Bài 28: Nhật Bản Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 28


Nhật Bản là nước thu lợi nhiều trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Qua những năm ổn định ngắn ngủi sau chiến tranh, cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) đã giáng những đòn nặng nề vào nước Nhật. Để tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, giới quân phiệt Nhật Bản tiến hành phát xít hoá bộ máy nhà nước, biến Nhật Bản thành một lò lửa chiến tranh ở châu Á và thế giới.

I – NHẬT BẢN TRONG NHỮNG NĂM 1918 – 1929

1. Những năm đầu sau chiến tranh (1918 _ 1923)

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Trong khi các nước châu Âu trở thành bãi chiến trường thì hàng hoá của Nhật Bản tràn ngập thị trường nhiều nước châu Á. Nhờ những đơn đặt hàng quân sự, sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất nhanh.

Chỉ trong vòng 6 năm (1914 – 1919), sản lượng công nghiệp tăng gấp 5 lần, tổng giá trị xuất khẩu tăng gấp 4 lần, dự trữ vàng và ngoại tệ tăng gấp 6 lần.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế chỉ kéo dài 18 tháng sau khi kết thúc chiến tranh. Đến những năm 1920 – 1921, Nhật Bản lại lâm vào khủng hoảng. Những hậu quả của trận động đất năm 1923 ở Tô-ki-ô và mức tăng dân số quá nhanh đã làm cho tình hình kinh tế càng trở nên khó khăn. Nền kinh tế tụt dốc, nhiều công ti làm ăn thua lỗ, phá sản. Số người thất nghiệp lên tới 12 vạn.

Về nông nghiệp, những tàn dư phong kiến còn tồn tại nặng nề ở nông thôn đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Giá lương thực, thực phẩm, nhất là giá gạo, vô cùng đắt đỏ. Đời sống người lao động không được cải thiện.

Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân bùng lên mạnh mẽ trong những năm sau chiến tranh. Mùa thu năm 1918, quần chúng nhân dân nổi dậy đánh phá các kho thóc, mở đầu cuộc “Bạo động lúa gạo” lan rộng trong cả nước, lôi cuốn khoảng 10 triệu người tham gia. Đồng thời, những cuộc bãi công của công nhân cũng lan rộng ở các trung tâm công nghiệp lớn như Cô-bê, Na-gôi-a, Ô-xa-ca... Chỉ riêng năm 1919, đã có đến 2 388 cuộc bãi công của công nhân. Trên cơ sở sự phát triển của phong trào công nhân, tháng 7 – 1922, Đảng Cộng sản Nhật Bản được thành lập.

Tình hình Nhật Bản trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất như thế nào ?

2. Những năm ổn định 1924 – 1929

Trong những năm 20 của thế kỉ XX, khi nước Mĩ bước vào thời kì phồn vinh thì nước Nhật chỉ đạt được sự ổn định tạm thời. Sau khi khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng những năm 1920 – 1921, đến năm 1926 sản lượng công nghiệp mới phục hồi trở lại và vượt mức trước chiến tranh. Tuy nhiên, nền công nghiệp chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với Mĩ và các nước Tây Âu.

Từ một nước có sức sản xuất và mức xuất khẩu tăng quá nhanh trong chiến tranh, bước vào thập niên 20 của thế kỉ XX, Nhật Bản phải nhập khẩu quá mức do khan hiếm nguyên liệu và nhiên liệu. Những khó khăn này càng tăng lên khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1927 bùng nổ ở Thủ đô Tô-ki-ô. Cũng trong năm này, phần lớn các xí nghiệp công nghiệp chỉ sử dụng từ 20% đến 25% công suất. Số người thất nghiệp tăng mạnh, nông dân bị bần cùng hoá, sức mua của người dân suy giảm làm cho thị trường trong nước ngày càng thu hẹp.

Để đối phó với những khó khăn về kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã thi hành một số cải cách chính trị (như ban hành luật bầu cử phổ thông cho nam giới, cắt giảm ngân sách quốc phòng...) và giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Tuy nhiên, từ năm 1927 Tướng Ta-na-ca – một phần tử quân phiệt – lên nắm chính quyền, đã thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại hiếu chiến.

Chính phủ Ta-na-ca chủ trương dùng vũ lực để bành trướng ra bên ngoài nhằm giải quyết khó khăn trong nước. Cùng với việc quân sự hoá đất nước, Ta-na-ca đã vạch ra kế hoạch chiến tranh toàn cầu dưới hình thức một bản Tấu thỉnh đệ trình lên Thiên hoàng. Theo kế hoạch này, Nhật Bản sẽ đánh chiếm Trung Quốc, sau đó chiếm châu Á và cuối cùng là toàn thế giới. Chính phủ Ta-na-ca đưa quân sang xâm lược Sơn Đông (Trung Quốc) 2 lần (vào các năm 1927 và 1929) nhưng đều bị thất bại.

Tình hình Nhật Bản trong những năm 1918 – 1929 có điểm gì khác so với tình hình nước Mĩ cùng thời gian này ?

II – NHẬT BẢN TRONG NHỮNG NĂM 1929 – 1939

1. Khủng hoảng kinh tế (1929 _ 1933) ở Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đã giáng những đòn nặng nề vào nền kinh tế còn chưa phục hồi của Nhật Bản. Sản xuất công nghiệp giảm sút nhanh chóng. Khủng hoảng xảy ra nghiêm trọng, nhất là trong nông nghiệp. Thị trường trong và ngoài nước của Nhật Bản thu hẹp ở mức độ chưa từng có, sản xuất đình đốn.

So với năm 1929, sản lượng công nghiệp năm 1931 giảm 32,5%, ngoại thương giảm 80%, nông phẩm giảm 1,7 tỉ yên, đồng yên sụt giá nghiêm trọng. Khủng hoảng diễn ra trầm trọng nhất vào năm 1931, gây nên những hậu quả xã hội tai hại : nông dân bị phá sản, mất mùa và đói kém, công nhân thất nghiệp lên tới 3 triệu người. Mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh của những người lao động diễn ra quyết liệt.

Khủng hoảng kinh tế đã đẩy mạnh thêm quá trình tập trung sản xuất, tăng cường quyền lực cho các tập đoàn tư bản lớn, nắm giữ các vị trí then chốt trong nền kinh tế (được gọi theo tiếng Nhật là daibátxði). Các daibátxưi lớn như Mít-su-bi-si, Mít-xưi, Su-mi-tô-mô... kiểm soát các ngành tài chính, khai khoáng, công nghiệp nặng và các lĩnh vực hiện đại khác của nền kinh tế, đồng thời chi phối đời sống chính trị, xã hội ở Nhật Bản.

Nêu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đối với nước Nhật.

hinh-anh-bai-28-nhat-ban-giua-hai-cuoc-chien-tranh-the-gioi-1918-1939-3357-0

Hình 82. Quân đội Nhật chiếm Mãn Châu (9 – 1931)

2. Quá trình quân phiệt hoá bộ máy nhà nước

Để đưa nước Nhật thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, giải quyết những khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá, giới cầm quyền Nhật Bản chủ trương quân phiệt hoá bộ máy nhà nước, gây chiến tranh xâm lược, bành trướng ra bên ngoài.

Khác với Đức – quá trình phát xít hoá diễn ra thông qua sự chuyển đổi từ chế độ dân chủ tư sản đại nghị sang chế độ chuyên chế độc tài phát xít – ở Nhật Bản, do đã có sẵn chế độ chuyên chế Thiên hoàng nên quá trình này diễn ra thông qua việc quân phiệt hoá bộ máy nhà nước và tiến hành chiến tranh xâm lược thuộc địa. Quá trình quân phiệt hoá ở Nhật Bản kéo dài trong những năm 30 của thế kỉ XX là do có những mâu thuẫn và bất đồng giữa phái “sĩ quan trẻ” (được quan chức cấp thấp và tư sản mới ủng hộ) với phái “sĩ quan già” (được quan chức cấp cao và các tập đoàn tư bản lâu đời ủng hộ). Cuộc đấu tranh giữa hai phái diễn ra quyết liệt trong những năm 30 và kết thúc bằng thất bại của phái “sĩ quan trẻ”. Nhưng sau đó, chủ trương nhanh chóng phát động chiến tranh xâm lược của phái “sĩ quan trẻ” được đẩy mạnh. Từ năm 1937, giới cầm quyền Nhật Bản đã chấm dứt cuộc đấu tranh nội bộ, tập trung vào quá trình quân phiệt hoá bộ máy nhà nước.

Cùng với việc quân phiệt hoá bộ máy nhà nước, tăng cường chạy đua vũ trang, giới cầm quyền Nhật Bản đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Từ lâu, Trung Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản. Năm 1931, 82% tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản tập trung vào Trung Quốc, chủ yếu là ở Thượng Hải và Mãn Châu. Tháng 9 – 1931, Nhật Bản đánh chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc và biến toàn bộ vùng đất giàu có này thành thuộc địa. Năm 1933, Nhật Bản dựng lên chính phủ bù nhìn, đưa Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, lên đứng đầu cái gọi là “Mãn Châu quốc”. Sự kiện Mãn Châu chính là ngòi lửa của cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc với quy mô ngày càng rộng lớn, đánh dấu việc hình thành lò lửa chiến tranh ở châu Á và trên thế giới.

Vì sao quân Nhật đánh chiếm Trung Quốc ?

3. Nhân dân Nhật Bản đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt

Trong những năm 1929 – 1939, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt của nhân dân Nhật Bản, mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, đã diễn ra dưới nhiều hình thức. Từ những cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chính sách hiếu chiến, xâm lược của giới cầm quyền đã dẫn đến phong trào thành lập Mặt trận Nhân dân, bao gồm đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia. Cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản đã góp phần làm chậm lại quá trình quân phiệt hoá bộ máy nhà nước ở Nhật Bản.

Từ năm 1929, nhiều cuộc bãi công của công nhân đã bùng nổ ở những khu công nghiệp lớn và trở thành những cuộc chiến đấu chống chính phủ. Giới cầm quyền đàn áp dã man phong trào cách mạng, truy lùng và sát hại các lãnh tụ của Đảng Cộng sản như Oa-ta-na-bê, Y-a-mô-tô-xê-chi...

Vào giữa những năm 30, phong trào thành lập Mặt trận Nhân dân phát triển rộng khắp, tập hợp các tổ chức của công nhân, nông dân, giới trí thức và một bộ phận giai cấp tư sản. Kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện năm 1937, với 37 ghế nghị sĩ thuộc về những người xã hội – dân chủ chống chiến tranh, đã nói lên sức mạnh của phong trào chống chủ nghĩa quân phiệt.

Phong trào này còn lôi cuốn đông đảo binh lính và sĩ quan Nhật tham gia. Năm 1939, đã diễn ra trên 40 cuộc đấu tranh chống chiến tranh của binh sĩ trong quân đội Nhật Bản.

Nhân dân Nhật Bản đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập bảng hệ thống về các giai đoạn phát triển chính của Nhật Bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

2. Vì sao sự ổn định của Nhật Bản những năm 1924 – 1929 chỉ là tạm thời và bấp bênh ?

3. Nêu những đặc điểm của quá trình quân phiệt hoá ở Nhật Bản.

PHẦN ĐỌC THÊM

Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản phát triển. Có thể nói đây là cuộc chiến tranh “tốt nhất” trong lịch sử Nhật Bản, bởi lẽ sự tham gia về quân sự của Nhật vào cuộc chiến thì rất nhỏ, nhưng lợi lộc thu về lại rất lớn... Mĩ và Nhật chia nhau độc chiếm các thị trường châu Á. Từ chỗ nợ nước ngoài 1,1 tỉ yên năm 1914, Nhật trở thành chủ nợ 2,7 tỉ yên năm 1920... Quyền lực của giới tư bản độc quyền ngày càng được tăng cường và củng cố trong bộ máy nhà nước vốn còn mang nhiều tàn tích phong kiến, chính quyền ở Nhật là chính quyền của giai cấp đại tư sản liên minh với giai cấp phong kiến quý tộc. Thiên hoàng lúc này vừa là một địa chủ lớn nhất, vừa là một nhà tư bản kếch sù. Thế lực của giai cấp quý tộc Nhật trong chính quyền còn khá mạnh : các bộ quan trọng như Bộ Hải quân, Bộ Lục quân đặt dưới quyền của Thiên hoàng chứ không thuộc quyền của Nội các ; các Viện Quý tộc, Viện Cơ mật vẫn được duy trì...

(Theo : Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Lịch sử Nhật Bản,
NXB Văn hoá – Thông tin, H., 1997, tr. 136 – 137)

Quân Nhật đánh chiếm Mãn Châu

Trong cuộc họp của các tư lệnh sư đoàn ngày 4 – 8 – 1931, Bộ trưởng Chiến tranh Nhật Bản Mi-a-mi đã tuyên bố rằng cần phải giải quyết “vấn đề Mãn Châu và Mông Cổ” bằng sức mạnh quân sự. Phát biểu này của Mi-a-mi được công bố rộng rãi. Việc lựa chọn thời điểm chiến tranh trong năm 1931 không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên. Các cường quốc tư bản phương Tây, đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Nhật Bản trong vấn đề Trung Quốc, đều đang vướng bận vào cuộc đại khủng hoảng kinh tế (1929 –1933). Còn bản thân Trung Quốc lúc này lại đang diễn ra cuộc nội chiến dữ dội giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản.

Vào lúc 10 giờ tối 18 – 9 – 1931, lực lượng Nhật thuộc đạo quân Quan Đông đã bí mật đánh mìn đoạn đường sắt ở Liễu Điêu Cầu, phía bắc Thẩm Dương, rồi đổ lỗi cho quân đội Trung Quốc, tạo cớ tấn công xâm lược Trung Quốc. Ngay khi được tin này, Chính phủ Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch tuyên bố sẽ cố gắng giải quyết để vụ việc không phát triển thành xung đột lan rộng. Nhưng lực lượng quân Nhật đóng ở Mãn Châu đã không đếm xỉa đến điều này. Sáng 19 – 9 – 1931, cờ Nhật đã kéo lên ở Thẩm Dương.

(Theo : Lê Văn Quang, Lịch sử quan hệ quốc tế 1917 – 1945,
NXB Giáo dục, H., 2001, tr. 114)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 28: Nhật Bản Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.