Bài 37: Sự Chuyển Biến Về Kinh Tế, Xã Hội Và Tư Tưởng Ở Việt Nam Đầu Thế Kỉ XX | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 37


Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam, do cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp và các trào lưu tư tưởng tư sản từ bên ngoài xâm nhập vào, đã đưa tới sự xuất hiện phong trào yêu nước mang tính chất tư sản diễn ra khá rầm rộ ở nước ta trong khoảng hơn 10 năm đầu thế kỉ XX. Phong trào này có nhiều nét mới, tiến bộ hơn hẳn so với phong trào yêu nước trước đó.

1. Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897 _ 1914)

Sau 40 năm xâm lược và bình định nước ta về quân sự, đến năm 1897 thực dân Pháp bắt tay vào khai thác Việt Nam với quy mô lớn – cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.

Để phục vụ đắc lực cho công cuộc khai thác, bóc lột kinh tế, cũng như đàn áp quân sự, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ khá hiện đại ở Việt Nam ; đẩy mạnh khai thác mỏ, mà trước hết là mỏ than, để đưa về nước Pháp, phục vụ cho nền công nghiệp chính quốc hay bán ra thị trường các nước. Chúng tiến hành xây dựng một số nhà máy điện, nước, xi măng, dệt, xay xát gạo... để lợi dụng nguồn lao động dồi dào, rẻ mạt ở nước ta, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của chúng. Ngoài ra, chúng cho xây dựng ở Việt Nam những cơ sở công nghiệp, sản xuất ra các mặt hàng không cạnh tranh được với công nghiệp chính quốc, đưa lại lợi ích cao hơn là từ Pháp chuyển sang.

Thực dân Pháp còn đẩy mạnh việc cướp ruộng đất để lập đồn điền trồng lúa, chè, cà phê, cao su. Nông dân Việt Nam bị mất ruộng ngày càng nhiều lại phải chịu nhiều loại thuế, khổ cực trăm bề.

Chính sách cai trị, khai thác, bóc lột của thực dân Pháp đã làm cho cơ cấu kinh tế ở Việt Nam bước đầu thay đổi, kéo theo sự phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc.

Một bộ phận nhỏ trong giai cấp địa chủ phong kiến trở nên giàu có. Dựa vào thực dân Pháp, họ ra sức chiếm đoạt ruộng đất của làng xã, của nông dân. Tuy vậy, một số địa chủ vừa và nhỏ bị đế quốc chèn ép, ít nhiều có tinh thần chống Pháp.

Nông dân Việt Nam vốn đã thống khổ bởi nạn thuế khoá, địa tô, phu phen, tạp dịch..., lại thêm nạn cướp đất lập đồn điền, lập nhà máy của thực dân Pháp. Bình quân ruộng đất vốn đã thấp nay còn thấp hơn nữa. Ở Bắc Kì, có tới 80% số hộ không có ruộng. Mất đất, người nông dân phải tìm đường ra các thành phố, đến các công trường, hầm mỏ và đồn điền, nhưng chỉ có một số ít kiếm được việc làm.

Nông dân Việt Nam là một lực lượng cách mạng to lớn. Nhưng do thiếu sự lãnh đạo đúng đắn nên họ chưa phát huy đầy đủ sức mạnh của mình.

Một bộ phận nông dân bị phá sản vì đế quốc và địa chủ phong kiến cướp mất ruộng đất, phải bỏ làng xóm ra thành thị, đến nhà máy, đồn điền, hầm mỏ để xin việc làm và trở thành công nhân. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam có khoảng 5 vạn công nhân chuyên nghiệp làm việc trong các cơ sở kinh tế của người Pháp và người Việt. So với dân số cả nước, số lượng công nhân tuy còn ít nhưng lại phân bố đều và rất tập trung trong các cơ sở kinh tế chủ yếu của thực dân Pháp.

Ngay từ đầu thế kỉ XX, đã có một lớp người đứng ra hoạt động công thương nghiệp, kêu gọi mở cửa hiệu buôn bán hoặc lập xưởng sản xuất.

Nhiều hiệu buôn của người Việt ra đời như : Hồng Tân Hưng ở Hà Nội, Triều Dương thương quán ở Vinh, Nam Đồng Hương ở Sài Gòn. Một số công tỉ được thành lập như : công ti dệt lụa và chiếu ở Thái Bình, công ti Liên Thành sản xuất nước mắm ở Phan Thiết...

Đó là những lớp người đầu tiên của tầng lớp tư sản dân tộc. Nhưng ngay từ đầu, họ đã bị thực dân Pháp khống chế, chèn ép nên số lượng nhỏ bé, thế lực yếu ớt.

Tầng lớp tiểu tư sản như : những người buôn bán nhỏ, chủ xưởng nhỏ, viên chức trong các công sở, trí thức, học sinh, sinh viên... cũng ngày một đông cùng với sự mở rộng khai thác của thực dân Pháp.

Các sĩ phu Nho học cũng có nhiều chuyển biến về tư tưởng chính trị. Họ không chỉ đọc các kinh sách Nho giáo mà còn đọc những cuốn sách mới của các tác giả ở châu  u và Trung Quốc, hô hào lập trường học, dạy học theo lối mới, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

– Thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác lần thứ nhất trong hoàn cảnh nào ?

– Cuộc khai thác ấy tác động đến tình hình kinh tế – xã hội ở Việt Nam đầu thế kỉ XX như thế nào ?

2. Ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài vào Việt Nam

Từ những năm cuối cùng của thế kỉ XIX, sang đầu thế kỉ XX, những thông tin về tình hình chính trị thế giới, mà trước hết là từ các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, đã xâm nhập vào Việt Nam.

Phong trào cải cách chính trị – văn hoá ở Trung Quốc, gắn liền với những nhân vật như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, tư tưởng của Cách mạng Pháp với những tác phẩm của Ru-xô, Mông-te-xki-ơ được dịch sang tiếng Hán du nhập vào nước ta, Cách mạng Tân Hợi (1911) nổ ra ở Trung Quốc... đã ảnh hưởng đến tư tưởng của các sĩ phu Việt Nam.

Đặc biệt, Nhật Bản sau 30 năm tiến hành cuộc Duy tân Minh Trị đã trở thành một cường quốc tư bản, đánh bại được cả nước Nga Sa hoàng năm 1905. Sĩ phu Việt Nam đã nhận thấy muốn đất nước phát triển thì phải duy tân theo Nhật Bản. Hơn nữa, Nhật Bản lại được coi là nước “đồng chủng, đồng văn” với Việt Nam, có thể dựa vào Nhật để đánh đuổi Pháp.

Sĩ phu Việt Nam đầu thế kỉ XX nhận thấy duy tân đất nước là một yêu cầu hợp với xu thế và là điều kiện để giành độc lập cho dân tộc :

                             “Phen này cắt tóc đi tu
                             Tụng kinh độc lập ở chùa duy tân”.

(Nguyễn Quyền, Phen này cắt tóc đi tu)

Họ hô hào theo tấm gương Nhật Bản :

                             “Cờ độc lập dựng đầu phất trước
                             Nhật Bản kia là nước đồng văn
                             Á Đông nổi hiệu duy tân
                             Nhật Hoàng Minh Trị anh quân ai bì ?...
                             ... Gương Nhật Bản đất Á Đông
                             Dòng ta, ta phải soi chung kẻo lầm ...”

(Phan Châu Trinh, Tỉnh quốc hồn ca)

– Tại sao đầu thế kỉ XX, các sĩ phu Việt Nam cho rằng việc cứu nước phải gắn liền với duy tân đất nước ?

– Tại sao các sĩ phu Việt Nam lại noi gương Nhật Bản ?

3. Phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản

Trước những chuyển biến về kinh tế – xã hội Việt Nam và ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng tư sản từ bên ngoài dội vào, bộ phận sĩ phu yêu nước đầu thế kỉ XX đã nhận ra rằng công cuộc giải phóng dân tộc phải gắn liền với duy tân và thay đổi chế độ xã hội.

Những người đi tiên phong trong phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX là những sĩ phu tiến bộ mà tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Họ đã mất niềm tin vào chế độ phong kiến, cho phong kiến là sâu mọt, là kẻ đục khoét dân, là thủ phạm làm cho đất nước bị suy yếu rồi mất độc lập. Họ bắt đầu có ý thức về dân chủ, dân quyền, khái niệm “dân” và “nước” gắn liền với nhau.

Trong Hải ngoại huyết thỏ, Phan Bội Châu đã thể hiện rõ sự thống nhất giữa “dân” và “nước”:
                          “Nghìn muôn ức triệu người chung góp
                          Xây dựng nên cơ nghiệp nôớc nhà
                          Người dân ta, của dân ta
                          Dân là dân nước, nước là nước dân”.

Những người cầm ngọn cờ dân tộc đầu thế kỉ XX cho rằng, để khôi phục lại độc lập dân tộc, không chỉ hạn chế trong khởi nghĩa vũ trang như phong trào Cần vương mà cần phải kết hợp nhiều biện pháp như : đoàn kết dân tộc, chuẩn bị thực lực, vận động giúp đỡ từ bên ngoài, tiến hành phong trào cải cách sâu rộng, mà điều cốt yếu là phải nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, làm cho người dân ý thức được quyền của mình.

– Những tác động từ bên ngoài vào Việt Nam đầu thế kỉ XX là gì?

– Bộ phận sĩ phu yêu nước có những nhận thức gì mới về con đường cứu nước trước những chuyển biến đó ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những nét mới về kinh tế, xã hội ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

2. Những tư tưởng chính trị từ Trung Quốc, Nhật Bản đã tác động đến các sĩ phu yêu nước tiến bộ nước ta đầu thế kỉ XX như thế nào ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Khai thác mỏ trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp

Ngành mỏ là ngành được tư bản thực dân Pháp quan tâm vì ngành này nhanh chóng thu được nhiều lợi nhuận. Số giấy phép thăm dò toàn Đông Dương tăng theo từng năm, 1907 : 469 giấy phép, 1908 : 664, 1909 : 859, 1910 : 1251, 1911 : 2370, 1912 : 3070. Tổng sản lượng than khai thác năm 1912 : 415 000 tấn ; 1913 : 500 000 tấn.

Phần lớn số than này được đem bán cho một số nước ở Viễn Đông như Nhật Bản, Trung Quốc ; một phần đưa sang Pháp ; phần còn lại dùng cho công nghiệp Pháp ở Việt Nam.

Ngoài than, nhiều mỏ kim loại cũng được đẩy mạnh khai thác như : mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) ; mỏ kẽm Tràng Đà, Làng Hích, Chợ Đồn, Yên Bình, thuộc các tỉnh Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên ; mỏ đồng ở Vạn Sài (Sơn La) ; mỏ sắt ở Thái Nguyên, Thanh Hoá ; mỏ vàng ở Bảo Lạc (Cao Bằng), Bồng Miêu (Quảng Nam)... Trong các mỏ vàng thì mỏ vàng Bồng Miêu là quan trọng hơn cả ; từ năm 1895 đến 1914, mỗi năm sản xuất được khoảng 100 kg vàng.

(Theo : Đinh Xuân Lâm (Chủ biên)
Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II,
NXB Giáo dục, H., 2000, tr. 118 – 119)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 37: Sự Chuyển Biến Về Kinh Tế, Xã Hội Và Tư Tưởng Ở Việt Nam Đầu Thế Kỉ XX | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.