Nội Dung Chính
Chủ nghĩa xã hội không tưởng không đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân. Phong trào công nhân phát triển, đòi hỏi một lí luận khoa học cách mạng mới. Trong điều kiện ấy, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, do Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen sáng lập.
1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen – những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học
Các Mác sinh ngày 5 – 5 – 1818 trong một gia đình trí thức tiến bộ, ở thành phố Tơ-ri-ơ (Đức). Năm 23 tuổi (1841), Mác đỗ Tiến sĩ với luận án xuất sắc về đề tài triết học cổ đại Hi Lạp.
Hình 36. C. Mác (1818_1883)
Năm 1842, Mác làm cộng tác viên, rồi Tổng biên tập Báo sông Ranh – một tờ báo có xu hướng dẫn chủ tư sản tiến bộ. Dưới sự chỉ đạo của Mác, Báo sông Ranh đã đề cập những vấn đề bức thiết của nước Đức thời bấy giờ : cuộc sống khổ cực của người nông dân, vấn đề thống nhất nước Đức, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Phổ... Vì tính chất tiến bộ, chống chế độ phản động của Phổ nên Báo sông Ranh bị đóng cửa.
Năm 1843, Mác cùng vợ là Gien-ni phải rời Đức sang Pa-ri (Pháp), rồi đến Brúc-xen (Bỉ) và cuối cùng cư trú lâu dài ở Luân Đôn (Anh). Tại Pa-ri, Mác thường xuyên tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng của phong trào công nhân, nghiên cứu lịch sử công nhân Pháp, các tác phẩm triết học duy vật... và tham gia xuất bản tạp chí Biên niên Pháp Đức. Trong những bài viết của mình, Mác đã khẳng định rằng : Giai cấp vô sản được vũ trang bằng lí luận cách mạng là giai cấp sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử giải phóng loài người khỏi mọi sự áp bức bóc lột.
Phri-đrích Ăng-ghen sinh ngày 28 – 11 – 1820, trong một gia đình chủ xưởng ở thành phố Bác-men (Đức). Ông căm ghét chế độ chuyên chế cùng những thủ đoạn làm giàu của giới kinh doanh và sớm tham gia phong trào cách mạng của công nhân.
Trong cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, Ăng-ghen miêu tả cụ thể, sinh động sự bóc lột tàn bạo của giai cấp tư sản đối với công nhân. Từ đó, ông rút ra kết luận : Giai cấp vô sản không chỉ là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản, mà còn là lực lượng có thể đánh đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và tự giải phóng khỏi mọi xiềng xích.
Hình 37. Ph. Ăng-ghen (1820_1895)
Năm 1844, Ăng-ghen sang Pa-ri và gặp Mác. Cuộc gặp gỡ này đã mở đầu tình bạn cảm động và sự cộng tác chặt chẽ giữa hai nhà cách mạng vô sản vĩ đại, những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học.
Trong thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, Mác và Ăng-ghen đã cùng nhau nghiên cứu lí luận và thành lập một tổ chức quốc tế của giai cấp vô sản.
Về lí luận, hai ông xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học, nêu rõ con đường phát triển hợp quy luật của xã hội loài người và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.
Trình bày những nét chính về buổi đầu hoạt động cách mạng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen.
2. Đồng minh những người cộng sản và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Trong những năm sống ở Anh, Mác và Ăng-ghen đã liên hệ với Đồng minh những người chính nghĩa – một tổ chức bí mật của công nhân Tây Âu, được thành lập ở Pa-ri năm 1836, và cải tổ cho phù hợp với mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân. Tháng 6 – 1847, tại đại hội của Đồng minh những người chính nghĩa, một tổ chức mới – Đồng minh những người cộng sản – được thành lập. Đây là tổ chức đầu tiên của giai cấp vô sản quốc tế, nhằm : “đoàn kết vô sản tất cả các nước, để ... lật đổ giai cấp tư sản, xác lập sự thống trị của vô sản, thủ tiêu xã hội tư bản”.
Đại hội lần thứ hai của Đồng minh những người cộng sản họp cuối tháng 11 – đầu tháng 12 – 1847 đã thông qua Điều lệ và giao cho Mác, Ăng-ghen soạn thảo Cương lĩnh, dưới hình thức một bản tuyên ngôn - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bản cương lĩnh trình bày cơ sở lí luận, xác định vai trò của giai cấp vô sản trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh, nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và xây dựng chuyên chính vô sản.
Nội dung cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được trình bày trong 4 chương :
Chương I – Tư sản và vô sản, nêu lên một cách khái quát quy luật phát triển của xã hội tư bản, vạch rõ lợi ích đối lập giữa tư sản, vô sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, đồng thời chỉ ra quy luật phát triển của lịch sử xã hội có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp đối kháng. (Về sau Ph. Ăng-ghen chú thích : lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp).
Chương II – Vô sản và cộng sản, trình bày mối quan hệ giữa những người cộng sản và giai cấp vô sản, vạch rõ tính chất, nhiệm vụ trước mắt, mục đích cuối cùng của Đảng Cộng sản và những biện pháp cách mạng để thực hiện những nhiệm vụ và mục đích ấy.
Chương III – Sách báo xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, phê phán sâu sắc trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa phi vô sản – tư sản và tiểu tư sản. Tuyên ngôn cũng nêu lên những mặt tích cực của chủ nghĩa xã hội không tưởng, đồng thời chỉ rõ những hạn chế của nó.
Chương IV – Quan hệ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập, trình bày những nguyên tắc chiến lược và sách lược của Đảng Cộng sản.
Hình 38. Bìa “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” lần xuất bản đầu tiên (1848)
Tuyên ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi : “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại !”.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, nêu những luận điểm cơ bản về chủ nghĩa xã hội khoa học, thể hiện sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
Tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Như vậy, phong trào công nhân các nước tư bản đã chuyển dần từ tự phát sang tự giác, giai cấp công nhân đã nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình.
– C. Mác và Ph. Ăng-ghen có vai trò như thế nào trong việc thành lập Đồng minh những người cộng sản ?
– Nêu ý nghĩa lịch sử bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
3. Quốc tế thứ nhất
Đến giữa thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đã được xác lập trên phạm vi thế giới. Mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của công nhân và nhân dân lao động trong những năm 1848 – 1849 ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt ở Pháp và Đức.
Cuộc khởi nghĩa tháng 6 – 1848 ở Pháp là “cuộc xung đột đầu tiên giữa hai giai cấp phân chia xã hội hiện nay... Nó nêu ra phương hướng đánh đổ giai cấp tư sản và thiết lập nền chuyên chính vô sản” (C. Mác). Cuộc đấu tranh của công nhân Pháp diễn ra rất quyết liệt (hàng trăm chiến sĩ hi sinh, khoảng 2 000 người bị bắt).
Trong những năm 1848 – 1849, phong trào cách mạng nổ ra ở nhiều bang thuộc Đức : khởi nghĩa tháng 3 – 1848 ở Béc-lin, các cuộc khởi nghĩa ở Xắc-xông, vùng sông Ranh đòi công bố hiến pháp, đấu tranh thống nhất nước Đức.
Các cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động các nước lần lượt thất bại vì nhiều nguyên nhân như : thiếu đoàn kết, chưa có tổ chức thống nhất...
Trong bối cảnh ấy, ngày 28 – 9 – 1864, khoảng 2 000 đại biểu công nhân từ Anh, Pháp, I-ta-li-a, Ba Lan... tổ chức mít tinh lớn tại Luân Đôn, quyết định thành lập Hội Liên hiệp lao động quốc tế (Quốc tế thứ nhất). Mác được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được giao nhiệm vụ dự thảo Tuyên ngôn và Điều lệ của Quốc tế thứ nhất.
Hình 39. Quang cảnh buổi lễ thành lập Quốc tế thứ nhất
Tuyên ngôn nêu nhiệm vụ của giai cấp công nhân là : giành chính quyền cách mạng, xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất, đoàn kết quốc tế, giáo dục những nguyên lí của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Điều lệ quy định kết nạp rộng rãi các tổ chức công nhân lẫn các cá nhân riêng lẻ.
Quốc tế thứ nhất đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng xa lạ với lập trường của giai cấp công nhân, truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác, chủ trương đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm bớt thời gian lao động của phụ nữ và trẻ em... Nó đóng góp nhiều cho phong trào đấu tranh của công nhân (ủng hộ công nhân bãi công, phản đối các chính phủ khủng bố, tàn sát các cuộc đấu tranh của công nhân...).
Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình – đoàn kết, thống nhất lực lượng công nhân quốc tế, truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác, chuẩn bị thành lập các chính đảng công nhân ở châu u và Bắc Mĩ – Quốc tế thứ nhất chính thức tuyên bố giải tán ngày 15 – 7 – 1876.
Quốc tế thứ nhất được thành lập trong điều kiện lịch sử như thế nào ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1.Trình bày sơ lược tiểu sử của C. Mác và Ph. Ăng-ghen.
2. Nêu những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.
3. Quốc tế thứ nhất đóng góp những gì cho phong trào công nhân những năm 60 – 70 của thế kỉ XIX ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Giá trị của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Cuốn sách mỏng đó đáng giá hàng tập sách. Tư tưởng của nó làm sống và làm hoạt động cho tới ngày nay toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu của thế giới văn minh.
(Theo : V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 10, tr. 10, tiếng Nga)
Quốc tế thứ nhất
Đệ nhất quốc tế tuy chỉ đứng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại và tinh thần cách mạng vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới cách mạng thì rất to.
(Theo : Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 283)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn