển của làng xã qua các thời kì lịch sử.
“Làng tôi bé nhỏ xinh xinh,
Chung quanh có luỹ tre xanh rườm rà
Trong làng san sát nóc nhà,
Đình làng lợp ngói có vài cây cau
Chùa làng rêu phủ mái nâu
Dân làng thờ Phật để cầu bình cau binh
Chợ làng có quán năm gian,
Ngày phiên thiên hạ buôn hàng rất đông.
Giếng làng có mạch nước trong.
Có cây đa mát bóng vùng rất xa.
(Toan Ánh, Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 21-22)
Đoạn thơ bên giúp em nhận diện được những nét tiêu biểu nào của một làng quê ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ? Có phải các làng quê trên đất nước Việt Nam đều có cùng một cách đặt tên, một nguồn gốc hình thành.... hay không? Hãy chia sẻ một số hiểu biết của em về làng xã Việt Nam.
Hình 1. Cổng một ngôi làng ở Vĩnh Phúc
(Trang 72)
1. Khái niệm và các loại hình làng xã
a) Khái niệm làng xã
Làng xã được hiểu chung là một cộng đồng cư dân có sự gắn kết về kinh tế, văn hoá và tín ngưỡng, trong đó cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp.
EM CÓ BIẾT
Trên thực tế cũng có một số danh từ có nghĩa tương đương với "làng" tuỳ theo đặc thù của làng cũng như cách gọi của từng địa phương như phường, vạn, giáp, sách, động, bản, mường, buôn, plây, phum, ấp, sóc,...
"Làng" là một cộng đồng cư dân tương đối ổn định trong quá trình lịch sử của người nông dân Việt Nam. Mỗi làng có địa vực, cơ cấu tổ chức, ruộng đất, các tục lệ riêng.
Xã lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỉ VII và chính thức trở thành tên gọi phổ biến từ thế kỉ X, dùng để chỉ đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước.
Trong lịch sử Việt Nam, làng xã là cách gọi chung của cộng đồng cư dân ở nông thôn. Ngày nay, xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước.
b) Các loại hình làng xã
Trên thực tế, có nhiều loại hình làng xã khác nhau. Dựa vào các tiêu chí như: thời gian hình thành, vùng địa lí, nghề nghiệp, đặc điểm truyền thống văn hoá mà người ta có thể phân loại thành các loại hình làng xã khác nhau.
Hình 2. Các loại hình làng xã Việt Nam
Loại hình làng xã
Phân loại theo thời gian hình thành
Làng cổ hay làng truyền thống, làng mới hay làng hiện đại.
Phân loại theo địa lí
Làng miền núi (bản, mường, plây, buôn); Làng trung du, làng đồng bằng (làng, ấp, phum, sóc).
Phân loại theo nghề nghiệp
Làng nông nghiệp, làng chài (vạn), làng thủ công, làng buôn.
Phân loại theo phương thức thành lập
Xá (từ dân khai canh); trại (từ đồn điền nông nghiệp); trấn (từ điển trang).
Phân loại theo đặc điểm truyền thống văn hoá
Làng văn, làng võ, làng vật,...
(Trang 73)
Ngoài ra, làng xã còn được phân loại dựa trên sự kết hợp giữa thời gian hình thành và không gian vùng miền: làng Bắc Bộ (nơi đã hình thành những điểm dân cư đầu tiên của người Việt), làng Trung Bộ (từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào, hình thành muộn hơn) và làng Nam Bộ (hình thành muộn nhất).
Hình 3. Một khung cảnh ở làng miền Tây Nam Bộ
TƯ LIỆU 1. Ở miền Nam, dân làng sống rải rác trên địa phận làng, không hợp nhau thành xóm, và xung quanh làng không có luỹ tre xanh. Làng ở miền Nam thường rộng hơn, dân cư đông hơn làng miền Bắc, chia làm nhiều ấp, và mỗi ấp ở đây có thể coi như một thôn miền Bắc,...
(Theo Toan Ánh, Nếp cũ – Làng xóm Việt Nam, NXB Trẻ, Sđd, tr. 21-22)
? 1. Em hiểu thế nào về khái niệm làng xã?
2. Khai thác Tư liệu 1 và tìm hiểu thêm thông tin, em hãy chỉ ra sự khác biệt giữa làng Bắc Bộ và làng Nam Bộ.
3. Khai thác sơ đồ hình 2, hãy cho biết làng xã Việt Nam thường được phân thành các loại hình nào?
(Trang 73)
2. Nguồn gốc hình thành, tên gọi và quá trình phát triển của làng xã
a) Nguồn gốc hình thành
Cách ngày nay vài nghìn năm, trên lãnh thổ Việt Nam đã diễn ra quá trình hình thành các công xã nông thôn trên cơ sở sự tan rã của các cộng đồng nguyên thuỷ.
Bên cạnh quan hệ huyết thống, các thành viên trong các công xã nông thôn còn có sự gắn kết bởi mối quan hệ láng giềng, sự chia sẻ về ruộng đất, nguồn nước,... và trong thực hiện những công việc chung (làm thuỷ lợi, trị thuỷ, khai hoang, chống thiên tai và chống ngoại xâm,...).
Sự ra đời các công xã nông thôn chính là cơ sở để hình thành làng xã của người Việt sau này.
? Hãy giải thích nguồn gốc của làng xã Việt Nam.
b) Tên gọi của làng xã
EM CÓ BIẾT
Những làng có tên nôm thường là những làng xuất hiện sớm vào thời Lý – Trần. Làng xã thuộc huyện Tiền Hải (Thái Bình) được thành lập vào đầu thế kỉ XIX không có tên nôm. Nhiều tên làng Việt từ Quảng Bình trở ra thường có thêm âm "Xá" như: Ngô Xá, Đặng Xá, Trần Xá,...
Thông thường, làng Việt vừa có tên nôm, vừa có tên Hán - Việt.
Tên nôm thường xuất hiện trước, gắn liền với thời điểm hình thành các cộng đồng dân cư. Tên nôm của các làng xã từ thời dựng nước thường được gọi là kẻ, chiếng, chạ. Tên Hán - Việt xuất hiện sau, dùng trong ghi chép các văn bản quản lí hành chính.
Bảng tên gọi một số làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ
Tên nôm | Tên Hán – Việt |
Ke Sét | Thinh L Liệt |
Kẻ Mơ | Hoàng Mai |
Kẻ Trấu | Phù Lưu |
Kẻ Bảng | Đình Bảng |
Kẻ Vẽ | Đông Ngạc |
Chạ Chủ | Cổ Loa |
? 1. Khai thác bảng và thông tin trong mục, em hãy giải thích cách đặt tên các làng xã. Nêu ví dụ cụ thể.
2. Liên hệ và cho biết: Làng xã ở địa phương em được đặt tên thế nào?
c) Sự phát triển của làng xã qua các thời kì lịch sử
Trong suốt tiến trình lịch sử, làng xã luôn bảo tồn được tính tự trị, khép kín, bảo lưu một cách tương đối. Sự can thiệp của Nhà nước vào làng xã qua nhiều thời kì vẫn chỉ ở mức hạn chế như câu thành ngữ “phép vua thua lệ làng” phản ánh.
(Trang 75)
Hình 4. Sơ đồ sự phát triển của làng xã Việt Nam qua các thời kì lịch sử
Từ sau năm 1945 | Làng xã Việt Nam trải qua nhiều biến đổi quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội. Xu hướng quản lí hành chính đối với làng xã ngày càng chặt chẽ. |
Thời Pháp thuộc | Chính quyền thực dân Pháp thực hiện nhiều biện pháp cải cách nhằm tăng cường quản lí hành chính (như chính sách "cải lương hương chính") nhưng không thành công. |
Thời quân chủ | Thời Nguyễn: Nhà nước can thiệp mạnh vào làng xã nhằm hạn chế quyền lực của cường hào, quan viên. |
Thời Lê trung hưng: Nhà nước có xu hướng "phó mặc" làng xã cho bộ máy cường hào, quan viên. | |
Thời Lê sơ: Nhà nước can thiệp mạnh vào làng xã, tổ chức bộ máy quản lí làng xã. Triều đình buộc các làng xã ghi chép các tục lệ, tập quán thành hương ước. Việc lập mới các làng xã ngày càng được đẩy mạnh nhờ chính sách khai hoang, mở rộng lãnh thổ. | |
Thời Trần: Đặt chức xã quan và các chức đứng đầu bộ máy quản lí cấp xã (đại tư xã, tiểu tư xã,..). | |
Thế kỉ X: Họ Khúc tổ chức lại bộ máy làng xã. Làng trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở, gọi là xã. | |
Thời Bắc thuộc | Đến thế kỉ VII, nhà Đường đặt đơn vị hương và xã nhưng trên thực tế chính quyền đô hộ không quản lí được làng xã. |
Thời Văn Lang -Âu Lạc | Làng xã hình thành từ các công xã nông thôn (kẻ, chiếng, chạ), đứng đầu là Bố chính (già làng). |
(Trang 76)
? Khai thác sơ đồ hình 4, nêu nét chính về sự phát triển của làng xã Việt Nam qua các thời kì lịch sử.
LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
1. Hãy lập và hoàn thành bảng thống kê (theo gợi ý dưới đây) về các loại hình làng xã ở Việt Nam.
Loại hình | Một số làng tiêu biểu |
Làng cổ truyền thống | |
Làng nông nghiệp | |
Làng chài | |
................... |
2. Liên hệ với thực tiễn và cho biết địa phương em có những loại hình làng nào?
Sưu tầm thêm tư liệu từ sách, báo và internet, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 500 chữ) về một đặc trưng của làng xã truyền thống Việt Nam (cây đa, giếng nước, sân đình,...).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn