BÀI 6: HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN ĐỘC LẬP DÂN TỘC Ở ĐÔNG NAM Á | Lịch sử | CHỦ ĐỀ 3: QUÁ TRÌNH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lịch sử 11 - Bài 6 - Mục 1-3- Tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển ở Đông Nam Á.


(Trang 45)

Học xong bài này, em sẽ:

  • Tóm tắt được những nét chính về cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược ở một số nước Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa.                                                     
  • Chỉ ra được các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á (trên trục thời gian). Giải thích được sự đa dạng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.
  • Tóm tắt được những nét chính về quá trình tái thiết và phát triển ở Đông Nam Á sau khi giành được độc lập.
  • Có ý thức trân trọng thành quả đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vận dụng được những hiểu biết để giải thích về sự đa dạng của các quốc gia Đông Nam Á.

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-0

Hình 1. Quốc kì các quốc gia Đông Nam Á hiện nay

Quốc kì của các quốc gia Đông Nam Á hiện nay rất đa dạng và là biểu tượng cho nền độc lập dân tộc của mỗi quốc gia. Hầu hết, các nước Đông Nam Á trong khu vực đều phải trải qua quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ với nhiều hình thức khác nhau để giành lại nền độc lập dân tộc, sau đó là quá trình tái thiết và phát triển đất nước, đưa Đông Nam Á trở thành khu vực năng động như ngày nay. Hành trình đó diễn ra như thế nào? Hãy chia sẻ một số sự kiện liên quan đến cuộc đấu tranh giành độc lập, cũng như quá trình phát triển đất nước ở khu vực Đông Nam Á mà em biết.

(Trang 46)

1. Phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở Đông Nam Á

a) Đông Nam Á hải đảo

Phong trào chống thực dân xâm lược ở Đông Nam Á bùng nổ từ rất sớm, tiêu biểu là ở In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

Từ cuối thế kỉ XVI, phong trào đấu tranh chống thực dân Hà Lan đã bùng nổ mạnh mẽ ở In-đô-nê-xi-a, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng tửĐi-pô-nê-gô-rô (1825 – 1830), được sự hưởng ứng của các lãnh chúa và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trên đảo Gia-va và các đảo khác. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã gây tổn thất nặng nề cho chính quyền thực dân. Đi-pô-nê-gô-rô trở thành “một lãnh tụ có sức hấp dẫn đối với bộ phận rộng lớn người Gia-va”. Sau cuộc khởi nghĩa này, phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục lan rộng khắp các đảo ở In-đô-nê-xi-a, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-1

Hình 2. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa do hoàng tử Đi-pô-nê-gô-rô lãnh đạo trước thực dân Hà Lan (tranh vẽ)

Cuộc đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha bùng nổ ở Phi-líp-pin từ năm 1521, lan rộng ra các đảo khác và kéo dài hơn ba thế kỉ. Trong số đó, cuộc khởi nghĩa của Ph. Đa-ga-hoy ở Bô-hô là cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất (1744-1829). Ph. Đa-ga-hoy trở thành biểu tượng tinh thần cho cuộc đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha của nhân dân Phi-líp-pin. Đến tháng 7 – 1878, thực dân Tây Ban Nha mới chiếm được toàn bộ các đảo ở nước này.

? Hãy nêu những nét chính về phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở các nước Đông Nam Á hải đảo.

(Trang 47)

b) Đông Nam Á lục địa

Ở Miến Điện, thực dân Anh đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội nước này ngay từ cuộc chiến tranh xâm lược đầu tiên (1824-1826). Phong trào chiến tranh du kích lan rộng trong cả nước, khiến cho thực dân Anh không thực hiện được tham vọng chiếm toàn bộ Miến Điện trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai (1852 – 1853). Trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba (1885), quân đội thực dân chiếm được Miến Điện nhưng bị tổn thất nặng nề và phải tiếp tục đối phó với cuộc chiến tranh du kích kéo dài hơn 10 năm sau.

Trên bán đảo Đông Dương, từ nửa sau thế kỉ XIX, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược cũng từng bước lan rộng.

Ở Việt Nam, từ năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân Việt Nam đã làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Cuộc chiến đấu lan rộng ra các tỉnh Nam Kì và Bắc Kì, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thực dân Pháp phải mất 26 năm mới áp đặt được ách đô hộ trên toàn bộ đất nước Việt Nam.

Ở Cam-pu-chia, nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi trong cả nước, mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng thân Si-vô-tha (1861–1892). Các cuộc khởi nghĩa của A-cha Xoa (1863-1866), Pu-côm-bô (1866 1867) là những cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp.

EM CÓ BIẾT

Pu-côm-bô là nhà sư có uy tín, khi phát động cuộc khởi nghĩa chống Pháp, ông đã lập căn cứ ở Tây Ninh (Việt Nam). Trương Quyền (con của Trương Định) đã liên kết với nghĩa quân của Pu-côm-bỏ trong những trận đánh Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Pu-côm-bô là biểu tượng của sử liên minh chiến đấu giữa nhân dân Cam-pu-chia với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

? Hãy trình bày những nét chính về phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở Đông Nam Á lục địa.

2. Các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

Từ cuối thế kỉ XIX, sau khi chủ nghĩa thực dân áp đặt được ách cai trị đối với các nước Đông Nam Á, cuộc đấu tranh của nhân dân các nước này chuyển sang một thời kì mới – thời kì đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và trải qua ba giai đoạn phát triển chính.

(Trang 48)

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-2

1945-1975: Hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Thắng lợi của lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo thời cơ thuận lợi cho phong trào. Trong 10 năm đầu sau Chiến tranh (1945-1954), làn sóng đấu tranh dâng cao. In-đô-nê-xi-a tuyên bố độc lập, Việt Nam và Lào tiến hành cách mạng giành chính quyền và tuyên bố độc lập trong năm 1945. Một số nước được trao trả độc lập như: Phi-líp-pin (1946) và Miến Điện (1947). Trong hơn 20 năm sau (1954 - 1975), các nước Đông Nam Á đã lần lượt hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (riêng Bru-nây được trao trả độc lập năm 1984).

1920-1945: Xuất hiện xu hướng mới trong phong trào đấu tranh

Giai đoạn đánh dấu sự xuất hiện khuynh hướng mới trong phong trào. Giai cấp vô sản bắt đầu bước lên vũ đài chính trị trong khu vực. Các đảng cộng sản được thành lập ở một số nước: In-đô-nê-xi-a (1920), Việt Nam, Mã Lai, Xiêm và Phi-líp-pin (trong những năm 30 của thế kỉ XX), mở ra khuynh hướng vô sản trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1920: Khởi đầu cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Giai đoạn chuyển tiếp từ đấu tranh tự vệ sang đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ cuối thế kỉ XIX, phong trào đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến được thay thế bằng phong trào theo khuynh hướng tư sản, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa chống thực dân Tây Ban Nha của nhân dân Phi-líp-pin năm 1896. Sự ra đời và phát triển của giai cấp vô sản ở các nước Đông Nam Á đã tạo nền tảng cho sự hình thành khuynh hướng mới trong phong trào đấu tranh.

Hình 3. Sơ đồ các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập ở Đông Nam Á

? Trình bày những nét chính về các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

3. Các con đường giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

Xuất phát từ bối cảnh quốc tế, khu vực, chính sách cai trị của chính quyền thực dân và điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước, các nước Đông Nam Á giành độc lập dân tộc theo những con đường khác nhau.

a) Đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của Pháp

Các nước thuộc địa của Pháp trên bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia) phải trải qua cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài, gian khổ để giành lại độc lập dân tộc.

(Trang 49)

Mặc dù Việt Nam tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám (8-1945), Lào tuyên bố độc lập ngay từ tháng 10 – 1945, nhưng ba nước Đông Dương lại phải trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Từ năm 1954, Mỹ can thiệp vào Đông Dương, nhân dân ba nước Đông Dương phải tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-3

Hình 4. Quân giải phóng nhân dân Lào tiến vào Viêng Chăn năm 1975

TƯ LIỆU 1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia là cuộc chiến đấu quyết liệt nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

(Lương Ninh (Chủ biên), Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thuỷ đến ngày nay, Sđd, tr. 620-623)

b) Đàm phán hoà bình với chính quyền thực dân ở các thuộc địa của Mỹ, Hà Lan, Anh

Tại khu vực thuộc địa của Mỹ, Hà Lan, Anh, các nước Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Miến Điện, Mã Lai phải trải qua quá trình đấu tranh kết hợp với đàm phán kéo dài nhiều năm để giành lại độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền thực sự của các quốc gia còn tiếp diễn trong nhiều năm sau khi tuyên bố độc lập.

TƯ LIỆU 2. Mỹ trao trả độc lập cho Phi-líp-pin năm 1946, “nhưng nền độc lập do Mỹ trao lại cho Phi-líp-pin là không hoàn toàn thực sự. Người Mỹ duy trì mọi loại phái đoàn ở Phi-líp-pin. Điều làm cho người Phi-líp-pin đau lòng hơn cả là Hiệp định về căn cứ quân sự kí tháng 3 – 1947, theo đó người Mỹ được thuê 23 căn cứ của Phi-líp-pin trong 99 năm với đầy đủ pháp quyền ở đó, kể cả pháp quyền đối với người Phi-líp-pin...".

(D. G. E. Hô, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 1218 - 1219)

Sau khi In-đô-nê-xi-a tuyên bố độc lập, thực dân Hà Lan quay trở lại xâm lược nước này. Nhân dân In-đô-nê-xi-a tiến hành đấu tranh quân sự kết hợp ngoại giao buộc chính quyền Hà Lan kí kết Hiệp định La Hay (tháng 11 – 1949) công nhận nền độc lập và chủ quyền của In-đô-nê-xi-a.

(Trang 50)

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-4

Hình 5. Hội nghị "bàn tròn” ở La Hay

Ở Miến Điện, trải qua các cuộc đàm phán ngoại giao, thực dân Anh phải kí kết Hiệp ước Anh – Miến (10-1947) công nhận nền độc lập của Miến Điện. Tuy nhiên, nhân dân Miến Điện tiếp tục đấu tranh để xoá bỏ sự lệ thuộc về kinh tế, quân sự vào Anh và ổn định tình hình trong nước.

Ở Mã Lai, thông qua các cuộc đàm phán hoà bình, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Tổ chức dân tộc thống nhất Mã Lai đã giành được thắng lợi, buộc Chính phủ Anh phải tuyên bố trao trả độc lập cho Liên bang Mã Lai năm 1957.

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-5

Hình 6. Tun-ku Áp-đun Ra-man, lãnh tụ phong trào độc lập dân tộc, tuyên bố về nền độc lập của Liên bang Mã Lai tại sân vận động Me-de-ca

(Trang 51)

? Phân tích sự đa dạng về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc ở khu vực thuộc địa của Pháp và khu vực thuộc địa của Mỹ, Hà Lan, Anh.

4. Thời kì tái thiết và phát triển sau khi giành được độc lập

a) Những tác động của chế độ thực dân

Về kinh tế, sau nhiều thế kỉ là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, phần lớn các nước Đông Nam Á vẫn là những nước nông nghiệp lạc hậu. Một số nước trong khu vực mặc dù được coi là vựa lúa của thế giới nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu lương thực, đói kém triền miên.

TƯ LIỆU 3. Bức tranh chung của nền kinh tế thuộc địa ở Đông Nam Á là què quặt, trì trệ và chậm phát triển, mặc dù tình hình và mức độ ở từng nước có khác nhau nhưng hầu như tất cả nền kinh tế của các nước này đều mang tính chất lệ thuộc vào nước ngoài.

(Lương Ninh (Chủ biên), Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thuỷ đến ngày nay,

Sđd, tr. 404)

TƯ LIỆU 4. Sau gần 150 năm là thuộc địa của Anh, Xin-ga-po chỉ là một hải cảng trung chuyển hàng hoá, nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng: “Những gì mà người Xin-ga-po cần là sự trợ giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động thông qua các ngành công nghiệp sản xuất chứ không phải là sự phụ thuộc vào những chuyến viện trợ liên tục... Chúng ta không thể sống bằng cái bát đi ăn xin.

(Theo Lý Quang Diệu, Bí quyết hoá rồng: Lịch sử Xin-ga-po 1965-2000, NXB Trẻ, 2001, tr. 67)

Về chính trị, việc áp đặt bộ máy cai trị, thực hiện chính sách “chia để trị”, chính sách “ngu dân” của các chính quyền thực dân đã để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài cho các nước Đông Nam Á.

Chính sách "chia để trị, sự phân biệt đối xử với các tộc người khác nhau là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng dân cư. Tình trạng xung đột về sắc tộc, tôn giáo,... còn kéo dài nhiều năm sau khi giành độc lập ở một số nước như Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin,...

(Trang 52)

TƯ LIỆU 5. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... “Làm cho dân ngu để dễ trị” đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 107-108)

Bên cạnh những tác động tiêu cực nêu trên, sự thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây cũng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển của một số nước Đông Nam Á về hạ tầng cơ sở, hệ thống luật pháp, hành chính,...

? Em hãy nêu những ảnh hưởng của chế độ thực dân đối với các nước Đông Nam Á. Liên hệ với thực tế ở Việt Nam.

b) Quá trình tái thiết và phát triển

Để thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu sau khi giành độc lập, các nước Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po tiến hành chiến lược công nghiệp hoá từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX, sớm hơn so với các nước còn lại trong khu vực.

Trong giai đoạn đầu, các nước thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra cho nên kinh tế. Trong giai đoạn tiếp theo, các nước Đông Nam Á lần lượt chuyển sang thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, tập trung phát triển khu vực sản xuất hàng hoá xuất khẩu, lấy đó làm động lực chủ yếu để phát triển toàn bộ nền kinh tế,

Các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, tiến hành công nghiệp hoá từ cuối thập kỉ 80 – 90 của thế kỉ XX. Sau khi giành độc lập năm 1984, Bru-nây tiến hành điều chỉnh chính sách nhằm đa dạng hoá nền kinh tế. Mi-an-ma bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế từ cuối năm 1998.

Trải qua quá trình phát triển, bằng những chính sách năng động và linh hoạt, các nước Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt mức cao. Đời sống xã hội có những chuyển biến về căn bản.

Kể từ năm 1967, tốc độ tăng trưởng GDP của các nước Đông Nam Á luôn đạt mức cao (trừ năm 1998, năm đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính châu Á). Từ năm 1999, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 2,5% đến 7,5%, cao hơn so với mức trung bình của thế giới. GDP bình quân đầu người tăng mạnh, trong vòng nửa thế kỉ tăng gấp 33 lần, từ mức 122 USD (1967) tăng lên mức 4 021 USD (2016). Theo Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP đạt khoảng 3.000 tỉ USD (2018).

(Trang 53)

hinh-anh-bai-6-hanh-trinh-di-den-doc-lap-dan-toc-o-dong-nam-a-12340-6

Hình 7. Xin-ga-po, một điển hình thành công của chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu ở Đông Nam Á

? Tóm tắt những nét chính về quá trình tái thiết và phát triển ở Đông Nam Á sau khi giành được độc lập.

LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG

1. Xây dựng trục thời gian về các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc ở khu vực Đông Nam Á theo ý tưởng của em.

2. Nêu nhận xét của em về sự đa dạng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

Sưu tầm tài liệu từ sách, báo và internet, viết một bài (khoảng 500 từ) về quá trình tái thiết và phát triển của một quốc gia Đông Nam Á mà em ấn tượng nhất.

Tin tức mới


Đánh giá

BÀI 6: HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN ĐỘC LẬP DÂN TỘC Ở ĐÔNG NAM Á | Lịch sử | CHỦ ĐỀ 3: QUÁ TRÌNH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch sử

  1. CHỦ ĐỀ 1: CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
  2. CHỦ ĐỀ 2: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
  3. CHỦ ĐỀ 3: QUÁ TRÌNH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
  4. CHỦ ĐỀ 4. CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945)
  5. CHỦ ĐỀ 5: LÀNG XÃ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ
  6. CHỦ ĐẾ 6: MỘT SỐ CUỘC CẢI CÁCH LỚN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858)
  7. CHỦ ĐỂ 7: LỊCH SỬ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.