Bài 3: Chiến Tranh Giành Độc Lập Của Các Thuộc Địa Anh Ở Bắc Mĩ Nửa Sau Thế Kỉ XVIII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 - Bài 3


Vào nửa sau thế kỉ XVIII, một biến động xã hội – chính trị đã diễn ra tại các thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ. Đó là cuộc chiến tranh giành độc lập, nhưng về bản chất là một cuộc cách mạng tư sản.

I – VIỆC DI DÂN ĐẾN BẮC MĨ VÀ CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA ANH

1. Việc xâm chiếm thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ

Từ năm 1603 đến năm 1732, thực dân Anh lần lượt xâm chiếm và lập 13 thuộc địa ở Bắc Mĩ với số dân khoảng 1,3 triệu người.

Vùng Bắc Mĩ vốn là đất của thổ dân In-đi-an. Tổ tiên của họ từ châu Á di cư đến châu Mĩ từ khoảng 35 000 năm đến 12.000 năm trước. Khi người châu Âu đến Bắc Mĩ, người In-đi-an còn đang ở trong chế độ thị tộc.

hinh-anh-bai-3-chien-tranh-gianh-doc-lap-cua-cac-thuoc-dia-anh-o-bac-mi-nua-sau-the-ki-xviii-3331-0

Hình 6. Lược đồ 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ

Trong hai thế kỉ XVII − XVIII, thực dân Anh đã tiêu diệt hoặc dồn đuổi người In-đi-an vào rừng sâu phía tây để chiếm các vùng đất đai phì nhiêu. Họ còn đưa người da đen từ châu Phi sang để khai khẩn đồn điền.

Dựa theo lược đồ trên, xác định vị trí địa lí 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ và trình bày đôi nét về vùng đất này.

2. Chế độ thực dân Anh ở Bắc Mĩ

Các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ đều đặt dưới quyền của vua Anh, song mỗi thuộc địa lại có chế độ cai trị riêng. Các thuộc địa này là nguồn cung cấp nguyên liệu (bông, mía, thuốc lá...) và là thị trường tiêu thụ hàng hoá của chính quốc. Người dân Bắc Mĩ phải tuân theo các đạo luật khắt khe do Chính phủ Anh đề ra.

– Luật hàng hải năm 1651 quy định hàng của thuộc địa đưa về chính quốc hay ngược lại phải được chở bằng tàu Anh.

– Luật về ruộng đất năm 1763 ngăn cấm dân di thực đi về phía tây, đến vùng châu thổ sông Mít-xi-xi-pi.

– Luật đường năm 1764 cấm các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ buôn bán đường và rượu với quần đảo Ăng-ti, không phải là thuộc địa của Anh.

– Luật tem năm 1765 buộc phải dán tem đối với các giấy tờ, tài liệu giao dịch thương mại.

– Luật chè năm 1770 quy định đánh thuế vào chè, đồ uống truyền thống của dân Anh khi đưa đến các cảng thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ.

Kinh tế ở hai miền tuy phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng có điểm khác nhau. Ở miền Bắc, tư sản lập các công trường thủ công. Ở miền Nam, chủ nô lập đồn điền và sử dụng sức lao động nô lệ. Các công trường thủ công sản xuất nhiều mặt hàng, đáp ứng yêu cầu của nhân dân các thuộc địa, cạnh tranh với hàng hoá nhập từ châu  u, chủ yếu là hàng của Anh (sắt, thép, dệt, đóng tàu...). Nông sản ở các đồn điền của chủ nô và trang trại của nông dân Mĩ có thừa để xuất khẩu. Nhiều trung tâm kinh tế hình thành như Bô-xtơn ở miền Bắc và cơ sở công nghiệp luyện kim ở miền Trung.

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Anh đã cản trở sự phát triển của xã hội Bắc Mĩ, gây nên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa nhân dân thuộc địa với chế độ thực dân. Mặc dù phần lớn dân số các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là con cháu người Anh di cư sang, nhưng sau nhiều thế hệ đã dần dần hình thành một dân tộc riêng. Họ đấu tranh để thoát khỏi ách áp bức thuộc địa đang ngăn cản sự phát triển của vùng đất giàu có này.

Hãy nêu chính sách của Anh đối với các thuộc địa ở Bắc Mĩ và kết quả của nó.

II – CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP Ở BẮC MĨ

1. Nguyên cớ và khởi đầu chiến tranh

Sự kiện “chè Bô-xtơn” làm bùng nổ cuộc chiến tranh ở Bắc Mĩ.

Cuối năm 1773, nhân dân cảng Bô-xtơn tấn công 3 tàu chở chè của Anh cập bến và ném các thùng chè xuống biển để phản đối chế độ thuế của thực dân Anh đối với các thuộc địa Bắc Mĩ. Chính phủ Anh ra lệnh phong toả cảng Bô-xtơn, đưa quân chiếm đóng vùng này, làm cho việc buôn bán ngưng trệ, nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.

hinh-anh-bai-3-chien-tranh-gianh-doc-lap-cua-cac-thuoc-dia-anh-o-bac-mi-nua-sau-the-ki-xviii-3331-1

Hình 7. G. Oa-sinh-tơn (1732_1799)

Từ ngày 5 – 9 đến ngày 26 – 10 – 1774, Đại hội lục địa lần thứ nhất, gồm đại biểu nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ, khai mạc tại Phi-la-đen-phi-a. Họ yêu cầu vua Anh bãi bỏ chính sách hạn chế công thương nghiệp ở Bắc Mĩ. Chính quyền Anh không chấp nhận các yêu cầu này mà còn tuyên bố sẽ ra lệnh trừng phạt, nếu nhân dân thuộc địa Bắc Mĩ nổi dậy chống lại nhà vua.

Chính phủ Anh chuẩn bị lực lượng để đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân Bắc Mĩ. Ngày 19 – 4 – 1775, trên đường hành quân, một đội quân Anh lọt vào ổ phục kích của nghĩa quân, 200 binh lính Anh thiệt mạng. Đó là trận Le-xinh-tơn, mở đầu cuộc chiến tranh giữa các thuộc địa Bắc Mĩ và chính quốc. Quân khởi nghĩa chiến đấu rất dũng cảm, song trong giai đoạn đầu chịu nhiều thất bại vì lực lượng còn yếu, tổ chức không chặt chẽ, trong khi quân của Chính phủ Anh đông, được trang bị, huấn luyện đầy đủ và thiện chiến.

Ngày 10 – 5 – 1775, Đại hội lục địa lần thứ hai họp, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Anh, quyết định củng cố lực lượng vũ trang, thành lập “Quân đội thuộc địa”, đặt dưới sự chỉ huy của Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn.

Đến đầu năm 1776, nghĩa quân mới chiếm được Bô-xtơn.

Từ sau sự kiện “chè Bô-xtơn” đến đầu năm 1776, cuộc Chiến tranh giành độc lập diễn ra như thế nào ?

2. Tuyên ngôn Độc lập và việc thành lập Hợp chúng quốc Mĩ

Ngày 4 – 7 – 1776, Đại hội đại biểu của 13 bang đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập(1). Tuyên ngôn khẳng định : Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, không thể tước bỏ. Trong số những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

(1) Về sau, ngày 4 – 7 trở thành ngày Quốc khánh của nước Mĩ

Tuyên ngôn nếu tư tưởng về chủ quyền của nhân dân : Nhân dân có quyền thiết lập bộ máy nhà nước, có thể bãi miễn chính phủ khi không làm tròn nhiệm vụ và lập nên một chính phủ mới sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với hạnh phúc của mình. Tuyên ngôn khẳng định các quốc gia liên minh có thể trở thành quốc gia tự do và độc lập và nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng để bảo đảm cho bản Tuyên ngôn này.

hinh-anh-bai-3-chien-tranh-gianh-doc-lap-cua-cac-thuoc-dia-anh-o-bac-mi-nua-sau-the-ki-xviii-3331-2

Hình 8. Đại hội 13 thuộc địa Anh thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập (4_7_1776)

M.ặc dù còn những hạn chế, nhưng Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử tiến bộ. Lần đầu tiên, các quyền con người và quyền công dân được thừa nhận.

