Nội Dung Chính
(Trang 54)
Học xong bài này, em sẽ:
- Đánh giá được vị trí địa chiến lược của Việt Nam. Phân tích được vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam.
- Xây dựng bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc kháng chiến tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Giải thích được nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi và nguyên nhân không thành công của các cuộc kháng chiến trong lịch sử. Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc kháng chiến tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
- Vận dụng kiến thức đã học, rút ra được những bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhận thức được giá trị của các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
- Có ý thức trân trọng, tự hào về truyền thống đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam và sẵn sàng tham gia đóng góp vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chỉ hữu chủ.
(Theo Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 615)
Lời hịch trên tương truyền là của vua Quang Trung khi tiến quân ra Bắc, đánh đuổi quân Thanh xâm lược (cuối năm 1788). Ý nghĩa của đoạn trích trên là gì? Hãy kể tên một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trong lịch sửViệt Nam mà em biết. Theo em, nguyên nhân nào làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến đó?
(Trang 55)
1. Vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
- Vị trí địa lí chiến lược của Việt Nam
|
Hình 1. Lược đó khu vực Đông Nam Á
Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, giữa châu Á và châu Âu, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, lại giàu có về tài nguyên thiên nhiên,... nên trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với nhiều thế lực ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, đấu tranh chống giặc ngoại xâm là điều kiện tiên quyết, cơ bản đối với sự sinh tồn và phát triển bền vững của đất nước.
TƯ LIỆU 1. Lịch sử chống ngoại xâm vừa thử thách, vừa tôi luyện dân tộc ta. Những cuộc chiến tranh yêu nước đã tạo nên cho dân tộc ta một bản lĩnh kiên cường, một sức sống bền bỉ, mãnh liệt, đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp, tiêu biểu là: lòng yêu nước tha thiết, ý chí độc lập tự chủ mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết keo sơn, chí quật cường bất khuất, trí thông minh sáng tạo,...
(Theo Phan Huy Lê,... Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc,
NXB Hồng Đức, 2019, tr. 15)
(Trang 56)
TƯ LIỆU 2. Lịch sử chống ngoại xâm còn để lại cho dân tộc một di sản vô giá... Hệ thống tri thức quân sự bao gồm nghệ thuật tiến hành chiến tranh giữ nước và nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa tiến lên chiến tranh giải phóng trong điều kiện “lấy đoản chế trường”, “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” và dựa trên cơ sở “cả nước chung sức”, “toàn dân là binh”.
(Theo Phan Huy Lê,... Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc,
Sđd, tr. 16)
? 1. Khai thác lược đồ hình 1 và thông tin liên quan, hãy cho biết vị trí địa lí có ảnh hưởng thế nào đến lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam?
2. Khai thác các tư liệu 1-2, xác định những từ/ cụm từ thể hiện vai trò và ý nghĩa của lịch sử chống ngoại xâm.
3. Phân tích vai trò và ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sửViệt Nam.
2. Khái quát về các cuộc kháng chiến giành thắng lợi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
a) Một số cuộc kháng chiến giành thắng lợi
Bảng tóm tắt về một số cuộc kháng chiến giành thắng lợi tiêu biểu trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
STT | Tên cuộc kháng chiến | Thời gian | Người chỉ huy | Trận quyết chiến |
1 | Kháng chiến chống quân Nam Hán | 938 | Ngô Quyền | Bạch Đằng (Quảng Ninh) |
2 | Kháng chiến chống quân Tống | 981 | Lê Hoàn | Bạch Đằng (Quảng Ninh) |
3 | Kháng chiến chống quân Tống | 1075-1077 | Lý Thường Kiệt | Phòng tuyến Như Nguyệt (Bắc Ninh) |
4 | Kháng chiến chống quân Mông Cổ | 1258 | Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ | Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc), Đông Bộ Đầu (Hà Nội) |
5 | Kháng chiến chống quân Nguyên | 1285 | Trần Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn | Tây Kết, Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương, Thăng Long (Hà Nội) |
6 | Kháng chiến chống quân Nguyên | 1287-1288 | Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn | Vân Đồn – Cửa Lục, -Bạch Đằng (Quảng Ninh) |
7 | Kháng chiến chống quân Xiêm | 1784-1785 | Nguyễn Huệ | Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) |
8 | Kháng chiến chống quân Thanh | 1789 | Quang Trung (Nguyễn Huệ) | Ngọc Hồi - Đống Đa (Hà Nội) |
(Trang 57)
EM CÓ BIẾT
Năm 1637, Giang Văn Minh được vua Lê cử đi sứ sang triều Minh. Trong buổi triều kiến, vua Minh ra về đối: Đồng trụ chỉ kim đài đĩ lục (Đồng trụ đến giờ đã mọc rêu xanh) nhắc đến sự tích cột đồng Mã Viện và thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Giang Văn Minh đã đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ trước máu còn loang đỏ) gợi lại việc ba lần đánh bại quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng của dân tộc ta.
