Nội Dung Chính
Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, các nước tư bản Âu – Mĩ phát triển sang giai đoạn mới với đặc trưng nổi bật nhất là sự xuất hiện các tổ chức độc quyền và việc tăng cường chính sách xâm lược thuộc địa.
1. Sự tiến bộ về khoa học – kĩ thuật và sự phát triển của sức sản xuất
Khoảng 30 năm cuối thế kỉ XIX là thời kì chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Trong thời kì này, nền kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cực kì nhanh chóng, một phần là do chú trọng phát minh khoa học và áp dụng những tiến bộ về khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.
Các phát minh về điện của G. X. Ôm (1789 – 1854) người Đức, M. Pha-ra-đây (1791 – 1867) và G. P. Giun (1818 – 1889) người Anh, E. Kh. Len-xơ (1804 – 1865) người Nga, thuyết electron của Tôm-xơn (Anh), phát hiện về năng lượng hạt nhân của Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri (Pháp), phát minh về tia X của V. Rơn-ghen (1845 – 1923) người Đức, phát hiện định luật tuần hoàn của Men-đê-lê-ép (Nga), thuyết tiến hoá của Đác-uyn (Anh), công trình về sinh lí học của Páp-lốp (Nga)... là những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho việc ứng dụng và đẩy mạnh sản xuất.
Động cơ đốt trong đã được phát minh từ trước, nhưng mãi đến thập niên 90 của thế kỉ XIX, sau khi kĩ sư R. Đi-ê-den người Đức cải tiến, mới được ứng dụng rộng rãi. Động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu lỏng, không cần nồi hơi, so với máy hơi nước tiện lợi hơn nhiều.
Việc sử dụng động cơ đốt trong tạo ra khả năng phát triển cho ngành ô tô và máy bay, đồng thời thúc đẩy ngành khai thác dầu mỏ. Năm 1870, lượng dầu mỏ được khai thác trên toàn thế giới là 80 vạn tấn, đến năm 1900 đã tăng lên 200 triệu tấn. Từ đó, cuộc tranh giành về dầu mỏ giữa các nhà tư bản ngày càng gay gắt.
Những phát minh về điện trước tiên được sử dụng trong ngành điện thoại và điện báo. Năm 1879, Ê-đi-xơn thí nghiệm thành công việc thắp sáng, bóng đèn điện ra đời. Việc chế tạo các loại máy phát điện (đinamô, tuốcbin) và giải quyết khả năng chuyển tải điện đi xa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sản xuất. Những ngành mới xuất hiện : thông tin vô tuyến điện (rađiô), điện ảnh...
Việc sử dụng lò cao Bétxme đã làm tăng sản lượng thép, tạo nên bước chuyển biến quan trọng trong ngành luyện kim, chế tạo máy... Công nghiệp hoá học (ngành công nghiệp mới) đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất hoá chất, dược phẩm, thuốc nhuộm. Năm 1867, A. Nô-ben phát minh ra thuốc nổ. Đến thập niên 80 của thế kỉ XIX, ông cải tiến và chế tạo thành công loại thuốc nổ không khói. Điều đó đã thúc đẩy công nghiệp quân sự phát triển. Các loại vật liệu mới như : nhựa, chất cách điện, sợi nhân tạo... cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng trong các ngành sản xuất.
Giao thông vận tải chuyển biến mạnh mẽ. Tàu hoả được cải tiến, mạng lưới đường sắt mở rộng khắp châu Âu.
Chiều dài đường sắt ở châu Âu năm 1850 là 15 000 km, năm 1875 : 143 000 km, năm 1900 : 283 000 km ; riêng ở Đức và Pháp: 100 000 km. Năm 1890, nước Nga khởi công xây dựng đường sắt xuyên Xi-bia, nhờ đó, hành khách có thể đáp tàu từ Pa-ri đến Vla-đi-vô-xtốc (dài 8 500 km) trong 2 tuần lễ.
Xuất hiện lần đầu vào năm 1886, ô tô nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông quan trọng. Máy bay được thử nghiệm thành công năm 1903. Tàu biển được trang bị mới, trọng tải 30 000 – 40 000 tấn. Công trình kênh đào Xuy-ê và kênh đào Pa-na-ma đã rút ngắn đường vận chuyển trên biển.
Hình 27. Chiếc ô tô đầu tiên (1886)
Hình 28. Chiếc máy bay đầu tiên (1903)
Kênh Xuy-ê dài 130 km, chảy qua Ai Cập, nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải, hoàn thành năm 1869. Kênh Pa-na-ma dài 79,6 km, cắt ngang Trung Mĩ, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, hoàn thành năm 1914.
Hình 29. Đoàn tàu đầu tiên đi qua kênh đào Xuy-ê năm 1869
Việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật cho phép mở rộng sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được sản xuất hàng loạt, được tiêu chuẩn hoá về kích thước, mẫu mã và chất lượng.
Sản lượng nông nghiệp tăng nhanh nhờ việc dùng phân bón hoá học, sử dụng các loại máy kéo, máy cày, máy gặt đập và tổ chức trạm máy bơm trong hệ thống thuỷ nông.
– Sử dụng các kiến thức đã học về Vật lí, Hoá học..., trình bày một số thành tựu về khoa học – kĩ thuật.
– Vì sao đến khoảng năm 1900, mới diễn ra sự cạnh tranh gay gắt về dầu mỏ giữa các nhà tư bản ?
– Trình bày những hiểu biết của em về A. Nô-ben và giải Nôben.
2. Sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản độc quyền
Trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, việc sử dụng những nguồn năng lượng mới cùng những tiến bộ kĩ thuật tạo ra khả năng xây dựng các ngành công nghiệp trên quy mô lớn. Đồng thời, sự cạnh tranh đã làm phá sản nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ, tài sản tập trung dần vào tay các nhà tư bản lớn. Xu hướng tập trung sản xuất, tập trung tư bản đã dẫn đến sự xuất hiện các tổ chức độc quyền như cácten, xanhđica ở Đức và Pháp, tơrớt ở Mĩ.
Ở Pháp và Đức, những nhà công nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng thoả thuận hợp thành cácten, xanhđica. Họ thống nhất về giá bán, khối lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ, điều kiện thuê nhân công, trao đổi bằng sáng chế để giảm bớt cạnh tranh : cácten thiếc, cácten hoá chất, xanhdica than...
Tơrớt ở Mĩ là hình thức tổ chức độc quyền cao, hợp nhất nhiều ngành công nghiệp giống nhau hoặc những ngành khác nhau nhưng cùng thuộc hệ thống sản xuất. Chẳng hạn, tơrớt dầu lửa của Rốc-phe-lơ (Standard Oil Company) bao gồm các cơ sở khai thác dầu, mạng lưới ống dẫn dầu, các nhà máy lọc dầu và hoá dầu, hàng trăm tàu biển, bến cảng ; khống chế thị trường dầu lửa trong nước và thế giới, sau mở rộng sang ngành công nghiệp khí đốt và điện.
Làn sóng công nghiệp hoá tác động mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phân bón hoá học, máy cày, máy kéo, máy gặt đập được sử dụng rộng rãi. Sự chuyên môn hoá sản xuất tạo nên những nguồn hàng hoá nông nghiệp đặc biệt của từng vùng, đẩy mạnh việc buôn bán nông sản, cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài.
Sự tập trung sản xuất, tập trung tư bản làm tăng vai trò của ngân hàng. Lúc đầu, ngân hàng là nơi cho vay, sau trực tiếp đầu tư, tham gia chỉ đạo sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng ở Pa-ri, Luân Đôn, Phran-phuốc, Viên... đầu tư vào đường sắt, khai mỏ, nhà máy, hải cảng. Bên cạnh ngân hàng nhà nước còn có nhiều ngân hàng tư nhân.
Dần dần, trong ngành ngân hàng cũng có sự tập trung, hình thành những ngân hàng lớn. Một vài ngân hàng lớn khống chế mọi hoạt động kinh doanh trong cả nước. Nhiều chủ ngân hàng với số vốn khổng lồ đã nắm luôn cả các cơ sở sản xuất, trực tiếp kinh doanh công nghiệp. Sự dung hợp giữa tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp đã tạo nên tầng lớp tư bản tài chính, trong đó có quyền lực nhất là tầng lớp đầu sỏ tài chính. Họ lập nên các “vương triều” tư bản như “vua dầu lửa” Rốc-phe-lơ, “vua thép” Moóc-gan, “vua ô tô” Pho...
Cùng với việc xuất khẩu hàng hoá, tầng lớp tư bản tài chính đẩy mạnh xuất khẩu tư bản. Họ chuyển vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở các nước thuộc địa, phụ thuộc hoặc cho vay lãi để thu lợi nhuận cao.
Do nguồn lợi thu được quá lớn từ xuất khẩu tư bản (thị trường tiêu thụ mở rộng, nhiều nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt...), các nước đế quốc tăng cường xâm lược thuộc địa, khiến cho sự tranh chấp giữa các nước tư bản ngày càng căng thẳng.
Như vậy, đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, sự xuất hiện các tổ chức độc quyền, sự ra đời của tư bản tài chính, sự tăng cường xuất khẩu tư bản và kéo theo sự tranh giành thuộc địa ngày càng căng thẳng... là những dấu hiệu cơ bản đánh dấu bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do sang chủ nghĩa tư bản độc quyền hay chủ nghĩa đế quốc.
Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các mâu thuẫn giữa người lao động với chủ tư bản, giữa nhân dân các nước thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, giữa đế quốc với đế quốc... càng trở nên sâu sắc, không thể điều hoà. Điều ấy đã dẫn đến chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc cách mạng trong 2 thập niên đầu của thế kỉ XX.
Quá trình xuất hiện chủ nghĩa tư bản độc quyền diễn ra như thế nào ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày những tiến bộ kĩ thuật nổi bật và tác động của chúng đối với sản xuất và đời sống.
2. Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, các nước tư bản Âu – Mĩ có những chuyển biến quan trọng gì ? Trong đó, chuyển biến nào đáng chú ý nhất ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Sự tiến bộ về kĩ thuật thế kỉ XIX
Về mặt kĩ thuật, nét nổi bật là những phát minh về điện. Phát minh của Moóc-xơ (Morse – Mĩ) về điện báo, của Ê-đi-xơn (Thomas Edison – Mĩ) về bóng đèn điện và xây dựng nhà máy điện ; tiếp theo là những phát minh về điện thoại, điện ảnh, vô tuyến điện truyền thanh (radio) và tia X đã đưa nguồn năng lượng mới vào các lĩnh vực của cuộc sống.
Việc sử dụng lò Bétxme và lò Máctanh đánh dấu một bước cách mạng trong ngành luyện kim.
Trong những năm 80 của thế kỉ XIX, những sáng chế ra máy tuốcbin phát điện chạy bằng sức nước và tuốcbin phát điện cùng việc chuyển tải điện đi xa đã tạo những điều kiện rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động vượt bậc và mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất.
Những phát hiện về dầu mỏ ở Mĩ và ở Nga đem lại cho loài người một nguồn nhiên liệu mới ngoài than, sau này được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.
Do những tiến bộ kĩ thuật trên, sản lượng các ngành công nghiệp tăng lên nhanh chóng. So sánh trong khoảng thời gian 1870 – 1900, có thể thấy mức sản xuất thép từ 25 vạn tấn lên 28,6 triệu tấn, dầu mỏ khai thác từ 0,8 triệu tấn lên 20 triệu tấn, chiều dài đường sắt tăng gấp 4 lần.
Cũng nhờ có điện, xăng dầu và động cơ tuốcbin, nhiều phương tiện giao thông mới xuất hiện như ô tô, máy bay, tàu biển, tàu ngầm.
(Theo : Vũ Dương Ninh (Chủ biên),
Lịch sử văn minh thế giới, Sđd, tr. 326)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn