Bài 17: Trung Quốc | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 17


Sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện (1840 – 1842), lịch sử Trung Quốc chuyển sang một thời kì mới. Đó là thời kì Trung Quốc bị các nước đế quốc Âu – Mĩ đua nhau xâm lược và chia xẻ ; cũng là thời kì nhân dân Trung Quốc anh dũng đấu tranh chống xâm lược, chống phong kiến Mãn Thanh mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911).

1. Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược

Từ thế kỉ XVIII và nhất là sang thế kỉ XIX, các nước tư bản phương Tây tăng cường xâm chiếm thị trường thế giới. Nhiều nước ở châu Á như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mã Lai, Miến Điện... đã trở thành thuộc địa của các nước đế quốc Anh, Hà Lan. Trung Quốc, một nước lớn và đông dân nhất châu Á, giàu tài nguyên khoáng sản, có truyền thống văn hoá lâu đời, cũng đứng trước nguy cơ trở thành “miếng mồi” cho các nước đế quốc phân chia, xâu xé.

Để xâm chiếm Trung Quốc, các nước tư bản phương Tây, trước tiên là Anh, tìm mọi cách đòi chính quyền Mãn Thanh phải “mở cửa”, đòi tự do buôn bán thuốc phiện, món hàng mang lại nhiều lợi nhuận cho giới tư bản.

Nạn thuốc phiện tràn vào Trung Quốc đã phá hoại đời sống xã hội một cách trầm trọng. Nhân dân Trung Quốc hết sức bất bình và kiên quyết chống tệ nạn thuốc phiện đang huỷ hoại đời sống vật chất, tinh thần của họ. Lâm Tắc Từ, Khâm sai đại thần tại Quảng Châu, đại biểu của tầng lớp đại địa chủ có tinh thần dân tộc, đã dựa vào lực lượng của nhân dân, kiên quyết thực hiện chính sách cấm thuốc phiện. Ông ra lệnh cho thương nhân Anh và các nước khác phải nộp hết số thuốc phiện, nếu trái lệnh sẽ nghiêm trị. Đồng thời, ông buộc thương nhân nước ngoài cam kết không bao giờ chở thuốc phiện đến bán ở Trung Quốc. Trước thái độ kiên quyết của Lâm Tắc Từ và sức mạnh của quần chúng nhân dân, thương nhân Anh buộc phải đem nộp toàn bộ số thuốc phiện với hơn 2 vạn hòm và số thuốc phiện đó bị thiêu huỷ suốt 20 ngày đêm trong tiếng reo hò phấn khởi của nhân dân.

Không chịu mất nguồn lợi lớn đó, thực dân Anh và bọn quan lại Mãn Thanh câu kết với nhau. Chính phủ Anh lấy vấn đề thuốc phiện làm cái cớ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Anh gây ra từ tháng 6 – 1840 và kết thúc vào tháng 8 – 1842 gọi là Chiến tranh thuốc phiện. Bị thất bại trong chiến tranh, chính quyền Mãn Thanh phải chấp nhận kí Hiệp ước Nam Kinh với các điều khoản nặng nề theo yêu cầu của thực dân Anh.

Hiệp ước Nam Kinh 1842 quy định : Trung Quốc phải mở 5 cửa biển cho thương nhân Anh vào buôn bán, phải bồi thường chiến tranh cho Anh, phải nhượng cho Anh vùng đất Hồng Công.

hinh-anh-bai-17-trung-quoc-3345-0

Hình 50. Các nước đế quốc xâu xé “cái bánh ngọt” Trung Quốc

Hiệp ước Nam Kinh là hiệp ước đầu hàng của triều đình phong kiến Mãn Thanh, là xiềng xích đầu tiên mà các nước đế quốc tròng vào cổ nhân dân Trung Quốc. Nó đánh dấu mốc mở đầu của quá trình biến Trung Quốc từ một nước phong kiến độc lập dần trở thành một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến.

Sau Chiến tranh thuốc phiện, các nước đế quốc từng bước nhảy vào xâu xé Trung Quốc. Cho đến cuối thế kỉ XIX, Đức xâm chiếm vùng Sơn Đông ; Anh chiếm vùng châu thổ sông Dương Tử (Trường Giang) ; Nga, Nhật Bản chiếm đóng vùng Đông Bắc ; Pháp chiếm vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông...

– Tại sao gọi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Anh vào Trung Quốc là Chiến tranh thuốc phiện ?

– Xác định trên bản đồ Trung Quốc (treo tường) những vùng bị các nước đế quốc chiếm đóng.

2. Phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

Trước sự xâm lược của các nước đế quốc và thái độ thoả hiệp của triều đình Mãn Thanh, từ giữa thế kỉ XIX, nhân dân Trung Quốc liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân, phong kiến.

Cuộc khởi nghĩa Thái bình Thiên quốc dưới sự lãnh đạo của Hồng Tú Toàn, nổ ra ngày 1 – 1 – 1851 ở Kim Điền (Quảng Tây), sau đó phát triển rộng ra nhiều địa phương khác. Đây là phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 14 năm, từ năm 1851 đến năm 1864, đã xây dựng được chính quyền ở Thiên Kinh (tức Nam Kinh) và thi hành nhiều chính sách tiến bộ. Chính sách ruộng đất bình quân, chính sách xã hội, quyền bình đẳng nam nữ lần đầu tiên được đề ra trong lịch sử Trung Quốc.

Ngày 19 – 7 – 1864, được sự giúp đỡ của các nước đế quốc, chính quyền Mãn Thanh đã tấn công Thiên Kinh, đàn áp phong trào. Cuộc khởi nghĩa Thái bình Thiên quốc thất bại.

Cuối thế kỉ XIX, trong bối cảnh các nước đế quốc tăng cường xâu xé Trung Quốc, một số sĩ phu tiến bộ Trung Quốc chủ trương tiến hành cải cách để cứu vãn tình thế. Đó là cuộc vận động Duy tân năm Mậu Tuất (1898) do hai nhà nho yêu nước Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu chủ trương với sự đồng tình, ủng hộ của vua Quang Tự. Phong trào phát triển chủ yếu trong các tầng lớp quan lại, sĩ phu có ý thức tiếp thu tư tưởng tiên tiến nhưng không đi vào nhân dân lao động, không động viên và cũng không muốn dùng lực lượng nhân dân làm hậu thuẫn. Vì vậy, cuộc vận động Duy tân đã nhanh chóng thất bại khi vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của phái thủ cựu trong giai cấp phong kiến do Thái hậu Từ Hi cầm đầu.

Quang Tự sinh năm 1872, lên ngôi năm 1875 khi mới 3 tuổi. Tuy làm vua nhưng chỉ là hư vị, thực quyền đều nằm trong tay Thái hậu Từ Hi – chị ruột của mẹ vua Quang Tự.

Ngày 21 – 9 – 1898, khi phong trào Duy tân mới diễn ra hơn 100 ngày, Thái hậu Từ Hi làm cuộc chính biến, ra lệnh bắt vua Quang Tự, tịch thu ấn tín, bắt và xử tử những người lãnh đạo phái Duy tân. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu phải lánh ra nước ngoài.

Gần như đồng thời với phong trào Duy tân, một cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân chống đế quốc đã diễn ra ở miền Bắc Trung Quốc – phong trào Nghĩa Hoà đoàn.

Bùng nổ ở Sơn Đông, phong trào nhanh chóng lan rộng ra Trực Lệ, Sơn Tây. Lúc đầu, triều đình Mãn Thanh hạ lệnh đàn áp cuộc khởi nghĩa nhưng về sau lại tìm cách lợi dụng phong trào, đẩy cuộc khởi nghĩa đến xung đột vũ trang với đế quốc. Nghĩa quân tấn công các sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh. Lập tức liên quân 8 nước : Anh, Nhật Bản, Đức, Mĩ, Nga, Pháp, Áo – Hung, I-ta-li-a tiến quân vào Bắc Kinh đàn áp phong trào.

Nghĩa Hoà đoàn đã anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược nhưng cuối cùng bị đánh bại vì thiếu sự lãnh đạo thống nhất, thiếu vũ khí. Nhà Mãn Thanh lại một lần nữa đầu hàng đế quốc. Lý Hồng Chương thay mặt cho triều đình kí kết với các nước đế quốc Điều ước Tân Sửu (1901), theo đó Trung Quốc phải trả một số tiền bồi thường chiến tranh khổng lồ và phải để cho các nước đế quốc được quyền đóng quân ở Bắc Kinh. Với Điều ước Tân Sửu, Trung Quốc đã trở thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến.

hinh-anh-bai-17-trung-quoc-3345-1

Hình 51. Lược đồ phong trào Nghĩa Hoà đoàn

Khởi nghĩa Thái bình Thiên quốc, phong trào Duy tân và phong trào Nghĩa Hoà đoàn có ý nghĩa lịch sử gì ? Vì sao các phong trào đó thất bại ?

3. Tôn Trung Sơn và Trung Quốc Đồng minh hội

Sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản vào Trung Quốc, một mặt phá vỡ nền kinh tế thủ công nghiệp ở thành thị và kinh tế gia đình của nông dân, mặt khác lại thúc đẩy công thương nghiệp, kích thích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc. Giai cấp tư sản Trung Quốc ra đời từ cuối thế kỉ XIX và đã lớn mạnh lên rất nhiều vào đầu thế kỉ XX. Họ bị chèn ép, kìm hãm bởi bọn thực dân và triều đình phong kiến Mãn Thanh. Dựa vào các cuộc đấu tranh bền bỉ liên tục của quần chúng nhân dân, giai cấp tư sản Trung Quốc bắt đầu tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chính trị của mình. Tôn Trung Sơn là đại diện ưu tú và là lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Trung Quốc.

hinh-anh-bai-17-trung-quoc-3345-2

Hình 52. Tôn Trung Sơn (1866_1925)

Tôn Trung Sơn sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Quảng Đông. Năm 13 tuổi, ông đến học ở Hô-nô-lu-lu (Ha-oai) vì có người anh buôn bán ở đấy. Sau đó, ông tiếp tục học ở Hồng Công, rồi học y khoa ở Quảng Châu. Ông đã đi nhiều nước trên thế giới, có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng dân chủ  u – Mĩ một cách có hệ thống. Đứng trước nguy cơ của dân tộc ngày càng trầm trọng, ông nhìn thấy rõ sự thối nát của chính quyền Mãn Thanh, sớm nảy nở tư tưởng lật đổ triều Thanh, xây dựng một xã hội mới.

Đầu năm 1905, phong trào đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến của nhân dân Trung Quốc đã lan rộng khắp các tỉnh. Hoa kiều ở nước ngoài cũng nhiệt liệt hưởng ứng phong trào. Trước tình hình đó, Tôn Trung Sơn từ châu  u về Nhật Bản, bàn với những người đứng đầu các tổ chức cách mạng trong nước để thống nhất lực lượng thành một chính đảng. Tháng 8 – 1905, Trung Quốc Đồng minh hội, chính đảng của giai cấp tư sản ra đời.

Tham gia tổ chức này có tiểu tư sản, địa chủ, thân sĩ bất bình với nhà Thanh cùng một số đại biểu công nhân, nông dân, nhưng đông nhất vẫn là trí thức tư sản và tiểu tư sản. Cương lĩnh chính trị của Đồng minh hội dựa trên học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn là : “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Mục tiêu của Hội là đánh đổ Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc (chế độ cộng hoà), thực hiện quyền bình đẳng ruộng đất.

Dưới sự lãnh đạo của Đồng minh hội, phong trào cách mạng Trung Quốc phát triển thêm một bước. Trung Quốc đứng trước một cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Tôn Trung Sơn và nhiều nhà hoạt động cách mạng khác đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

– Theo em, chủ trương, chính sách của Trung Quốc Đồng minh hội có những tiến bộ và hạn chế gì ?

– Nêu nhận xét về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn.

4. Cách mạng Tân Hợi (1911)

Ngày 9 – 5 – 1911, chính quyền Mãn Thanh ra sắc lệnh “Quốc hữu hoá đường sắt” nhưng thực chất là trao quyền kinh doanh đường sắt cho các nước đế quốc, bán rẻ quyền lợi dân tộc. Sự kiện này đã gây nên một làn sóng căm phẫn công khai trong quần chúng nhân dân và trong tầng lớp tư sản, châm ngòi cho một cuộc cách mạng.

hinh-anh-bai-17-trung-quoc-3345-3

Hình 53. Lược đồ Cách mạng Tân Hợi

Ngày 10 – 10 – 1911, Đồng minh hội phát động khởi nghĩa ở Vũ Xương. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng rồi lan rộng ra tất cả các tỉnh miền Nam và miền Trung Trung Quốc.

Cuối tháng 12 – 1911, Quốc dân đại hội (gồm đại biểu các tỉnh nổ ra cách mạng) họp ở Nam Kinh, tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân quốc và bầu Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống, đứng đầu Chính phủ lâm thời. Một Hiến pháp lâm thời được thông qua, công nhận quyền bình đẳng và quyền tự do dân chủ của công dân, nhưng không đề cập đến vấn đề ruộng đất của nông dân như đã được ghi trong Cương lĩnh của Đồng minh hội.

Trước thắng lợi bước đầu của cách mạng, một số người lãnh đạo Đồng Minh hội chủ trương thương lượng với Viên Thế Khải khi đó là Tổng lý Nội các (Thủ tướng), của nhà Thanh. Theo thoả thuận, sau khi ép buộc vua Thanh là Phổ Nghi phải thoái vị, Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức, ra nước ngoài ; Viên Thế Khải đã tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc (3 1912). Cách mạng Tân Hợi trên thực tế đã chấm dứt.

Cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á. Song, cuộc cách mạng này đã không thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến, không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược và không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân.

Dựa trên lược đồ, trình bày diễn biến chính của cuộc Cách mạng Tân Hợi.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu kết quả của Cách mạng Tân Hợi. Vì sao gọi cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng tư sản không triệt để ?

2. Lập bảng thống kê các sự kiện chính trong phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ Chiến tranh thuốc phiện đến Cách mạng Tân Hợi.

3. Hãy nhận xét về phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

PHẦN ĐỌC THÊM

Viên Thế Khải cướp đoạt thành quả cách mạng

Nhà Thanh ngay từ đầu đã phái nhiều tướng lĩnh và hàng vạn quân đi dập tắt cách mạng. Song trước khí thế đang lên của quần chúng, bọn tướng lĩnh bất tài và quân lính bạc nhược của chúng không đem lại kết quả gì. Triều đình Mãn Thanh liền nghĩ đến Viên Thế Khải, một tên quân phiệt có nhiều kinh nghiệm đàn áp, đang dưỡng bệnh ở Hà Nam...

Viên Thế Khải từ lâu đã có âm mưu nắm quyền, nhân cơ hội triều đình Mãn Thanh khủng hoảng, liền buộc nhà Thanh phải cử Viên làm Tổng lí nội các (Thủ tướng Chính phủ).

Viên dùng cách mạng để doạ nạt nhà Thanh và dùng quân sự trong tay để uy hiếp cách mạng. Khi được tin cách mạng sẽ nhường chức Đại Tổng thống, Viên liền tìm mọi cách tấn công vào chính quyền mới thành lập. Bọn phản cách mạng và đế quốc công kích Tôn Trung Sơn, không công nhận Chính phủ cộng hoà, thu hết quan thuế, gây khó khăn về kinh tế cho phái cách mạng...

Vua Thanh buộc phải thoái vị ngày 12 – 2 – 1912. Ngày 13, Viên Thế Khải điện cho Tôn Trung Sơn và Lê Nguyên Hồng biết “công lao” của ông ta, có ý thúc ép Tôn Trung Sơn từ chức Tổng thống. Sau khi tiếp được điện báo của Viên, Tôn Trung Sơn liền từ chức Đại Tổng thống lâm thời. Viên Thế Khải được bầu làm Đại Tổng thống, Lê Nguyên Hồng làm Phó Tổng thống.

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 366 – 367)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 17: Trung Quốc | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.