Nội Dung Chính
Đầu thế kỉ XX, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Những hoạt động của Người trong những năm 1911 – 1918 là sự khởi đầu cho một khuynh hướng cứu nước mới ở Việt Nam.
1. Phong trào công nhân Việt Nam từ đầu đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong quá trình khai thác của tư bản Pháp trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nguồn gốc chủ yếu của giai cấp công nhân là từ nông dân bị phá sản.
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, công nhân Việt Nam có khoảng 10 vạn người, trong số đó có khoảng 5 vạn công nhân chuyên nghiệp ở các cơ sở công nghiệp, đồn điền, thương mại. Trong những năm chiến tranh, công nhân Việt Nam phát triển thêm về số lượng.
Công nhân Việt Nam ra đời đã tiếp thu được truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của dân tộc ; sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, bị tư bản Pháp áp bức bóc lột nặng nề, giá lao động rẻ mạt, đời sống khó khăn nên đã sớm đấu tranh chống lại tư bản Pháp – kẻ thù của giai cấp mình, đồng thời là kẻ thù của dân tộc.
Trước Chiến tranh, ở Việt Nam đã diễn ra 61 cuộc đấu tranh của công nhân(1) với các hình thức : bỏ việc, phá giao kèo, đánh lại bọn cai kí, đưa đơn yêu cầu, tham gia khởi nghĩa, bãi công... Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của toàn bộ công nhân viên chức hãng Liên hiệp thương mại Đông Dương ở Hà Nội, tháng 5 – 1909 ; cuộc bãi công của công nhân xưởng sửa chữa tàu Ba Son, năm 1912 ; công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) bỏ việc ra đi tập thể, tháng 7 – 1914.
Trong chiến tranh, các cuộc đấu tranh của công nhân tiếp tục diễn ra. Tháng 2 – 1916, nữ công nhân nhà máy sàng Kế Bào đã nghỉ việc để phản đối bị cúp phạt lương. Năm 1917, công nhân mỏ than Phấn Mễ và Na Lương tham gia khởi nghĩa do Đội Cấn lãnh đạo. Năm 1918, 700 công nhân mỏ than Hà Tu đốt nhà tên Bang Sâm hống hách, thường hay doạ nạt, đánh đập công nhân.
Phong trào công nhân Việt Nam trước và trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất là sự tiếp nối của phong trào công nhân từ đầu thế kỉ XX. Tuy còn hoàn toàn mang tính chất tự phát, song đây là phong trào đấu tranh của một lực lượng xã hội mới, đang trưởng thành nhanh chóng ở Việt Nam.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, công nhân Việt Nam bắt đầu tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và chuyển dần sang đấu tranh tự giác.
Tại sao ngay từ khi ra đời, công nhân Việt Nam đã đấu tranh chống lại tư bản Pháp ?
2. Hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ năm 1911 đến năm 1918
Nguyễn Tất Thành, hồi nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, năm 1901 đổi là Nguyễn Tất Thành, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước và lớn lên ở một quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Từ rất sớm, Nguyễn Tất Thành đã có chí “đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”(2). Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các nhà yêu nước khác ở đầu thế kỉ XX, nhưng không đi theo con đường của họ vì Người đã nhìn thấy sự bế tắc của các con đường cứu nước đó.
(1) Một số vấn đề về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, NXB Lao động, H., 1974, tr. 202.
(2) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị Quốc gia, H., 1994, tr. 12.
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế. Trong thời gian học ở trường Tiểu học Pháp – Việt và trường Quốc học Huế, được tiếp xúc với nền văn minh Pháp, với những khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Người rất muốn sang Pháp tìm hiểu xem những gì ẩn náu đằng sau những từ ấy.
Sau khi tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên – Huế (5 – 1908), Nguyễn Tất Thành bí mật lên đường vào Nam. Trên đường đi, Người đã dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) – trường học do một số nhà nho yêu nước lập ra. Đầu năm 1911, Người vào Sài Gòn tìm cơ hội đi ra nước ngoài để “xem xét họ làm như thế nào”), rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc.
Hình 130. Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỉ XX
Ngày 5 – 6 – 1911, trên chiếc tàu buôn Pháp mang tên Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, với quyết tâm “tôi sẽ làm việc, tôi sẽ làm tất cả việc gì để sống và để đi”. Tháng 7 – 1911, Người đến cảng Mác-xây, sau đó qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mĩ, châu u. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mĩ, Anh và Pháp.
Với những chuyến đi, những cuộc khảo sát đó, lòng yêu nước ở Nguyễn Tất Thành có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc bị áp bức.
Cũng qua đó, sự nhận biết của Người về diện mạo kẻ thù trở nên sâu sắc hơn, không chỉ đối với thực dân Pháp, mà cả chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc
(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 13.
nói chung. Trên cơ sở đó, Người rút ra một số kết luận cơ bản : ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác ; ở đâu người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề, và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người : giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi : tình hữu ái vô sản”(1) .
Đầu tháng 12 –1917, Nguyễn Tất Thành rời Luân Đôn (Thủ đô nước Anh) về Pa-ri (Thủ đô của nước Pháp) hoạt động.
Ở Pháp, Nguyễn Tất Thành hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước của Việt kiều và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp. Các phong trào đó đang phát triển mạnh dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga. Người nhanh chóng trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Hội người Việt Nam yêu nước ở Pa-ri. Người kết bạn với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội và văn hoá có uy tín của Pháp.
Những nhận thức và hoạt động của Nguyễn Tất Thành tuy mới bước đầu, nhưng rất đúng hướng, là điều kiện cần thiết để sau Chiến tranh thế giới thứ nhất Người đến với chủ nghĩa Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Dùng bản đồ thế giới, trình bày cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Những hình thức đấu tranh của công nhân Việt Nam từ đầu đến năm 1918 là gì ?
2. Trong hoàn cảnh nào Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ?
3. Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có gì khác với những người đi trước ?
PHẦN ĐỌC THÊM
Bến cảng Nhà Rồng những năm đầu thế kỉ XX
Lúc anh Thành đến Sài Gòn, bến cảng ở đây có ba cầu tàu. Nối với thành phố là chiếc “cầu quay”, hằng ngày quy định giờ cho ghe thuyền và người đi bộ qua cầu(2). Trước cảng có ngôi nhà lầu của sở đại lí hàng hải của Pháp. Nhà lầu xây theo kiểu Âu – Á hỗn hợp, trên nóc đắp hai con rồng uốn lượn chầu vào hình mặt trăng, nên thời ấy nhân dân quen gọi là “cảng Nhà Rồng”. Sau cảng là cánh đồng sình lầy, thông với sông Sài Gòn. Các gia đình nghèo ở sáu tỉnh Nam Kì đang tập trung về cảng tìm việc làm thuê kiếm sống.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 266.
(2) Cầu được xây dựng từ năm 1903, đến năm 1906 hoàn thành.
Xứ Nam Kì đang chìm ngập trong chính sách mở rộng khai thác tài nguyên của thực dân Pháp. Các tàu biển mang cờ hiệu nước ngoài đậu dày trong cảng. Thuyền buồm vào ra tấp nập. Cảng Nhà Rồng đang mở thêm cầu tàu, dựng thêm kho. Các thứ tài nguyên của Nam Kì đang ùn ùn đổ về cảng để chở ra nước ngoài. Trong thành phố, các hiệu buôn, khách sạn, tiệm nhảy, quán trà, quán cà phê... mọc lên ở nhiều nơi. Khắp các nẻo đường những tấm biển, những tờ quảng cáo hàng của hiệu buôn vẽ hình, kẻ chữ đủ kiểu. Cảnh tượng này khác hẳn với thành phố Huế, thị xã Vinh và các thị trấn ở xứ Trung Kì mà anh Thành đã sống và đi qua.
(Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh,
Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ,
NXB Sự thật, H., 1985, tr. 70)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn