Bài 7: Hoàn Thành Cách Mạng Tư Sản Ở Châu Âu Và Mĩ (Giữa Thế Kỉ XIX) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 - Bài 7


Trong các thập niên 50, 60 của thế kỉ XIX, nhiều cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới những hình thức khác nhau ở châu Âu và Bắc Mĩ, đem lại sự toàn thắng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ.

I – CUỘC ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT Ở ĐỨC VÀ I-TA-LI-A

1. Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức

Các phong trào cách mạng những năm giữa thế kỉ XIX ở Đức thất bại, tuy không giải quyết được nhiệm vụ thống nhất đất nước (đang bị chia thành 38 vương quốc lớn nhỏ) nhưng cũng tạo điều kiện cho nền đại công nghiệp phát triển, nhất là ở Vương quốc Phổ (vương quốc lớn mạnh nhất ở Đức lúc bấy giờ). Từ một nước nông nghiệp, Đức dần trở thành một nước công nghiệp. Riêng ở Béc-lin, số lượng công nhân tăng từ 5 vạn lên 18 vạn trong vòng 10 năm (1849 – 1859). Sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa đặt ra một cách cấp thiết nhiệm vụ thống nhất đất nước. Tuy có những bước phát triển đáng kể về mặt tổ chức, giai cấp vô sản Đức chưa thể lãnh đạo quần chúng đấu tranh thống nhất đất nước “từ dưới lên” bằng con đường cách mạng. Mặt khác, từ sau Cách mạng 1848 – 1849, giai cấp tư sản ủng hộ giai cấp địa chủ quân phiệt Phổ, dùng vũ lực để thống nhất đất nước “từ trên xuống”. Năm 1862, Bi-xmác lên làm Thủ tướng Phổ, đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc thống nhất đất nước.

Ôt-tô Phôn Bi-xmác là một địa chủ quý tộc Phổ, một nhà hoạt động chính trị, ngoại giao nổi tiếng. Năm 1862, tại Quốc hội Phổ, Bi-xmác đã tuyên bố : “Những vấn đề lớn của thời đại sẽ được giải quyết không phải bằng diễn văn hoặc bằng số phiếu bầu của đa số, mà bằng sắt và máu”

Quá trình thống nhất Đức được thực hiện thông qua các cuộc chiến tranh. Năm 1864, Phổ gây chiến với Đan Mạch.

Năm 1866, Phổ gây chiến với Áo và giành được thắng lợi. Sau đó, Phổ hoà hoãn với Áo để chuẩn bị chiến tranh chống Pháp. Năm 1867, Liên bang Bắc Đức được thành lập do Phổ đứng đầu.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-0

Hình 20. Ô. P. Bi-xmác (1815_1898)

Liên bang gồm 18 bang ở Bắc Đức và ba thành phố tự do. Quốc hội gồm ba viện, với quyền hành hạn chế. Chủ tịch Liên bang (vua Phổ) có quyền rất lớn. Bi-xmác vừa là Thủ tướng Phổ, vừa là Thủ tướng Liên bang, chỉ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Liên bang.

Liên bang Bắc Đức chỉ là kết quả bước đầu trên con đường thống nhất Đức của Bi-xmác. Song, khi tiến hành sáp nhập với các quốc gia miền Nam, Phổ bị Pháp ngăn cản vì Pháp không muốn có một quốc gia thống nhất, hùng mạnh bên cạnh. Pháp đã lôi kéo các nước Nam Đức chống lại Phổ. Bằng thắng lợi trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870 – 1871), Bi-xmác đã hoàn thành việc thống nhất đất nước.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-1

Hình 21. Lược đồ quá trình thống nhất Đức

Cuộc đấu tranh thống nhất Đức được thực hiện “từ trên xuống”. Nó mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ hơn. Nước Đức thống nhất dần dần bị quân phiệt hoá theo kiểu Phổ và trở thành một trung tâm gây chiến ở châu Âu, lò lửa của hai cuộc chiến tranh thế giới sau này.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-2

Hình 22. Lễ đăng quang Hoàng đế nước Đức thống nhất tại Phòng Giơng _ Cung điện Véc-xai (Pháp) ngày 18 _1_1871

2. Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a

Sau năm 1815, I-ta-li-a bị chia xẻ thành 7 nước lớn, nhỏ theo chế độ quân chủ chuyên chế và phần lớn phụ thuộc đế quốc Áo. Nhân dân I-ta-li-a nhiều lần đấu tranh chống ách thống trị phong kiến và sự đô hộ của Áo để thống nhất đất nước. Năm 1848, một cuộc cách mạng tư sản đã nổ ra trên bán đảo I-ta-li-a. Công nhân và dân nghèo thành thị, dưới sự lãnh đạo của phái tư sản cách mạng, đã nổi dậy đấu tranh. Nhưng cách mạng đã thất bại vì so sánh lực lượng giữa phản cách mạng và cách mạng quá chênh lệch, vì thiếu một trung tâm chỉ đạo phong trào.

Khoảng 10 năm sau Cách mạng 1848, chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển mạnh ở các xứ miền Bắc I-ta-li-a, đặc biệt ở Vương quốc Pi-ê-môn-tê. Vấn đề thống nhất đất nước lại được đặt ra. Giai cấp tư sản I-ta-li-a hướng về Pi-ê-môn-tê, nơi có chế độ chính trị và kinh tế tiến bộ hơn cả.

Bá tước Ca-vua, Thủ tướng Pi-ê-môn-tê, từ khi lên cầm quyền chủ trương mở mang kinh tế và xây dựng quân đội. Đại diện cho quý tộc tư sản hoá và tầng lớp đại tư sản, Ca-vua cũng có tham vọng thống nhất I-ta-li-a “từ trên xuống”, lập ra một nhà nước quân chủ lập hiến dưới quyền vua Pi-ê-môn-tê.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-3

Hình 23. G. Ga-ri-ban-đi (1807_1882)

Từ tháng 4 – 1859, Ca-vua liên minh với Pháp để tiến hành chiến tranh với Áo, giành lại chủ quyền, thống nhất một số vùng miền Bắc và miền Trung I-ta-li-a. Tháng 4 – 1860, cuộc khởi nghĩa của nhân dân đảo Xi-xi-li-a (Nam I-ta-li-a) bùng nổ nhằm lật đổ ách thống trị của Áo và thống nhất đất nước. Theo thoả thuận với Ca-vua, Ga-ri-ban-đi đem quân xuống giúp nhân dân Nam I-ta-li-a. “Đội quân áo đỏ” hơn 1 000 người do Ga-ri-ban-đi chỉ huy, đã vượt biển, đổ bộ lên đảo Xi-xi-li-a.

Giu-xép-pe Ga-ri-ban-đi xuất thân trong một gia đình thuỷ thủ. Năm 1833, ông gia nhập tổ chức “Nước I-ta-li-a trẻ”, tham gia khởi nghĩa chống Áo, rồi sang Nam Mĩ, trở thành chiến sĩ quốc tế đấu tranh vì quyền dân chủ. Năm 1848, Ga-ri-ban-đi về nước, tổ chức “Đội quân áo đỏ” tập hợp hàng nghìn người, tiến hành đấu tranh chống chế độ thống trị của Áo và ách phong kiến nhằm thống nhất đất nước.

Nhân dân miền Nam I-ta-li-a đón chào Ga-ri-ban-đi. Chỉ trong 2 ngày, 4 000 người đã tình nguyện xin gia nhập “Đội quân áo đỏ”. Cuối tháng 5 – 1860, đạo quân Ga-ri- ban-đi giải phóng đảo Xi-xi-li-a. Tháng 8, quân cách mạng lại vượt biển tiến vào Na-pô-li (thủ phủ của Vương quốc Nam I-ta-li-a), giải phóng Nam I-ta-li-a.

Chính quyền mới được thành lập do Ga-ri-ban-đi làm Chấp chính, ban hành những chính sách dân chủ : chia ruộng đất cho nông dân, bãi bỏ đặc quyền phong kiến.

Nhưng quần chúng không được hưởng thành quả đấu tranh của mình. Trước sức ép của Ca-vua, tháng 10 – 1860 Ga-ri-ban-đi thoả thuận cho sáp nhập Nam I-ta-li-a vào Pi-ê-môn-tê. Phong trào nông dân khởi nghĩa bị dập tắt.

Tiếp đó, Pi-ê-môn-tê tuyên bố thành lập Vương quốc I-ta-li-a, nhưng nước I-ta-li-a chưa được thống nhất hoàn toàn. Vê-nê-xi-a (thuộc Áo) và Rô-ma (đất của Giáo hoàng, dưới sự bảo hộ của Pháp) chưa được giải phóng. Năm 1866, liên minh với Phổ chống Áo, I-ta-li-a giải phóng được Vê-nê-xi-a ; thu hồi Rô-ma sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870 – 1871). Từ đó, Rô-ma trở thành Thủ đô của nước I-ta-li-a thống nhất.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-4

Hình 24. Lược đồ tiến trình thống nhất I-ta-li-a

Việc thống nhất I-ta-li-a đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản. Nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp thống nhất đất nước nhưng chính quyền lại rơi vào tay tư sản và quý tộc tư sản hoá.

– Tại sao những cuộc đấu tranh thống nhất ở Đức và ở I-ta-li-a có ý nghĩa như những cuộc cách mạng tư sản

– Hãy so sánh con đường thống nhất Đức và thống nhất I-ta-li-a.

II – NỘI CHIẾN Ở MĨ (1861 – 1865) VÀ CẢI CÁCH NÔNG NÔ Ở NGA (1861)

1. Nội chiến ở Mĩ

Năm 1783, cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ kết thúc thắng lợi, nước Mĩ ra đời gồm 13 bang. Song, nhiều nhiệm vụ của một cuộc cách mạng chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại của nước Mĩ tiếp tục phát triển là một yêu cầu của xã hội Mĩ bấy giờ.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-5

Hình 25. Nước Mĩ giữa thế kỉ XIX

Sau chiến tranh giành độc lập, nước Mĩ đã mở rộng về phía tây, đến giữa thế kỉ XIX có 30 bang. Kinh tế phát triển nhanh chóng, dần dần nước Mĩ chia làm ba miền đất với cơ cấu kinh tế – xã hội khác nhau :

– Miền Bắc là vùng công nghiệp phát triển, hai giai cấp chính trong xã hội là tư sản và công nhân.

– Miền Nam là nơi kinh tế đồn điền chiếm ưu thế, chủ nô sử dụng nhân công nô lệ da đen ngày càng nhiều.

– Miền Tây là vùng nông nghiệp của chủ trại.

Với nhiều điều kiện thuận lợi, miền Bắc nước Mĩ tiến hành cách mạng công nghiệp, đưa nước Mĩ vươn lên đứng hàng thứ tư trong số các nước công nghiệp trên thế giới.

hinh-anh-bai-7-hoan-thanh-cach-mang-tu-san-o-chau-au-va-mi-giua-the-ki-xix-3335-6

Hình 26. A. Lin-côn (1809_1865)

Ở miền Nam, kinh tế đồn điền phát triển với các nghề trồng bông, thuốc lá, mía... dựa trên sự bóc lột lao động nô lệ da đen. Giới chủ nô đã làm giàu nhanh chóng, thế lực ngày càng mạnh. Tính đến năm 1860, chủ nô đã đưa 11 người của mình lên làm Tổng thống (trong số 16 Tổng thống Mĩ).

Sự duy trì chế độ nô lệ đồn điền ở miền Nam đã cản trở sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Mĩ. Do vậy, mẫu thuẫn giữa tư sản miền Bắc và chủ nô miền Nam ngày càng trở nên gay gắt. Phong trào đấu tranh đòi thủ tiêu chế độ nô lệ đã thu hút đông đảo tư sản, cộng nhân, chủ trại, nô lệ da đen tham gia.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nội chiến là cuộc bầu cử Tổng thống năm 1860. Lin-côn, người thuộc Đảng Cộng hoà (đảng của khối tư sản công nghiệp và chủ trại), đã trúng cử Tổng thống.

A-bra-ham Lin-côn sinh ra trong một gia đình chủ trại nghèo ở Ken-tấc-ki. Hồi trẻ, ông làm nhiều nghề để sinh sống, tranh thủ thời gian học luật và trở thành luật sư. Năm 1848, Lin-côn được bầu làm đại biểu Quốc hội. Ông chủ trương xoá bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam, lập trang trại ở các vùng đất mới khai khẩn tại miền Tây.

Thất bại trong cuộc tuyển cử, mất ưu thế trong chính quyền, giới chủ nô kịch liệt chống đối ; 11 bang miền Nam tuyên bố tách khỏi Liên bang, thành lập Hiệp bang riêng(1).

Ngày 12 – 4 – 1861, giới chủ nô gây ra cuộc nội chiến, hòng duy trì chế độ nô lệ đang có nguy cơ bị sụp đổ. Giữa năm 1862, Tổng thống Lin-côn kí sắc lệnh cấp đất ở miền Tây cho dân di cư để phát triển trang trại. Ngày 1 – 1 – 1863, Tổng thống ban hành sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ. Hàng vạn nô lệ được giải phóng, gia nhập quân đội Chính phủ Liên bang. Chiến tranh kéo dài 4 năm, từ tháng 4 – 1861 đến tháng 4 – 1865. Ngày 9 – 4 – 1865, trước nguy cơ thảm bại, tướng Tổng chỉ huy quân đội miền Nam phải đầu hàng, nội chiến kết thúc.

(1) Vì vậy, cuộc Nội chiến ở Mĩ được gọi là Chiến tranh li khai.

Nội chiến ở Mĩ là cuộc chiến tranh giữa các lực lượng tiến bộ, do giai cấp tư sản miền Bắc lãnh đạo, chống lại giới chủ nô muốn duy trì chế độ nô lệ ở miền Nam. Quần chúng nhân dân bao gồm chủ trại, người da đen và các tầng lớp lao động khác đã tham gia tích cực, quyết định cho sự thắng lợi. Cuộc nội chiến có ý nghĩa như một cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai, sau Chiến tranh giành độc lập. Song, trong cuộc nội chiến, Chính phủ Liên bang tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ nhưng không giải phóng hoàn toàn cho người lao động da đen. Không có ruộng đất, họ lại phải đi làm thuê, hoặc đi ở. Chế độ phân biệt chủng tộc luôn luôn đe doạ cuộc sống của họ.

Nguyên nhân và kết quả của cuộc Nội chiến ở Mĩ.

2. Cải cách nông nô ở Nga

Nửa đầu thế kỉ XIX, Nga là nước phong kiến lạc hậu so với các nước tư bản phương Tây, cũng là nước duy nhất ở lục địa châu  u không bị ảnh hưởng của Cách mạng 1848.

Đến giữa thế kỉ XIX, Nga vẫn là một nước nông nghiệp, quan hệ phong kiến – nông nô chiếm địa vị thống trị. Hầu hết ruộng đất trong tay quý tộc địa chủ và nhà nước chuyên chế. Nông dân, phần lớn là nông nô, phải lao động cưỡng bức với năng suất rất thấp. Công nghiệp không thể phát triển vì thiếu nhân công tự do và thị trường trong nước bị bó hẹp.

Trong khi đó, từ cuối thế kỉ XVIII, công trường thủ công đã phát triển. Đến giữa thế kỉ XIX, ở Nga có gần 2 800 công trường thủ công, với khoảng 86 vạn công nhân.

Công nghiệp cơ khí cũng bắt đầu phát triển nhưng bị chế độ nông nô kìm hãm. Nga còn lạc hậu hơn trong việc chế tạo máy móc, sản xuất nhiên liệu và giao thông vận tải (năm 1861, nước Nga rộng lớn chỉ có 1 500 km đường sắt).

Về chính trị, Nga hoàng tăng cường quyền thống trị chuyên chế ở Nga.

Trong khi mâu thuẫn giai cấp hết sức gay gắt, nước Nga lại lao vào cuộc chiến tranh ở vùng Crưm (với Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kì từ năm 1853 đến năm 1856), càng làm bộc lộ tình trạng lạc hậu về mọi mặt của nước Nga và làm cho quần chúng thêm căm thù chế độ phong kiến – nông nô. Từ năm 1858 đến năm 1860, ở Nga đã bùng nổ hơn 300 cuộc đấu tranh của nông nô chống địa chủ.

Trước sức ép của phong trào nông nô, yêu cầu cải cách chế độ được đặt ra một cách bức thiết nhằm phát triển kinh tế và xã hội.

Sau một thời gian do dự, Nga hoàng A-lếch-xan-đrơ II quyết định tiến hành cải cách. Ngày 19 – 2 – 1861, Nga hoàng kí sắc luật giải phóng những nông dân lệ thuộc địa chủ và ra bản Tuyên ngôn về việc xoá bỏ chế độ nông nô.

Nông nô được thừa nhận quyền tự do thân thể, sau khi nộp tiền chuộc, có quyền tư hữu, được tham gia các hoạt động công thương, được kí kết giao kèo với người khác.

Việc giải phóng nông nô làm tăng nguồn cung cấp nhân công, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sức sản xuất. Nhưng trong thực tế, những quyền lợi của nông nô bị hạn chế khá nhiều vì họ không thể có đủ tiền ngay để trả tiền chuộc cho địa chủ. Tuy vậy, đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nước Nga.

Sau khi chế độ nông nô bị thủ tiêu, chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển khá nhanh, trước tiên là trong công nghiệp, do dựa vào đầu tư của nước ngoài và nguồn nhân công rẻ mạt.

Cuộc Cải cách nông nô ở Nga diễn ra như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao có thể xem cuộc Nội chiến ở Mĩ (1861 – 1865) là cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai ?

2. Tại sao nói : Cải cách nông nô ở Nga mang ý nghĩa một cuộc cách mạng tư sản ?

3. Vì sao phong trào cách mạng tư sản ở Đức, I-ta-li-a, Nga, Mĩ diễn ra dưới những hình thúc khác nhau ?

PHẦN ĐỌC THÊM

Cuộc đấu tranh của người da đen ở Mĩ

Trong cuộc đấu tranh tự giải phóng có tới 18 vạn người da đen đứng về phía Liên bang chống lại quân đội Hiệp bang miền Nam. Trong thời gian chiến tranh, đã có tới 5 vạn nô lệ da đen bỏ trốn để thoát khỏi chế độ nô lệ, hoặc tham gia chiến đấu tích cực chống lại chủ nô. Những binh sĩ da đen hi sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng lên tới 37 vạn người. Công cuộc giải phóng nô lệ đã động viên cao độ lòng dũng cảm hi sinh và năng lực của người da đen. Có nhiều người trong số họ đã trở thành sĩ quan chỉ huy.

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, NXB Giáo dục, H., 2001, tr. 194)

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 7: Hoàn Thành Cách Mạng Tư Sản Ở Châu Âu Và Mĩ (Giữa Thế Kỉ XIX) | Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

  1. Phần 1 - Chương 1: Các Cuộc Cách Mạng Tư Sản (Từ Giữa Thế Kỉ XVI Đến Cuối Thế Kỉ XVIII)
  2. Phần 1 - Chương 2: Các Nước Âu - Mĩ (Đầu Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  3. Phần 1 - Chương 3: Phong Trào Công Nhân (Từ Đầu Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  4. Phần 1 - Chương 4: Các Nước Châu Á (Từ Giữa Thế Kỉ XIX Đến Đầu Thế Kỉ XX)
  5. Phần 1 - Chương 5: Các Nước Châu Phi, Mĩ Latinh Thời Cận Đại
  6. Phần 1 - Chương 6: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  7. Phần 2 - Chương 7: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Liên Xô (1921 - 1941)
  8. Phần 2 - Chương 8: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  9. Phần 2 - Chương 9: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  10. Phần 2 - Chương 10:  Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  11. Phần 3 - Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  12. Phần 3 - Chương 2: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.