Bài 24: Liên Xô Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội (1921 - 1941) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 Nâng cao - Bài 24


Với Chính sách kinh tế mới (1921 – 1925), nhân dân Xô viết đã hoàn thành khôi phục đất nước sau chiến tranh và bắt đầu triển khai công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bằng việc thực hiện các kế hoạch 5 năm, Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt và trở thành một cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa.

I – CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI VÀ CÔNG CUỘC KHÔI PHỤC KINH TẾ (1921 – 1925)

1. Nước Nga Xô viết sau chiến tranh

Sau khi chiến thắng thù trong, giặc ngoài, năm 1921, nước Nga Xô viết bước vào thời kì hoà bình, xây dựng đất nước trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bốn năm chiến tranh đế quốc và 3 năm nội chiến kéo dài đã để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước. Nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nghiêm trọng, với tổng thiệt hại lên đến 39 tỉ rúp, bằng 1/4 toàn bộ tài sản quốc gia năm 1913.

Bảng thống kê sản lượng một số sản phẩm kinh tế của nước Nga (1913 _ 1923)

Sản phẩm Năm 1913 1921 1923

Ngũ cốc (triệu tấn)

Gang (triệu tấn)

Thép (triệu tấn)

Vải sợi (triệu mét)

Điện (triệu kW/h)

81,63

4,8

5,2

2582,0

1,9

37,6

0,1

0,2

105,0

0,55

56,6

0,3

0,7

691,0

1,1

Bên cạnh những khó khăn về kinh tế là những thách thức nghiêm trọng về chính trị, tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị, đe doạ sự tồn tại của Chính quyền Xô viết.

Các lực lượng phản cách mạng điên cuồng chống phá, liên tiếp gây bạo loạn ở nhiều nơi. Nhiều vùng xảy ra nạn đói trầm trọng do thiếu lương thực. Tình trạng đói kém làm phân tán và suy giảm tinh thần đội ngũ công nhân. Trong nông dân, xuất hiện thái độ bất bình với việc trưng thu lương thực thừa. Cuộc nổi loạn ở pháo đài Crông-xtát (gần Pê-tơ-rô-grát) tháng 3 – 1921, do các thế lực phản cách mạng cầm đầu, đã kích động và lôi kéo thuỷ binh tham gia...

– Nước Nga Xô viết gặp phải những khó khăn gì về kinh tế, chính trị ?

– Nêu nhận xét về tình hình kinh tế nước Nga năm 1921 so với năm 1913 – năm phát triển cao nhất của nước Nga Sa hoàng – qua bảng thống kê trên đây.

2. Chính sách kinh tế mới

Nhằm khắc phục khủng hoảng, nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế, Đại hội lần thứ X Đảng Bônsêvích Nga, tháng 3 – 1921, đã quyết định chuyển từ Chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP) do V. I. Lê-nin đề xướng.

Chính sách kinh tế mới bao gồm các chính sách chủ yếu về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và tiền tệ.

Trong nông nghiệp, Nhà nước thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thuế lương thực. Thuế lương thực nộp bằng hiện vật. Sau khi nộp đủ thuế đã quy định từ trước mùa gieo hạt, nông dân được toàn quyền sử dụng số dư thừa và tự do bán ra thị trường.

Trong công nghiệp, Nhà nước tập trung khôi phục công nghiệp nặng, cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân) dưới sự kiểm soát của Nhà nước, khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Nga. Nhà nước nắm các ngành kinh tế chủ chốt : giao thông vận tải, ngân hàng, ngoại thương... Nhà nước chấn chỉnh việc tổ chức, quản lí sản xuất công nghiệp : phần lớn các xí nghiệp chuyển sang chế độ hạch toán kinh tế, cải tiến chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động.

Trong lĩnh vực thương nghiệp và tiền tệ, tư nhân được tự do buôn bán, trao đổi ; Nhà nước mở lại các chợ, khôi phục và đẩy mạnh mối liên hệ kinh tế giữa thành thị và nông thôn. Năm 1924, Nhà nước phát hành đồng rúp mới thay cho các loại tiền cũ.

Chính sách kinh tế mới đã đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị. Chính sách thuế lương thực làm cho nông dân phấn khởi sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Sản xuất nông nghiệp được phục hồi nhanh chóng, đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân dân và nguồn nông phẩm cho các trung tâm công nghiệp. Trên cơ sở đó, sån xuất công nghiệp và hoạt động thương nghiệp được phục hồi và phát triển. Tình hình chính trị, xã hội dần dần ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

hinh-anh-bai-24-lien-xo-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-1921-1941-3353-0

Hình 67. Một ngân hàng do nhà nước quản lí

Chính sách kinh tế mới thể hiện sự chuyển đổi kịp thời từ nền kinh tế mà Nhà nước nắm độc quyền về mọi mặt sang nền kinh tế với nhiều thành phần và tự do buôn bán, nhưng Nhà nước vẫn nắm các vị trí then chốt để thực hiện vai trò kiểm soát và điều tiết kinh tế. Chính vì thế, Chính sách kinh tế mới đã để lại nhiều kinh nghiệm đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước sau này.

– Vì sao việc thực hiện Chính sách kinh tế mới lại bắt đầu từ nông nghiệp ?

– Dựa vào số liệu năm 1921 và năm 1923 trong bảng thống kê ở mục 1, hãy nêu tác động của Chính sách kinh tế mới đối với nền kinh tế.

3. Sự thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết

Cuối năm 1922, sau khi lãnh thổ Xô viết được hoàn toàn giải phóng, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi các dân tộc phải liên minh chặt chẽ với nhau hơn nhằm tăng cường sức mạnh về mọi mặt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê-nin, Đại hội lần thứ nhất các xô viết toàn Liên bang, diễn ra cuối tháng 12 – 1922, đã tuyên bố thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) gồm 4 nước Cộng hoà Xô viết đầu tiên là Nga, U-crai-na, Bê-lô-rút-xi-a và Ngoại Cáp-ca-dơ(1).

(1) Đến năm 1940, Liên Xô bao gồm 15 nước cộng hoà.

Mặc dù có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, về diện tích và dân số giữa các nước cộng hoà, nhưng tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Lê-nin trong việc thành lập Liên Xô là sự bình đẳng về mọi mặt và quyền tự quyết của các dân tộc, sự giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển vì mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh của tình đoàn kết và sự hợp tác giúp đỡ giữa các dân tộc đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của tất cả các nước cộng hoà.

Đến cuối năm 1925, nhờ sự nỗ lực của các nước cộng hoà, Liên Xô đã hoàn thành về cơ bản công cuộc khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.

Ngày 21 – 1 – 1924, Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết, qua đời. Đó là một tổn thất vô cùng to lớn đối với nhân dân Liên Xô, giai cấp công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người kế tục cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô từ năm 1924 đến năm 1953 là Xta-lin.

– Liên bang Xô viết được thành lập như thế nào ?

– Vai trò của V. I. Lê-nin trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển đất nước sau chiến tranh.

II – CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ (1925 – 1941)

1. Những kế hoạch 5 năm đầu tiên

Sau khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, Liên Xô vẫn chưa ra khỏi tình trạng sản xuất lạc hậu, với nền nông nghiệp chiếm trên 2/3 tổng sản phẩm quốc dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Liên Xô phải thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ có công nhân mà cả nông dân cũng ủng hộ phát triển ngành công nghiệp nặng. Họ quan tâm làm sao có nhiều máy kéo, nhiều ô tô, nhiều máy liên hợp, nhiều phân bón, năng lượng điện và nhờ đó phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống. Những năm đầu sau cách mạng, trong danh mục hàng cần phải mua của nước ngoài có cả cái cuốc, một dụng cụ thông thường mà chỉ cần trong nửa giờ bất kì lò rèn nào ở nông thôn cũng làm được...

Đại hội lần thứ XIV Đảng Bônsêvích (12 – 1925) đã xác định đường lối và nhiệm vụ cơ bản của công cuộc công nghiệp hoá, nhằm biến Liên Xô từ nước nông nghiệp trở thành nước công nghiệp. Trọng tâm của công nghiệp hoá là phát triển công nghiệp nặng, gồm các ngành : công nghiệp chế tạo máy móc và công cụ, công nghiệp năng lượng (điện, than, dầu mỏ...), công nghiệp khai khoáng, công nghiệp quốc phòng.

Trong 2 năm đầu tiên tiến hành công nghiệp hóa (1926 - 1927), Liên Xô đã từng bước giải quyết thành công các vấn đề vốn đầu tư, đào tạo cán bộ kĩ thuật, công nhân lành nghề... và thu được những thành tích quan trọng. Sản xuất công nghiệp chiếm 42% trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ phát triển 18%. Kế hoạch điện khí hoá (GOELRO) do Lê-nin đề ra từ năm 1920 đã được triển khai thắng lợi.

Công cuộc công nghiệp hoá ngày càng mở rộng về quy mô, đòi hỏi phải có những kế hoạch dài hạn, với những mục tiêu cụ thể cho từng thời kì. Đó là những kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928 – 1932) có mục tiêu cơ bản là biến Liên Xô từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp, có khả năng trang bị lại kĩ thuật cho nền kinh tế quốc dân. Trong nông nghiệp, nhiệm vụ cơ bản là tiến hành tập thể hoá, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trước thời hạn 9 tháng là bước mở đầu thắng lợi của việc thực hiện các kế hoạch 5 năm tiếp theo, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp. Sản xuất công nghiệp chiếm 70,7% tổng sản phẩm quốc dân. Công cuộc tập thể hoá nông nghiệp được hoàn thành về cơ bản.

Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1933 – 1937) nhằm tiếp tục công cuộc công nghiệp hoá, hoàn thành việc trang bị cơ sở kĩ thuật hiện đại cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hoàn thành tập thể hoá nông nghiệp trong cả nước. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã hoàn thành trước thời hạn 9 tháng.

hinh-anh-bai-24-lien-xo-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-1921-1941-3353-1

Hình 68. Lược đồ Liên Xô năm 1940

Với khẩu hiệu “Vượt trước thời gian”, hàng triệu người dân Liên Xô đã lao động quên mình để hoàn thành những nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm.

hinh-anh-bai-24-lien-xo-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-1921-1941-3353-2

Hình 69. Nhà máy liên hợp luyện kim Ma-nhi-tô-goóc-xcơ được xây dựng trong những năm 1929 – 1934

Ngày 31 – 8 – 1935, người thợ mỏ A. Xta-kha-nốp đã khai thác được 102 tấn than trong một ca, gấp 14 lần định mức, đạt kỉ lục thế giới về năng suất lao động. Kỉ lục này đã khởi đầu cho phong trào thi đua Xta-kha-nốp lan rộng khắp đất nước.

– Hãy cho biết vì sao để xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Liên Xô phải thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá.

– Các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ hai nhằm đạt những mục tiêu gì ?

2. Những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Qua 2 kế hoạch 5 năm, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Năm 1937, sản lượng công nghiệp chiếm 77,4% tổng sản phẩm quốc dân.

Về nông nghiệp, 93% số nông hộ với trên 90% diện tích canh tác đã được đưa vào nền nông nghiệp tập thể hoá, có quy mô sản xuất lớn và cơ sở vật chất – kĩ thuật được cơ giới hoá.

Bảng thống kê sản lượng một số sản phẩm công nghiệp của Liên Xô (1929 – 1940)

(đơn vị : triệu tấn)

Sản phẩm Năm 1929 1938 1940
Than 40,1 132,9 164,9
Gang 8,0 26,3 14,9
Thép 4,9 18,0 18,4

Bảng thống kê sản lượng một số sản phẩm công nghiệp của Liên Xô, Anh và Pháp năm 1940

nước Ngành Gang (triệu tấn) Thép (triệu tấn) Than (triệu tấn) Điện (triệu kW/giờ)
Liên Xô 14,9 18,4 164,9 39,6
Anh 6,7 10,3 227,0 30,7
Pháp 6,0 16,1 45,5 19,3

hinh-anh-bai-24-lien-xo-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-1921-1941-3353-3

Hình 70. Liên minh công nông _ biểu tượng sức mạnh đoàn kết của Liên bang Xô viết

Về văn hoá, giáo dục, Liên Xô đã thanh toán được nạn mù chữ, xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước và thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các thành phố. Đội ngũ trí thức Xô viết lên tới 10 triệu người vào năm1937.

Cùng với những biến đổi về kinh tế, cơ cấu giai cấp trong xã hội cũng có thay đổi to lớn. Các giai cấp bóc lột bị xoá bỏ, chỉ còn lại hai giai cấp lao động là công nhân và nông dân tập thể cùng tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1937, nhân dân Liên Xô tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba, nhưng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tạm thời bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô cũng phạm một số sai lầm, thiếu sót như : nóng vội, quan liêu, mệnh lệnh, không tôn trọng đầy đủ quy luật phát triển khách quan về kinh tế... Tuy vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trong những năm 1925 – 1941 vẫn đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên những biến đổi về nhiều mặt, có lợi cho nhân dân.

– Qua hai bảng thống kê trên, em có nhận xét gì về thành tựu mà Liên Xô đạt được trong lĩnh vực công nghiệp ?

– Nêu những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô qua hai kế hoạch 5 năm.

3. Quan hệ ngoại giao của Liên Xô

Trung thành với nguyên tắc ngoại giao cùng tồn tại hoà bình, sau Cách mạng tháng Mười, Chính quyền Xô viết đã từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước láng giềng ở châu Á như : I-ran, Thổ Nhĩ Kì, Mông Cổ, Trung Quốc... và châu  u như : E-xtô-ni-a, Lít-va, Lát-vi-a, Phần Lan, Ba Lan... Mặc dù, tồn tại trong vòng vây thù địch của chủ nghĩa tư bản thế giới, Liên Xô đã kiên trì và bền bỉ đấu tranh trong quan hệ quốc tế, nhằm phá vỡ chính sách bao vây, cô lập về kinh tế và ngoại giao của các nước đế quốc.

Bằng những biện pháp đấu tranh kiên quyết và mềm dẻo, chỉ trong vòng 4 năm (1922 – 1925), Liên Xô đã được các cường quốc tư bản như : Đức, Anh, I-ta-li-a, Pháp, Nhật Bản lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Đầu năm 1925, Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hơn 20 quốc gia trên thế giới. Đó là thắng lợi to lớn của nền ngoại giao Xô viết, khẳng định uy tín ngày càng cao của Liên Xô trên trường quốc tế. Đến năm 1933, Mĩ cũng phải thừa nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô.

Từ năm 1922 đến năm 1933, Liên Xô đã đạt được những kết quả gì trong quan hệ ngoại giao ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập bảng so sánh những nội dung chủ yếu của Chính sách cộng sản thời chiến và Chính sách kinh tế mới.

2. Hãy nêu những biến đổi về mọi mặt của Liên Xô sau hai kế hoạch 5 năm đầu tiên.

PHẦN ĐỌC THÊM

Về Chính sách kinh tế mới

Thực chất của Chính sách kinh tế mới... là sự liên minh của giai cấp vô sản với nông dân, là sự liên minh giữa đội tiên phong của giai cấp vô sản với quảng đại quần chúng nông dân.

(Theo : V. I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 44, NXB Tiến bộ,
M., 1978, tr. 395 – 396)

Về các kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội

Các công trường xây dựng mới của các kế hoạch 5 năm đầu tiên đều bắt đầu giống nhau : từ lều bạt, nhà hầm, lán gỗ và những người công nhân với công cụ chủ yếu là xẻng, cuốc chim, xà beng, xe ba gác. Không có những cần cẩu cao, xe ủi công suất lớn và ô tô tự đổ quen thuộc như ngày nay. Nhưng đã có những con người mà trong tay họ những công cụ thô sơ đã trở thành những đòn bẩy mạnh mẽ lật nhào thế giới cũ. Những con người đó đã thực hiện thắng lợi kế hoạch của Lê-nin về điện khí hoá nước Nga. Vượt qua gió lạnh và bão tuyết, trong vòng chưa đầy 5 năm (1928 – 1932) họ đã xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đơ-nhi-ép lớn nhất châu  u lúc đó mà các chuyên gia nước ngoài cho rằng phải mất ít nhất 8 năm mới xây dựng xong. Bằng đôi tay của mình, họ đã xây dựng nên những lò cao của Nhà máy liên hợp luyện kim Ma-nhi-tô-goóc-xcơ, năm 1932 đã sản xuất hàng triệu tấn thép...

Chính quyền Xô viết bắt tay vào việc giải quyết vấn đề giáo dục muộn hơn nhiều so với các nước tư bản phát triển. Ví dụ, ở Mĩ, đạo luật về phổ cập giáo dục được thông qua trong những năm 1852 – 1900, ở Pháp – năm 1882, ở Anh – năm 1870. Nhưng nhịp độ thực hiện đạo luật này ở Nga nhanh hơn nhiều so với bất kì một nước phương Tây nào.

(Theo : A. Nê-na-rô-cốp, Sđd, tr. 353, 354, 361)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 24: Liên Xô Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội (1921 - 1941) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.