Sau các chiến thắng lớn của quân khởi nghĩa ở Xa-ra-tô-ga (17 – 10 – 1777) và I-oóc-tao (1781), quân Anh suy yếu dần, cuộc chiến tranh chấm dứt. Tháng 9 – 1783, Anh kí Hiệp ước Vécxai, công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mĩ. Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ kết thúc thắng lợi với sự ra đời của một quốc gia mới : Hợp chúng quốc Mĩ (thường gọi là nước Mĩ hay Hoa Kì).

Hiến pháp 1787 được thông qua (về cơ bản còn có hiệu lực đến nay), xác lập thể chế cộng hoà của nước Mĩ.

Theo Hiến pháp, Mĩ là nước Cộng hoà liên bang. Quyền lực của chính quyền trung ương được tăng cường, nhưng các bang vẫn có quyền tự trị rộng rãi. Hiến pháp quy định nguyên tắc phân quyền. Tổng thống nắm quyền hành pháp, là Tổng Tư lệnh quân đội, được bổ nhiệm quan chức... Quyền lập pháp thuộc Quốc hội, gồm Thượng viện (mỗi bang hai đại biểu) và Hạ viện (đại biểu được bầu theo tỉ lệ số dân mỗi bang). Quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Hiến pháp 1787 nêu rõ : chỉ những người có tài sản, có học vấn theo quy định mới có quyền bầu cử. Phụ nữ không được bầu cử. Nô lệ và người In-đi-an không có quyền công dân. Sau này, những điều bổ sung Hiến pháp đã dần dần xoá bỏ những hạn chế về giới tính, màu da ; mọi công dân được quyền bầu cử.

Năm 1789, G. Oa-sinh-tơn được bầu làm Tổng thống đầu tiên của nước Mĩ.

– Trình bày ý nghĩa lịch sử bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mĩ.

– Nêu những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1787.

III – TÍNH CHẤT VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ tuy diễn ra dưới hình thức một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, song thực chất là cuộc cách mạng tư sản, nổ ra ở ngoài châu  u vào buổi đầu thời cận đại. Đây là “cuộc chiến tranh giải phóng thực sự, cách mạng thực sự” (V. I. Lê-nin).

Cuộc cách mạng này đã giải phóng nhân dân các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ khỏi ách thực dân, lập nên một quốc gia mới, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Nó ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh vì độc lập ở nhiều nước khác nổ ra vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX.

Hãy nêu kết quả và ý nghĩa cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Những nguyên nhân nào dẫn đến cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ ?

2. Lập niên biểu về diễn biến cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

3. Vì sao nói : Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ thực chất là một cuộc cách mạng tư sản ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Tuyên ngôn Độc lập ngày 4 _ 7 _ 1776

“... Chúng tôi khẳng định một chân lí hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.”

(Theo: The Declaration of Independence & The Constitution of the United States of America (Tuyên ngôn Độc lập & Hiến pháp Hoa Kì), Embassy of the United States of America, tr.2)

Về cách mệnh Mĩ

“.. Mĩ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay (tính đến năm 1924 – người trích chú thích), nhưng công nông vẫn cứ cực khổ...

Ấy là vì cách mệnh Mĩ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản chưa phải cách mệnh đến nơi”.

(Theo : Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2,
NXB Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 270)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 3: Chiến Tranh Giành Độc Lập Của Các Thuộc Địa Anh Ở Bắc Mĩ Nửa Sau Thế Kỉ XVIII | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.