Hình 2. Bạch Đằng dậy sóng (mô hình trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)
Hình 3. Di tích gò Đống Đa (Hà Nội)
? 1. Kể tên và thể hiện trên trục thời gian các cuộc kháng chiến giành thắng lợi tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
2. Hãy nêu nhận xét về các cuộc kháng chiến giành thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
b) Nguyên nhân thắng lợi
- Nguyên nhân chủ quan
Trước hết, đây đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
(Trang 58)
Thứ hai, trong các cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết trên dưới đồng lòng. Đây là sức mạnh quan trọng để nhân dân Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285, nhà Trần đã tổ chức Hội nghị Bình Than (1282), triệu tập vương hầu, quý tộc, tướng lĩnh để bàn kế sách đánh giặc. Sau hội nghị, Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước, cứu mình. Tiếp đó, năm 1285, tại điện Diên Hồng ở kinh thành Thăng Long, khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông hỏi về kế sách đánh giặc, các vị bô lão đều đồng thanh hô lớn: "Đánh!".
EM CÓ BIẾT
Năm 1285, khi quân Nguyên đánh Nội Bàng (thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), thế giặc mạnh, Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về Vạn Kiếp. Bấy giờ, Yết Kiêu đang giữ thuyền ở bến Bài (trên sông Lục Nam, Bắc Giang). Quốc Tuấn dự định rút lui theo đường núi, nhưng Dã Tượng nói: "Yết Kiêu chưa thấy Đại vương, tất chưa chịu rời thuyền. Trần Quốc Tuấn đến bên Bãi, quả nhiên thấy Yết Kiêu vẫn còn chờ
Thứ ba, lãnh đạo chỉ huy các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều là các tướng lĩnh tài năng, mưu lược như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ - Quang Trung....
Thứ tư, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi còn do đường lối quân sự đúng đắn, linh hoạt, độc đáo, sáng tạo.
Trong cuộc kháng chiến chống Tổng giai đoạn thứ nhất (1075), triều Lý đã thực hiện kế sách "tiên phát chế nhân" bằng cách chủ động tập kích Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu (Trung Quốc) nhằm ngăn chặn âm mưu xâm lược của quân Tống.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược, nhà Trần đã thực hiện kế "thanh dã (vườn không, nhà trống) tại Thăng Long khiến cho quân địch làm tình trạng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, buộc phải rút lui.
TƯ LIỆU 3. “Vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt... Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoàn binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của bình pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyển biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được."
(Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 79)
- Nguyên nhân khách quan
Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang là chiến tranh phi nghĩa. Trong chỉ huy chiến trận mắc phải nhiều sai lầm nghiêm trọng.
TƯ LIỆU 4. Khi quân Nam Hán kéo sang, Ngô Quyền đã nhận định: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi....
(Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr. 203)
(Trang 59)
Quân Tống xâm lược Đại Việt trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, bị các nước Liêu, Hạ ở phía bắc uy hiếp, xuất quân khi quân lương không đủ.
Quân Mông – Nguyên hành quân xa, mệt mỏi, lại thiếu lương thực. Hơn nữa, địa hình Đại Việt núi đèo hiểm trở, sông ngòi chằng chịt nên quân giặc không phát huy được sở trường kị binh của chúng.
TƯ LIỆU 5. “Quân Xiêm tham lợi nhỏ chỉ tranh nhau lấy tiền của, không chịu hiệp lực tấn công... Tướng Xiêm không hiểu địa hình, chỉ quen thắng lợi nên liền kéo quân thẳng xuống Mỹ Tho, gặp phục binh của ta chặn đánh, quân Xiêm thua bỏ chạy.
(Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, NXB Văn học, 2002, tr. 35)
? Khai thác các tư liệu 3 – 5 và thông tin trong mục, hãy phân tích nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
3. Một số cuộc kháng chiến không thành công
a) Khái quát về một số cuộc kháng chiến không thành công
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam có một số lần kháng chiến không thành công như: kháng chiến chống quân Triệu của An Dương Vương (179 TCN), kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ (1406 - 1407) và kháng chiến chống thực dân Pháp của triều Nguyễn (1858 – 1884).
Hình 4. Đền Cuông (Nghệ An) thờ An Dương Vương
Sau nhiều lần tấn công Âu Lạc nhưng đều thất bại, Triệu Đà vỡ giảng hoà với An Dương Vương, rồi lập mưu Triều Đà và giảng hoà v cho con trai là Trọng Thuỷ cầu hôn Công chúa Mỵ Châu và ở rể tại thành Cổ Loa để tìm hiểu vũ khí quân sự của Âu Lạc. Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc. Cuộc kháng chiến chống Triệu của An Dương Vương nhanh chóng thất bại.
Cuối năm 1406, nhà Minh huy động một lực lượng quân đội lớn do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy sang xâm lược Đại Ngu. Cuối tháng 1 - 1407, quân Minh chiếm được thành Đa Bang và Đông Đô (Hà Nội). Nhà Hồ phải rút quân về cố thủ ở thành Tây Đô (Thanh Hoá). Đến tháng 6 – 1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại.
Năm 1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Sau đó, Pháp chuyển quân vào đánh chiếm Gia Định, rồi chiếm gọn sáu tỉnh Nam Kì vào năm 1867. Năm 1873, chúng đem quân đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục lún sâu vào con đường thoả hiệp.
(Trang 60)
Năm 1882, Pháp lại đưa quân đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai, sau đó quyết định đánh thẳng vào Huế. Triều đình nhà Nguyễn lần lượt kí với Pháp bản Hiệp ước Hác-măng (1883) và Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884), đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến Việt Nam và sự xác lập nền bảo hộ của Pháp trên toàn bộ đất nước ta.
? Kể tên và giới thiệu nét chính về một số cuộc kháng chiến không thành công trong lịch sử dân tộc.
b) Nguyên nhân kháng chiến không thành công
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc kháng chiến không thành công là do các chính quyền nhà nước không củng cố được khối đoàn kết toàn dân tộc, không nhận được sự ủng hộ của nhân dân và phạm phải một số sai lầm trong lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến.
Tương truyền, An Dương Vương không nghe lời khuyên bảo, can ngăn của các tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán,... làm cho nội bộ bất hoà, nhiều tướng bị giết hại hoặc phải bỏ đi.
Triều Hồ không đoàn kết được toàn dân để kháng chiến, khiến cho: “Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng. Bên cạnh đó, triều Hồ quá chú trọng vào việc xây dựng phòng tuyến quân sự và lực lượng quân đội chính quy nên tự “giam mình” trong thế trận phòng ngự bị động.
Triều Nguyễn không có đường lối kháng chiến đúng đắn, tư tưởng thiên về chủ hoà,... nên không đoàn kết được nhân dân. Trong khi đó, phong trào kháng chiến của nhân dân tuy diễn ra quyết liệt nhưng lẻ tẻ, tự phát, thiếu sự lãnh đạo thống nhất và đường lối lãnh đạo đúng đắn. Trong bối cảnh các nước phương Tây (trong đó có Pháp) phát triển mạnh thì triều Nguyễn lại từ chối cải cách, canh tân để tăng cường sức mạnh đất nước. Do đó, tương quan lực lượng chênh lệch, đặc biệt là về trang bị vũ khí, cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại của triều triều Nguyễn.
? Hãy giải thích nguyên nhân không thành công của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
4. Bài học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam
Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều bài học có giá trị to lớn.
Thứ nhất là bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc.
Thất bại của nhà Hồ, nhà Nguyễn trong kháng chiến chống ngoại xâm đã chứng minh nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến là sức mạnh đoàn kết toàn dân và chiến lược quân sự chiến tranh nhân dân.
(Trang 61)
TƯ LIỆU 6. Suy nghĩ về thất bại của nhà Hồ, Nguyễn Trãi viết:
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt ngầm dưới sông cũng vậy thôi
Thuyền bị lật mới tin rằng dân là như nước
(Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Quan hải tùng thư, dịch nghĩa, NXB Khoa học xã hội, 2020, tr. 222)
Thứ hai là bài học về nghệ thuật đánh giặc giữ nước: đánh lâu dài, phát huy thế mạnh của ta, hạn chế thế mạnh của giặc; rút lui chiến thuật, phản công chiến lược,...
Thứ ba là bài học về kết thúc chiến tranh, vừa nêu cao tính chính nghĩa của một dân tộc yêu chuộng hoà bình, vừa giữ gìn được thắng lợi và nền hoà bình lâu dài cho đất nước.
? Dựa vào hiểu biết của bản thân, kết hợp khai thác Tư liệu 6 và thông tin trong mục, hãy nêu và phân tích một số bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
1. Lập sơ đồ tư duy về một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trước năm 1945 (tên, thời gian, chống lại giặc ngoại xâm, chiến thắng tiêu biểu, kết quả).
2. Kể tên một số vị tướng tài giỏi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Em ấn tượng với vị tướng nào nhất? Vì sao?
1. Theo em, những bài học trong kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc có giá trị như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
2. Dựa vào sách, báo, internet, em hãy sưu tầm tư liệu để xây dựng một bài giới thiệu dưới dạng infographic hoặc sơ đồ tư duy về con người và sự nghiệp của một vị tướng mà em ấn tượng nhất.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn