Nội Dung Chính
Vào giữa thế kỉ XVI, cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan(1) chống lại ách thống trị của Vương quốc Tây Ban Nha đã trở thành cuộc cách mạng tư sản đầu tiên, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử loài người – thời cận đại.
I – TÌNH HÌNH NÊ-ĐÉC-LAN GIỮA THẾ KỈ XVI
1. Sự phát triển kinh tế của Nê-đéc-lan
Vào cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời ở châu Âu. Vùng đất Nê-đéc-lan lúc bấy giờ có nền kinh tế công thương nghiệp mạnh nhất châu Âu. Sản xuất trong các công trường thủ công phát triển, tiêu biểu là các xưởng nấu đường, làm xà phòng ở An-véc-pen ; dệt vải, luyện kim ở Lu-dơ. Nhiều thành thị trở thành trung tâm sản xuất, thương mại lớn như : Lay-đen, U-trếch, Am-xtéc-đam, An-véc-pen. Nhiều ngân hàng được thành lập và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Giai cấp tư sản sớm ra đời, có thế lực về kinh tế như ở Am-xtéc-đam và An-véc-pen. Đồng thời, thợ thủ công và nông dân bị phá sản trở thành công nhân làm thuê trong các công trường thủ công. Tầng lớp thị dân nghèo đông đảo hơn. Xã hội tư bản ở Nê-đéc-lan lúc bấy giờ đã bước đầu hình thành.
Những sự kiện nào chứng tỏ kinh tế của Nê-đéc-lan phát triển ?
(1) Nê-đéc-lan (nghĩa là “vùng đất thấp”) : tên gọi vùng đất bao gồm lãnh thổ hai nước Hà Lan và Bỉ ngày nay.
2. Cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống ách thống trị Tây Ban Nha
Cuối thế kỉ XV, Nê-đéc-lan còn lệ thuộc Áo, đến thế kỉ XVI lại chịu sự thống trị của Vương triều Tây Ban Nha. Hằng năm, nhân dân Nê-đéc-lan phải nộp thuế bằng 2/5 ngân sách chung (mà diện tích của vùng đất này chỉ bằng 6% tổng số diện tích cả Vương quốc). Vua Tây Ban Nha đàn áp những người chống lại đạo Thiên Chúa (xử chém đàn ông, chôn sống hoặc thiêu chết đàn bà, tịch thu tài sản của những người theo “dị giáo”...). Hàng hoá nhập vào Nê-đéc-lan phải chịu thuế rất cao, thương nhân Nê-đéc-lan bị hạn chế buôn bán với các thuộc địa của Tây Ban Nha.
Các tầng lớp nhân dân Nê-đéc-lan nhiều lần nổi dậy chống ách thống trị của Tây Ban Nha. Họ dùng nhiều hình thức đấu tranh như : sử dụng thơ ca để chế giễu, đả kích nhà thờ Thiên Chúa, đập phá tượng Thánh, vũ trang chống chính quyền phong kiến... Tầng lớp quý tộc lập Thoả đức quý tộc, đòi giảm số lượng giám mục, triệu tập hội nghị các đẳng cấp. Giai cấp tư sản cũng lập Thoả đức thương nhân, đòi tự do kinh doanh.
Những nguyên nhân nào dẫn tới cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống chính quyền Tây Ban Nha ?
II – DIỄN BIẾN CỦA CÁCH MẠNG
Cách mạng Hà Lan trải qua 2 giai đoạn :
1. Giai đoạn 1566 - 1572
Tháng 8 – 1566, cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống Tây Ban Nha trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Họ phá nhà thờ Thiên Chúa, lùng bắt các giám mục (gọi là “Phong trào phá tượng Thánh”). Tháng 10 – 1566, phong trào lan rộng ra 12 tỉnh (trong số 27 tỉnh) của Nê-đéc-lan. Chính quyền Tây Ban Nha phải nhượng bộ (các toà án tôn giáo tạm ngừng hoạt động, cho phép đạo Canvanh hành lễ), nhưng vẫn tìm cách đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan.
Tháng 8 – 1567, 18 000 quân Tây Ban Nha được phái sang chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Nê-đéc-lan. Chúng giết hại nhiều người, cướp bóc, đốt phá khắp nơi.
Hình I. V. Ô-ran-giơ (1533_1584)
Quý tộc lớp trên của Nê-đéc-lan, được sự giúp đỡ của nước ngoài, lập một đội quân đánh thuê đưa về nước để lật đổ ách thống trị Tây Ban Nha, song bị đánh tan vào năm 1568.
Tuy vậy, cuộc chiến đấu của nhân dân Nê-đéc-lan vẫn tiếp diễn và thu được nhiều thắng lợi. Tháng 4 – 1572, quân khởi nghĩa giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở miền Bắc. Một số quý tộc tư sản hoá ở Nê-đéc-lan, đứng đầu là Vin-hem Ô-ran-giơ, tham gia quân khởi nghĩa chống Tây Ban Nha và tìm cách giành quyền lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Những sự kiện nào thể hiện thái độ của nhân dân lao động, quý tộc, tư sản Nê-đéc-lan trong cuộc đấu tranh chống chính quyền Tây Ban Nha để giải phóng đất nước ?
2. Giai đoạn 1572 - 1648
Vương triều Tây Ban Nha tiếp tục điều quân sang Nê-đéc-lan để cướp phá, giết hại nhân dân. Tiêu biểu là vụ đốt cháy thành An-véc-pen ngày 4 – 11 – 1576, làm nhiều người chết, một trung tâm thương mại bị phá huỷ.
Nhân dân Nê-đéc-lan thành lập Uỷ ban Quản lí xã hội, gồm đa số đại biểu là tư sản và bình dân, để thống nhất các lực lượng kháng chiến và quy định chế độ thuế. Họ đấu tranh chống khuynh hướng thoả hiệp, đầu hàng của quý tộc và tư sản lớp trên – những người chủ trương tin phục vua Tây Ban Nha.
Ngày 23 – 1 – 1579, đại biểu các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan họp ở U-trếch, tuyên bố thống nhất hệ thống tiền tệ, đo lường, tổ chức quân sự, xác định chính sách đối ngoại. Đạo Canvanh được công nhận là quốc giáo, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Tháng 7 – 1581, vua Tây Ban Nha Phi-líp II với tư cách đồng thời là vua Nê-đéc-lan bị phế truất. Hội nghị Các đẳng cấp của những tỉnh miền Bắc trở thành cơ quan quyền lực tối cao. Trên thực tế, các tỉnh này trở thành một nước cộng hoà với tên gọi chính thức là Các tỉnh Liên hiệp hay Hà Lan (tên một tỉnh có vai trò quan trọng nhất trong Các tỉnh Liên hiệp) và Thủ đô là Am-xtéc-đam.
Việc thành lập Các tỉnh Liên hiệp đánh dấu bước thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài chống sự thống trị của chính quyền phong kiến Tây Ban Nha. Nhưng chính quyền Tây Ban Nha chưa chịu công nhận Hà Lan và cuộc chiến tranh lại tiếp diễn. Năm 1609, Hiệp định đình chiến được kí kết, nhưng mãi đến năm 1648, Tây Ban Nha mới chính thức công nhận nền độc lập của Các tỉnh Liên hiệp.
Trình bày những nét chính về diễn biến của Cách mạng Hà Lan qua các giai đoạn.
III – KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
1. Kết quả
Cách mạng Hà Lan thắng lợi, chế độ thống trị của phong kiến Tây Ban Nha ở Nê-đéc-lan bị lật đổ, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Việc sản xuất trong các ngành nghề dệt len, dệt vải, nhuộm, in, thuỷ tinh và chế tạo kính quang học... được đẩy mạnh. Thương nghiệp phát triển, nhiều tàu thuyền của Các tỉnh Liên hiệp hoạt động nhộn nhịp trong và ngoài nước. Vào đầu thế kỉ XVII, Am-xtéc-đam có đến 10 vạn dân, tiếp nhận hàng nghìn tàu thuyền thường xuyên ra vào cảng, buôn bán với các nước Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ... Các công ti thương mại của Hà Lan như : “Công ti Phương Đông”, “Công ti Đông Ấn”... không chỉ mở rộng việc buôn bán với nhiều nước trên thế giới mà còn tiến hành việc xâm chiếm thuộc địa. In-đô-nê-xi-a trở thành thuộc địa lớn nhất của Hà Lan.
Hình 2. Một góc hải cảng Am-xtéc-đam thế kỉ XVII
2. Ý nghĩa
Cuộc đấu tranh của nhân dân Nê-đéc-lan chống ách thống trị của Vương triều Tây Ban Nha là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới – thời cận đại – với sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến.
Động lực chủ yếu của cách mạng là quần chúng nhân dân (nông dân, thợ thủ công, thị dân nghèo) ; giai cấp tư sản là lực lượng lãnh đạo, chính quyền thuộc về tay giai cấp tư sản liên kết với quý tộc. Tuy mới chỉ giải phóng được các tỉnh miền Bắc, còn duy trì nhiều tàn tích phong kiến, nhưng một quốc gia độc lập đã ra đời và phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Nêu kết quả và hạn chế của Cách mạng Hà Lan.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Quan sát hình 2 và nêu những biểu hiện chứng tỏ sự phát triển kinh tế của hải cảng Am-xtéc-đam vào thế kỉ XVII.
2. Vì sao cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Nê-đéc-lan được xem là cuộc cách mạng tư sản ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Chính quyền Tây Ban Nha đàn áp những người yêu nước Nê-đéc-lan
Bất cứ ai, dù là tư sản, quý tộc hay bình dân ở Nê-đéc-lan, nếu chống lại Cựu giáo là bị tử hình. Đàn ông thì bị chặt đầu hay treo cổ, đàn bà thì bị chôn sống mà không cần xét xử, điều tra ; toàn bộ tài sản bị tịch thu... Tội ác của bọn xâm lược ngày càng chồng chất : “Hội đồng máu” của viên tướng An-va đã xét xử 15 000 người, kết tội 10 000 người, xử chém hơn 1.000 người.
(Theo : Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Hà Lan. Đất nước_Con người_Lịch sử, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội,
H., 1999, tr. 98)
Tuyên bố của Đồng minh U-trếch (1579)
...
– Cơ quan quyền lực cao nhất của Đồng minh là Hội nghị Ba cấp gồm đại biểu các tỉnh, có quyền quyết định những công việc quan trọng như tuyên chiến, đình chiến, kí hoà ước, ban hành pháp luật và chế độ thuế khoá.
– Thống nhất hệ thống tiền tệ, đo lường, tổ chức quân sự và chính sách đối ngoại. – Theo đạo Canvanh, nhưng vẫn đảm bảo cho người dân được tự do tín ngưỡng.
(Theo : Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Lịch sử văn minh nhân loại, NXB Giáo dục, H., 1997, tr. 160 – 161)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn